Lũ lớn, lũ dữ sẽ ngày càng nhiều hơn

03/08/2018 - 08:51

PNO - Vụ vỡ đập Xepian - Xe Nam Noy ở Lào một lần nữa cho thấy, các đập thủy điện trên sông Mê-Kông như những quả bom nổ chậm đe dọa đồng bằng sông Cửu Long.

Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM có cuộc trao đổi với tiến sĩ Tô Văn Trường - chuyên gia về tài nguyên nước và môi trường - và tiến sĩ Hồ Long Phi - nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Lu lon, lu du se ngay cang nhieu hon
Toàn cảnh khu vực bị nước nhấn chìm sau vụ vỡ đập Xepian - Xe Nam Noy ở Lào. Ảnh: Ben C. Solomon/The New York Times

* Phóng viên: Với số lượng hàng trăm con đập (đã xây và dự kiến xây) trên sông Mê-Kông, vụ vỡ đập Xepian - Xe Nam Noy ở Lào và tình trạng ngập lụt bất thường ở miền Bắc phải chăng là một lời khẳng định: nhân tai đang gây ra thiệt hại không thua kém gì thiên tai?

- Tiến sĩ Tô Văn Trường: Theo tài liệu nghiên cứu thuộc chương trình KC08 của Bộ Khoa học và Công nghệ, số lượng đập thủy điện đáng kể ở các nước thượng lưu sông Mê-Kông, kể cả trên dòng chính và sông nhánh là 150 đập với tổng dung tích hữu ích 106 tỷ m³, trong đó hạ lưu sông Mê-Kông chiếm 84 tỷ m³.

Vụ vỡ đập Xepian - Xe Nam Noy của Lào và tình trạng ngập lụt bất thường ở các tỉnh phía Bắc đúng là cảnh báo thảm họa do nhân tai gây ra. Ngay khi mới xảy ra vỡ đập Xepian - Xe Nam Noy, báo chí đưa tin do nguyên nhân mưa nhiều, nhưng tôi đã phân tích là do nhân tai. Gần đây, phía Lào đã thông báo vỡ đập do chất lượng thi công kém, hồ bị nứt, áp lực nước lớn dẫn đến vỡ đập. Nhìn chung, nguyên nhân do thiên tai gây ra khó lường và khó chống hơn nhân tai, nhưng khi cả thiên tai và nhân tai xảy ra đồng thời thì đúng là thảm họa.

- Tiến sĩ Hồ Long Phi: Đối với mỗi đập thủy điện, các chuyên gia đều có tính toán sức chịu đựng của đập, nhưng đó chỉ là lý thuyết. Theo thời gian và biến đổi khí hậu, khả năng chịu đựng ngày càng yếu dần đi, biến cố sẽ càng thường xuyên hơn trong điều kiện thiên tai ngày càng cực đoan. Chưa kể dung tích hồ chứa bị bồi lắng, khả năng chứa kém dần đi. Tất cả dẫn đến những tiên liệu xấu trong tương lai và vỡ đập đã xảy ra rồi. 

* Sau vụ vỡ đập Xepian - Xe Nam Noy, đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào trong hiện tại và lâu dài?

- Tiến sĩ Tô Văn Trường: Về việc ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long, đập của Lào bị vỡ ở dòng nhánh sông Mê-Kông, cách Việt Nam 650km. Dòng nước lũ dọc đường đi đã bị chảy tràn vào các ô trũng và điều tiết của Biển Hồ nên về đến Tân Châu, Châu Đốc mất khoảng 4 ngày. Mức nước do vỡ đập cũng chỉ làm tăng thêm 5-6cm trên dòng Cửu Long nên ảnh hưởng ở Việt Nam coi như không đáng kể.

Tuy nhiên, năm nay, lũ về sớm và hơn lũ trung bình nhiều năm, các vùng chưa có đê bao chống lũ tháng Tám (lũ đầu vụ) nên có khoảng 30.000ha lúa hè thu chưa kịp gặt, bị thiệt hại ít nhiều là điều đã được cảnh báo từ trước. Về lâu dài, phải rà soát lại bài toán kinh tế (được và mất), nhất là hiệu quả của lúa hè thu ở vùng lũ sớm chưa có đê bao khép kín; theo dõi dự báo lũ để có giải pháp ứng phó chủ động.

- Tiến sĩ Hồ Long Phi: Đồng bằng sông Cửu Long đang phải chịu thảm họa kép. Nước biển dâng cộng hưởng với các hồ chứa tích nước sẽ khiến nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đồng bằng. Cho đến nay, lượng phù sa bị các đập giữ lại 60-70% nên lượng nước đổ về đồng bằng sông Cửu Long là nước “đói” và nó sẽ moi bờ để hình thành lại độ đục khiến tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn. Đến khi các con đập hình thành và hoạt động, lượng phù sa bị giữ lại có thể đến 90%, tác động sẽ lớn hơn nữa. 

Chúng ta đang triển khai theo cách chủ động ứng phó, thích nghi. Nhưng tôi có cảm giác chúng ta vẫn chưa thể triển khai đồng bộ đến tất cả bộ, ngành vì giống như họ đang làm theo hướng “chống cự” hơn là “thích nghi”. Nó giống như kiểu “Sơn Tinh với Thủy Tinh”, làm kiểu này rất nguy hiểm và cách làm ở Chương Mỹ, Hà Nội là một ví dụ. Cứ ngập thì làm đê cao hơn, đến một lúc nào đó, có một sự cố bất ngờ thì tất cả tiêu tan hết. 

Trong ứng phó biến đổi khí hậu, có hai khái niệm, là tích lũy nguy cơ và chuyển dịch nguy cơ. Trong đó, tích lũy nguy cơ giống như việc nước ngập ngang đây thì anh đắp đê cao hơn chặn lại. Chúng ta có thể chặn được 10 năm, 20 năm nhưng chỉ cần một năm không kịp chặn lại do sự cố bất thường thì coi như tất cả tài sản và cả tính mạng con người tích lũy trong 10 năm, 20 năm đó sẽ mất hết. Và việc đắp đập, đê là cách làm tích lũy nguy cơ chứ không làm mất đi nguy cơ.

Về chuyển dịch nguy cơ, đó là ngăn chặn chỗ này để đẩy nguy cơ đến chỗ khác, giống như là chống ngập chỗ này thì chỗ khác ngập chứ lượng nước gây ngập không bị triệt tiêu. Mọi cách chúng ta đang làm bằng công trình đều nằm trong hai trường hợp này chứ không là giải pháp bền vững.

Bên cạnh đó, lượng thủy sản trên sông Mê-Kông có thể sẽ giảm mạnh hoặc có nguy cơ tuyệt chủng khi các đập hoạt động. Đặc biệt, tài nguyên nước trên sông Mê-Kông cũng bị giữ lại nhiều bởi nhiều hồ, đập hoạt động làm cho dòng chảy về phía Việt Nam giảm đi nhanh chóng, mặn sẽ xâm nhập. Lũ lớn, lũ dữ sẽ có nguy cơ nhiều hơn. 

Trường Nguyên (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI