Luật hóa cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa

09/11/2018 - 10:44

PNO - Không chỉ cấm trong giờ làm, dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượi bia còn quy định, cán bộ, công chức không được uống bia rượu trong thời gian nghỉ giữa các ca làm việc…

Sáng 9/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Dự thảo luật quy định 5 hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: sử dụng cồn công nghiệp, nguyên liệu, phụ gia không bảo đảm chất lượng, không được phép dùng trong thực phẩm để sản xuất, pha chế rượu, bia; kinh doanh rượu không có giấy phép; quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức; cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia; cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về tác dụng của rượu, bia đối với sức khoẻ.

Đặc biệt, dự thảo luật cấm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động uống rượu bia trong gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca làm việc.

Luat hoa cam can bo, cong chuc uong ruou bia trong gio nghi trua
Ngoài quy định cấm trong giờ làm, dự thảo đã luật hóa việc cấm uống rượu bia vào các buổi trưa, nghỉ giữa các ca làm việc.

Để phòng, chống tác hại của rượu, bia, dự thảo luật đề cập tới việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý chặt chẽ nguồn cung cấp rượu, bia; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để giảm mức tiêu thụ rượu, bia; bảo đảm nguồn tài chính cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội đồng tình với nhiều quy định tại dự thảo. Trong đó, liên quan tới vấn đề quảng cáo rượu bia, ngoài việc cấm quảng cáo với các sản phẩm bia, rượu từ 15 độ trở lên, nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết các sản phẩm bia trên thị trường có độ cồn phổ biến từ 4-5 độ.

“Do vậy, Chính phủ cần cân nhắc khi chỉ quy định không được quảng cáo bia trong các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh và phương tiện quảng cáo ngoài trời với sản phẩm bia từ 5,5 độ đến dưới 15 độ cồn để không tạo ra khoảng trống pháp lý đối với kiểm soát quảng cáo bia”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Ủy ban các vấn đề xã hội cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định về không thực hiện hoạt động quảng cáo rượu, bia trước, trong và sau các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên

Liên quan tới việc ghi nhãn, từ kinh nghiệm quản lý của một số nước như Anh, Scốt-len, Pháp…, một số ý kiến đề nghị Chính phủ không nên chỉ “khuyến khích” mà cần quy định bắt buộc in cảnh báo sức khỏe trên nhãn của sản phẩm rượu, bia, qua đó sẽ giúp giảm tiêu thụ rượu, bia, đồng thời thể hiện trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia.

Minh Quang

 
TIN MỚI