Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nhật Nam - Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM - để làm rõ hơn những vấn đề liên quan.
*Phóng viên: Thưa ông, phải chăng mọi vụ án đều phải dựng hiện trường? Nạn nhân và nghi phạm đều bắt buộc phải có mặt trong quá trình này?
-Ông Nguyễn Nhật Nam: Không phải vậy. Theo quy định tố tụng, để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết khác.
Người bắt buộc phải tham gia dựng hiện trường gồm: điều tra viên, kiểm sát viên, người chứng kiến (đại diện cơ quan, chính quyền, người láng giềng…). Còn nạn nhân thuộc nhóm đối tượng những người có thể tham gia dựng hiện trường (gồm người có chuyên môn, người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng).
Như vậy, luật không có điều khoản nào quy định hay bắt buộc nạn nhân phải “đóng vai” hay phải có mặt khi dựng hiện trường. Trong quá trình này, người bị hại có thể chỉ mô tả lại chi tiết, hành vi của nghi phạm và chính bản thân mình…
* Như thế, vẫn không tránh khỏi tổn thương cho nạn nhân, đặc biệt khi nạn nhân là trẻ em?
- Vâng, đối với những đứa trẻ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng, dù cơ quan tố tụng luôn hết sức thận trọng khi dựng hiện trường. Quy định tố tụng nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác. Vì thế, trong quá trình điều tra, với các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em, chúng tôi yêu cầu tránh hỏi đi hỏi lại trẻ nhiều lần những tình tiết liên quan vụ án.
Có thể nói, việc lấy lời khai của nạn nhân là trẻ em ở nhiều cơ quan điều tra vẫn còn hạn chế, có hiện tượng việc lấy lời khai gây tổn thương đến trẻ. Đây là vấn đề cần khắc phục.
* Viện kiểm sát có thường xuyên ra yêu cầu cơ quan điều tra phải dựng lại hiện trường với các vụ xâm hại tình dục trẻ em không, thưa ông?
- Chúng tôi chỉ yêu cầu khi thấy thực sự cần thiết. Ví dụ, trong quá trình điều tra, kiểm sát viên nhận thấy điều tra viên làm chưa đúng quy trình, chưa đủ chứng cứ mà đã có kết luận điều tra thì chúng tôi không chấp nhận và một trong những giải pháp là sẽ yêu cầu dựng hiện trường để làm sáng tỏ vụ án.
Mục đích dựng hiện trường là nhằm củng cố chứng cứ để bảo vệ nạn nhân, đề phòng người phạm tội cung cấp thông tin sai sự thật hòng thoát tội, đề phòng có kẻ đồng phạm…
* Một trong những điều khiến nạn nhân và gia đình nạn nhân các vụ xâm hại tình dục bức xúc là các vụ án bị “treo”, thậm chí là bị đình chỉ, tạm đình chỉ vì thiếu chứng cứ về mặt pháp y. Trên thực tế, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em sau khi được phát giác, người thân của trẻ đã bị chỉ dẫn chạy lòng vòng gây mất thời gian, công sức mà không đạt kết quả.
- Ở câu chuyện này có những vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất, khi xảy ra sự việc, nạn nhân, gia đình nạn nhân phải tố cáo đến cơ quan công an nơi xảy ra sự việc hoặc nơi gần nhất. Khi xác định là vụ việc xâm hại trẻ em, thì cơ quan tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm phải lập tức ghi nhận và báo về công an quận, huyện để nơi đây vào cuộc, thụ lý và ra quyết định trưng cầu giám định pháp y trong thời gian sớm nhất. Cơ quan công an không được quyền từ chối hay trì hoãn việc trưng cầu giám định pháp y.
Về phía các bệnh viện, theo tôi hiểu là do họ không có chức năng chứ không phải các y bác sĩ từ chối khám cho trẻ. Tuy nhiên, đội ngũ y bác sĩ ở các phòng cấp cứu các bệnh viện vẫn nên được trang bị và nắm rõ quy định tố tụng để hướng dẫn người dân quay trở lại trụ sở công an yêu cầu được trưng cầu giám định pháp y theo đúng quy trình.
Từ những thắc mắc và phản ánh của người dân trong thời gian gần đây về việc bị cơ quan công an địa phương (như cảnh sát khu vực, công an xã, phường…) sau khi tiếp nhận tin báo tội phạm lại không hướng dẫn đúng quy trình khiến gia đình phải đưa trẻ đi lòng vòng, tôi thiết nghĩ các gia đình cần có phản ánh, khiếu nại cụ thể với viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện nơi xảy ra sự việc để cơ quan này kiểm tra, xử lý.
* Xin cảm ơn ông.
Nghi Anh (thực hiện)
TP.HCM: Án xâm hại trẻ em được khởi tố chiếm 1/6 cả nước
Từ ngày 1/1/2016 đến 31/3/2019, TP.HCM đã khởi tố 282 vụ án liên quan đến quấy rối tình dục nói chung và xâm hại trẻ em nói riêng. Các cơ quan chức năng đã giải quyết 270 vụ, trong đó đình chỉ và tạm đình chỉ 101 vụ (hơn 30% số vụ án đã khởi tố). Hằng năm, số vụ án khởi tố mới tại TP.HCM chiếm khoảng 1/6 trong cả nước.
Ai và khi nào được tự giám định pháp y?
Khoản 1 điều 207 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
Đại Dương (tổng hợp)
|