Lựa chọn để học trò được là chính mình

24/07/2020 - 07:44

PNO - Những dịp bên nhau cuối năm học, cả lớp 10C7 ngập trong màu tím. Hoa thạch thảo nở tím trên tay mỗi học sinh trong ngày lễ tổng kết. Khối rubik cùng dòng chữ “Giữ im lặng” nổi bật trên chiếc áo đồng phục màu tím khi cả lớp tham gia dã ngoại. Phía sau tất cả, màu tím là tình cảm của lớp dành cho cô giáo chủ nhiệm. Đơn giản vì cô yêu màu tím.

Cũng không ai hay rằng, nét mặt rạng ngời của các học sinh (HS) trong những ngày cuối năm học là kết quả một lựa chọn rất riêng của cô giáo.

Buổi họp phụ huynh mà không phụ huynh nào muốn về

Một ngày cuối năm học, trong lúc giáo viên bận rộn với sổ sách để hoàn thành năm học, P. - HS lớp 10C7 Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã đến gặp cô chủ nhiệm để xin 0,1 điểm cho một môn học khiến mình bị khống chế, không đạt HS giỏi. Biết không thể giúp, nhưng đôi mắt khẩn cầu của P. khiến cô Trịnh Hải Yến, chủ nhiệm lớp 10C7, không thể chỉ dừng câu chuyện ở lời từ chối.

“Tại sao nhất định phải là HS giỏi hả em?”. Cố che giấu cảm xúc, nhưng P. không thể nào ngăn được những giọt nước mắt lăn xuống, phần vì tức trước áp lực đang đè nặng trong lòng, phần như bất lực khi hy vọng cuối cùng đã tắt: “Ba mẹ chỉ muốn em phải là HS giỏi thôi cô à”.

Cô giáo chủ nhiệm Trịnh Hải Yến (thứ tư từ phải sang) cùng học trò với nhành thạch thảo tím trên tay trong ngày tổng kết năm học
Cô giáo chủ nhiệm Trịnh Hải Yến (thứ tư từ phải sang) cùng học trò với nhành thạch thảo tím trên tay trong ngày tổng kết năm học

Suốt chín năm là HS giỏi tốp đầu của trường, nên việc chỉ đạt loại khá ở năm đầu cấp III là một cú sốc với P. Nhưng dù HS khá cũng không là vấn đề quá lớn với P. nếu cha mẹ không quá kỳ vọng. Bước sang tuổi 16, P. không cần phải đụng tay vào bất cứ việc gì, ngoài nhiệm vụ phải tập trung để học thật giỏi. Thậm chí, cả việc trò chuyện với cha mẹ cũng không cần thiết.

Câu chuyện về cậu học trò vì gồng gánh ước mong của cha mẹ mà trở nên lầm lũi, cô độc trong chính gia đình mình khiến cô Hải Yến trăn trở. Hơn 15 năm đứng trên bục giảng, cô nhận thấy, câu chuyện của P. không phải riêng của một học trò nào. “Nếu chia tay HS như vậy, tôi cảm giác mình chưa hoàn thành trách nhiệm”, suy nghĩ đó buộc cô Yến phải làm điều thật khác để năm học không kết thúc trong lưng chừng. 

Thế rồi, ý tưởng về buổi họp phụ huynh mà ở đó thay vì nghe báo cáo thành tích, phụ huynh có cơ hội để lắng nghe “tiếng lòng” con mình được thực hiện tại buổi họp cuối năm. Những bức thư của 44 HS gửi đến cha mẹ đã được cô giáo thay mặt học trò đọc lên giữa lớp. Buổi họp chỉ vậy rồi kết thúc với thông điệp của cô giáo: “Nếu phải lựa chọn, hoặc là con mình học thật giỏi, suốt ngày chỉ học và học để trở thành đứa trẻ vô cảm, xa lạ với chính gia đình, bạn bè; hoặc là, con mình không nhất thiết phải tốp đầu nhưng là đứa trẻ hạnh phúc, quý phụ huynh sẽ lựa chọn như thế nào?”. 

Không ai trong số những phụ huynh có mặt trong phòng học của lớp 10C7 hôm đó muốn về, bởi có quá nhiều cảm xúc đọng lại qua những bức thư. Và cũng vì có rất nhiều điều họ cần suy ngẫm đằng sau những bức thư. “Ai cũng nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng của mình trong lời gửi gắm của các con. Vì kỳ vọng mà vô tình đặt áp lực lên con, mãi nhìn “con nhà người ta” mà làm tổn thương con mình lúc nào không biết. Ai cũng nghĩ rằng mình thương con, nhưng chưa ai thật sự chịu “làm bạn” để thấu hiểu con mình”, chị Vũ Hương Giang, phụ huynh lớp 10C7 chia sẻ về buổi họp đáng nhớ.

Không giỏi cũng không sao, nhưng phải là người tử tế

Lựa chọn để “học trò được hạnh phúc” khiến cô Hải Yến trở thành một cô giáo “lười” dạy trong cách nói của Minh Khang, HS lớp 10C7: “Cô dạy nhanh lắm. Nội dung nào bớt được là cô lướt qua để dành thời gian “tám” với lớp”. Còn trong suy nghĩ của Thanh Nghi thì, “chúng tôi không mất nhiều thời gian để học môn địa nhưng lại dễ hiểu và dễ nhớ vì trong giờ học, cô luôn tạo điều kiện để HS tranh biện với nhau những vấn đề xã hội có liên quan đến bài học”. 

cô
Để cô thể  thu phục muôn kiểu học trò, cô Hải Yến biến mình thành một thành viên của lớp.

Bật cười trước những lời “tố cáo” của học trò, cô Hải Yến cho biết: “Kiến thức nào không thật sự cần thiết và thiếu thực tế, tôi sẽ bỏ qua để dành thời gian cho HS trong những vấn đề thiết thực hơn”. Việc dạy môn phụ khiến cô Hải Yến không có nhiều thời gian tương tác với lớp. Do đó, bất cứ khi nào có thể, cô đều tranh thủ làm công tác chủ nhiệm.

“Khi dạy bài dân số, tôi sẽ nhấn mạnh một vài điểm chính yếu theo yêu cầu kiến thức, phần còn lại sẽ mượn câu chuyện dân số để giáo dục giới tính cho HS. Chúng ta cứ nghĩ rằng HS bây giờ cái gì cũng biết, nhưng thực chất, điều HS biết chưa đúng”, cô Hải Yến nói.

Là chủ nhiệm của lớp có học lực tốt nhất trường, nhưng đó cũng là áp lực của cô Hải Yến, bởi không phải cứ học trò giỏi là sẽ ngoan như mặc định. “Cô chủ nhiệm là một cô giáo tốt và tôi đã thay đổi khá nhiều”, Quý Phi, HS giỏi tốp đầu lớp, từng bị cô chủ nhiệm mời xuống phòng giáo viên để “nói chuyện”, chia sẻ.

Phi kể: “Học giỏi, tự tin khiến tôi có chút kiêu ngạo và muốn nổi bật trong mắt bạn bè nên theo xu hướng nổi loạn. Tôi chửi thề, cầm đầu nhóm phản đối giáo viên chủ nhiệm và nội quy của lớp”. Một lần, cô Hải Yến bất ngờ xuất hiện trong giờ học bộ môn và xin phép giáo viên để được nói chuyện riêng với Phi.

Lúc đó, Phi khá lúng túng vì chưa kịp chuẩn bị để đối phó với cô giáo. Tuy nhiên, sau cuộc nói chuyện với rất nhiều câu hỏi từ cô giáo, Phi hiểu rằng “không phải giỏi là đủ, giỏi là thành công, vì xã hội chỉ lựa chọn những con người tử tế”. Cô vẫn hay nhắn nhủ với lớp: “Các bạn không giỏi cũng chẳng sao, nhưng nhất định phải là những con người tử tế. Chỉ khi nào chọn cho mình lối sống tử tế thì cuộc đời mới tử tế với các bạn”. 

Để có thể “thu phục” muôn kiểu học trò, cô Hải Yến quên hết đủ thứ quyền lực xử phạt HS mà một giáo viên chủ nhiệm có trong tay để biến mình thành một thành viên của lớp. Chị Vũ Hương Giang cho biết: “Học trò quậy bao nhiêu thì cổ quậy bấy nhiêu. Lên nhóm lớp trên mạng, cổ bày ra đủ trò để “cà khịa” tụi nó”.

Đó là lý do khiến Minh Khang, con trai chị, ngày nào đi học về cũng huyên thuyên kể đủ chuyện về lớp mình, mà trong đó, cô giáo chủ nhiệm luôn là nhân vật chính. “Cô giáo con hay lắm” là câu Khang hay “chốt” lại trong hầu hết câu chuyện về trường học. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI