Lột nhẫn cưới bị uốn ván

19/04/2017 - 07:28

PNO - Chỉ vì chiếc nhẫn cưới đeo ở ngón áp út quá chật nên bà C. 62 tuổi phải tháo ra.


 Ngày 18/4, bác sĩ Dương Bích Thủy, Phó trưởng khoa  Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, BV này vừa tiếp nhận một trường hợp bị uốn ván nặng nghi ngờ do lột nhẫn cưới làm trầy xước ngón tay.

Bệnh nhân là bà Nguyễn Thu C., 62 tuổi, ở phường Tân Trụ, TP.Tân An, tỉnh Long An, nhập viện lúc 1g45 phút sáng 15/4/2017 trong tình trạng cứng hàm, nói đớ, khó thở và gồng cứng cơ toàn thân.

Chị Hoa, con gái của bà C. kể, do chiếc nhẫn cưới của mẹ chị đeo ở ngón áp út tay phải bị chật nên bà cố lột ra, trong quá trình lột, ngón tay bị trầy xước, sưng đỏ. Hai ngày sau, tay bà bị bưng mủ và  sưng to nên bà ra tiệm thuốc tây mua thuốc ampi về rắc vào vết thương rồi lấy gạc băng chặt lại.

Lot nhan cuoi bi uon van
 

Chiều hôm đó, cảm thấy hàm bị cứng, nhai đau, khó khăn, bà C. tưởng mình bị trúng gió nên tiếp tục mua thuốc uống. Đến ngày 14/4, từ cứng hàm, bà tiếp tục bị cứng cơ cổ, lưng rồi chân tay và bị co giật, người ưỡn ra như đòn gánh. Thấy vậy, hàng xóm bảo bà bị “phong đòn gánh” và khuyên chở lên BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. 

Bác sĩ Bích Thủy cho biết, tình trạng của bà C. khá nặng.  Vì thời gian bà C. bị trầy da tay cho đến khi bị bệnh rất ngắn (dưới 7 ngày). Hơn nữa, bà C. đã lớn tuổi, sức đề kháng suy giảm nên dễ làm các bệnh nền tiềm ẩn như tăng huyết áp, tim mạch... dễ bùng phát, khiến việc điều trị kéo dài và tốn kém. 

Theo bác sĩ Bích Thủy, khi bị vết thương nhỏ như trầy xước, xóc dằm, đứt tay… nhiều người chủ quan, không chăm sóc cẩn thận và không đi tiêm ngừa bệnh uốn ván nên khi vi trùng uốn ván theo các vật nhỏ đó đi vào cơ thể gây ra bệnh. Cách phòng bệnh uốn ván tốt nhất là chích ngừa, hoặc ngay sau khi bị vết thương ngoài da, cần phải chích huyết thanh kháng độc tố uốn ván, đồng thời chích ngừa vắc-xin.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI