Luật bị “nhờn” bởi luật, các đơn vị xuất bản “đòi” thay đổi

02/07/2020 - 19:06

PNO - Tại hội thảo Đánh giá tình hình 7 năm thực hiện Luật Xuất bản năm 2012 - khu vực phía Nam (vừa diễn ra sáng 9/6 tại TP.HCM), ông Nguyễn Văn Dòng - Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam đặt vấn đề: Vì sao xử phạt in lậu chỉ có nhà in mà không đề cập đến đơn vị phát hành? Ai là người chủ mưu, ai là người hưởng lợi?

Hội thảo diễn ra đúng thời điểm việc xử phạt in sách lậu, sách giả tại Hội chợ sách Xuyên Việt - Vietnam Book Fair Tour 2020 (Huế) đang khiến nhiều nhà làm sách chân chính bức xúc. Ngày 8/6, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Hoàng Biz và xử phạt vi phạm hành chính 14 triệu đồng. Lý do: trưng bày 150 đầu sách tại hội sách không đúng nội dung ghi trong giấy phép, tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp đối với số lượng 175 xuất bản phẩm…

Sau khi khai mạc một ngày, Hội chợ sách Xuyên Việt được tổ chức tại Huế phải đóng cửa khi phát hiện sách in lậu được “tuồn” vào hội chợ sách
Sau khi khai mạc một ngày, Hội chợ sách Xuyên Việt được tổ chức tại Huế phải đóng cửa khi phát hiện sách in lậu được “tuồn” vào hội chợ sách

Theo khoản 5, Điều 27, Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt hành chính trên lĩnh vực báo chí, xuất bản: “Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với các hành vi sau đây: tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép từ 300 bản trở lên”. Mức phạt 14 triệu đồng nói trên theo nhận định chung của nhiều đơn vị làm sách là quá nhẹ nhàng và không mang tính răn đe. Có ý kiến nghi ngại rằng, việc chấp nhận bị phạt cũng chỉ là “bỏ con cá nhỏ, bắt con cá to” của các đơn vị làm ăn gian dối mà thôi. 

Buổi hội thảo Đánh giá tình hình 7 năm thực hiện Luật Xuất bản năm 2012 - khu vực phía Nam mang tính chất trao đổi nội bộ, với 40 vấn đề cần thảo luận từ những ý kiến đóng góp của các đơn vị xuất bản, in và phát hành phía Nam. Tuy nhiên, vấn đề ông Nguyễn Văn Dòng đặt ra - thu hút sự quan tâm của nhiều người - lại chưa được bàn luận sâu hơn. 

Vấn nạn sách giả, sách lậu, vi phạm tác quyền đã trở thành nỗi ám ảnh của các nhà làm sách lâu nay. Có đơn vị như First News cứ “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến chống sách giả, tự đi điều tra, phát hiện tận “ổ sách lậu”, báo chí vào cuộc cùng lên tiếng, đánh động, nhưng thực trạng vẫn tồn tại. Trong khi nhiều đơn vị làm sách chân chính ngay cả trong đại dịch COVID-19 vẫn cố gắng “gồng mình” vượt qua khó khăn, thì những kẻ làm sách giả ngang nhiên “nuốt trọn” tác quyền tác giả, dịch giả, nhà xuất bản cùng các công ty làm sách.

“Vấn đề là phải sửa từ luật và nghị định. Theo tôi, cần điều chỉnh mức xử phạt theo công thức: cứ một tựa in giả X số lượng X giá bìa. Lấy đúng con số đó trích 10% chi trả nhuận bút tác giả, 10% nhà xuất bản hoặc công ty sách được nhận, còn lại nộp ngân sách” - bà Đinh Thanh Thủy, Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM nêu ý kiến. 

“Cần sửa đổi các điều khoản phạt trong Nghị định 159 theo hướng tăng, đặc biệt là các hành vi in lậu, in giả xuất bản phẩm. Có thể phạt thật nặng, để những nơi làm lậu không dám tái phạm” - ông Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc Nhà xuất bản Trẻ đồng tình. 

Những kiến nghị ngoài lề hội thảo này rất đáng được Cục Xuất bản lưu tâm. Đây là thời điểm phù hợp nhất để thảo luận, sửa đổi các điều khoản về các mức phạt trong nghị định. 

Trong báo cáo đề dẫn hội thảo có nhận định: “Với sự phát triển về kinh tế, xã hội và cuộc cách mạng 4.0, quá trình thực thi hệ thống pháp luật về xuất bản không khỏi bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, bất cập”. Cùng với việc xem xét các ý kiến đóng góp từ các đơn vị xuất bản, in và phát hành phía Nam, thiết nghĩ, việc cân nhắc sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung vào luật, nghị định về mức phạt cho hành vi in và phát hành sách lậu, sách giả là điều rất cần thiết. 

Nếu không, thị trường xuất bản Việt Nam vẫn là một thị trường “hoang dã” với hàng loạt vụ vi phạm bản quyền bị phát hiện, dư luận “sôi” lên rồi đâu vẫn hoàn đó. Ai thiệt thì cứ thiệt, ai trục lợi thì vẫn trục lợi. 

Khi luật không bảo vệ được những cá nhân, doanh nghiệp… làm ăn chân chính; khi luật không răn đe được những đối tượng phi pháp; khi luật bị “nhờn” bởi luật; thì không hiểu các chế tài có hữu dụng gì trong vấn đề an ninh xuất bản? 

Lục Diệp

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế: “Không có chuyện chủ quan, lỏng lẻo”

Thủ tục đăng ký hoạt động cấp giấy phép tổ chức triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm không thu lệ phí, nên không thể có tình trạng công ty nào đến đăng ký, nộp phí là được tham gia triển lãm/hội chợ xuất bản phẩm và cũng không có chuyện chủ quan hoặc kiểm tra lỏng lẻo. 

Ban đầu, Công ty Hoàng Biz thực hiện đúng các thủ tục: đơn và danh mục theo quy định, nộp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, sở đã tiếp nhận, xem xét hồ sơ và cấp phép. Hồ sơ sau đó được chuyển sang Thanh tra sở để thực hiện công tác hậu kiểm. Bản thân Hoàng Biz đã thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép; đưa vào trưng bày tại hội chợ nhiều xuất bản phẩm nằm ngoài danh mục đã xin phép nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc.

Cần nói thêm, đây là hoạt động triển lãm/hội chợ xuất bản phẩm đơn thuần của doanh nghiệp tổ chức đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, chứ không phải sự kiện do tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức, nên không có chuyện tỉnh thành lập ban tổ chức cho sự kiện của doanh nghiệp. Do đó, không thể có việc vì khâu kiểm tra chưa chặt chẽ, chủ quan từ phía ban tổ chức, ở đây là do phía đơn vị xin phép tổ chức đã không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Sau khi triển lãm/hội chợ xuất bản phẩm trên khai mạc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp với các đơn vị chức năng, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với tất cả các sách, xuất bản phẩm trưng bày tại triển lãm/hội chợ xuất bản phẩm nói trên. (Nhắc lại đây là công tác thường xuyên sau khi cấp phép).

Việc người dân phản ánh thể hiện sự dân chủ, công khai, mong muốn một môi trường sạch - sáng liên quan đến văn hóa đọc, và đây cũng là tâm huyết của các nhà xuất bản cũng như đơn vị quản lý nhà nước về việc không để sách không hợp pháp lưu hành trên địa bàn. Chính vì thế, sở đã khẩn trương thực hiện và xử lý theo quy định, sai phạm đến đâu xử lý đến đó, và việc xử phạt cũng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. 

Mặc dù đây là một sự kiện liên quan đến lĩnh vực xuất bản - in - phát hành diễn ra trên địa bàn tỉnh, nhưng cũng là bài học lớn cho các đơn vị tham gia, cần nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật, đồng thời cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác hậu kiểm, nhằm chấn chỉnh kịp thời các sai phạm.

Thuận Hóa (ghi)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI