Lửa từ ký ức

13/01/2020 - 16:10

PNO - Tôi vẫn thường giật mình thức giấc, toát mồ hôi lạnh khi vừa mơ thấy mình đang vẫy vùng với lửa.

Mấy hôm nay báo chí đưa tin về một nước Úc giã từ năm cũ, đón những ngày đầu năm mới bằng nhiều trận hỏa hoạn. Khói bụi dày đặc bao trùm các thành phố lớn. Lòng người cũng buồn thê thảm. 

Tôi lần vào các trang mạng để theo dõi thêm tình hình. Hàng loạt thông tin về thảm họa đã được chính phủ cập nhật liên tục cho người dân bản địa. Nhưng ngay lập tức, ập vào mắt tôi là bài viết và hình ảnh về cậu bé Finn, 11 tuổi, đang cố chèo hết sức để đưa con thuyền chở gia đình mình ra khỏi biển lửa.

Ảnh mre
Bức ảnh cậu bé Finn

Có lẽ, việc từng chứng kiến trận cháy kinh hoàng trong đời, cũng vào độ tuổi vị thành niên, đã làm tôi đặc biệt chú ý đến cậu bé. Chiều hôm đó, tôi đi học sắp về tới nhà thì bị bà Tư Cà Rem vẫy tay kêu lại bảo: "Bi, Bi, dì Út sinh em bé nên mẹ con phải vô bệnh viện. Mẹ dặn con cứ ở nhà chờ mẹ về. Đói bụng thì tự kho cá ăn". 

Chờ hoài mà mẹ vẫn chưa về nên tôi mở gạc-măng-giê lấy ra hai con cá lóc và bắt đầu "chương trình" làm rồi đến kho. Những năm đó nhiều gia đình đã có bếp gas nhưng nhà tôi vẫn dùng bếp dầu. Mọi người hay gọi nó là cái "lò xô". Loay hoay một hồi thì cái chảo cá cũng được bắc lên bếp. Nhiệm vụ coi như sắp xong. Vừa mệt vừa đói nên tôi nằm chờ và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. 

Mở mắt ra thì cái chảo và vách nhà đang bốc cháy, tôi luýnh quýnh múc nước tạt vào dập lửa. Đầu óc non nớt của một đứa trẻ không ngờ khi dầu gặp nước, dầu sẽ lan ra và chỉ làm đám cháy lớn hơn. Tôi mếu máo chạy đi tìm cái khăn to, đem nhúng nước và trùm lên chỗ cháy, nhưng chẳng nhằm nhò gì. Đám lửa như mụ phù thủy đang giận dữ, hung hãn tung hoành trong căn bếp nhỏ. Rồi nó ngang nhiên chuyền qua cánh cửa ngăn giữa nhà bếp với lối ra vào. Tôi nhận ra mình đang mắc kẹt nên hô la kêu cứu trong tuyệt vọng.

Phía trước nhà, mọi người xúm lại hè nhau đập cửa chính để đi vào, tôi bên trong cố nép mình tránh lửa. Không lâu sau, bác Năm xuất hiện, cầm cây sắt dài, chống lại cửa bếp đang cháy dở. Bác ném cho cái mền ướt và bảo tôi choàng lên đầu, chạy nhanh ra ngoài. Tôi thoát thân với vài vết bỏng trên hai cánh tay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lửa trong nhà vẫn mặc nhiên cháy, mọi người bu lại ngày càng đông. Họ tiếp sức nhau, kêu gào, khóc lóc, lo sợ hỏa hoạn sẽ lan sang nhà mình, nhưng lúng túng không biết làm sao. Tôi vừa run, vừa cảm giác tội lỗi khi đã gây chuyện tày đình. Đột nhiên, anh sửa xe ở đầu hẻm chạy vào, hai tay mang hai bình chữa cháy. Bác Năm ôm bình xịt từng phát một. Đám cháy bị dập tắt hoàn toàn.

Gần đây, tôi có dịp xem phim tư liệu về cuộc đời Ray Charles, một cây đại thụ trong lịch sử âm nhạc nước Mỹ. Bộ phim có nhắc đến nỗi sợ của ông về nước, kể từ khi cậu bé Ray Charles chứng kiến cảnh em trai mình chết đuối. Bản thân tôi vẫn thường giật mình thức giấc, toát mồ hôi lạnh khi vừa mơ thấy mình đang vẫy vùng với lửa. Tôi hiểu rằng, ám ảnh lớn sau cơn khủng hoảng tinh thần chẳng chừa một ai. Cũng có thể, ký ức này sẽ theo cậu bé Finn đến cả đời.

Nếu ngày ấy nhà tôi có bình chữa cháy, hay mỗi nhà trong xóm đều trang bị một, hai bình thì có lẽ sự tình sẽ khác. Nhưng tốt hơn hết, nếu tôi được gia đình giáo dục, đề cao ý thức phòng cháy chữa cháy thì chắc đã không có chuyện gì xảy ra. 

Thu Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI