Nở rộ lớp học “lạ”
Tại buổi gặp gỡ phụ huynh, học sinh khối Mười vừa trúng tuyển vào cuối tháng Bảy, đại diện Trường THPT Phạm Phú Thứ (quận 6) chia sẻ về lớp phương pháp mới và nhấn mạnh: “Mô hình lớp học phương pháp mới chủ yếu là để hỗ trợ cho việc học tập và phát triển của các em, có nghĩa là các em được bồi dưỡng nhiều hơn ở các môn học mà các em đã lựa chọn, chứ không phải lớp chọn, lớp chuyên hay bồi dưỡng học giỏi. Do đó, mọi đối tượng học sinh đều có thể tham gia trên tinh thần tự nguyện chứ không hề ép buộc”.
|
Học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ tham gia lễ tổng kết năm học 2022-2023 - Nguồn ảnh: Đoàn trường |
“Lớp phương pháp mới” được nhà trường giới thiệu cụ thể rằng: nếu các lớp học bình thường chỉ học 2 buổi chiều/tuần thì lớp phương pháp mới sẽ học đến 5 buổi chiều/tuần. Thời gian đó sẽ dành để ôn tập, rèn luyện, làm thêm bài tập ở những môn học mà các em đã lựa chọn để nắm bài rõ hơn. Năm học 2023-2024, mức thu dự kiến của lớp học này là 1,6 triệu đồng/tháng, trong khi lớp thường chỉ 500.000 đồng/tháng. Đây được gọi là những khoản thu thỏa thuận để học tiếng Anh với người nước ngoài, tin học MOS, ngoài ra còn thêm các câu lạc bộ, trải nghiệm, tiền quản lý hoạt động giáo dục… Đặc biệt, sĩ số học sinh ở lớp học này cũng ít hơn ở lớp thường, dưới 40 học sinh/lớp. Nhà trường cũng xây dựng 1 trang web riêng giao bài để học sinh học, làm…
Theo nhà trường, mức thu trong lớp thường, lớp phương pháp mới được tính toán dựa trên mức thu của năm học cũ (2022-2023), trong đó mức phí lớp phương pháp mới năm trước là 1,5 triệu đồng/tháng. Do vậy, hiện trường đang tính toán lại cho phù hợp với Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập tại TPHCM năm học 2023-2024 đã được HĐND thành phố thông qua.
Còn tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) quận 1 có mô hình lớp chất lượng cao. Theo lời giới thiệu mà trung tâm đăng tải trên website của mình thì: “Mô hình lớp học chất lượng cao là một trong những mô hình học tập tiên phong trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của hệ GDTX không chỉ trong phạm vi TPHCM mà còn là đầu tiên trong cả nước”.
Ở lớp học bình thường, học sinh sẽ học các buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu với mức học phí là 120.000 đồng/tháng. Trong khi đó, các em ở lớp chất lượng cao sẽ học 2 buổi/ngày, gồm chương trình chính khóa buổi sáng và các môn học kỹ năng vào buổi chiều. Đó là các hoạt động dạy học nâng cao theo các khối thi đại học, cao đẳng; học tiếng Anh IELTS với giáo viên nước ngoài; học tin học ứng dụng, tham gia các câu lạc bộ học thuật, thể thao, văn nghệ; học tập trải nghiệm ngoài nhà trường… Với tần suất trên, học phí của các em dao động từ 7-8 triệu đồng/tháng. Trung tâm cam kết đến cuối năm lớp Mười một, các em sẽ đạt từ 5.5 cho đến 6.0 IELTS.
Cơ quan quản lý không hay biết
Ông Cao Văn Hóa - Phó giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX quận 1 - cho biết: “Mô hình này ở toàn thành phố chỉ có mỗi mình trung tâm làm. Hiện tại đã có 28 học sinh lớp Mười chọn học lớp chất lượng cao. Riêng các em khối Mười một, Mười hai thì chưa đăng ký trở lại, có thể đến cuối tháng vì không giới hạn thời gian đăng ký”.
Tuy vậy, khi được hỏi về mô hình chất lượng cao và mô hình phương pháp mới nói trên, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay: “Lớp chất lượng cao của trường tiên tiến, hội nhập thì có thể có, còn lớp phương pháp mới thì chắc chắn không có, sở không chỉ đạo những việc này”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại TPHCM hiện chỉ có 3 trường THPT thực hiện mô hình tiên tiến, hội nhập là Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11). Các trường này thu học phí theo quy định của UBND TPHCM.
Trao đổi với chúng tôi về lớp phương pháp mới, ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TPHCM - tỏ ra ngạc nhiên: “Phương pháp mới là gì, tôi mới nghe thấy lần đầu. Làm gì có phương pháp mới nào mà theo lớp đâu. Dạy học là áp dụng chung, không có dạy học theo lớp phương pháp mới, lớp học là giống nhau chứ không có lớp nào riêng”.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho rằng: Ngoài những hoạt động giảng dạy theo quy định hiện hành, nếu các cơ sở muốn thực hiện dạy nâng cao, mở rộng theo nhu cầu của một bộ phận học sinh và có đủ khả năng đáp ứng thì việc đầu tiên cần làm là báo cáo, đề xuất với sở. “Phải có đề án, tờ trình để sở cân nhắc, kiểm định xem được cái gì và không được cái gì, kể cả sự công bằng giữa các đối tượng hoặc tạo tư tưởng “người có tiền”. Với chức năng quản lý của mình, sở sẽ có những đánh giá để đưa ra quyết định hợp lý và đảm bảo việc chỉ đạo từ trên xuống”, ông Nguyễn Văn Ngai nhấn mạnh.
Xã hội hóa là cần thiết để huy động thêm nguồn lực của phụ huynh đầu tư cho con em mình. Tuy nhiên giáo dục phải được cung cấp đồng đều cho mọi trẻ em, không phân biệt giàu nghèo để các em được đến trường một cách bình đẳng. Trong cùng một cơ sở giáo dục công lập mà có kiểu lớp này, lớp kia với sự phân biệt dựa trên đóng tiền nhiều, tiền ít là không mang tính giáo dục. Dễ dẫn đến tư tưởng “có tiền, có quyền” trong tiềm thức của các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trang Thư