Lừa đảo gặp... cựu giám đốc FBI và CIA

14/02/2019 - 06:00

PNO - Người đàn ông 90 tuổi ở Washington (Mỹ) nhận được một cuộc gọi báo trúng số, nhưng câu chuyện không đơn giản như thoạt nhìn bề ngoài.

Lua dao gap... cuu giam doc FBI va CIA
William Webster là người duy nhất từng làm giám đốc cả Cục điều tra liên bang (FBI) và Cục Tình báo trung ương (CIA), ông cũng là một cựu thẩm phán liên bang và tòa phúc thẩm. Khi ông gọi lại cho kẻ lừa đảo, FBI đã theo dõi cuộc điện đàm này - Ảnh: AP

Một người gọi điện giọng Jamaica nói với cụ ông rằng cụ trúng số Mega Millions với giải thưởng 72 triệu USD và một chiếc Mercedes Benz mới cáu, để nhận giải cụ cần gửi 50.000 USD tiền thuế và lệ phí. Người gọi điện không quên thông báo đã nghiên cứu kỹ về người trúng giải lần này.

Người đàn ông Jamaica vỗ về: "Ông là một người tuyệt vời, một thẩm phán, một luật sư, lại là một cầu thủ cầu thủ bóng rổ, ông từng phục vụ Hải quân Hoa Kỳ và cơ quan an ninh nội địa. Tôi biết tất cả mọi thứ về ông. Tôi thậm chí đã nhìn thấy ảnh của ông và cả người vợ ông hằng yêu quý”.

Tuy nhiên, kẻ lừa đảo người Jamaica đã không tìm hiểu đến nơi đến chốn. Y không biết người mình mới gọi là William Webster, cựu giám đốc của hai cơ quan quyền lực hàng đầu nước Mỹ - FBI và CIA. Anh ta không biết khi William Webster gọi lại cho anh ta vào ngày hôm sau thì FBI đã giám sát cuộc gọi. Đáng chú ý là, Webster đã lấy được tên thật và địa chỉ email của người đàn ông nói giọng Jamaica này là Keniel Thomas, trong khi tiếp tục đánh lừa anh ta và tất nhiên, không bao giờ gửi 50.000 USD tiền thuế để nhận giải.

Vị cựu thẩm phán liên bang cho biết ông “cần vài tuần để chuẩn bị tiền bạc và ông sốt ruột chuyện nhận giải thưởng, nhưng mất chút thời gian để thu xếp việc này”. Keniel Thomas nói ông Webster “có thể trả trước một phần”.

"Một phần là bao nhiêu?", ông Webster hỏi. "Ông có thể chuyển trước 20.000 USD”, Thomas nói qua điện thoại và bị FBI ghi âm đưa vào hồ sơ tòa án.

Lua dao gap... cuu giam doc FBI va CIA
William Webster nhận được cuộc gọi lừa đảo - Ảnh: Chicago Tribune

Đây không phải lần đầu tiên Thomas "tìm đến" nhà Webster. Thomas đã gọi nhiều cuộc cho Webster hoặc vợ ông, bà Lynda, vào năm 2014, trong đó có một cuộc gọi anh ta dọa sẽ cho Lynda “ăn đạn vào đầu”. Sau đó, trong năm 2014, Thomas bị buộc tội âm mưu tống tiền. Nhưng Thomas không bị bắt cho đến cuối năm 2017, ngay khi anh hạ cánh xuống New York trên một chuyến bay từ Jamaica. Tháng 10 năm đó, anh ta nhận tội và phải đối mặt với án tù từ 33 đến 41 tháng tù theo hướng dẫn tuyên án của liên bang.

Nhưng tại phiên tòa hôm 8/2, với sự có mặt của vợ chồng Webster trong phòng xử án, thẩm phán liên bang Beryl Howell đã bổ sung thêm 2 năm rưỡi nữa vào bản án của Thomas, và tuyên anh ta ngồi tù gần sáu năm. Thẩm phán Howell nói rằng vụ lừa đảo đủ điều kiện là "hoạt động tội phạm có tổ chức" và Thomas tạo nên "mối đe dọa cho một thành viên gia đình của nạn nhân".

Ông Webster nói với thẩm phán rằng phán quyết của tòa có tác dụng đánh động cộng đồng tội phạm lừa đảo mà FBI và các cơ quan thực thi pháp luật khác đang nỗ lực kiểm soát các hành vi săn mồi của chúng.

Lừa đảo qua điện thoại mọc lên như nấm ở Jamaica trong những năm gần đây và thường nhắm vào những người Mỹ lớn tuổi hoặc dễ bị dụ, và đôi khi hủy hoại cuộc sống của nạn nhân. Phương thức phổ biến là thông báo trúng giải để yêu cầu nạn nhân chuyển cho chúng một khoản tiền thuế hay lệ phí để nhận giải.

Ở Alexandria, tiểu bang Virginia, một người đàn ông 85 tuổi bị mất nhà và tiền tiết kiệm cả đời. Một phụ nữ ở Bắc Dakota mất hơn 300.000 USD. Một người đàn ông ở Knoxville, Tennessee, đã tự sát sau khi gửi hàng ngàn USD cho một nhóm người Jamaica. Chính quyền liên bang theo dõi những kẻ lừa đảo khi có thể, nhưng việc dẫn độ từ các quốc gia khác rất khó khăn và việc truy tố có thể mất nhiều năm.

Theo hồ sơ của FBI, Thomas - kẻ lừa đảo cựu giám đốc FBI và CIA - là một thanh niên 29 tuổi, cư trú tại giáo xứ St. James ở khu vực Vịnh Montego, y đã lừa khoảng ba chục nạn nhân và lấy được ít nhất 300.000 USD. Tuy nhiên, một nạn nhân cho biết đã gửi cho Thomas tổng cộng hơn 600.000 USD. Để xóa dấu vết, Thomas đôi khi rửa tiền thông qua các nạn nhân khác nhau, nhờ một người Mỹ gửi tiền cho một người Mỹ thứ hai rồi sau đó gửi cho anh ta ở Jamaica. Thomas đã cung cấp cho Webster tên và địa chỉ của một người đàn ông ở California mà y muốn Webster gửi tiền.

Những kẻ lừa đảo thường chuyển giao hay bán cho nhau danh sách con mồi ở Mỹ, và bà Lynda Webster nói rằng họ tiếp tục nhận được các cuộc gọi ngay cả sau khi Thomas bị bắt.

Thanh Hiền (Theo Chicago Tribune)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI