Lu nước rửa chân và khạp nước giải khát

02/12/2017 - 08:21

PNO - Một thời, khắp miền Tây sông nước và cả ở miền Trung, ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc lu sành, đặt ngoài sân, đựng nước rửa chân cho khách đi đường - nét văn hóa đang dần mai một.

Bà con sống ở hai bên con kênh Ðạo Hổ (tỉnh Vĩnh Long), đang râm ran tán chuyện sẽ có một cây cầu mới.

Khi chúng tôi đứng chờ đò ngang, con kênh đang lúc nước ròng. Trên đầu bến, chỗ có bậc thang bằng gỗ tạp dẫn xuống đò, có một cái lu đầy nước, trong lu có cái thau nhựa nhỏ màu vàng. Không biết cái lu sành còn tốt này của ai, không dưng để ở bến đò này làm gì; không sợ trộm khiêng hay con nít phá bể sao?

Lu nuoc rua chan va khap nuoc giai khat
Lu nước rửa chân cho người đi đường, một thời là nét văn hóa của đất và người phương Nam

Chúng tôi đem những điều thắc mắc hỏi anh Xuân - chủ nhà của cái đám giỗ mà chúng tôi sẽ tới ăn, anh cho biết: “Ðể gặp lúc nước ròng, khách lên xuống, có nước mà rửa chân”. Chúng tôi buột miệng: “Sáng kiến hay quá!”, anh Xuân khoát tay: “Cái nếp ông bà để lại chứ sáng kiến gì. Xưa nay, khắp miền Tây sông nước này, ở đâu cũng vậy”.

“Rồi hằng ngày, ai múc nước đổ vô cho thiên hạ rửa chân? Chắc phải thu phí để có tiền mướn người làm việc đó chớ?” - chúng tôi hỏi. Một người đàn bà, trên đường đi chợ, đang múc nước từ trong lu, đứng rửa chân, nói: “Ai rảnh, thấy hết nước thì xách. Chớ hở một chút nói chuyện tiền bạc, sao còn dám nhìn mặt ai”.

***

Chị vợ tôi, một Việt kiều Mỹ, năm nào cũng về thăm Việt Nam. Vì về thường như vậy, chị tin rằng đường ruột của chị đã được “nội địa hóa” - cứ tha hồ ăn hột vịt lộn, cháo lòng, gỏi cuốn vỉa hè… Trong một lần “chơi” hai dĩa gỏi khô bò và một ly chè đậu đỏ nước cốt dừa, trên đường từ chợ Bến Thành về nhà, chị tôi bị đau bụng. Chị kêu tôi tìm cho chị một nhà vệ sinh công cộng.

Trong một đô thị gần 10 triệu dân (thực tế khoảng 14 triệu), ở mọi đầu đường đầu hẻm, đi đâu cũng thấy những cổng chào tự giới thiệu là khu phố, phường, xã văn hóa; nhưng thật không thể tìm được sự tự nguyện giữ gìn một nếp văn hóa đẹp như chuyện cái lu nước rửa chân của người dân quê ở miền Tây. Anh L.N.P., một thầy giáo tiểu học, bực tức nói: “Dân tình ngày xưa sống có nếp lắm, đâu tệ vậy”.  

“Không vô đó được đâu chị ơi” - tôi nói. “Sao vậy em?” - chị tôi hốt hoảng. Tôi hiểu tình cảnh không thể “chờ đợi” của chị. Nhưng nhiều nhà vệ sinh công cộng mới lập ở một số vỉa hè nội thành Sài Gòn đã biến chất, trở thành một thứ phòng vệ sinh riêng của dân hút, dân chơi các kiểu và kinh khủng nhất là chuyện mất vệ sinh.

Tôi đánh liều chạy vào một căn nhà mặt tiền trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, hỏi xin cho chị đi nhờ. Tất nhiên là tôi bị gia chủ từ chối. Tôi tin mình sẽ bị cả khu phố này từ chối dài dài nếu tiếp tục chai mặt hỏi chuyện đi toa-lét nhờ. Cuối cùng chị tôi cũng giải quyết được “tâm sự” trong một quán cà phê sang trọng.

Vì cái bụng đang “xấu” của bà chị mà chúng tôi phải trả tiền hai ly cà phê với giá cắt cổ. Thực ra, trong trường hợp ngặt nghèo này, chúng tôi phải mang ơn cái quán cà phê đó chứ sá gì chuyện tốn “phí đi cầu” gần trăm ngàn đồng! 

Trong một quán cà phê, trước chợ mới Phú Nhuận, ông Uẩn, làm nghề giữ xe, kể: “Trước đây, khắp Nam Kỳ lục tỉnh, đi đâu cũng gặp cái khạp nước với cái gáo hoặc cái ca múc nước để ngoài cổng rào, dành cho người đi đường lỡ bước giải khát. Ðời bây giờ, dù có đi gãy chân, tôi đố ông kiếm được”.

Những người có tuổi đang uống cà phê trong quán, có lẽ cũng như tôi, đều thấy thú vị khi nhớ lại hình ảnh cái khạp nước ngọt mà chủ nhà dành cho người dưng nước lã đó. Cái lu chứa nước rửa chân và cái khạp nước mưa giải khát không đơn giản là những phương tiện giúp đỡ người qua đường. Chúng đầy ắp ý nghĩa và tình cảm cộng đồng, là minh chứng tính cách hào phóng của những con người miền Nam.

Họ, dù đến trước hay đến sau, cũng đều là dân tứ xứ tìm đến vùng đất này và đã cùng nhau sáng tạo bản sắc văn hóa cộng đồng. Cái khạp và cái lu chỉ là những vật thể rất mộc mạc, bình dị nhưng lại là tài sản văn hóa nhân văn chung của đất và người phương Nam.

Một tay chơi còn trẻ, mặt khá “cô hồn”, xen vào câu chuyện: “Thời của mấy ông, mắc chứng gì mà dân tốt dữ vậy? Giờ mà có ai thử chơi khùng giống vậy, chắc vui à nghen”. Tuy không ai chấp lời lẽ thiếu văn hóa của người thanh niên ấy, nhưng không tránh khỏi chút cảm giác ngậm ngùi. 

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI