“Lửa” của mẹ…

30/04/2013 - 01:56

PNO - PN - Sự thân thiện của bà khiến người đối diện cảm thấy thật gần gũi. Tôi chào bà là nữ Anh hùng, bà gạt ngay: “Khi đất nước có chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ của mỗi người dân. Chúng tôi cầm súng vì muốn đất...

 “Lua” cua me… 

“Chim sắt” lập chiến công

Bà từng tham gia các trận đánh đầu tiên của đội biệt động Sài Gòn, nhiều lần làm địch bạt vía. Bà cũng là người đã đánh vào sân bay Honolulu (bang Hawaii, Mỹ) gây chấn động nước Mỹ. Những thông tin đó đã khiến tôi như không tin vào mắt mình khi gặp bà - một phụ nữ nhỏ bé, có nụ cười thật đôn hậu. Tiếp xúc với bà, tôi mới hiểu những gì mình biết về người mang bí danh “Chim sắt” này còn quá ít.

Thu Nguyệt mồ côi mẹ từ năm lên sáu. Cha tham gia kháng chiến, tập kết ra Bắc, Nguyệt ở lại miền Nam với chú. Là cô bé tháo vát, độc lập từ sớm nên Nguyệt được chú giao đưa thư và tài liệu bí mật cho tổ chức. Dần dần, đường dây giao liên ấy đã đưa Nguyệt tham gia cánh 159 - Ðội Chim sắt với bí danh Mỹ Linh. “Chứng kiến cảnh dân lành bị đàn áp, bắt bớ, khi đó tôi mới 15 tuổi nhưng đã căm thù giặc sâu sắc nên không còn sợ hãi mà luôn muốn tham gia cách mạng diệt thù” - bà kể.

Vào đội biệt động, Thu Nguyệt luôn trăn trở về việc thực hiện những trận đánh gây hoang mang, bất ngờ cho địch. Trong bộ quần áo nữ sinh, bà nhận nhiệm vụ chuyển vũ khí về nội thành. Từ những cách đánh thô sơ như dùng thun, ná, bà dần nhận nhiệm vụ đánh bằng lựu đạn, mìn hẹn giờ…

Bà nhớ mãi chiến công đầu tiên của mình. Đó là khoảng cuối tháng 10/1962, chính quyền Sài Gòn mở triển lãm phô diễn trực thăng, súng ống hiện đại; đồng thời trưng bày “chiến lợi phẩm” thu được của ta như súng ngựa trời, tầm vông, chông tre… nhằm làm cho công chúng thấy sức mạnh ưu việt của chúng so với vũ khí nghèo nàn của cách mạng. Triển lãm được tổ chức trước Tòa đô chánh Sài Gòn, dự định kéo dài bảy ngày, sẽ có duyệt binh trình diễn vũ khí.

“Lua” cua me…

Bà Lê Thị Thu Nguyệt: “Gia đình hòa thuận, các con có việc làm ổn định, hết mực hiếu thảo với cha mẹ chính là chiến công lớn nhất của tôi”

Ngày đầu tiên triển lãm, Thu Nguyệt cùng đồng đội quyết định đánh vỗ mặt. Trong chiếc khăn mùi-soa, Thu Nguyệt cầm một trái lựu đạn. Bà chuyền cho đồng đội ném thẳng vào niềm tự hào của địch. Kết quả, chiếc trực thăng HU1A nát bấy, ba tên địch gục ngã. Trận đánh đã phá vỡ cuộc triển lãm, làm thất bại âm mưu chính trị của chính quyền Sài Gòn trong thời kỳ đầu thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.

Nhiệm vụ “một đi không trở lại”

Thu Nguyệt bé nhỏ nhưng “gan lớn”, luôn nhận nhiệm vụ đánh cảm tử, hai lần được truy điệu sống vì những nhiệm vụ “một đi không trở lại”. Đó là lần chuyển 20kg thuốc nổ TNT được ngụy trang trong hai thùng dầu phộng từ Củ Chi về Bình Chánh, khi đến ngã ba Ðức Hòa (Long An) thì bị địch chặn lại định khám xét. Trước tình thế gay cấn, Thu Nguyệt đã đưa tay sờ dây nụ xòe (gắn sẵn trong thùng dầu) sẵn sàng đánh cảm tử. Lúc ấy, cô bình tĩnh nói với địch bằng giọng cứng cáp: “Tôi là con gái tướng Trần Tử Oai (tướng chính quyền Sài Gòn) về quê ngoại chơi, ngoại cho dầu mang về. Các anh mà đụng đến, coi chừng tôi nói ba chuyển các anh xuống vùng IV chiến thuật (Mộc Hóa, Ðịnh Tường)”. Nghe đến đây, địch vội vàng xuống giọng, không khám xét nữa.

Năm 1963, “Chim sắt” nhận nhiệm vụ gài mìn nổ chậm vào máy bay Boeing 707 chở cố vấn quân sự Mỹ. Lúc đó Thu Nguyệt đóng vai người tình đang mang thai của người mang bí số 8E để ra vào điều nghiên mục tiêu. Ngày 25/3/1963, một gói thuốc nổ C4 cài đồng hồ hẹn giờ được ngụy trang trong chiếc túi du lịch, giống hệt chiếc túi du lịch mà bọn cố vấn Mỹ thường dùng. Khi khoác “túi du lịch” đến từ giã “người yêu”, Thu Nguyệt đánh tráo túi du lịch của một tên Mỹ trong phòng đợi.

“Lua” cua me…

Gia đình bà Thu Nguyệt

Theo kế hoạch, mìn sẽ nổ khi máy bay cất cánh 15 phút, nhưng chiếc Boeing 707 hôm ấy rời Sài Gòn sang San Francisco, quá cảnh sân bay Honolulu được hai phút mìn mới phát nổ. Toàn bộ máy bay bị phá hỏng. Dù bọn cố vấn Mỹ thoát chết nhưng đã gây chấn động quân đội Mỹ.

“Tuy kết quả không mỹ mãn lắm nhưng trận đó gây tiếng vang rất lớn. Lúc đó, Bác Hồ điện vào khen đơn vị và khen tôi: Quân dân miền Nam không chỉ đánh Mỹ ở miền Nam mà còn đánh Mỹ trên đất Mỹ” - bà Thu Nguyệt tự hào nhớ lại.

Bà bộc bạch: “Làm cách mạng hy sinh lúc nào không hay. Ðiều cần thiết là phải quả cảm, có sự phối hợp tốt với đồng đội, nhanh trí xử lý tình huống. Hơn nữa, người chiến sĩ biệt động cần có nhiều sáng kiến về hợp đồng giờ giấc, địa điểm, đường sá, ám hiệu, ứng phó với địch rồi tích lũy nhiều kinh nghiệm cho những lần sau. Cứ mỗi chuyến về thành phố, tôi đều mang theo công văn, tài liệu, chỉ thị, thư từ và phải được ngụy trang, cất giấu cẩn thận. Tôi may mắn được đồng đội cưu mang, nhân dân che chở nên hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn”.

Sau những trận đánh oai hùng, Thu Nguyệt được tuyên dương Chiến sĩ thi đua của Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Cũng trong năm 1963, bà bị bắt khi chuẩn bị đi báo cáo thành tích tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua. Bản án khổ sai 20 năm không làm cho Lê Thị Thu Nguyệt, khi đó mới 19 tuổi, lung lay. Trải qua 11 năm bị địch tra tấn đủ mọi hình thức trong các nhà tù khét tiếng, từ An ninh quân đội, Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo… nhưng bà vẫn yêu đời, tin vào cuộc sống và tổ chức nhiều cuộc biểu tình, phản đối địch ngay trong chốn lao tù.

Thân thể bà còn hằn những vết tích do địch tra khảo, vết sẹo dài do chó bẹc-giê cắn, bị lột da bằng hóa chất nhưng bà nhất định không khai nửa lời. Ở trong tù, bà vẫn tiếp tục gầy dựng cơ sở cách mạng. Bà tâm sự: “Nếu không được nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng, tôi không thể làm nên chiến công. Sống trong hang ổ của địch đánh địch, những chiến sĩ biệt động không chỉ mưu trí, dũng cảm, mà còn phải có khả năng ứng phó nhanh nhạy, biết xây dựng mạng lưới cơ sở, triệt để tuân thủ bí mật tổ chức, vượt qua những áp lực từ gia đình, dư luận xã hội, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc riêng tư, cả bản thân mình để hoàn thành nhiệm vụ”.

“Lua” cua me…

Nữ biệt động Thu Nguyệt (trái) tại sân bay Lộc Ninh năm 1974

Mẹ truyền - con nối

Mãi đến ngày hòa bình, bà mới lập gia đình với đại tá Đỗ Khánh Vân - công tác tại Quân khu 7. Sau đó, bà trở thành Hội phó Hội LHPN Q. Tân Bình, Bí thư chi bộ, Trưởng cửa hàng lương thực trung tâm TP. Di chứng chiến tranh đã làm bà năm lần sẩy thai. May mắn, cuối cùng bà cũng sinh được hai con trai. Vừa nuôi con nhỏ, chồng là bộ đội thường xuyên vắng nhà, một lần nữa, bà lại đối mặt với trận chiến không tiếng súng nhưng cũng không kém phần khốc liệt.

Chỉ tôi xem bằng tốt nghiệp đại học của hai con được treo nơi trang trọng nhất trong nhà, bà tâm tình: “Tôi từng ao ước được học hành tới nơi tới chốn nhưng do đất nước chiến tranh, không thực hiện được, nên tôi quyết đầu tư việc học cho các con”. Thời điểm những năm 90, việc bà đưa con đi học ở Anh, Mỹ không được nhiều người ủng hộ, vì “mẹ từng đánh Mỹ mà nay con lại đi học trên đất của kẻ thù”. Nhưng suy nghĩ của bà rất “khác người”, tách bạch chuyện quá khứ - hiện tại. Bà quyết tâm cho con du học vì đất nước còn nghèo, thế hệ trẻ cần phải tiếp thu khoa học kỹ thuật ở các nước tiên tiến nhất, để phục vụ nước nhà sau này.

Ước mong của bà đã thành hiện thực khi hai con bà đều trở về Việt Nam làm việc. Đó là thạc sĩ Đỗ Khánh Vinh (33 tuổi), tốt nghiệp khoa hàng không không gian hạng giỏi ở Boston (Mỹ), hiện làm việc tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam và thạc sĩ Đỗ Khánh Hiếu (30 tuổi), tốt nghiệp đại học ở Anh, ngành hóa, đang công tác tại Công ty Colliers International Vietnam.

“Mẹ là niềm tự hào của chúng tôi. Mẹ đã không tiếc cả bản thân mình cho đất nước thì hà cớ gì, chúng tôi có đủ điều kiện lại không cống hiến cho nước nhà. Khi du học, hành trang tôi mang theo là lời dạy của mẹ: “Phải luôn tự hào mình là người Việt Nam”, anh Khánh Vinh bộc bạch. “Tôi nhận thức rằng cần phải tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến, những ngành kỹ thuật mũi nhọn để trở về phục vụ quê hương. Và, tôi đã trở về Việt Nam công tác”, anh Vinh nói.

“Lua” cua me…

Không chỉ cống hiến cho quê hương, hào khí gia đình cách mạng như sợi chỉ đỏ xuyên suốt thế hệ đi trước tiếp nối thế hệ đi sau. Ở thời bình, hai người con của nữ biệt động Sài Gòn đã có nhiều cách giữ “lửa cách mạng” như tích cực tham gia hoạt động đoàn thể tại địa phương, tham gia “về nguồn” - những nơi đồng đội của cha mẹ mình đã hy sinh xương máu, hay tham dự buổi họp mặt những người bạn chiến đấu… Những nơi họ đến, những câu chuyện anh hùng họ nghe, đã hun đúc thêm cho các anh niềm tự hào về truyền thống yêu nước của các thế hệ đi trước. Anh Khánh Hiếu chia sẻ: "Mỗi khi có cơ hội, tôi đều “tiếp thị” đến bạn bè thế giới những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của đất nước”.

Càng hạnh phúc hơn khi dù không có con gái, nhưng sự quan tâm, chăm sóc cha mẹ của hai người con trai của bà luôn chỉn chu từng chút. Bà có bệnh tiểu đường, cần hạn chế những món ăn có độ đường cao. Trước mỗi món ăn bà ưa thích, Khánh Hiếu luôn cập nhật thông tin để xem món đó có dành cho người tiểu đường không. Tự tay cắt đu đủ, pha nước mơ mời khách, anh không quên dặn mẹ: “Mấy món này nhiều đường, mẹ đừng ăn nhé”. Vinh và Hiếu còn hay tranh việc nhà với mẹ, phụ bà nấu cơm, làm việc nhà. Tối tối, hai anh thay nhau xoa bóp vai, nắn chân, bôi thuốc cho cha mẹ. Vinh tâm sự: “Tôi thương và tự hào với từng những vết thương của mẹ. Những khi trái gió trở trời, vết thương của mẹ đau buốt…”.

Tôi hỏi vui: “Bây giờ bà có dám đánh giặc?”. Ánh mắt người nữ biệt động đầy quả quyết: “Phụ nữ Việt Nam phải cầm súng là điều bất đắc dĩ. Những khi đất nước cần, chúng tôi quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ Tổ quốc”. Nhưng rồi, bà cười viên mãn, “gia đình hòa thuận, các con có việc làm ổn định, hết mực hiếu thảo với cha mẹ chính là chiến công lớn nhất của tôi”.

Lê Uyên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI