Lừa tình lừa tiền qua mạng: Kịch bản cũ, nạn nhân vẫn liên tục tăng

08/02/2023 - 12:46

PNO - Tháng 2 với ngày Lễ tình nhân cũng là thời điểm những kẻ lừa đảo phụ nữ "tăng tốc" để "săn mồi".

Chỉ trong 2 ngày nghỉ cuối tuần, tôi nhận được 11 tin nhắn lân la làm quen từ các đầu số lạ, nick lạ qua nền tảng WhatsApp và trang Facebook cá nhân.

Đáng nói, các hình ảnh đại diện đều là đàn ông điển trai. Chắc rằng tôi không phải người duy nhất có những trải nghiệm không mấy dễ chịu này vì tháng 2 đang là tháng những kẻ giăng bẫy tình ráo riết hoạt động.

Số liệu mới nhất của tổ chức Internet Crime Reports, chỉ ra rằng trong năm 2020, đã có 24.000 nạn nhân  trò “catfishing” trên mạng xã hội

Số liệu mới nhất của tổ chức Internet Crime Reports chỉ ra rằng: Trong năm 2020, đã có 24.000 nạn nhân trò “catfishing” trên mạng xã hội

“Trời, kịch bản cũ mèm!”, “Đầu hai thứ tóc sao vẫn ngốc vậy?”, “Không nghe báo chí cảnh báo hả?”, “Sao dễ tin người vậy?”, “Quà tặng ảo, nhưng mất số tiền lớn, bài học quá đắt!”... Ai cũng dễ dàng tìm được những dòng bình luận dưới câu chuyện được chia sẻ trong các nhóm kín của phụ nữ.

Chuyện lừa tình, lừa tiền quan mạng không mới. Nhưng rõ ràng thủ phạm rất kỳ công nên vẫn nhiều nạn nhân sập bẫy. Có thể hình dung các câu chuyện đều na ná các tình tiết như chuyện những người phụ nữ sau những lần đò dang dở, tìm được bến đỗ bình yên bên anh chồng Tây giỏi giang, lãng mạn.

Thông thường, một phụ nữ sẽ tạo tài khoản Facebook với mục đích tìm bạn nói chuyện giải khuây và luyện tiếng Anh, hoặc chỉ đơn giản là trò chuyện, sẻ chia buồn vui.

Sau một thời gian, anh người yêu điển trai, thành đạt sẽ ngỏ lời yêu, và yêu nhau nên phải tặng quà để vun đắp tình cảm. Từ đây, những phụ nữ hoặc nhẹ dạ, cả tin sẽ sập bẫy, qua các kịch bản hoàn hảo.

Thường có hai hình thức bẫy tình - bẫy tiền phổ biến. Nhiều nhất là tình huống người gửi quà tốn một khoản chi phí, đóng thuế, để sớm thông quan kiện hàng chứa nhiều quà tặng, có khi chứa rất nhiều đô la.

Trường hợp phổ biến thứ hai, anh chàng đẹp trai đang trên đường sang thăm người yêu, do các phát sinh về giao dịch ngân hàng, không rút được tiền do khác hệ thống nên không có chi phí cho việc tiêu xài hoặc. Vì vậy, anh nhờ người yêu giúp một khoản tiền nhỏ, vài trăm đến 1.000 đô la. Sau khi các chị chuyển tiền thì anh ấy lập tức... mất tích.

Lo lắng, bị mất tiền, tổn thương tâm lý, ôm thêm những bực dọc sau khi bị cắt đứt liên lạc, chị em mới nhận ra mình đã bị lừa. Có thể nói, đây là vấn nạn xảy ra khắp nơi trên thế giới, chứ không riêng các đang phát triển như Việt Nam. 

Vào ngày 11/4/2022, một chuyện tình lãng mạn được đăng tải trên Factchequeado đã thức tỉnh nhiều phụ nữ ở nhiều quốc gia. Đó là chuyện của Ana, một phụ nữ trong độ tuổi trên dưới 40 đã thành nạn nhân theo kịch bản kinh điển. Qua ứng dụng hèn hò trực tuyến Tinder, cô gặp Thomas Paul, 46 tuổi, một sĩ quan trong quân đội Hoa Kỳ đang thực hiện sứ mệnh giữ gìn và bảo vệ hòa bình ở nước ngoài.

Từ Tinder, cả hai chuyển sang trò chuyện trên WhatsApp thường xuyên như thể họ đã thuộc về nhau từ lâu.

Có một trở ngại lớn ngăn cản họ sớm ở bên nhau. Paul nói rằng anh ta được gửi đến Ukraine và anh ta sẽ cần hơn 6.000 euro để trở về nhà. Ana chỉ nhận ra mình đang bị lừa sau khi mất số tiền trên. Trên thực tế, hồ sơ Tinder của Paul có các bức ảnh thuộc về người lính Mỹ Tyler Thomas, tài khoản có hơn 40.000 người theo dõi trên Instagram.

Câu chuyện được xuất bản vào tháng 6 năm ngoái  trên cả Enlace Latino NC và đối tác của Factchequeado, El Detector de Univision, cùng nhiều trang mạng chuyên hướng đến đối tượng độc giả là phụ nữ các nước Mỹ Latin.

Một số cơ quan truyền thông xem vụ việc của Ana là một trong những trường hợp điển hình để xây dựng kỹ năng phòng chống các thông tin giả mạo khi tận dụng sự phát triển của công nghệ số. Những nghiên cứu này cũng cảnh báo rằng một người phản ứng với nội dung sai lệch hoặc gây hiểu lầm càng sớm thì cơ hội ngăn chặn hậu quả có hại của nó càng cao.

Điều này giúp cho rất nhiều cô gái mới lớn lẫn phụ nữ trung niên thêm kiến thức, tránh được bẫy được giăng lên bởi những gương mặt điển trai mà giới truyền thông gọi là chiến thuật “catfishing”. Tức sử dụng danh tính, tài khoản giả mạo để tiếp cận một người, xây dựng mối quan hệ tình cảm đẹp lãng mạn, sau đó nhờ chuyển tiền để giải quyết một vấn đề tài chính có liên quan qua những kịch bản không thể hoàn hảo hơn.

Số liệu mới nhất của tổ chức Internet Crime Reports chỉ ra rằng, trong năm 2020 có 24.000 nạn nhân trò “catfishing” trên mạng xã hội. Theo đó, các nạn nhân báo cáo mức thiệt hại tài chính lên đến hơn 600 triệu đô la vào năm 2020, tăng 26% so với một năm trước đó.

Số liệu từ trang web socialcatfish.com cho thấy, cứ 10 người Mỹ thì có 3 người nghĩ rằng họ đang tương tác với những kẻ lừa đảo "catfishing" trên mạng xã hội.


Nguyễn Thị Hồng Chi

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI