Lũ quét vừa qua, hàng trăm hộ dân Kỳ Sơn lại lo núi sạt lở

11/10/2022 - 10:06

PNO - Trước nguy cơ núi đổ sập vùi lấp nhà (hiện đã sụt xuống gần 2m), hàng trăm hộ dân ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) buộc phải di dời để đảm bảo an toàn.

Sáng 11/10, ông Thò Bá Rê - Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) - cho biết, huyện này đã thành lập đoàn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở đất di dời để đảm bảo an toàn.

Theo ông Thò Bá Rê, nhiều những ngọn núi ở xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn) đã xuất hiện vết nứt, trong đó có những điểm hiện đã sụt lún xuống tới 2m, có nguy cơ đổ sập, vùi lấp toàn bộ những hộ dân sống ở phía dưới chân núi bất cứ lúc nào.

Sạt lở núi làm hư hỏng nhiều nhà dân ở xã Tà Cạ
Sạt lở núi làm hư hỏng nhiều nhà dân ở xã Tà Cạ

“Khó nhất bây giờ là có những gia đình thời điểm mưa lớn, núi sạt lở thì họ đồng ý di dời. Nhưng khi thấy nắng lên, cho rằng an tâm rồi thì họ lại không muốn di dời”, ông Thò Bá Rê nói.

Bản Sơn Thành (xã Tà Cạ), không bị lũ quét tàn phá hôm 2/10, song hiện 30 hộ dân ở bản này buộc phải di dời khẩn cấp do một ngọn núi ở sau lưng đã nứt toác, sụt lún xuống gần 2m. Nhiều điểm đất đá sạt lở, tràn xuống làm đổ sập nhà dân.

Ông Vi Văn Mằn - Chủ tịch UBND xã Tà Cạ - cho hay, xã này có 11 bản thì nay có 8 bản xuất hiện các vết nứt, sạt lở; trong đó có 4 bản hiện có nguy cơ sạt lở rất cao. Lực lượng chức năng đang nỗ lực vận động, hỗ trợ các gia đình tháo dỡ nhà cửa, dựng nhà tạm cho người dân.

“Vết nứt ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, ở bản Sơn Thành nhiều nơi đất đá sạt xuống làm sập một số nhà người dân. Nhà văn hóa bản cũng đã bị nứt toác, chúng tôi phải đập bỏ vì sợ trẻ con vào chơi sẽ rất nguy hiểm”, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ thông tin.

Lực lượng chức năng hỗ trợ các hộ dân phải di dời dựng nhà tạm để ở
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân phải di dời dựng nhà tạm để ở - Ảnh: H.Thượng

Ông Lương Văn Thắng (trú bản Sơn Thành) cho biết, nguy cơ núi đổ ập xuống ngày một cao, bởi thế ông đành tháo dỡ căn nhà sàn của ông đem đi cất rồi đi ở nhờ để đảm bảo an toàn. “Mưa dài ngày, đất trên núi lại ngấm nước đã lâu, chỉ cần mưa thêm vài giờ đồng hồ nữa thì sẽ rất dễ sạt lở”, ông Thắng nói.

Trưởng bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ) Vi Văn Truyền cho biết, khu vực núi bị sạt lở ở bản này đã khiến 20 nhà dân bị ảnh hưởng nặng, nhiều nhà nứt, nghiêng, không biết đổ sập khi nào. 

Do ảnh hưởng của nứt, sụt lún núi đã làm tuyến đường nhựa từ thị trấn Mường Xén đi xã Tây Sơn, đoạn đi ngang qua địa bàn bản Hòa Sơn bị nứt nẻ, mặt đường bị đùn lên có nơi cao gần 50cm.  

Quốc lộ 7A đoạn bản Noọng Dẻ (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) bị nứt nẻ về phía ta-luy âm, kéo dài hơn 10m, sâu khoảng 50cm, có đoạn rộng 20cm. Ông Nguyễn Xuân Lương - Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ huyện Kỳ Sơn - cho biết, đơn vị này đang cho xử lý tạm thời điểm sụt lún này để các phương tiện giao thông qua lại.

“Hiện nay chúng tôi đã thông xe được một vệt đường, dành cho xe nhỏ đi. Đối với xe to, dài thì không thể đi được vì rất nguy hiểm”, ông Lương nói.

Theo UBND huyện Kỳ Sơn, hiện trên địa bàn có 265 hộ dân thuộc diện di dời khẩn cấp, chủ yếu ở xã Tà Cạ với 218 hộ, số còn lại ở các xã Nậm Cắn, Phà Đánh và thị trấn Mường Xén.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, những hộ dân phải di dời khẩn cấp đợt này được chia thành 2 nhóm. Trong đó, nhóm đầu là những hộ dân phải di dời, chờ tái định cư; nhóm còn lại chỉ phải di dời tạm thời, chờ đợi sau khi hết mưa lũ nếu đảm bảo an toàn thì vẫn có thể quay về nơi ở cũ.

Quốc lộ 7A đoạn qua xã Nậm Cắn bị sụt lún
Quốc lộ 7A đoạn qua xã Nậm Cắn bị sụt lún

“Trong thời gian này, các hộ dân phải di dời có thể đến ở nhờ nhà người thân, thuê nhà trọ, hoặc dựng lán trại để ở tạm thời”, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nói.

Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, mưa lũ kéo dài nhiều ngày qua do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã khiến 1 cháu bé 4 tháng tuổi tử vong; 615 nhà dân bị thiệt hại, trong đó 55 nhà bị cuốn trôi, đổ sập hoàn toàn, 49 ngôi nhà khác bị hư hỏng 70%, nhiều tài sản, công trình… bị cuốn trôi. Thiệt hại ước tính gần 200 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần thu ngân sách của huyện này trong một năm.

 Vụ sạt lở thủy điện Kà Tinh: Lực lượng chức năng đã tiếp cận hiện trường

Sáng 11/10, lực lượng chức năng cùng xe cơ giới đã tiếp cận hiện trường vụ sạt lở thủy điện Kà Tinh. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, huyện Trà Bồng và chính quyền địa phương... cùng xe máy đào tiếp cận khu vực được cho là sạt lở để khắc phục, tìm kiếm nhân viên bị mất liên lạc.

Trước đó, lãnh đạo tỉnh đã có cuộc họp khẩn với UBND huyện Trà Bồng để lên phương án tiếp cận hiện trường. Huyện đang lập phương án xác minh, giải cứu nếu có và triển khai một cách an toàn nhất. Tại hiện tường, đất đá tràn xuống khiến một khu nhà của thủy điện bị đổ sập.

Thanh Vạn

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI