Lửa ở Spotlight

02/03/2016 - 14:13

PNO - The Revenant với vai diễn xuất sắc của Leonardo và Spotlight là hai bộ phim có tỷ lệ đặt cược cao đứng đầu ở hạng mục Phim hay nhất.

The Revenant là bộ phim mà nghệ thuật tạo nên nội dung, còn Spotlight là nội dung tạo nên nghệ thuật. Chiến thắng cuối cùng thuộc về tác phẩm nào cũng xứng đáng và dễ dàng diễn giải.

Có ý kiến cho rằng Spotlight như một bộ phim truyền hình. Phán xét như vậy là bất công cho bộ phim tâm lý, tiểu sử đề tài hiện thực này. Tính “truyền hình” ở đây có thể biểu hiện ở lời thoại liên tục, góc quay, cách dừng hình, chuyển cảnh và nhịp dựng phim. Nhưng xem kỹ sẽ thấy các yếu tố “truyền hình hóa” được nhà làm phim khéo léo lách qua. Ngôn ngữ điện ảnh tuy không đậm đặc như The Revenant với những góc máy dụng công, nhiều hình ảnh biểu tượng, khuôn hình ẩn dụ…; nhưng ở Spotlight, mỗi trường đoạn, cảnh quay, thậm chí từng khuôn hình đều hàm súc.

Phim có đề tài phức tạp, nhưng chỉ gói gọn trong hai giờ với bố cục chặt chẽ. Điều này đã được ghi nhận với một chiến thắng khác cho phim ở hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc. Dấu ấn của người dựng phim cũng thể hiện rõ với tiết tấu và nhịp phim được xử lý thuần thục, nhịp nhàng. Người xem như được “nhập cuộc” cùng nhóm nhà báo điều tra của tờ nhật báo uy tín Boston Globe trong cả lúc thăng cũng như lúc trầm.

Lua o Spotlight
Tổng biên tập cùng trao đổi nghiệp vụ với bốn phóng viên của nhóm Spotlight trong phim

Trên nền bối cảnh mà bộ phim tạo ra, câu chuyện điều tra của nhóm bốn phóng viên được gọi tên chung là Spotlight trở nên dễ cảm, dễ hiểu. Hai nhà báo được khắc họa trong phim là Robby (Micheal Keaton) và Mike (Mark Ruffalo) từng đoạt giải Pulitzer năm 2003 cho loạt bài điều tra về các linh mục phạm tội ấu dâm hơn 80 bé trai tại một nhà thờ ở Boston. Dựa trên những câu chuyện có thật, cách thể hiện gần gũi khiến Spotlight không mang màu sắc “hàn lâm” như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ về phim dự tranh Oscar. Những nhọc nhằn, áp lực, căng thẳng của phóng viên điều tra, những người lăn lộn với bao nhiệm vụ khó và nguy hiểm dễ dàng được khán giả chia sẻ.

Đạo diễn Tom McCarthy cùng biên kịch Josh Singer mở rộng câu chuyện điều tra, hướng công việc của những phóng viên dám xông vào những đề tài gai góc, đến một lăng kính rộng hơn, mang ý nghĩa lớn hơn. Với người làm báo, đó là ý thức rõ ràng về ý nghĩa công việc mình làm, về tinh thần dấn thân và giữ mình trong sạch. Các vai phóng viên được Micheal Keaton, Mark Ruff alo, Rachel McAdams, Liew Schreiber… thể hiện tinh tế.

Sự tương tác, kết nối của dàn diễn viên làm nên linh hồn của nhóm Spotlight và cũng là linh hồn bộ phim. Với nhà báo điều tra, họ luôn cần bệ đỡ, nơi để đặt niềm tin là tòa soạn, là tờ báo họ đang cống hiến. Ở Spotlight, ý nghĩa về sự tồn tại của cơ quan báo chí một lần nữa được đặt ra trong thời đại các thiết bị số và báo mạng dần lấn lướt báo in.

Như vị tổng biên tập của tờ Boston Globe khẳng định với phóng viên rằng nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta là đưa tờ báo trở nên quan trọng với người đọc. Để thực hiện nhiệm vụ đó, họ đã phải vượt qua bao chênh vênh, bế tắc, mà nhiều lúc “cảm giác bất lực vì những chuyện khó nuốt không thể đến với công chúng”.

Tấn công vào thành trì của đức tin, nơi giáo hội đã tồn tại hàng thế kỷ, liệu báo chí có đủ lực để đấu lại? Chính câu hỏi ấy làm cho Spotlight càng trở nên kịch tính. Việc phanh phui những ung nhọt, băng hoại và giả dối là một trong những lý do tồn tại của nghề làm báo. Những nhà làm phim đã khiến Spotlight không còn là câu chuyện tấn công cá nhân mà trở thành câu chuyện của việc “dọn dẹp” hệ thống.

Dũng cảm “phá vỡ sự im lặng”, dám xoáy vào “những tổn thương của xã hội”, vinh quang đã chạm tới Spotlight ở Oscar 2016. Trên IMDb, phim cũng nhận được sự đồng thuận rất cao của khán giả cùng giới phê bình. Không có cảnh quay nào về chuyện lạm dụng tình dục, không có những mô tả gợi tò mò, cũng chẳng cần đưa ra tòa “đám mục sư suy đồi và luật sư hám lợi”, vậy mà ngọn lửa Spotlight vẫn đủ sức làm ấm trái tim của không chỉ những người làm báo.

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI