Lớp học… xoay tua ở bản Cuôi

05/09/2023 - 06:21

PNO - Bước vào năm học mới, điểm trường thôn Cuôi (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có 2 lớp ghép với tổng số 12 học sinh. Trong đó, lớp Một, Hai có 4 học sinh; lớp Ba, Bốn có 8 học sinh. Đây là một trong những điểm trường xa nhất của tỉnh Quảng Trị.

Do điều kiện đi lại khó khăn, từ Cuôi ra học ở trung tâm xã Hướng Lập cũng cả 16km, các em nhỏ không thể theo học được nên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Lập đã cử 2 giáo viên nam về cắm bản. Bản Cuôi có 34 hộ, 250 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, là một trong những bản xa xôi nhất của Quảng Trị. Khó khăn, đói nghèo, nhiều thế hệ người dân bản Cuôi không biết chữ. Hơn 20 năm qua, đã có nhiều thầy cô gắn bó với điểm trường heo hút này để dạy con chữ cho các em. 

Các em học sinh ở điểm trường thôn Cuôi đang học tập - ẢNH: T.H.
Các em học sinh ở điểm trường thôn Cuôi đang học tập - Ảnh: T.H.

Trong phòng học chừng 30m2, với chiếc bảng kẻ làm đôi, bên này 2 em học sinh lớp Một học tiếng Việt, bên kia 2 em lớp Hai học toán, thầy giáo Lê Quỳnh Lưu say sưa giảng bài cho học sinh. Lúc thầy xoay qua trái dạy lớp Một, lúc chuyển sang phải chỉ bảo cho các em lớp Hai. Thầy chia sẻ: “Dạy lớp ghép nên cứ xoay tua khá vất vả. Nhất là phòng hẹp không có vật cách âm nên cũng khó khăn cho việc dạy và học. Đôi khi mùa mưa, nước xối lên mái tôn, thầy giảng trò không nghe được bởi tiếng ồn. Mùa nắng mái tôn hấp hơi, thầy trò như được tắm suối bởi mồ hôi như xối. Nhưng thấy các em học hành chăm chỉ và tiến bộ nên tôi cũng quên mệt nhọc để cố gắng dạy cho tốt”.

Ông Nguyễn Đình Nghĩa - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Lập - cho biết: “Mặc dù lớp ghép nhưng vẫn kèm cặp được các em học hành nên cũng bảo đảm được chất lượng học tập”. Ông cho biết thêm, trường hiện có 345 học sinh với 8 điểm trường. Trong đó, bậc tiểu học có 236 học sinh (11 lớp ghép) và hơn 109 học sinh THCS. Điểm trường xa nhất là Cuôi và Tà Păng, cách khu vực trung tâm xã gần 16km. Đặc biệt, điều kiện học bán trú của học sinh tại điểm trường Cuôi rất khó khăn. 

Nhiều học sinh còn thiếu sách vở, nhất là học sinh khối Tám; ngoài ra, áo quần đi học chưa đảm bảo. “Việc thiếu giáo viên khiến các thầy cô rất vất vả, đặc biệt là giáo viên tiểu học tại các điểm lẻ. Nhà trường mong muốn cấp trên bổ sung thêm từ 4-6 giáo viên để việc dạy và học tại vùng sâu vùng xa này được tốt hơn” - vị hiệu trưởng đề xuất.

So với trước đây thì nay đường sá đi lại tốt hơn rất nhiều. Dù vậy vẫn còn rất nhiều khó khăn. Thầy Lê Quỳnh Lưu cho hay: “Ở Cuôi mọi thứ không dễ dàng. Cũng may điện lưới Nhà nước kéo vào rồi nhưng sóng điện thoại vẫn còn khó lắm. Muốn gọi điện về cho gia đình mình phải đi ngược trở ra xã Hướng Lập nửa đoạn đường chừng hơn 6km rồi chọn quả đồi cao để đứng lên. Thậm chí phải chịu sự “tra tấn” của sên, vắt rừng. Không phải lúc nào cũng được gặp vợ con qua điện thoại”. 

Sinh ra ở vùng núi huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, thầy đã gắn bó cuộc đời dạy học tại xã Hướng Lập. Nhà cửa, vợ con đều ở thị trấn Khe Sanh, nên mùa nắng có khi 1 đến 2 tuần thầy mới về thăm nhà. Riêng mùa mưa lũ, thầy phải ở lại điểm trường Cuôi suốt cả tháng do sông suối đổ về dâng cao các ngầm tràn cô lập toàn bộ bản Cuôi. 

2 năm nay, ở thôn Cuôi không tuyển đủ cháu vào khối mầm non nên thầy Lê Quỳnh Lưu và thầy Nguyễn Viết Khảm đã mượn tạm phòng học khối mầm non để ở. Dãy phòng này được xây kiên cố nên mùa mưa gió cũng bớt lo. Tranh thủ những phút nghỉ ngơi, 2 thầy còn trồng rau củ, thả lưới bắt cá dưới suối để cải thiện bữa ăn. 

Thầy Lê Quỳnh Lưu bộc bạch: “Cũng may khi ở rừng núi, bà con và phụ huynh với giáo viên như người nhà, có cơm ăn cơm, có cá ăn cá. Dù khó khăn thế nào thì chúng tôi cũng khắc phục được. Chỉ mong rằng, khi có điều kiện thì Cuôi có được ngôi trường khang trang tại khu tái định cư mới, để mùa mưa bão về, thầy trò bớt nỗi lo sạt lở núi…”. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI