Bến không nơi giữ xe
Là đơn vị đầu tiên tham gia khai thác tuyến du ngoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhưng gần hai năm hoạt động, mãi đến ba tháng đầu năm 2017, chủ đầu tư là Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn mới “thu đủ bù chi”.
Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thuyền Sài Gòn - cho biết, khi bắt tay tham gia tuyến du ngoạn này, lãnh đạo công ty rất phấn khởi với việc góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của TP.HCM và quan trọng là làm sống lại dòng kênh vốn ô nhiễm nặng trong hàng chục năm.
Thời gian đầu, lượng khách không nhiều; đến năm 2016, lượng khách tăng nhẹ, đạt 12.000 lượt. Công ty cũng đã liên tục đưa ra nhiều sản phẩm mới như tổ chức các hoạt động đua thuyền, chụp hình cưới, biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc trên ghe vào những ngày cuối tuần, nhưng lượng khách vẫn tăng chậm.
|
Khách du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè |
Theo ông Anh, nguyên nhân chưa hút khách là vì hai bến tàu do công ty đầu tư hiện nay trên kênh Nhiêu Lộc vẫn không có điểm giữ xe gắn máy cho khách, vô tình làm mất đi một lượng lớn khách gia đình, nhóm bạn trẻ; hiện lượng khách chủ yếu do các công ty du lịch đưa đến bằng taxi, xe buýt…
Thêm nữa, việc thiếu ánh sáng an ninh dọc hai bên kênh và ánh sáng nghệ thuật tại các cây cầu cũng khiến hoạt động của ghe tàu gặp nhiều khó khăn khi chạy ban đêm. Tại một số đoạn có người dân câu cá, ghe tàu thường xuyên bị họ ném đá khiến khách lo sợ; vẫn còn tình trạng phóng uế, ăn nhậu, hút chích, ném rác bừa bãi xuống kênh… gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan.
“Ngoài hạn chế về điều kiện bến bãi, nhiều doanh nghiệp (DN) DLĐS rất ngán ngại các thủ tục xuất bến vốn rất nhiêu khê. Ví dụ, để tàu đưa khách từ quận 1 đi huyện Củ Chi, DN phải xin hai lệnh xuất bến tại hai địa phương; còn muốn qua quận 2 đón khách đoàn tại các khách sạn, lại phải xin thêm lệnh xuất bến của quận 2, làm xong giấy xuất bến thì bở hơi tai. Ngoài ra, hoạt động ghe tàu trên sông còn “đòi” rất nhiều giấy tờ như phòng cháy chữa cháy, tài nguyên môi trường, đăng kiểm, bằng cấp của lái tàu, nhân viên phục vụ và phải “tiếp” các đợt kiểm tra, thanh tra thường xuyên của các đoàn. Chỉ riêng việc phục vụ các đoàn kiểm tra, DN cũng đủ mệt” - ông Anh chia sẻ.
Nói về những rào cản của DLĐS, bà Đoàn Thanh Trà - Giám đốc truyền thông, tiếp thị Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, thuộc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist), đơn vị đang khai thác một số tour đường sông từ quận 1, quận 3 đi huyện Củ Chi và Cần Giờ - cho rằng, từ năm 2013, tổng công ty đã đưa ra nhiều sản phẩm nhằm thu hút khách, nhưng lượng khách vẫn không nhiều, chủ yếu là khách nước ngoài.
Hầu hết cầu tàu, bến bãi do nhà nước và tư nhân đầu tư dọc tuyến sông Sài Gòn đều là bến kỹ thuật, chưa đủ năng lực tiếp nhận cùng lúc nhiều tàu. Vì vậy, nhiều khi nhận khách, công ty phải chi thêm phí lưu tàu khiến chi phí hoạt động tăng thêm.
Còn ông Nguyễn Ngọc Phú - Giám đốc Công ty Sài Gòn River Tour - cho rằng, một trong những khó khăn khiến tour đường sông đội giá thành là do hành trình một chuyến ca nô trên sông thường kéo dài hơn bình thường từ 15 đến 30 phút do tàu phải né lục bình.
Vốn dĩ cơ cấu giá vận chuyển cho ghe tàu, ca nô đã cao, việc kéo dài hành trình khiến chi phí tour càng cao, khó cạnh tranh với các tour đường bộ. “Theo tôi, UBND TP.HCM nên cho phép những nhà sản xuất sản phẩm có liên quan đến lục bình được khai thác lục bình trên những đoạn sông có tàu ghe qua lại, vừa đỡ chi phí, vừa giúp DN có nguyên liệu sản xuất, lại giải quyết rắc rối cho tour đường sông” - ông Phú đề xuất.
Muốn hút khách, phải khác biệt
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, năm 2016, có 11 cầu bến được nhà nước đầu tư và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 20 cầu bến do tư nhân đầu tư, trong đó có bảy bến mới.
Ngoài việc đôn đốc chủ DN nâng cấp các bến cũ, lãnh đạo Sở GTVT cho biết, sẽ phối hợp với Sở Du lịch và các quận huyện rà soát lại, xây dựng thêm các bến bãi mới phục vụ du lịch, đồng thời đề xuất giữ lại khoảng 1.800m cầu tàu dọc cảng Nhà Rồng - Khánh Hội để tàu du lịch có bến hoạt động.
Thế nhưng, theo ông Phan Xuân Anh, cái DN cần không chỉ là bến bãi mà quan trọng hơn, họ cần một chính sách mở, trong đó, UBND TP.HCM mạnh dạn chấp thuận cho DN thuê đất trong thời gian nhất định, tự bỏ tiền túi ra đầu tư bến bãi và quy định rõ trong phạm vi đất đó, anh được xây cái gì, ví dụ phải được xây bãi giữ xe máy, nhà vệ sinh, nơi ăn uống để phục vụ khách.
“Nhà nước bỏ ra gần 30 tỷ đồng đầu tư 11 bến tàu, tôi thấy tiếc vì đa số là bến kỹ thuật, nhỏ và chỉ phục vụ việc cập bến, sau đó tàu phải đi liền không kích thích DN nhảy vào đầu tư du lịch vì họ biết chắc nhảy vào chỉ có lỗ” - ông Anh nhận xét.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, để hỗ trợ các DN mạnh dạn đầu tư tour đường sông, cần xây dựng, đầu tư thêm bến tàu; xử lý tình trạng ô nhiễm trên các tuyến sông, rạch. Ngoài ra, cơ quan liên quan cũng nên xem xét hỗ trợ DN trong thủ tục cấp phép đầu tư bến tàu do DN bỏ vốn ra.
Nhìn ở góc độ khác, tiến sĩ Phạm Sanh - chuyên gia về giao thông - cho rằng, TP.HCM có khoảng 800km sông, kênh rạch đi qua nhưng không phải đoạn nào cũng có thể khai thác du lịch, bởi nhiều tuyến kênh rạch bị ô nhiễm, luồng rạch hạn hẹp, rạch cụt không thông nhau.
Do đó, khi đã chọn phát triển DLĐS thì các DN phải loại bỏ những tuyến kênh, rạch như kể trên, bởi khách có lên tàu tham quan thì chỉ một lần bởi họ không thích thú, thậm chí khó chịu. Tour đường sông kén khách do giá tour thường cao hơn đường bộ, nên sản phẩm này phải hoàn toàn khác biệt với tour đường bộ thì mới cạnh tranh được.
Ví dụ, anh đưa khách du ngoạn trên sông thì nên ghé những khu sinh thái, trồng cây trái ven sông hoặc những làng ẩm thực với những món dân dã từ đồng ruộng, sông nước hay thăm thú cù lao, ăn rau rừng mọc dại mé sông… vừa tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên lại giúp khách thư thái, trải nghiệm một ngày thú vị.
Thu Hồng