Lửa nghề ở 2 gia đình có 3 thế hệ nhà giáo

20/11/2023 - 06:21

PNO - 17g, Nguyễn Trường Tuyết Ngân - 27 tuổi, giáo viên Trường tiểu học Thới Tam, huyện Hóc Môn, TPHCM - và mẹ là cô Bùi Trương Tuyết Vân - 48 tuổi, giáo viên Trường tiểu học Thới Thạnh, huyện Hóc Môn - mới từ trường về đến nhà. Vừa dọn dẹp đồ đạc, cô Tuyết Vân vừa thủ thỉ với mẹ là bà Trương Thị Tuyết Minh - 79 tuổi, giáo viên hưu trí Trường THCS Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn - rằng nhà sắp có khách.

Đã chọn, phải hết mình
Nghe tiếng chúng tôi ngoài cửa, bà Tuyết Minh vội chống gậy từ nhà sau lên, không quên cầm theo mấy hộp đựng huy chương, giấy khen vì sự nghiệp giáo dục và quyển sổ ghi chép. Trong cuốn “nhật ký” hơn 66 năm ấy, bà ghi rõ từng dấu mốc quan trọng trong đời: tiểu học năm 1957 (ngày đầu đi dạy), ngày chính thức nhận việc 15/7/1966, quyết định nghỉ việc ngày 1/7/1999…Bà coi nó như báu vật. 

“Hồi xưa đi dạy sướng lắm, không có gì khó khăn đâu. Giặc đánh thì mình nghỉ, giặc đi rồi mình dạy tiếp. Cơ sở hơi nghèo nàn, 2 bên hông trường trồng đầy tre trúc, vậy mà lớp học lúc nào cũng vui, trò quý cô, phụ huynh càng quý cô hơn nữa” - bà kể.

Mẹ, bà ngoại và cô Tuyết Ngân (từ trái qua) đều cùng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục
Mẹ, bà ngoại và cô Tuyết Ngân (từ trái qua) đều cùng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục

Bây giờ, mỗi buổi chiều, khi con gái và cháu ngoại dạy thêm cho mấy đứa trẻ trong xóm, bà Tuyết Minh vẫn làm trợ giảng. Mấy tháng trước, có 2 học trò 60 tuổi từ quận Gò Vấp đến thăm, bà vui lắm. Có lẽ, nhờ thứ tình cảm thiêng liêng này nên khi con gái và cháu ngoại chọn theo nghề giáo, bà luôn ủng hộ. 

Ngồi cạnh mẹ, cô Tuyết Vân gật gù: “Ngày xưa, tôi ở cạnh trường nên cứ qua trường coi mẹ dạy, thấy thích nghề này nên theo luôn”. Hơn 25 năm công tác, trải qua nhiều lần cải cách giáo dục, cô vẫn thấy quyết định của mình là đúng đắn. Cô luôn dạy con gái rằng, để gắn bó với nghề giáo, trước hết, phải có cái tâm yêu thương trẻ. Khi trẻ tin yêu thì không còn điều gì khó. 

Lớn lên trong gia đình giàu truyền thống nên từ khi còn là sinh viên ngành sư phạm, cô giáo trẻ Tuyết Ngân đã là gương mặt quen thuộc với các giảng viên. Năm 2020, cô bắt đầu sự nghiệp giảng dạy. Cô nhanh chóng thích nghi và làm tốt việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nắm bắt tâm lý học sinh, giao tiếp với phụ huynh. Trước đây, từng nghe mẹ và bà ngoại nói nhiều về mức lương, nhưng cuối cùng, cô vẫn chọn đi theo nghề giáo bởi cảm giác hạnh phúc khi được ở gần trẻ nhỏ. Nhiều buổi tối, mẹ con cùng ở bên nhau. Cô Tuyết Ngân hỗ trợ mẹ cách ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, còn cô Tuyết Vân bổ trợ cho con gái những kiến thức, kỹ năng còn khuyết trong chuyên môn.
Mỗi sáng sớm, mẹ con cô Tuyết Ngân lại đến trường, chiều tối mới về. 2 mẹ con cũng chạnh lòng khi xem camera, thấy ông bà ngoại lủi thủi đi ra, đi vào. Nhưng cả 2 luôn cố gắng bình tâm. Bà Tuyết Minh cũng luôn dặn dò mẹ con cô rằng bà tự biết chăm sóc mình, 2 người cứ giảng dạy đàng hoàng, bà mới an lòng.

Ngọn lửa nghề còn cháy mãi

Đến ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, hỏi thăm những người lớn tuổi về bà giáo Nguyễn Thị Rỡ - 78 tuổi, giáo viên hưu trí Trường tiểu học Ngã Ba Giồng, huyện Hóc Môn - chúng tôi khá bất ngờ khi ai cũng biết và quý mến bà. 

Cô Phương Chi, bà ngoại và mẹ (từ trái qua) đang góp sức mình cho sự nghiệp trồng người của TPHCM
Cô Phương Chi, bà ngoại và mẹ (từ trái qua) đang góp sức mình cho sự nghiệp trồng người của TPHCM

Bà vào nghề dạy học năm 20 tuổi, giữa lúc nền kinh tế còn đầy khó khăn, đồng lương nghề giáo “ba cọc ba đồng”. Nhiều đồng nghiệp của bà rời xa nghề giáo nhưng bà vẫn quyết tâm bám trụ. Mỗi ngày, bà dậy sớm dọn dẹp nhà cửa rồi tới trường dạy học; trưa về đan lát, túi, rổ rá đem ra chợ bán. Vậy mà, khi chính quyền kêu gọi dạy lớp xóa mù chữ vào buổi tối, bà hưởng ứng ngay. Năm bà 40 tuổi, chồng mất, bà một mình nuôi 5 đứa con thành tài.

Năm 2000, bà về hưu nhưng vẫn công tác ở hội khuyến học của xã. Đến năm 70 tuổi, bà “nghỉ hưu” lần 2 nhưng rồi lại tiếp tục vào làm cho hội khuyến học của chùa Quang Thọ (huyện Hóc Môn). Bà tâm tình: “Ngoại muốn các thế hệ sau này phải tiếp tục đến trường dù hoàn cảnh có khó khăn đến mấy. Ngoại không muốn ở nhà, ngoại muốn cống hiến cho xã hội”. Nhờ ngọn lửa nghề của mẹ, 2 trong số 5 người con của bà đã theo nghiệp dạy học. Trong đó, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Giàu (54 tuổi) đang giảng dạy ở Trường tiểu học Ngã Ba Giồng - nơi bà từng công tác. 

Con gái cô Ngọc Giàu là Huỳnh Thị Phương Chi (30 tuổi) cũng là giáo viên tiếng Anh của Trường THCS Xuân Thới Thượng từ năm 2014. “Suốt những ngày còn học tiểu học, cứ tan học là tôi lại được mẹ đón sang lớp phổ cập để dạy cho những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Từ lúc đó, tôi đã thấy công việc này ý nghĩa và chọn làm nghề nghiệp khi trưởng thành” - cô Phương Chi tâm sự. 

Mỗi khi nhìn thấy học sinh tiến bộ, tự hào khoe thành tích, cô lại thấy vui và yêu nghề tha thiết. Tiếp thu giá trị của nền giáo dục trong nhiều thế hệ, cô Phương Chi luôn có cách khiến lớp học của mình trở nên thú vị. Hằng tuần, cô tổ chức thi đua giữa các tổ, tặng những phần quà nhỏ như bút, sổ, bánh kẹo cho những học sinh học tập tích cực, có tiến bộ.  

Cô Phương Chi học được từ bà ngoại tính chịu khó, chịu khổ và học từ mẹ tính tỉ mỉ khi cư xử với học sinh, phụ huynh. Những khi cần giải quyết một vấn đề nan giải, cô thường nhận được những góc nhìn rất khác từ bà ngoại và mẹ, tốt hơn nhiều so với khi tự mình suy nghĩ. Điều mà cô Phương Chi tự hào hơn hết là đã nối tiếp được ngọn lửa nghề từ thế hệ của bà cho đến mẹ: “Sau này, khi có con, tôi vẫn sẽ dạy con về truyền thống này”.  

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI