Luật phải ngăn được kiểu quảng cáo “nói bừa, phóng đại”

25/09/2024 - 06:19

PNO - Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng, sau khi bổ sung, sửa đổi, Luật Quảng cáo phải ngăn chặn được tình trạng quảng cáo quá đà, không đúng sự thật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Không quảng cáo khi chưa dùng sản phẩm

Sáng 24/9, trong phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, dự kiến trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV tới đây.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, các quy định về quảng cáo trong luật đã khá đầy đủ nhưng trên thực tế, vẫn diễn ra tình trạng quảng cáo không đúng sự thật, quảng cáo quá đà trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là điều cần quan tâm nhất khi sửa đổi, bổ sung luật.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Công tác đại biểu, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cũng bức xúc về tình trạng diễn viên, người mẫu, ca sĩ quảng cáo sản phẩm nhưng không nắm rõ chất lượng, gây bức xúc trong cộng đồng.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - thông tin, dự thảo luật có quy định: nội dung quảng cáo phải trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm; trường hợp quảng cáo có kèm ghi chú, khuyến cáo thì phần ghi chú, khuyến cáo phải được thể hiện rõ ràng, đầy đủ, dễ tiếp cận. Dự thảo luật cũng quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quảng cáo sản phẩm.

Cụ thể, người quảng cáo có trách nhiệm cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo... Người quảng cáo phải thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình thực hiện quảng cáo. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội, họ đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thanh Hải băn khoăn về cơ chế để kiểm soát những điều này, nhất là khi có một số sản phẩm không có tác dụng ngay mà cần dùng nhiều lần, cần thời gian dài. Bên cạnh đó, việc quy định riêng với các sản phẩm về sức khỏe và mỹ phẩm có thể tạo ra lỗ hổng để những người quảng cáo các sản phẩm khác lợi dụng, chẳng hạn làm video chuyên giới thiệu khách sạn, nhà hàng cũng là hình thức quảng cáo, cũng đòi hỏi tính trung thực khi giới thiệu sản phẩm.

Báo cáo thẩm tra dự thảo luật, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, cần tiếp tục rà soát, có hướng dẫn cụ thể về cách thức, hình thức để người quảng cáo thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo. Dự thảo luật cũng chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận khi người quảng cáo “đã trực tiếp sử dụng sản phẩm” cũng như biện pháp chế tài. Ông đề nghị phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng và có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng trên mạng.

Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng, sau khi được bổ sung, sửa đổi, Luật Quảng cáo phải ngăn chặn được tình trạng quảng cáo  quá đà, không đúng sự thật
Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng, sau khi được bổ sung, sửa đổi, Luật Quảng cáo phải ngăn chặn được tình trạng quảng cáo quá đà, không đúng sự thật

Băn khoăn về thời gian hiển thị quảng cáo

Tán thành việc bổ sung, sửa đổi quy định về thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên mạng nhưng ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần đánh giá tác động, lý giải một cách khách quan, thuyết phục về việc điều chỉnh thời gian này lên gấp 4 lần (từ 1,5 giây theo quy định hiện hành lên 6 giây). Bà Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, thời gian chờ tắt, mở quảng cáo lên 6 giây là quá lâu, chỉ nên tối đa 5 giây. Bên cạnh đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc tăng số lần quảng cáo trên truyền hình.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đặt câu hỏi: “Thời gian tắt, mở quảng cáo 1,5 giây đã gây bức xúc rồi, sao lại tăng lên 6 giây?”. Đồng tình với bà Nguyễn Thanh Hải, ông đề nghị xem xét số lần quảng cáo trong phim truyền hình bởi lâu nay, cử tri phàn nàn nhiều về phim chiếu trong “giờ vàng”, rằng “xem phim thì ít, xem quảng cáo thì nhiều”.

Làm rõ nội dung này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phân tích, quảng cáo pop-up buộc người xem phải xem hết mới tiếp cận được nội dung, nhưng đây chỉ là một trong nhiều cách quảng cáo. Một số loại quảng cáo hiển thị nhưng không che toàn bộ màn hình, một số loại khi trượt qua nội dung thì thấy quảng cáo.

Quảng cáo kiểu pop-up gây khó chịu nhất, nhưng việc để thời gian hiển thị 6 giây như trong dự thảo là nhằm đảm bảo thời gian quảng cáo trên báo chí ngang bằng với các nền tảng truyền thông khác. Chẳng hạn, YouTube cũng đang để thời gian hiển thị quảng cáo 6 giây.

Ông cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cùng ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp nhưng muốn giảm thời gian tắt, mở quảng cáo thì phải giảm đồng bộ, công bằng cả trên các nền tảng truyền thông đa quốc gia.

Ông Vũ Hồng Thanh nêu băn khoăn về vấn đề thu thuế từ quảng cáo trên các nền tảng truyền thông đa quốc gia như TikTok, YouTube, Facebook… khi mà các nền tảng này đặt trụ sở ở nước ngoài. Dự thảo luật cần có quy định về quy trình, thủ tục xử lý khi có quảng cáo phát sinh doanh thu trên các nền tảng trên. Ông Nguyễn Thanh Lâm đồng tình, cho rằng cần quan tâm quản lý việc quảng cáo trên các nền tảng truyền thông đa quốc gia để tránh thất thu thuế.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI