Luật BHYT sửa đổi bổ sung: thêm quyền lợi cho người mua

18/12/2014 - 07:46

PNO - PN - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đã được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Dịp này, ông Cao Văn Sang - Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM đã...

edf40wrjww2tblPage:Content

PV: Thưa ông, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung lần này có những điểm gì mới?

Ông Cao Văn Sang: Về quyền lợi của người tham gia BHYT, Luật BHYT được sửa đổi theo hướng: mở rộng đối tượng, mở rộng quyền lợi; nâng mức hưởng BHYT; khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình. Cụ thể, đối tượng được quỹ BHXH đóng: người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất; người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản. Đối tượng được ngân sách nhà nước đóng: lực lượng vũ trang; người đang sống tại vùng KTXH đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.

Luat BHYT sua doi bo sung: them quyen loi cho nguoi mua

* Luật đã nâng mức hưởng BHYT, cụ thể ra sao?

- Chuyển đổi mức hưởng cho người thuộc diện bảo trợ xã hội: đang hưởng quyền lợi 95% được nâng lên 100%. Với đối tượng là cựu chiến binh, người tham gia kháng chiến: hưởng quyền lợi 80% cũng được nâng thành 100% và chi phí vận chuyển. Thân nhân người có công, hộ cận nghèo: đang hưởng quyền lợi 80% được hưởng quyền lợi 95%. Ngoài ra, người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở khi khám chữa bệnh (KCB) đúng tuyến sẽ được hưởng 100% chi phí KCB trong quy định.

Người tham gia BHYT thuộc nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước hỗ trợ và tự đóng; nhóm tham gia theo hộ gia đình bị gián đoạn thời gian tham gia BHYT dưới ba tháng cũng được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục.

* Người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến có được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ?

- Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; người đang sinh sống ở vùng đảo: được hưởng chi phí KCB BHYT như trường hợp đúng tuyến khi đi khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện (BV) tuyến huyện; điều trị nội trú tại các BV tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Các trường hợp còn lại mức hưởng BHYT như sau: Tại BV tuyến trung ương: được hưởng 40% chi phí điều trị nội trú theo mức quyền lợi được hưởng tùy đối tượng. Tại BV tuyến tỉnh: được hưởng 60% chi phí điều trị nội trú theo mức quyền lợi được hưởng tùy đối tượng (cả tuyến tỉnh và tuyến trung ương đều không thanh toán các trường hợp điều trị ngoại trú). Tại BV tuyến huyện được hưởng 70% chi phí điều trị theo mức quyền lợi được hưởng tùy đối tượng.

Trường hợp người có thẻ đang điều trị tại cơ sở KCB nhưng thẻ BHYT hết hạn vẫn được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo chế độ quy định cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú.

* Về quyền lợi của nhóm trẻ dưới sáu tuổi có gì thay đổi?

- Điểm mới là quỹ BHYT sẽ chi trả thêm các chi phí điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt cho trẻ dưới sáu tuổi. Trường hợp trẻ dưới sáu tuổi có thẻ BHYT hết hạn trước 30/9 vẫn được hưởng BHYT đến hết 30/9 năm đó.

* Được biết, Luật có nhiều ưu đãi khi đăng ký BHYT theo hộ gia đình?

- Người tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm trừ mức đóng cho các thành viên trong cùng hộ. Mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể: người trong hộ gia đình thứ nhất đóng 6% lương cơ sở, người thứ hai đóng 70% của người thứ nhất và từ người thứ ba trở đi đến người thứ năm mức đóng giảm dần chỉ còn 40% mức đóng của người thứ nhất.

Lưu ý là sẽ không còn BHYT tự nguyện như hiện nay, tức là không thể chỉ mua BHYT mà các thành viên khác trong gia đình không mua. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.

* BHYT theo quy định mới tăng thêm nhiều điều chế tài doanh nghiệp, đồng thời tăng ưu đãi cho người lao động?

- Đúng là theo Luật BHYT lần này, không chỉ tăng quyền lợi cho người đang hưởng BHYT, luật mới cũng tăng mức phạt doanh nghiệp trốn đóng BHYT. Theo đó, cơ quan, tổ chức không đóng, chậm đóng BHYT cho người lao động phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng (tăng gấp đôi so với trước đây) tính trên số tiền và thời gian chậm đóng. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.

* Lần này Luật đã bãi bỏ một số quy định, việc bãi bỏ này có gây thiệt thòi cho người mua BHYT không, thưa ông?

- Luật BHYT sửa đổi, bổ sung bãi bỏ quy định BHYT không chi trả với trường hợp tự tử, tự gây thương tích, bị tai nạn giao thông. Luật cũng mở rộng quyền lợi như khám bệnh, chữa bệnh tổn thương về thể chất tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người có thẻ BHYT gây ra; khám bệnh, chữa bệnh phục hồi chức năng đối với bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Ngoài ra, cũng theo luật này, cơ quan BHXH sẽ chịu trách nhiệm đóng BHYT cho người đang nghỉ thai sản; bãi bỏ quyền lợi: “khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh”.

Từ 1/1/2016, sẽ mở thông tuyến, nghĩa là người tham gia BHYT khi đi KCB trái tuyến sẽ được hưởng quyền lợi như đi KCB đúng tuyến tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở xuống (các trạm y tế xã/phường, các phòng khám đa khoa và các BV tuyến huyện).

* Xin cảm ơn ông.

 HẠNH CHI thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI