Tiếng lạch cạch của cây đánh bột va vào thành thau, tiếng lèo xèo giòn rụm của chiếc bánh khi vừa được cho vào chảo hay tiếng lụp cụp của dao, thớt… hòa cùng âm giọng bổng trầm của một cụ bà đang say sưa hướng dẫn học viên nấu nướng là những âm thanh quen thuộc mỗi buổi sáng cuối tuần tại lớp học làm bánh miễn phí của một “bà giáo” U80.
Cắt giảm đi chơi, dành tiền mở lớp
Suốt 10 năm nay, từ 8 - 11g Chủ nhật hằng tuần, căn nhà nằm sâu trong con hẻm trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, TPHCM của bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (74 tuổi) luôn rôm rả tiếng cười nói. Ở giữa hàng chục học viên, bà Hạnh với dáng người thấp bé mang chiếc tạp dề màu vàng quen thuộc đang tỉ mẩn hướng dẫn “đệ tử” cách pha bột làm bánh.
Thuở còn trẻ, bà Hạnh là nhân viên kế toán của một công ty du lịch nước ngoài. Nhờ có khiếu nấu nướng, bà đã mở một lớp dạy nấu ăn cho du khách ngoại quốc yêu thích và muốn tự tay chế biến những món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực Việt.
|
Lớp học làm bánh của bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh luôn tấp nập học viên - ẢNH: NHÃ CHÂN |
Sau này, dù tuổi đã cao, bà không đi làm nữa, nhưng niềm đam mê nấu nướng của bà chưa bao giờ tắt. Bà Hạnh tâm sự: “Khi nghỉ hưu, tôi buồn lắm nên hay đi cà phê với bạn bè. Sau vài lần, tôi nghĩ thay vì đi chơi với bạn bè, tôi để dành số tiền đó để mở lớp dạy nấu ăn miễn phí. Người học được lợi mà mình cũng vui vì tiếp tục được làm công việc yêu thích”.
Nghĩ là làm, bà Hạnh bắt tay gầy dựng lớp học làm bánh ở độ tuổi ngót nghét 80. Bà hài hước ví von việc mở lớp giống như một lần khởi nghiệp. Tuy nhiên, lần khởi nghiệp này không vì lợi nhuận. Ban đầu, lớp học chỉ khoảng mười mấy học viên. Dần dần, người này truyền tai người kia, học viên tìm đến đăng ký tăng lên. Hiện nay, trung bình mỗi buổi dạy của bà Hạnh có khoảng 30-35 học viên.
Học viên của lớp thuộc nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau: học sinh, sinh viên, người nội trợ, kỹ sư, luật sư, bác sĩ… đều có đủ. Mỗi buổi học, các học viên chỉ cần mang theo quyển sổ nhỏ và cây bút để ghi lại những điều cần lưu ý trong quá trình học và thực hành. Còn lại mọi thứ từ vật dụng đến nguyên vật liệu làm bánh, bà Hạnh đều bỏ tiền túi ra chuẩn bị tươm tất. Bà còn chu đáo soạn và in sẵn công thức làm bánh để mọi người dễ theo dõi.
Thông thường, bà Hạnh phải dành khoảng 2 ngày chuẩn bị cho buổi dạy làm bánh để mỗi học viên khi đến lớp chỉ việc lắng nghe và xắn tay vào thực hiện. Mỗi buổi, bà sẽ dạy làm 2 hoặc 3 loại bánh nếu dư thời gian.
Bà Hạnh quan niệm mùa nào thức ấy nên bà không ngại thay đổi “giáo án” vào những dịp đặc biệt. Đến Trung thu, bà sẽ dạy học viên làm bánh trung thu; Noel thì dạy làm bánh kem, bánh khúc cây; tết thì dạy làm bánh tét, mứt; còn những ngày bình thường, bà lựa chọn các loại bánh quen thuộc như: bánh giò, bánh ít trần, bánh mì… để dạy hoặc căn cứ vào nguyện vọng của người học.
|
Chị Lê Nga (đứng giữa) tự tay làm chiếc bánh kem tặng cô giáo của mình - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Thành quả của học viên chính là học phí
Hầu như mỗi học viên đều có mong muốn khác nhau khi tham gia lớp học làm bánh của bà Hạnh. Người thì muốn học để làm phong phú bữa cơm gia đình, tạo bất ngờ với người thân; người khác đến học đơn giản vì sở thích, vì muốn phục vụ công tác thiện nguyện và có cả những người tìm đến với mong muốn mở tiệm bánh kiếm thêm thu nhập.
Bà Hạnh bày tỏ: “Đến đây với lý do gì cũng được, miễn các bạn muốn học, thích làm bánh là tôi nhận hết. Tôi thường đăng thông báo lớp học trên Facebook, các bạn thấy rồi nhắn tin đăng ký. Khi nào đủ thành viên, tôi sẽ ngừng nhận và hẹn các bạn ấy vào buổi học kế tiếp”.
Tham gia lớp học làm bánh được 2 lần, chị Lê Nga - ngụ quận Gò Vấp, TPHCM - cho biết: “Chúng tôi đến đây học không mất một khoản phí nào hết, làm xong còn được mang bánh về nhà. Cô Hạnh rất tận tâm, dạy rất chi tiết, dễ hiểu. Đặc biệt, cô còn chỉ cho chúng tôi những bí quyết nấu ăn ngon mà trước giờ chúng tôi chưa từng biết, cũng không có sách vở nào dạy cả”.
Còn đối với anh Vũ Quang Huy - ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM - vì có mong muốn làm bánh bán tại nhà để kiếm thêm thu nhập, anh đã đến ghi danh sau lần xem video chia sẻ về lớp học của cô Hạnh trên mạng xã hội. Trong buổi đầu theo học, thấy cô rất nhiệt tình, vui vẻ hướng dẫn, anh Huy cho biết sẽ tiếp tục theo học để tích lũy kinh nghiệm bếp núc.
Khi chúng tôi hỏi điều gì đã thôi thúc bà duy trì lớp học suốt 10 năm qua, bà Hạnh cười, kể: “Có lần, tôi nhận được tin nhắn của học viên khoe rằng: cô ơi con vừa làm xong 300 cái bánh để đi từ thiện. Có học viên thì nhắn tin cảm ơn vì nhờ học lớp của tôi mà bạn ấy đã kiếm được thu nhập từ việc làm bánh. Tôi không thể dang rộng đôi tay để làm bánh mang đi khắp nơi tặng người nghèo, nhưng các học viên đã làm thay tôi. Những điều đó, những thành quả của học viên là học phí vô giá đối với tôi, là niềm vui lớn và tiếp cho tôi động lực để duy trì lớp học”.
Tấm lòng thơm thảo và sự tận tâm của bà Hạnh là minh chứng rõ ràng cho thấy ở bất cứ độ tuổi nào, chúng ta đều có thể cống hiến, sẻ chia và làm đẹp cho đời.
Nhã Chân