Lũ chồng lũ, dân xác xơ

02/11/2016 - 07:00

PNO - Nhìn đâu cũng một màu nước bạc, nhà dân nhấp nhô trên nước, những mặt người nhàu nát vì mệt mỏi và sợ hãi.

Với người dân Quảng Bình, đêm nay có lẽ dài vô tận, bởi họ mắc kẹt giữa biển nước, chịu đói, lạnh, vật vã với nỗi lo ngày mai sẽ ra sao. Người ở bên này bờ sông Gianh cũng không cầm được nước mắt, khi ôm hàng cứu trợ bất lực nhìn nước, đành quay về thị xã Ba Đồn dù biết rằng bên kia sông, bà con đang nóng ruột chờ hàng.

Quảng Bình - nước mắt đôi bờ sông Gianh

Sáng 1/11, đại diện Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood cùng báo Phụ Nữ TP.HCM tìm đường vào rốn lũ xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình để chia sẻ khó khăn cùng đồng bào, nhưng đành đứng nhìn màn mưa dày đặc, màn nước đục ngầu.

Nước sông Gianh dâng cao, cắt các tuyến đường nối từ cầu Quảng Hải vào khu vực chín xã vùng Nam thị xã Ba Đồn. Mà đâu chỉ có chúng tôi ngậm ngùi thúc thủ. Trên cầu Quảng Hải nối đôi bờ sông Gianh, hàng trăm xe ô tô chở hàng cứu trợ khắp trong Nam ngoài Bắc buộc phải dừng chân. Bốn bề là mênh mông nước, nơi sâu nhất từ 1,5 đến 2m.

Lu chong lu, dan xac xo
Đường vào xã Quảng Sơn,thị xã Ba Đồn

Đang đưa hai đứa cháu lên thuyền thúng đi tránh lũ, ông Nguyễn Văn Dự ở xã Quảng Hải giọng khàn đi: “Cả đêm qua tới chừ dân bầy tui cứ lo chạy đôn, chạy đáo đối phó với lũ như ri thì biết khi mô mới hết khổ được. Được vài ba tấn lúa trữ trong nhà chờ bán để mua đồ ăn hàng ngày, giờ chìm hết rồi”.

Cạnh đó, bà Nguyễn Thị Bảy cũng đang loay hoay không biết xin thuyền của ai để đi đến nhà trưởng thôn Tân Đông nhận hàng cứu trợ về chống đói. Bà òa khóc: “Mới hôm trước mới nhận hai thùng mì tôm về, tưởng vài ngày tới có thêm thức ăn chớ. Ai ngờ bữa ni nước lên nhanh quá, đang lo dọn đồ đạc lên cao thì thùng mì tôm hắn trôi luôn. Bây giờ vợ chồng tui phải làm bè chuối đưa mấy đứa con chạy sang nhà hàng xóm xin cơm”.

Mưa to cộng với hậu quả của trận lũ ngày 15/10 làm nhiều tuyến đê bị vỡ nên nước nhanh chóng dâng cao thêm. Theo thống kê từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, trong ngày 1/11, huyện Quảng Trạch có 1.020 nhà ngập, có nhà ngập hơn 1m; thị xã Ba Đồn có 1.135 nhà ngập; huyện Tuyên Hóa ngập 1.888 nhà, trong đó có 528 nhà bị ngập từ 1-3m. Tại huyện Lệ Thủy, mặc dù mưa có giảm nhưng nước lũ đang lên rất nhanh.

Nhìn đâu cũng một màu nước bạc, nhà dân nhấp nhô trên nước, những mặt người nhàu nát vì mệt mỏi và sợ hãi. Nỗi âu lo hiện lên trên gương mặt ông Cao Minh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải: “Trắng đêm trầm mình chống lũ, mưa to miết không dứt, nhà dân thì đã bị ngập sâu hơn 1m, tình hình này không biết rồi sẽ tới đâu…”.

Sáng 1/11, tàu cá QB-98750 TS chạy vô bờ để neo nhưng mưa quá to, nước tràn vào khoang, tàu chạy vào bờ ở thôn Tân Mỹ thì mắc cạn rồi bị lật tại cửa Gianh, cả bảy ngư dân trên tàu đều rơi xuống sông. May thay, lực lượng Hải đội 2 Bộ đội biên phòng đã kịp đến, đưa tất cả bảy thuyền viên vào bờ an toàn.

Cũng trong sáng 1/11, trận lốc xoáy kinh hoàng đã xảy ra ở hai xã Phú Thủy và Mai Thủy (huyện Lệ Thủy) khiến 70 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có 20 nhà bị thiệt hại nặng; kho thóc của HTX Châu Xá chứa 13 tấn lúa cũng bị tốc mái che khiến gần 5 tấn bị ướt. Lốc xoáy cũng đã làm ông Nguyễn Văn Ninh (ở thôn Lê Xá, xã Mai Thủy) bị thương do ngã khi đang sửa lại mái nhà.

Đêm xuống tối mịt, mênh mông. Với người dân Quảng Bình, đêm nay có lẽ dài vô tận, bởi mắc kẹt giữa biển nước, chịu đói, lạnh, vật vã với nỗi lo ngày mai sẽ ra sao. Người ở bên này bờ sông Gianh cũng không cầm được nước mắt, khi ôm hàng cứu trợ bất lực nhìn nước, đành quay về thị xã Ba Đồn dù biết rằng bên kia sông, bà con đang nóng ruột chờ hàng.

Hà Tĩnh - nửa đêm cuống cuồng tháo chạy

Bản tin dự báo thời tiết khiến chúng tôi lạnh lưng: miền Trung sẽ mưa to kéo dài 5 ngày. Cách đây hơn 10 ngày, những tiếng kêu cứu từ nóc nhà dân ở vùng rốn lũ Hương Khê, Hà Tĩnh đã ám ảnh chúng tôi, thì nay thủy quái từ sông Ngàn Sâu dữ dằn ấy lại đổ về các vùng chiêm trũng. Dòng sông đã mất, bởi xung quanh là biển nước. Phương Điền, Phương Mỹ, Hương Thủy, Hương Giang, Hương Đô, Lộc Yên và Phúc Trạch bị cô lập. Nửa đêm nghe kẻng, thế là nam phụ lão ấu hè nhau chạy.

Lu chong lu, dan xac xo
Người dân thôn Phúc Tùng, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa lo lắng trước đợt lũ kép

Được người dân đưa lên vùng núi cao, quẳng chiếc gậy tre xuống, bà Trần Thị Phước, 86 tuổi, trú tại xóm 3, xã Hương Đô, huyện Hương Khê thều thào: “Mới mấy ngày trước, lũ đã khiến cho tôi tưởng chết đi, giờ lại lũ nữa, không biết chúng tôi phải sống thế nào đây. Đợt lũ trước, thân già này mắc kẹt trong nhà, kêu la mãi mà không có ai xung quanh, may mà anh Cường (trưởng công an xã) đập ngói nhảy vô kéo ra chứ không giờ làm gì có chuyện chạy lụt nữa”. Cái thở dài sườn sượt của cụ bà nhìn nhà mình dần mất trong nước lũ, như tiếng kêu cứu tuyệt vọng không hồi âm.

Trên các đỉnh đồi, người dân lũ lượt lùa gia súc đến điểm an toàn. Vật dụng trong nhà được đưa vào xe kéo, phủ lên lớp bạt che mưa rồi cùng nhau đẩy qua đoạn đường ngập nước. Cứ thế, đoàn người nối dài đua nhau đi lánh nạn. Khung cảnh thôn xóm quen thuộc giờ thành một màu trắng xóa.

Rẽ xuồng vào nhà anh Nguyễn Hoài Nam, SN 1985, trú tại xóm Ấp Tiến, xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, mang theo thùng nước sạch hỗ trợ, chúng tôi không thể rời khỏi xuồng bởi ngoài sân, nước đã ngập hơn 1m. Lần lụt trước, xóm Ấp Tiến là một trong những xóm chịu thiệt hại nặng nề nhất, có nhà bị ngập lút nóc.

Giữa đêm, người trong xóm đánh kẻng, trống hô hào người dân giúp đỡ nhau chạy lũ. Nhà nào có địa điểm cao, không bị lũ đe dọa thì đến giúp đỡ những nhà bị ngập, hỗ trợ người đơn thân. Ông Hoàng Xuân Tần, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ cho biết: “Hiện địa bàn xã có 215 hộ dân bị ngập và cô lập, chỉ khoảng hơn 1m nữa là bằng với trận lũ trước. Lũ nối lũ, người dân Phương Mỹ đang rất khó khăn”.

Tại xã Hương Trạch,nơi đầu nguồn của dòng sông Ngàn Sâu, gần kề với nhà máy thủy điện Hố Hô, người dân vừa thót tim bởi chiếc thuyền bị lật, may mà được phát hiện kịp thời nên giữa đêm, cả xóm đánh kẻng cứu người. Mặc dù nước to, chảy mạnh nhưng lượng người tham gia cứu vớt người bị nạn đông nên hai nạn nhân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Theo thống kê mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 2.800 nhà dân ở năm huyện, thị xã bị ngập. Huyện Hương Khê có 17/22 xã với 1.116 nhà bị ngập sâu từ 1-2m; tại thị xã Kỳ Anh có 547 nhà dân bị ngập từ 0,5-1m; huyện Cẩm Xuyên cũng có 885 nhà bị ngập sâu… Trong khi đó, thủy điện Hố Hô lại tiếp tục xả!

Lu chong lu, dan xac xo

Mới 5 phút, nước đã vô nhà

Vào rạng sáng 1/11, nước sông Hiếu tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị lên nhanh, bất ngờ gây ngập lụt cho gần 1.700 hộ dân tại thị trấn Cam Lộ và các xã Cam Thành, Cam Tuyền, Cam Thủy, có nơi nước lên tận nóc nhà. Người dân tại đây không kịp phản ứng, khi nước vào tận nhà thì nhiều hộ vẫn chưa kịp di chuyển đồ đạc đến nơi cao, bỏ mặc tất cả tài sản, chỉ kịp thời chạy tránh lũ.

Tại các xã có nhà dân sống hai bên tuyến đường Hồ Chí Minh, nước dâng lên ngập từ 1,5- 2m. Rất may, nhờ đường cao nên người dân nhanh chóng di chuyển lên đường để tránh lũ. Ông Nguyễn Hào, trú tại khu phố Đông Định, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ cho biết: “Năm nay lũ về đột ngột quá, chỉ trong vòng 5 đến 10 phút thì nước tràn vô nhà sâu hơn năm ngoái nửa mét. Bà con trở tay không kịp nên thiệt hại nhiều, tài sản mất hết. Mấy năm trước, nước lên chậm nhưng năm nay thì nước về nhanh, không ai trở tay kịp”.

Theo UBND xã Cam Hiếu, hiện đã có một người mất tích, chưa xác định được danh tính. Ông Ngô Quang Chiến, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, toàn huyện có gần 2.000 nhà bị ngập, trong đó nặng nhất là xã Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thủy và thị trấn Cam Lộ.

Dũng Hà

Một người tử vong, hàng ngàn ngôi nhà ngập sâu

Theo báo cáo ban đầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tới ngày 1/11, tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, mưa lớn đã làm một người chết, một số tuyến đường liên thôn, liên xã và nhiều ngôi nhà bị ngập sâu dưới 1m, có nơi trên 1m. Cụ thể, tại Hà Tĩnh, số nhà ngập ở thị xã Kỳ Anh là 248 căn, ở huyện Kỳ Anh là 182 căn. Hai chiếc cầu tại xã Kỳ Sơn (Kỳ Anh) bị hư hỏng... Tại Quảng Bình, một số tuyến đường đã bị ngập sâu từ 1-1,5m, nhiều thôn bị cô lập. 215 ngôi nhà tại huyện Quảng Trạch bị ngập từ 0,3-0,9m...

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho hay, tính đến chiều ngày 1/11, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa lớn. Dự báo, từ ngày 2-4/11 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có thể có tổng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, riêng các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi lên tới 300-500mm.

Huyền Anh

Thuận Hóa - Cảnh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI