Luật như đùa từ Mã Pì Lèng đến Đà Lạt

25/12/2020 - 10:59

PNO - Dường như đã thành một tiền lệ đáng sợ: những công trình sai phạm xuất hiện, bị phát hiện, bị xử phạt và... tiếp tục tồn tại như một sự đã rồi.

Từ miền Bắc

Nhà hàng Panorama - công trình từng khiến dư luận bức xúc vì “phá hỏng cảnh quan thiên nhiên” đèo Mã Pì Lèng, cao nguyên đá Đồng Văn - sau một năm, với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, vẫn đứng sừng sững như một sự thách thức luật lệ.

Công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) bề thế hơn sau một năm bị phát hiện sai phạm và bị buộc phải xử lý - Ảnh: TPO
Công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) bề thế hơn sau một năm bị phát hiện sai phạm và bị buộc phải xử lý - Ảnh: TPO

Còn nhớ, tháng 10 năm ngoái, khi hình ảnh tòa nhà được ví như cái gai bê tông xuất hiện trên mạng xã hội, rất nhiều người đã bày tỏ sự phẫn nộ, cho rằng danh thắng Mã Pì Lèng đã bị xâm phạm. Đối chiếu với các quy định và xác nhận của cơ quan chức năng thì nhà hàng này nằm trong khu vực hạn chế xây dựng mới, chỉ được xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, hạ tầng xã hội thiết yếu và dù có được xây thì chiều cao các công trình cũng chỉ được phép từ 1 đến 3 tầng, trong khi Panorama có hơn 6 tầng. Quan trọng hơn, mảnh đất xây dựng nhà hàng là đất trồng cây hàng năm, không phải đất thổ cư; công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư và cũng chưa có giấy phép xây dựng.

Với chừng ấy sai phạm, lẽ ra tòa nhà này phải bị phá bỏ và chủ nhân của nó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vậy mà sau nhiều cuộc họp giữa các bên, yêu cầu, nhắc nhở... Panorama thậm chí còn bề thế hơn trước - cao hơn một tầng thay vì phải gọt bớt một tầng.

Lẽ nào cả Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa lẫn Sở Xây dựng Hà Giang đều bất lực trước cái gai bê tông ở Mã Pì Lèng? Hôm 24/12, sau khi báo chí phản ánh về sự bành trướng của Panorama, Cục Di sản văn hóa đã... ra công văn đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Giang cung cấp thông tin. Rồi đây tòa nhà này có tiếp tục ngự ở đó không, ngự như thế nào, thật khó để nói trước.

Dường như đã thành một tiền lệ đáng sợ: những công trình sai phạm xuất hiện, bị phát hiện, bị xử phạt và... tiếp tục tồn tại như một sự đã rồi.

Lên Tây Nguyên

Nếu có dịp đến thăm Đà Lạt, ghé danh thắng quốc gia Thung lũng tình yêu, bạn sẽ thấy ở đó một chiếc cầu đáy kính khổng lồ cao hơn 20m và dài hơn 220m, cắt ngang rừng. Công trình này bắt đầu xây dựng từ năm 2019 khi chưa có giấy phép, từng bị xử phạt, yêu cầu dừng thi công, thậm chí từng bị ấn định thời gian sẽ cưỡng chế tháo dỡ.

Chiếc cầu đáy kính khổng lồ “xây chui” ở Đà Lạt, xâm phạm danh thắng quốc gia Thung lũng tình yêu có thể sẽ được hợp thức hóa - Ảnh: TPO
Chiếc cầu đáy kính khổng lồ “xây chui” ở Đà Lạt, xâm phạm danh thắng quốc gia Thung lũng tình yêu, có thể sẽ được hợp thức hóa để tồn tại như sự đã rồi - Ảnh: TPO

Thực tế thì đến tận hôm nay, chiếc cầu vẫn hiên ngang ở đó như bỡn cợt tất cả những ai yêu mến Đà Lạt, bởi theo Công ty Thành Thành Công và UBND TP. Đà Lạt thì “công trình sử dụng kỹ thuật xây dựng, công nghệ nước ngoài” nên “cần đội ngũ thi công, giám sát trình độ cao để thực hiện”.

Điều đáng nói là, thay vì tìm đội ngũ thi công trình độ cao để tháo bỏ cây cầu xâm phạm danh thắng cấp quốc gia, xây dựng trái phép, UBND tỉnh Lâm Đồng đã gửi công văn cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhằm điều chỉnh quy hoạch Thung lũng tình yêu và bổ sung cây cầu trái phép này vào quy hoạch. Cái sai đã không được ngăn chặn từ sớm dù một chiếc cầu khổng lồ không phải là cây kim và một danh thắng cấp quốc gia không phải là mảnh vườn nhà để bảo rằng không biết, không thấy.

Khi một sai phạm được hợp thức hóa, nhiều sai phạm sẽ đến. Khi một địa phương chấp nhận thỏa hiệp với cái sai, nhiều địa phương khác sẽ có thể bước theo. Cái hại, chỉ có thiên nhiên, người dân và sự nghiêm minh của pháp luật phải chịu.

Nếu vụ việc Panorama ở Hà Giang không được xử lý triệt để, nếu chiếc cầu đáy kính ở Đà Lạt được hợp pháp hóa, điều chắc chắn là người dân sẽ mất lòng tin vào kỷ cương, phép nước và những vụ vi phạm xây dựng, xâm hại tài nguyên quốc gia sẽ chẳng thể kết thúc.

Vĩ thanh

Ở thiên niên kỷ thứ 3, khi văn minh nhân loại đã tiến đến cấp độ cao, con người đã nhận ra chỉ có cách sống nương nhờ thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên mới là giải pháp căn cơ, bền vững. Những danh thắng, di tích được bảo vệ nghiêm ngặt nhằm giữ lại cho mai sau, du lịch sinh thái, học hỏi được chú trọng.

Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, đâu đó vẫn sót lại loại tư duy mông muội - tàn phá tự nhiên để thỏa mãn những sở thích nhất thời. Trào lưu chụp ảnh “check-in”, sống ảo đã tạo ra những con người sẵn sàng phá rừng, bạt núi làm khách sạn, khu vui chơi với cảnh quan giả tạo, những homestay mang vài tiểu cảnh vô hồn và những con người hào phóng chi tiền cho các tiện nghi phù phiếm ấy.

Có cầu có cung, có thỏa hiệp thì có mất mát. Rồi đây, thay vì trầm trồ trước núi non hùng vĩ, ta sẽ hài lòng với dăm hòn giả sơn, vài bụi cây, khóm hoa chắp vá. Thay vì tận hưởng cái dịu mát từ thiên nhiên, ta buộc phải bật máy lạnh để trốn cơn bức bối. Âu cũng là cái giá phải trả.

Phạm Thành Nhân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Paul Lu 25-12-2020 19:11:43

    Lúc xây dựng không xử lý, bây giờ xây xong giải toả thì lãnh phí của cải xã hội. Nếu xử lý thì phải xử lý kỷ luật những người quản lý của địa phương và xử phạt tiền chủ đầu tư ngang giá trị công trình xây dựng để răn đe! Cần phải có những điều luật và chế tài phù hợp với thực tế khách quan!

  • Hai 25-12-2020 13:06:29

    Nhớ cách đây hơn 30 năm, ở thập niên 90 thế kỷ trước, chúng ta đã có nhiều đợt hợp thức hoá cho xe lỡ mua (xe miên, biển số lăng quăng), nhiều căn nhà, khu phố lỡ xây ở Bình Chánh, … TPHCM, … với lý do … tiếc của, … vì đất nước còn nghèo. Giờ đến Mã Pì Lèng, Đà Lạt, … như bài viết đề cập. Thiết nghĩ, việc gì, cái gì không đúng, sai luật thì phải hủy ngay, dù giá trị vật chất (tiền) của nó có lớn cỡ nào đi nữa, không được có ngoại lệ, thì mới dám mong dẹp được tình trạng vi phạm pháp luật được, lúc đó kỷ cương, phép nước mới gọi là tối thượng được. Cám ơn tác giả bài viết!

  • Kim Thanh 25-12-2020 12:38:07

    Bài viết quá xuất sắc, thể hiện tầm vóc của Nhà báo Phạm Thành Nhân - cây bút xuất sắc nhất của báo Phụ Nữ.
    Rất mong được đọc thêm nhiều bài viết của tác giả này.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI