Luật... báo hiếu !

21/07/2013 - 13:06

PNO - PNCN - Phán quyết hồi đầu tháng Bảy của tòa án huyện Bắc Đường, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã đặt ra một câu hỏi thú vị: Có thể buộc con cái sống hiếu thảo với cha mẹ bằng luật pháp?

Ngày 1/7, tòa án Bắc Đường, thành phố Vô Tích đã xử cho một bà cụ 77 tuổi thắng kiện con gái ruột. Trong đơn tố cáo bà cho biết, sau khi to tiếng với bà, đứa con bất hiếu chẳng những không chu cấp tiền bạc mà việc thăm viếng cũng không. Theo phán quyết của tòa án, bị cáo phải viếng thăm mẹ già ít nhất hai tháng một lần và ba lần trong những ngày quốc lễ. Nếu không thăm được thì phải chu cấp tiền nuôi dưỡng mẹ.

Sở dĩ vụ án trên thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc bởi lần đầu tiên hội đồng xét xử vận dụng bộ luật Bảo vệ quyền lợi người cao tuổi được Quốc hội nước này thông qua ngày 28/12/2012 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Cần nói thêm, đây là bộ luật mà ngay từ thời điểm đề xuất đã gây tranh cãi sôi nổi về tính khả thi trong cuộc sống.

Luat... bao hieu !

Năm 2053, người già ở Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi - Ảnh: GBTimes

Hou Yang, 40 tuổi, quản lý một khách sạn ở Bắc Kinh, nói luật tuy hay nhưng khó thi hành. Quê anh ở đảo Hải Nam, cách thủ đô 2.720km, đi máy bay mất bốn tiếng, tiền vé không hề rẻ. Anh bức xúc: “Tôi không thể về thăm cha mẹ thường xuyên theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, luật cũng không nói rõ thường xuyên là mấy lần. Do đó tôi không nghĩ mình có tội nếu không làm đúng tinh thần bộ luật. Theo tôi, luật phi thực tế vì nó không kèm theo những chính sách hỗ trợ thiết thực. Nếu chính phủ muốn tôi thường xuyên về thăm nhà, thì phải cho tôi được nghỉ phép dài hạn hơn hoặc hoàn trả phí di chuyển” .

Hou Yang là một trong hơn 400 triệu lao động di cư từ nông thôn lên các thành phố kiếm sống. Do hậu quả của chính sách một con, họ để lại cha mẹ già neo đơn ở nhà. Cuộc sống khó khăn, xa cách đã tạo ra một hiện tượng xã hội gọi là “tổ chim rỗng”. Lòng hiếu thảo vốn là truyền thống của người Trung Quốc giờ đang ngày càng khó thực hiện vì “chuyện cơm áo, gạo tiền” đối với những người không thuộc tầng lớp trung lưu hoặc giàu có.

Luật mới này thật ra không mới. Luật Bảo vệ quyền lợi người cao tuổi đã có từ lâu, nay được sửa đổi bổ sung một số điều khoản mới như bắt buộc thăm viếng cha mẹ già trên 60 tuổi nếu ở riêng. Cha mẹ có quyền kiện con cái nếu bị bỏ rơi. Luật ra đời nhằm đối phó với hiện tượng nhiều người cao tuổi ở xa con cái lâm vào cảnh “tứ cố vô thân”.

Xã hội Trung Quốc ngày nay đầy rẫy những câu chuyện thương tâm được phản ánh trên báo đài và internet. Đơn cử chuyện một bà cụ 91 tuổi ở tỉnh Giang Tô bị con dâu đánh đập và đuổi ra khỏi nhà vì dám mở miệng xin một chén cháo. Hoặc, chuyện một bà lão 100 tuổi bị con cái cho ngủ trong chuồng heo.

Luat... bao hieu !

Cụ bà 77 tuổi chống gậy ra tòa tố cáo con gái bỏ rơi bà hôm 1/7 - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, những câu chuyện như thế cũng không thuyết phục được nhiều người dân ủng hộ luật mới. Một cư dân mạng phân tích trên trang xã hội Weibo: “Nền tảng quan hệ trong gia đình là tình cảm tự nhiên. Đưa chuyện hiếu thảo vào luật thật buồn cười. Nó giống như quy định vợ chồng phải quan hệ tình dục sao cho hài hòa”. Hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã cũng bình luận: “Ai mà không muốn trả hiếu nhưng trong một xã hội cạnh tranh, chữ hiếu không thể ràng buộc bởi áp lực thời gian và tiền bạc”.

Zhang Ye, 36 tuổi, nữ giảng viên đại học ở tỉnh Giang Tô, giãi bày: “Luật này bất hợp lý và tạo sức ép quá lớn đối với nguời lao động “tha phương cầu thực”. Với họ, chi phí viếng thăm cha mẹ quá đắt đỏ, nhiều khi vượt quá khả năng. Tôi nghĩ, nếu có người từ chối làm chuyện đó thì cũng khó phạt họ”.

Tuy vậy, luật ban hành không phải để chơi. Ít ra bộ luật cũng là một “thông điệp mang tính giáo dục” người dân, theo nhận xét của luật gia Zhang Yan Feng, Công ty luật King & Capital ở Bắc Kinh. “Nó khó thi hành nhưng không phải là không thể. Khi đưa nhau ra tòa, con cái bị buộc phải viếng thăm cha mẹ mấy lần trong tháng. Nếu từ chối sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù, theo quy định”.

VĂN ANH (Tổng hợp từ THX, nhật báo Vô Tích)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI