Lừa đảo trên mạng xã hội gia tăng

19/11/2023 - 05:59

PNO - Báo cáo mới của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho biết, người Mỹ đã mất khoảng 2,7 tỉ USD do các vụ lừa đảo trên mạng xã hội trong thời gian từ tháng 1/2021-6/2023.

Rất nhiều thủ đoạn lừa đảo đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên các mạng xã hội - Nguồn ảnh: Getty Images
Rất nhiều thủ đoạn lừa đảo đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên các mạng xã hội - Nguồn ảnh: Getty Images

 

FTC nhận định, các phương pháp trục lợi trên mạng xã hội, từ lừa tình, lừa tiền đến buôn bán hàng giả hoặc dùng thủ đoạn chiếm tài khoản người dùng, gây ra tổn hại kinh tế còn hơn cả các trang web và email lừa đảo gộp lại.

CEO David McClellan của công ty an ninh mạng Social Catfish cho biết: “Những người trẻ quá tin tưởng vào công nghệ họ đang sử dụng và thường có xu hướng phản hồi cởi mở khi người lạ nhắn tin”. Theo FTC, loại hình trục lợi phổ biến nhất trên mạng xã hội trong năm nay là lừa đảo mua sắm trực tuyến. Những kẻ lừa đảo đăng quảng cáo bán hàng, khi người dùng nhấn nút mua hàng, trực tiếp hoặc gián tiếp qua liên kết giả, họ mất tiền nhưng không bao giờ nhận được hàng.

Cũng theo FTC, trò lừa sinh lời nhiều nhất là các “bài học” về cơ hội đầu tư giả mạo, thường do các “chuyên gia” tài chính quảng cáo về bản thân và dụ dỗ người dùng cùng tạo ra lợi nhuận. Hơn một nửa số tiền thiệt hại được báo cáo của các nạn nhân bị lừa trên mạng xã hội liên quan đến loại hình này.

Trong số nạn nhân của thủ đoạn trên có cả tỉ phú Mark Cuban. Sau khi bị lừa số tiền điện tử trị giá 900.000 USD, ông này đăng cảnh báo trên TikTok: “Khi bạn thấy ai đó trên mạng xã hội đề xuất giúp bạn kiếm tiền, nghĩa là họ đang nói dối. Nếu họ thực sự giỏi như vậy thì đã tự mình làm giàu”.

Các vụ lừa tình trực tuyến ở Mỹ cũng mang lại nguồn lợi lớn cho những kẻ lừa đảo. Những kẻ tìm cách xây dựng và lợi dụng mối quan hệ lãng mạn với nạn nhân đã thu về gần 500 triệu USD trong năm ngoái.
Theo hãng tin AP, chính quyền bang New York đang xây dựng dự luật hạn chế cách các nền tảng như Instagram, YouTube thu thập và chia sẻ thông tin cá nhân của trẻ em, cũng như đề xuất nội dung “độc hại” từ dữ liệu người dùng. 

Bộ trưởng Tư pháp Letitia James cho biết: “Những người trẻ ở New York đang phải vật lộn với mức độ lo lắng và trầm cảm cao kỷ lục, còn các công ty truyền thông xã hội chỉ lo sử dụng tính năng gây nghiện để giữ người dùng vị thành niên trên nền tảng của họ càng lâu càng tốt”. 

Giáo viên trung học Kathleen Spence cho biết, một số học sinh của cô đến lớp trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, sau nhiều đêm dùng điện thoại thông minh và đắm chìm trong nội dung mạng xã hội. Chính chứng rối loạn ăn uống và suýt tự tử của con gái cô đã thúc đẩy cô lên tiếng ủng hộ dự luật. Spence cho rằng, bi kịch sức khỏe tâm thần của con gái cô là do hàng ngàn bài đăng và hình ảnh không phù hợp, xuất hiện ngay sau khi cô bé tạo tài khoản đầu tiên vào năm 11 tuổi.

Trước đó, trong hội thảo “Sức khỏe tâm thần trong thời đại kỹ thuật số” của Quỹ Archewell, nhân ngày Sức khỏe tâm thần thế giới, tổ chức ngày 10/10 tại New York, Hoàng tử Anh Harry và phu nhân Meghan đã kêu gọi các nền tảng truyền thông xã hội áp dụng chính sách kiểm duyệt nội dung tốt hơn và có biện pháp khắc phục hậu quả từ nội dung gây hại cho sức khỏe tâm thần của giới trẻ.

Tại đây, Tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy cho biết: Dữ liệu thống kê cho thấy nhiều người trẻ đang phải vật lộn với sự cô đơn và cứ 3 nữ sinh trung học ở Mỹ thì có 1 người nghiêm túc cân nhắc việc tự kết liễu đời mình. Điều đó chứng minh “chúng ta đang ở trong một “cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần”. 

Trường An (theo CNBC, AP)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI