Tại cuộc họp với lãnh đạo năm tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn, chiều 24/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu: “Phải rút ra được bài học trong phòng, chống lũ lụt”.
Báo Phụ Nữ TPHCM đã trao đổi với ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế - về những bài học cần rút ra sau các đợt bão, lụt ở miền Trung, kéo dài từ ngày 6/10 đến nay.
|
Ông Phan Thanh Hùng trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM |
Thiếu những thứ bị coi là thừa
*Phóng viên: Xin ông cho biết sơ bộ về thiệt hại của tỉnh Thừa Thiên - Huế sau các đợt bão, lũ vừa qua?
-Ông Phan Thanh Hùng: Gần một tháng qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tiếp chịu ảnh hưởng của ba cơn bão và hai áp thấp nhiệt đới kèm hai đợt mưa lớn kéo dài. Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt nhất do có hiện tượng bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ gây tác động rất lớn đến đời sống người dân.
Bão lụt đã làm cho tỉnh Thừa Thiên - Huế thiệt hại hơn 1.126 tỷ đồng, 30 người chết, 13 người mất tích, 36 người bị thương, thiệt hại lớn về nông lâm nghiệp, các công trình cấp nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, điện lực, giáo dục, y tế, sạt lở hơn 10km bờ biển và hư hại nhiều đường giao thông...
Hiện tại, để ứng phó với bão số 8, toàn tỉnh đã di dời, sơ tán 17.241 hộ với 54.377 nhân khẩu, hướng dẫn cho toàn bộ tàu thuyền tránh trú, neo đậu an toàn. Hiện các lực lượng đang nỗ lực tìm kiếm 13 người mất tích do sạt lở núi tại Thủy điện Rào Trăng 3.
* Ông đánh giá thế nào về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) thời gian qua?
- Trong đợt lũ lịch sử năm 1999, mưa lớn chỉ kéo dài sáu ngày, nhưng vừa rồi, mưa lớn kéo dài gần nửa tháng. Tổng lượng mưa lớn tính từ ngày 6 đến 19/10 (14 ngày) đã bằng 80% lượng mưa trung bình một năm của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Mưa từ đồng bằng đến miền núi, từ sáng đến tối. Những ngày đó, 11 tỷ khối nước đã trút xuống tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Mưa lớn đã tạo ra những “túi nước”, làm cho đất mềm yếu dẫn đến sạt lở. Nhiều điểm sạt lở đất nặng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản như vụ sạt lở ở Trạm Kiểm lâm 67 (tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ làm công tác cứu hộ hy sinh.
Đó là ở đất liền, còn trên biển, thủy triều dâng cao làm cho bờ biển bị sạt lở nặng với chiều dài 10km gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống bà con nơi đây, cũng như gây khó khăn cho công tác cứu hộ.
* Thưa ông, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCTT & TKCN trong đợt lũ vừa qua có đảm bảo?
- Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng, chống lũ lụt được áp dụng rất hiệu quả. Tại một số thôn xóm, bà con có thuyền tại chỗ có thể chở 4-8 người sơ tán khỏi vùng lũ. Đây là phương tiện hiệu quả, thiết thực để người dân giúp nhau trong trường hợp khẩn cấp.
Tuy nhiên, sau đợt lũ năm 1999, ở một số vùng, bà con đã “lờ” đi việc đặt mua đò nhôm, thuyền đuôi tôm vì trong một thời gian dài, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện lũ lớn. Bà con lối xóm giúp nhau thường rất hiệu quả, đặc biệt là ở các vùng nước lũ dâng cao, bị chia cắt. Ở những vùng như vậy, lực lượng chuyên nghiệp như công an, quân đội đôi lúc khó tiếp cận ngay được do bị lũ chia cắt.
|
Người dân xã Phú Thanh (hạ lưu sông Hương) tỉnh Thừa Thiên - Huế hơn 12 ngày sống chung với lũ dữ |
Nước lũ dâng cao, để đảm bảo an toàn, nhiều vùng bị cắt nguồn điện. Trong khi đó, máy phát điện hoạt động còn hạn chế. Một số loại thiết bị như đèn dầu, đèn pin (dùng pin cục) có thể sử dụng được nhưng rất ít người trang bị. Có thể nói, qua đợt lũ này, mới thấy thiếu những thứ mà thường ngày bị coi là thừa.
Đặc biệt, đợt lũ lụt dài ngày vừa qua đã làm hệ thống thông tin liên lạc bị mất, một số vùng mất liên lạc hoàn toàn. Trong điều kiện như vậy, chỉ có điện thoại vệ tinh mới có thể liên lạc được nhưng chỗ chúng tôi (văn phòng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế) lại không có máy này. Sau đó, bên tỉnh mới chỉ đạo mang điện thoại vệ tinh từ Sở Thông tin và Truyền thông sang để phục vụ liên lạc, TKCN.
Máy điện thoại liên lạc vệ tinh chỉ có giá khoảng 30 triệu đồng, tiền thuê bao khoảng 250.000 đồng/tháng. Máy này có nguồn gốc từ Thụy Điển, rất cần thiết trong các trường hợp khẩn cấp khi hệ thống viễn thông bình thường không hoạt động được. Cái này có trang bị cho ngư dân rồi, nhưng một số đơn vị còn thiếu nên dẫn đến liên lạc khó khăn. Chúng tôi đã báo cáo việc này cho cấp trên và đề xuất trang bị cho các đơn vị phục vụ công tác TKCN.
“Bốn tại chỗ” vẫn hiệu quả nhất
* Nhiều người đặt vấn đề, sao không huy động các phương tiện, thiết bị hiện đại như trực thăng, tàu cứu hộ cỡ lớn để cứu hộ nhanh chóng, hiệu quả?
- Vừa rồi, có thân nhân người bị nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 gọi điện trực tiếp cho tôi, hỏi gia đình họ có thể thuê trực thăng vào đó cứu hộ hay không. Tôi chia sẻ thật, khi vừa xảy ra sự cố ở thủy điện Rào Trăng 3, phương án điều trực thăng vào cứu nạn đã được tính đến, nhưng do điều kiện thời tiết không cho phép. Đâu phải cứ muốn bay vào đó là được liền đâu. Sau đó, khi điều kiện thời tiết đảm bảo, trực thăng đã bay vào tham gia cứu nạn, cứu hộ liền.
Cũng như hiện nay, mình có trang bị tàu di chuyển được trong điều kiện mưa bão để cứu ngư dân gặp nạn trên biển, nhưng có một số vị trí không tiếp cận được do mắc cạn. Lúc đó, mình phải nhờ các tàu nhỏ, thậm chí là thuyền ngư dân để tiếp cận hiện trường. Do vậy, việc sử dụng phương tiện, thiết bị hiện đại còn phụ thuộc vào từng trường hợp, điều kiện cụ thể.
|
Sạt lở núi nghiêm trọng tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 dẫn đến 30 người chết |
* Về công tác chỉ đạo PCTT & TKCN, có một số ý kiến cho rằng, mô hình tổ chức đang bộc lộ một số bất cập, nên nâng cấp mô hình Ban chỉ huy PCTT & TKCN theo từng vùng miền trong điều kiện thiên tai đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi đã tham gia nhiều hội thảo bàn về vấn đề này. Cũng có nhiều ý kiến nói rằng, ta nên làm mô hình như nước ngoài hoặc nâng cấp thành một bộ trực thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế thì nó liên quan đến hệ thống tổ chức cấp huyện, xã, đến con người. Hiện nước ta đã có Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN do Phó thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, cấp tỉnh thì có Ban chỉ huy PCTT & TKCN...
Về mô hình, theo tôi như vậy là ổn. Tuy nhiên, bất cập ở đây là cán bộ làm công tác PCTT & TKCN ở cấp xã, huyện chủ yếu kiêm nhiệm. Họ chỉ được điều động, sử dụng khi có yêu cầu chứ không có cán bộ riêng đảm nhiệm công tác này. Như ở cấp xã, thường là sử dụng cán bộ địa chính kiêm luôn công tác PCTT & TKCN.
Tóm lại, mô hình của chúng ta đáp ứng được công tác. Chúng ta sử dụng phương châm “bốn tại chỗ” khi xảy ra sự cố, thiên tai thì cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Mô hình này được thế giới đánh giá rất cao. Theo tôi, không cần nâng cấp Ban chỉ huy PCTT & TKCN lên cấp vùng, miền vì từng tỉnh có đặc thù riêng. Điều cần thiết đầu tư là cán bộ chuyên nghiệp ở cấp xã, phường, là lực lượng tại chỗ, có mặt và ứng phó kịp thời trong từng tình huống. Cần tổ chức lại lực lượng PCTT & TKCN ở cấp huyện, xã.
Đầu tư thiết bị, con người theo cấp độ thiên tai
* Theo ông, cần tổ chức lại lực lượng này như thế nào?
- Như tôi đã nói ở trên, không cần thiết nâng cấp Ban chỉ huy PCTT & TKCN lên cấp miền Trung, miền Tây, Tây Nguyên… vì khi xảy ra sự cố, giao thông chia cắt, địa phương nào ứng phó cho địa phương đó là kịp thời nhất.
Chúng ta nên tổ chức lại theo hình thức đánh giá mức độ thiên tai ở từng địa phương, có thể theo cấp 1, 2, 3, 4 rồi giao cho từng tỉnh. Những tỉnh có mức độ thiên tai cao thì ở cấp huyện, xã phải có cán bộ chuyên trách, được đào tạo bài bản. Còn nếu vẫn kiêm nhiệm thì phải đầu tư thêm trang, thiết bị PCTT & TKCN theo từng năm cho các địa phương. Trước mùa mưa bão, tuyến xã phải bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị này theo kiểu “nuôi quân ba năm, đánh giặc một giờ”. Bởi, sắm máy móc thiết bị thì bảo “nuôi”, phải bảo trì; phải đào tạo… cái này là khó nhất. Bởi vậy, cần phải có cán bộ chuyên trách ở cấp cơ sở.
|
Sạt lở núi nghiêm trọng tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 - Ảnh: Thuận Hóa |
Cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc đào tạo cán bộ chuyên trách vì Chính phủ đang có chủ trương tinh giảm biên chế. Có thêm cán bộ chuyên trách sẽ làm tăng biên chế, sẽ có trường hợp cán bộ chuyên trách “chơi không” do địa phương hiếm khi xảy ra thiên tai. Chính vì vậy, tôi mới nói là phải đánh giá cấp độ thiên tai và giao cho từng tỉnh. Các tỉnh có cấp độ thiên tai cao thì phải được đầu tư có chiều sâu, có cán bộ chuyên trách và sẵn sàng “nuôi quân ba năm dùng một giờ”, miễn sao hiệu quả, có việc xảy ra là họ làm được ngay.
* Hiện nay, khi xảy ra thiên tai, người dân chủ yếu dựa vào nguồn cứu trợ của Nhà nước, Mạnh Thường Quân, trong khi ở một số nước, bảo hiểm thiên tai cho thấy rất hiệu quả. Theo ông, có nên tính đến việc luật hóa bảo hiểm thiên tai không?
- Tôi không thể chia sẻ sâu về bảo hiểm vì đây là vấn đề chuyên môn. Tuy nhiên, theo tôi biết, hiện một số nước đã có xu hướng chuyển dịch từ cơ chế tài chính thụ động trong giải quyết hậu quả thiên tai, thảm họa sang chủ động. Có thể hiểu nôm na là họ không chờ nguồn viện trợ của chính phủ mà họ có sẵn quỹ bảo hiểm để giải quyết thiên tai.
Đơn cử, Trung Quốc áp dụng chính sách bảo hiểm với nhiều loại hình thiên tai. Ví dụ, thành phố Thâm Quyến thực hiện bảo hiểm thiên tai với 15 loại hình, bao gồm động đất, gió, bão, mưa bão, lũ lụt, sóng thần, sạt lở đất, sạt lở núi, sấm sét, cuồng phong, ngập úng, lốc xoáy, mưa đá, lũ ống mang theo đất đá, lún sụt và các sự cố hạt nhân do 15 loại thiên tai này gây ra.
Ở Việt Nam, theo tôi biết, đã có thử nghiệm nhưng không thành công. Đơn giản là triển khai bảo hiểm thì phải có đối tượng tham gia, nhưng người dân mình rất thờ ơ với loại hình bảo hiểm này. Ngay cả quỹ phòng, chống thiên tai, ta cũng đã triển khai lâu rồi nhưng nhiều tỉnh không thu được. Như tỉnh Thừa Thiên - Huế, mỗi cán bộ tham gia một ngày lương, các hộ tại cụm dân cư là 15.000 đồng/năm nhưng nhiều người không nộp. Trung bình mỗi năm, quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ thu được 9 tỷ đồng.
* Cảm ơn ông đã chia sẻ.
Thuận Hóa - Sơn Vinh