Lũ quét chẳng phải tại trời!

25/06/2018 - 18:11

PNO - Cần bao nhiêu mạng người nữa để thức tỉnh lương tri của những con người đang từng ngày hủy hoại rừng, biển, tài nguyên đất đai, vơ vét cho đầy túi tham?

Chỉ trong một đêm - từ đêm 23 đến rạng sáng 24/6, những trận mưa lớn đã biến thành lũ quét, hủy diệt nhà cửa, ruộng nương, đường sá… khắp các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên. Nhiều khu vực hoàn toàn bị cô lập. Thống kê chưa đầy đủ cho biết, có 7 người chết, 12 người mất tích và 5 người bị thương. Các cơ quan chức năng vẫn đang khẩn cấp di dời người dân, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn.

Đây không phải lần đầu, cũng không phải chỉ mới vài lần mà đã rất nhiều lần lũ lụt hoành hành trên mảnh đất này. Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nam bộ… Từ Cao Bằng, Yên Bái đến Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Tháp… Chẳng còn tỉnh thành nào tại Việt Nam không từng hứng chịu thiên tai, lũ lụt dưới dạng này hay dạng khác, ở mức độ nặng hay nhẹ. Bão, lũ, lụt, xâm nhập mặn giờ đã là chuyện thường niên mà người dân buộc phải sống chung và đánh cược sinh mạng của mình ở đó.

Lu quet chang phai tai troi!
Lũ cô lập nhiều khu vực ở Tây Bắc

Những cánh rừng chính là vệ sĩ giúp dân chống bão lũ. Những cánh rừng nguyên sinh càng có sức bảo vệ lớn hơn khi lá cây phát tán ngược nước lên trời, rễ cây đưa nước mưa vào lòng đất, bổ sung cho các mạch nước ngầm. Khi những chiếc máy cưa, máy xẻ, máy ủi nhân danh quy hoạch, phát triển hùng hổ tiến vào rừng, hạ gục những thân cây cổ thụ, gọt trọc những ngọn đồi, chúng đồng thời mang tử thần đến với đời sống người dân.

Không còn rừng phòng hộ, bao nhiêu nước mưa cứ thế lướt trên mặt đất, cuốn phăng từng ngôi nhà, từng con người, kể cả gia súc. Không còn rừng che chắn, những cơn bão tràn vào từ biển cứ thế giật sập những mái tranh xiêu vẹo, giết sạch những lương dân trên hành trình hủy diệt của chúng.

Chúng ta thống kê thiệt hại không xuể nữa, vì đã quá nhiều rồi. Những mái đầu bạc trắng gục bên ngôi nhà đổ; những xác em thơ nổi trôi theo dòng nước mà mắt vẫn còn chưa nhắm; những gương mặt thất thần nhìn về cánh đồng đang chìm trong nước, biết chắc rằng cái đói sẽ sớm đến với mình và cái nghèo sẽ đè nát phận mình.

Nhưng tất cả những hình ảnh đó dường như vẫn không đủ để thức tỉnh lương tri của những kẻ vẫn đang ngày đêm xẻ nát rừng già. Những căn biệt phủ vẫn cần gỗ quý để làm cửa, làm ngai thay vì chống đỡ, bảo vệ cho lương dân.

Lu quet chang phai tai troi!
Lở đá, sạt đường, chẳng phải "tại trời".

Tôi đã đi qua núi rừng Tây Bắc, đã chứng kiến những cung đường sạt lở mà mỗi khúc quanh là một lần đối diện với tử thần. Tôi đã hỏi thăm người trẻ người già người Mông, người Thái. Họ không biết tại sao mưa lũ ngày càng khủng khiếp như thế. Họ chỉ biết những cánh rừng đang mất dần, những con sông con suối hung hãn hơn qua từng năm. Họ đổ tại trời hành số phận họ, đâu hay số phận ấy do một nhúm "trời con" tạo ra.

Trên những cung đường Tây Bắc, tôi đã nhìn thấy những căn nhà sàn chênh vênh nơi triền núi - tuy “hàng xóm” thấy nhau, nhưng muốn đến thăm nhau phải đi ít nhất nửa ngày. Nếu một hay nhiều trong số các “biệt chòi” ấy của đồng bào bị cuốn đi, có lẽ cũng chẳng bao nhiêu người biết. Có lẽ họ sẽ biến mất như chưa từng tồn tại. Họ sẽ biến mất như sương sớm mai hay trong những đám mây mù mịt buổi chiều.

Sáng 25/6, sĩ tử cả nước bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Đề thi môn ngữ văn trích dẫn bài thơ Đánh thức tiềm lực của nhà thơ Nguyễn Duy về đất đai, rừng, biển, khoáng sản. Những tiềm lực ấy, kỳ thực, đã được/bị khai thác từ nhiều năm nay và giá trị của chúng đã, đang và sẽ tiếp tục chảy vào túi của các nhóm lợi ích, nhân danh quy hoạch, đầu tư, phát triển.

Chuyện cổ tích xưa kể ăn khế trả vàng, tham lam trả mạng. Ngày nay, các tập đoàn, phe nhóm vẫn tiếp tục tạo ra, ký kết các dự án ăn rừng, ăn biển, ăn đất đai… và điều kinh khủng là lương dân phải trả giá bằng mạng sống của bản thân, gia đình qua từng cơn mưa lũ.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI