PNO - Nhiều trường đại học đã cảnh báo về tình trạng “nở rộ” các nhóm lừa đảo trên mạng xã hội đang nhắm vào các tân sinh viên với đủ thủ đoạn tinh vi.
Nhiều thông báo "mời gọi" tân sinh viên liên tục xuất hiện trên trang fanpage chính thức của Trường đại học Tài chính - Marketing - Ảnh chụp màn hình
Nhiều nhóm mạo danh
Nhiều ngày qua, trang fanpage chính thức của Trường đại học Tài chính - Marketing liên tục xuất hiện những bình luận như “vào nhóm để anh chị hỗ trợ”, “có thắc mắc gì nhắn riêng cho anh chị”, “kết bạn để anh chị thêm vào nhóm chat của khoa, của trường”... từ những đối tượng tự xưng là “sinh viên khóa trên” và “cựu sinh viên của trường”. Từ đây, nhiều bạn tân sinh viên đã bị dẫn dắt, đưa vào những hội, nhóm không thuộc sự quản lý của nhà trường. Những hội, nhóm đã được thành lập từ lâu cũng đột ngột đổi tên, gắn với những từ khóa như “tân sinh viên”, “UFM”, “K23” để “chiêu dụ” các em.
Sau khi được mời vào nhóm hoặc liên hệ riêng, những “đàn anh, đàn chị” này sẽ bắt đầu giới thiệu về các khóa học tiếng Anh, kỹ năng; hoạt động ngoại khóa, giao lưu với sinh viên trường khác. Quen dần, các em có thể sẽ bị lôi kéo vào các đường dây bán hàng đa cấp trái phép, mua phải những khóa học, hoạt động “ảo”. Một số nhóm khác sau khi tuyển đủ số lượng thành viên hoặc thu thập đủ thông tin cá nhân thì sẽ dùng vào những mục đích khó lường.
Tại hệ thống Trường đại học FPT, nhiều sinh viên bỗng nhận được email hướng dẫn đóng các khoản chi phí học quân sự, đi kèm với đó là lịch học và địa điểm học được xây dựng như thật. Mức chi phí được đối tượng đưa ra là gần 5,4 triệu đồng, bao gồm chi phí ăn, ở và sinh hoạt tại khu quân sự. Sau đó, đối tượng dẫn dụ sinh viên chuyển tiền thẳng vào tài khoản cá nhân của mình. Ngay sau khi nhận được thông tin, nhà trường đã phải phát thông báo khẳng định thư điện tử này không phải xuất phát từ nhà trường.
Trước đó, các trường thuộc Đại học Quốc gia TPHCM như Trường đại học Kinh tế - Luật, Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn cũng đã lên tiếng cảnh báo sinh viên trước tình trạng “nở rộ” của các nhóm lừa đảo trên Facebook, không thuộc sự quản lý chung của nhà trường. Thông báo từ Trường đại học Bách khoa nêu rõ: sau khi có kết quả trúng tuyển đại học năm học 2023, đã có một số hội nhóm không chính thống dành cho các tân sinh viên nhà trường xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo. Nhà trường không tạo bất cứ fanpage, Facebook, Zalo chính thức nào cho tất cả các khóa. Mọi thông tin từ nhà trường đều sẽ được công bố tại các kênh truyền thông đã được công nhận nên sinh viên cần hết sức cẩn trọng.
Khi nhập học, H.B. - tân sinh viên một trường đại học tại TPHCM - đã tích cực tham gia những nhóm Facebook liên quan đến nhà trường và vô tình cung cấp tên họ, số điện thoại cho người lạ. Những ngày qua, em luôn cảm thấy lo lắng mỗi khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn hay bất cứ thông báo nào từ điện thoại vì không biết sẽ có chuyện gì xảy ra với mình.
Tân sinh viên Trường đại học Tài chính - Marketing làm thủ tục nhập học năm học 2023-2024 - Nguồn ảnh: Website nhà trường
Sinh viên cần cảnh giác
Ngay khi nhận thấy tân sinh viên có khả năng rơi vào “bẫy” của những đối tượng lừa đảo, Trường đại học Tài chính - Marketing đã lưu ý các tân sinh viên chỉ nên nhận thông tin từ các kênh truyền thông chính thức, đã được các đơn vị phát hành cấp dấu tích xanh của nhà trường. Đồng thời, các em tuyệt đối không cung cấp thông tin, dữ liệu cá nhân (số căn cước công dân, số điện thoại, email, tài khoản sinh viên, địa chỉ nhà...) cho người lạ, đặc biệt là những người chỉ quen biết qua tin nhắn.
Để đáp ứng yêu cầu thông tin, giải đáp thắc mắc, các bộ phận quản lý như phòng công tác sinh viên, trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, đoàn thanh niên - hội sinh viên… của trường cũng đã thành lập các nhóm chính thức với sự tham gia của các thầy cô, cán bộ quản lý để cung cấp thông tin chuẩn xác nhất đến sinh viên.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Tài chính - Marketing - cho biết tình trạng các nhóm mạo danh chỉ mới xuất hiện khoảng 2 năm trở lại đây. “Các bạn tân sinh viên cần phải xác minh tính xác thực của các nhóm trước khi cung cấp thông tin cá nhân của mình. Nếu có thắc mắc, các em nên tương tác trên website hoặc các fanpage, các nhóm chính thống của nhà trường hoặc liên hệ trực tiếp qua email, số điện thoại của các phòng, khoa để có thông tin chính xác và an toàn cho bản thân” - bà Nguyễn Thị Kim Phụng nói.
Hiện nay, các đối tượng lừa đảo đã tận dụng được các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả khiến người dùng rất khó nhận diện. Mặc dù đây không phải là câu chuyện mới mẻ nhưng vẫn không ít sinh viên, đặc biệt tân sinh viên đã trúng bẫy của các đối tượng lừa đảo, dẫn đến những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Các tân sinh viên tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, kể cả giấy báo nhập học sinh viên (có kèm thông tin và tài khoản đăng nhập sinh viên, địa chỉ nhà) cho người lạ. Đồng thời, các em cần đề cao cảnh giác, cảnh báo với các bạn xung quanh trước khi tiếp nhận thông tin; sau đó đối chiếu với thông tin chính thống từ nhà trường.
Thạc sĩ Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM