Luận án tiến sĩ về áo ngực: Hãy xem qua trước khi cười cợt

14/10/2022 - 16:09

PNO - Việc "vay mượn" các kích cỡ sẽ tạo nên sai số, không chỉ khiến kém thẩm mỹ mà còn tạo ra những nguy cơ về sức khỏe.

Thế giới vừa đi qua "ngày no bra" (ngày không mặc áo ngực - 13/10 hằng năm) với nhiều thông điệp và những nghiên cứu khoa học về sức khỏe của "một nửa thế giới". Tại Việt Nam, ngày 12/10 cũng là ngày nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung hoàn tất bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực”, nhận được 7/7 phiếu tán thành, trong đó có 3 phiếu xếp loại xuất sắc.

Thế nhưng, vẫn còn đâu đó rất nhiều người khi nhắc đến đề tài nghiên cứu của Lưu Thị Hồng Nhung với sự giễu cợt, thậm chí đánh đồng với nhiều đề tài nghiên cứu trước nay vốn chẳng biết để làm gì, như đề tài "Giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" từng khiến rất nhiều người phải "há hốc mồm" vài tháng trước. 

Vì chiếc áo ngực không quan trọng? Vì nó "xàm"? Xin thưa, nếu hiểu biết về công dụng lẫn tác dụng của chiếc áo ngực đối với cơ thể người (mà ở đây không phải là ít người, mà là một nửa thế giới) thì sự giễu cợt ấy có lẽ sẽ tắt ngóm trong trí óc. Không phải ngẫu nhiên mà ngày "National no bra" vốn xuất phát từ Canada nhưng chỉ sau thời gian ngắn đã vượt khỏi xứ sở lá phong đỏ, hiện diện tại rất nhiều quốc gia khác. Với nhiều người, chiếc áo ngực chỉ phục vụ cho tính thẩm mỹ và đại diện giới, nhưng thực tế, áo ngực liên quan cực kỳ mật thiết đối với ung thư vú - căn bệnh mà ngay tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân ngày càng cao và độ tuổi mắc phải ngày càng trẻ hóa. 

Người mặc áo ngực cả ngày có thể nâng nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 125 lần so với những người không mặc; hoặc người mặc áo ngực trên 12 giờ/ngày có nguy cơ mắc ung thư vú vào khoảng 113 lần so với những người sử dụng dưới 12 giờ... Chưa kể, việc mặc áo ngực còn liên quan đến việc đau vai và lưng, lưu thông máu, cải thiện giấc ngủ... 

Nghiên cứu về áo ngực, bao gồm kiểu dáng, chất liệu, kích cỡ... không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn mang giá trị thực tiễn, vì như nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung nói: "Chúng ta không thể cứ đi mượn mãi những chiếc áo ngực theo số đo của người nước ngoài để dùng cho người Việt”. Bởi, mỗi tộc người có một cấu trúc khác nhau, sức nặng khác nhau, kích cỡ khác nhau. Việc "vay mượn" các kích cỡ sẽ tạo nên sai số, không chỉ khiến kém thẩm mỹ mà còn tạo ra những nguy cơ về sức khỏe. 

TS Nguyễn Đình Minh - Phó trưởng bộ môn Kỹ thuật tạo hình và Thẩm mỹ Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định đây là một đề tài rất có ý nghĩa, có thể sử dụng số liệu thu được để phát triển ra rất nhiều hướng nghiên cứu khác, phục vụ cho nghiên cứu khoa học và trước nay hầu như chưa có một nghiên cứu nào cụ thể và với số lượng lớn như thế.

Trong văn hóa của châu Á, nội y thuộc về phạm trù "trang phục kín", mà vì kín nên người ta ngại nói, ngại bàn luận lẫn ngại than phiền. Để rồi từ đó, những thông số dưới khía cạnh khoa học cũng vắng đi. Nhưng, đã qua rồi cái thời trang phục là để "che", nó còn phải đẹp và phải khỏe. Sự cười cợt dành cho một đề tài khoa học, xin hãy đi cùng những hiểu biết và thấu cảm. Có như thế chúng ta mới phát triển được theo đủ chiều hướng rộng lẫn sâu!

Hoàng Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI