"Lụa": Một nhạc tính đậm tình

17/03/2021 - 07:29

PNO - Hiếm có tác phẩm văn chương đương đại nào được đón nhận nồng nhiệt tại Việt Nam như "Lụa" của nhà văn người Ý Alessandro Baricco.

Nói không ngoa, Lụa vừa giản đơn vừa phức tạp; vừa mới đây thôi mà thoắt cái đã không còn nữa. Lụa chông chênh, phấp phỏng, và tuyệt diệt. Là Lụa nhưng không phải lụa.

Với cuốn sách này, ta không thể xác định một cách rạch ròi thể loại của nó là gì. Nó vừa giống truyện ngắn ở mặt ngoại vi, lại vừa có thể được xem như truyện vừa ở mặt kết cấu. Nó vừa là tiểu thuyết văn chương nhưng cũng có thể được coi là một tổ hợp nhạc tính giăng đầy biến tấu. Và cũng như Baricco từng thừa nhận - câu chuyện trong Lụa có âm nhạc trắng - là thứ nhạc điệu dẫn dụ hư vô vào một cõi thiền; để những vẻ đẹp, trò chơi số mệnh, thăng trầm thăng giáng tụ hội vào đây thành thể thống nhất.

Lụa do NXB Văn học phối hợp với Phanbook xuất bản gần đây trong bản dịch được hiệu chỉnh mới của Quế Sơn
Lụa do NXB Văn học phối hợp với Phanbook xuất bản gần đây trong bản dịch được hiệu chỉnh mới của Quế Sơn

Lụa kể về Hervé Joncour - người đàn ông Pháp chuyên mua bán tằm những năm 1860 khi thế giới này đang dần biến chuyển. Giữa những dịch bệnh tàn phá nghề chăn nuôi tằm lan tràn xứ sở, Joncour được Baldabiou - ông tổ khởi thủy của ngành nghề này ở thị trấn Lavilledieu - giao cho nhiệm vụ vi hành sang Nhật tìm mua trứng tằm nguyên vẹn.

Bấy giờ nước Nhật với chính sách bế quan tỏa cảng của chính quyền Mạc Phủ là một vùng đất bất khả xâm nhập. Là nơi không con tằm nào được phép chuyển ra, và cũng là nơi Joncour rơi vào trò đùa số phận của bản thân mình, khi anh bắt gặp và đã say đắm ánh mắt của một nữ nhân - cô gái ở nhà Nguyên Mộc. Cũng chính ánh mắt không có dáng hình Đông phương với một cường độ vô cùng bối rối ấy đã làm xoay chuyển con tạo trong anh. Mọi thứ dàn trải và dần mở ra.

Tình cảm trong Lụa là thứ kìm nén những tầng áp lực, được chôn chặt và rồi chực chờ một cơn bùng phát. Khởi đầu từ những đối thoại chỉ riêng ánh mắt hay cử chỉ, để rồi đến cuối, Lụa vỡ ra thành nhiều sóng ngầm của sự mất kết nối, của không tồn tại, không còn một ai.

Như Baricco từng chia sẻ “tình dục luôn là mối nguy nếu như người viết loại tính nghệ thuật đi ra khỏi nó“, với Lụa ta thấy một khía cạnh khác của địa hạt này - một thứ đẹp đẽ và đầy cảm hứng. Phong cách của Baricco nhằm khai quật nên chính khu mỏ ấy có thể tóm gọn chỉ trong hai từ: “thiêng liêng” - “tản mác”.
Ở đó, sự mất kết nối trong tiểu thuyết này không mang ý hiện hữu, mà nó siêu hình thành nơi phóng túng, bám víu, rủa xả. Đó là đền thiêng của những xúc cảm, là cái tất yếu rồi sẽ xảy ra một lúc nào đó trong khoảng tâm thức của người dự phần. 

Lụa chứa trong mình không chỉ chuyện tình bề nổi. Ta còn thấy rõ những sắp đặt số mệnh, các chi tiết - nhân vật, các câu chuyện nhỏ mở ra những đường hướng lớn, để hòa vào nhau trong một trạng thái vô cùng khó tả. Lụa mang trong mình đầy đủ nhạc tính của một đoạn thơ hay bài trường ca viết về cái đẹp đang lụn bại dần, mà ta thấy buồn, thấy thương cũng bởi nhạc tính rất khó chối từ.

Alessandro Baricco khai phá nên Lụa bằng những chương đoạn ngắn gọn. Ở đó, ông dùng rất nhiều câu lặp để xây dựng nên một vòng quen thuộc. Hay cho bản chuyển ngữ lần thay đổi này, dịch giả Quế Sơn đã mang đến những đột phá mới, để ta thấy được tuy là vòng lặp nhưng chúng tăng tiến và đã chuyển dời vô cùng uyển chuyển.

Nhạc tính trong Lụa tương tự jazz, khi Baricco chuyển biến những dòng văn này một cách điêu luyện, từ những note nhỏ đến việc phá tan cấu trúc cao độ, trường độ, ngừng nghỉ, luyến láy; với trạng thái chậm rãi, để kịp nhìn ngắm nhân tình thế thái. Lụa là bài đồng dao của câu chuyện số mệnh, thách thức bản thân, một tình cảm đẹp; nhưng cũng đồng thời ẩn chứa ý nghĩa sâu xa của sự xa cách, của việc kìm nén khó thốt nên lời. 

Thuận Phát

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI