Lũ lụt, cháy rừng và cuộc chiến cuối cùng chống khí thải nhà kính

21/10/2020 - 07:22

PNO - Mỹ - nước tích lũy lượng khí thải carbon lớn nhất thế giới - sẽ chính thức từ bỏ Thỏa thuận Paris - nỗ lực phối hợp lớn nhất thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu - vào ngày 4/11. Do đó, thế giới cần tìm ra giải pháp thay thế trước khi quá muộn.

Những trận cháy rừng dữ dội tại Mỹ, lũ lụt ở châu Á hay nắng nóng ở châu Âu đều liên quan đến biến đổi khí hậu mà nguyên nhân trực tiếp là lượng khí thải carbon khổng lồ trên toàn cầu - Ảnh: NBC News/Spike Johnson
Những trận cháy rừng dữ dội tại Mỹ, lũ lụt ở châu Á hay nắng nóng ở châu Âu đều liên quan đến biến đổi khí hậu mà nguyên nhân trực tiếp là lượng khí thải carbon khổng lồ trên toàn cầu - Ảnh: NBC News/Spike Johnson

Trung Quốc, châu Âu lấp bớt khoảng trống của Mỹ

Đối với giới chuyên gia về khí hậu và môi trường, việc rút lui của Mỹ là lựa chọn phớt lờ bằng chứng khoa học về sự liên quan giữa việc đốt nhiên liệu hóa thạch với sự nóng lên toàn cầu, ngay cả khi bang California vật lộn với một số vụ cháy rừng lớn nhất trong lịch sử, còn Cục Quản lý khí quyển và đại dương Hoa Kỳ báo cáo rằng, tháng Chín là tháng nóng nhất được ghi nhận.

May mắn, khi Mỹ rời khỏi Thỏa thuận Paris do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, các cường quốc khác đang thể hiện thái độ tích cực hơn. Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) ngày càng tìm thấy điểm chung về quản lý khí hậu, bất chấp căng thẳng gia tăng trong các lĩnh vực chính sách khác. Hồi tháng Chín, Trung Quốc hứa sẽ tiến đến trung hòa carbon vào năm 2060, còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, EU sẽ cắt giảm 55% lượng khí thải carbon vào năm 2030, sau đó tăng lên 60% theo một cuộc bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu vào tháng Mười. 

Ngược lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên đặt câu hỏi về bằng chứng khoa học xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu. Trong chuyến thăm gần đây đến California - nơi cháy rừng đã gây thiệt hại hàng tỷ USD và hàng chục nhân mạng - ông nói rằng, khí hậu sẽ bắt đầu lạnh hơn. Trong khi đó, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden cho biết, ông sẽ đưa Mỹ tham gia lại Thỏa thuận Paris nếu được bầu làm tổng thống, và sẽ cam kết Mỹ đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 - sớm hơn một thập niên so với Trung Quốc. Ông Biden cũng cam kết chi 2.000 tỷ USD trong bốn năm cho các sáng kiến năng lượng sạch.

Cần hành động toàn cầu chống biến đổi khí hậu
 Trung Quốc, Mỹ và EU (nhóm G3) chiếm hơn một nửa tổng số khí thải carbon toàn cầu. Phần còn lại thuộc về Ấn Độ và những quốc gia khác. Hơn nữa, trong khi lượng khí thải giảm ở Mỹ và EU bù đắp phần nào cho sự gia tăng ở Trung Quốc, xu hướng phát thải ở phần còn lại của thế giới đang tăng mạnh. 

Tuy nhiên, điều mà cả chính sách khí hậu của phương Tây và Trung Quốc cần là một hiệp ước ổn định không chỉ bao gồm Ấn Độ mà còn liên quan đến các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn khác lẫn các nhà sản xuất than, dầu và khí đốt lớn như Úc, Canada, Nga và các quốc gia vùng Vịnh. Những cuộc tranh luận về hiệp ước đó đã diễn ra trong nhiều năm tại các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu. 

Nếu không có một phương án khả thi trong thời gian sớm nhất, toàn thể nhân loại đều sẽ thất bại. Bởi theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu hoạt động kinh doanh quốc tế không thay đổi, nhiệt độ có thể tăng 50C vào năm 2095 so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. 

Tấn Vĩ (theo SCMP, Foreign Policy)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI