Chiều cuối tuần, trụ sở khu phố 2, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM rôm rả tiếng nói cười. “Cô ơi, sao con tính hoài không ra?”, “Cô ơi, con làm toán được mà chính tả nhức đầu quá”, “Cô ơi, thằng T. thích con K.”… những cô cậu học trò, đứa mới lên bảy, đứa đã mười ba, lao nhao gọi. Bà giáo già 62 tuổi, cô Phan Ngọc Hương, chầm chậm bước đến từng dãy bàn để hướng dẫn học trò.
“Nghe thằng bé ê a đọc, tôi mừng hết sức”
Học trò lớp tình thương đều là trẻ nhập cư theo cha mẹ từ khắp nơi cập bến Sài Gòn làm đủ thứ nghề kiếm sống như phụ hồ, bốc vác, đẩy xe ngoài chợ đầu mối, chài cá trên sông hoặc bóc vỏ hành tỏi. Còn các em cũng phải lang thang bán vé số, bán báo, đánh giày… kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Bởi thế nên, để tổ chức được lớp học tình thương là cả một sự tâm huyết.
|
Cô giáo Ngọc Hương tận tình hướng dẫn học trò ở lớp tình thương |
Trước đây, lớp mở buổi tối tại Trường tiểu học Đào Sơn Tây, khu phố 5, P.Hiệp Bình Phước. Nhưng do điều kiện đi lại khó, trẻ bỏ học nhiều, nên năm 2016 cô Hương đã đề nghị dời lớp qua trụ sở khu phố 2 và duy trì lớp vào chiều tối thứ Hai tới thứ Bảy (từ 17g-18g30) hằng tuần.
Sau khi dời lớp, cô Hương cùng các bạn đoàn viên thanh niên lại lặn lội khắp các khu nhà trọ, bến đò để tìm kiếm học trò. Một số phụ huynh đồng ý cho con quay lại lớp, nhưng cũng có người nói: “Thời buổi này, không tiền mới sợ chớ không có chữ vẫn sống sờ sờ cô ơi”. Các chủ khu trọ thì tặc lưỡi, cô dạy học cả đời rồi, về hưu thì nghỉ ngơi đi du lịch, làm cái việc này đâu có lương… Nghe xong, lần nào cô Hương cũng cười bảo, mình dạy cả đời rồi, giờ ráng chút nữa đâu có sao.
Có trường hợp cô phải tới năm, bảy bận và dùng đủ “mưu kế” như kể chuyện lớp học, tặng tập sách, bút, thước, bánh kẹo… thì cha mẹ các em mới xiêu lòng.
Lớp học của cô Hương không giáo án, bởi trình độ của các em rất khác nhau và cô dạy theo trình độ của từng em. Từ lương hưu của mình, tiền các con cho và học trò cũ ủng hộ, cô mua sắm đầy đủ dụng cụ học tập cho trò. Trung thu, tết thiếu nhi, cô Hương còn tổ chức cho các em vui chơi, rước đèn. Tết đến, các em còn có quà.
Ba năm qua, đã có hơn 100 em nhỏ theo học lớp tình thương, trong đó gần 20 em được cô giới thiệu, hỗ trợ hồ sơ để chuyển sang trường phổ thông. Chị Lê Thị Ngọc Lan, mẹ bé Gia Bảo, học trò cô Hương, chia sẻ: “Thiệt tình, con mình mù chữ, mình buồn lắm. Nhưng mình kiếm miếng cơm còn khó, nói gì đến trường lớp. Từ ngày cô Hương vận động đến lớp, đi học về là thằng bé ê a đọc từng con chữ, mình mừng hết sức”.
Sự tử tế được nhân lên
Năm 1978, cô Ngọc Hương về dạy học ở xã Long Khánh, H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nơi có dãy phòng học vách phên tre, mái lá, nằm giữa bốn bề sông nước.
Cô kể, cô nhớ hoài ba chị em gái là học trò được đặt tên theo thứ tự Ba, Tư, Năm luôn tới lớp đúng giờ. Có hôm trời đổ mưa, các em lấy mấy quyển tập che đầu, còn quần áo thì ướt sũng. “Tôi tìm đến nhà các em và thật xúc động, trong nhà không có thứ gì dù chỉ là cái ghế để ngồi. Nhưng cha mẹ các em thì quyết tâm cho con đi học để mai này bớt khổ. Với đồng lương giáo viên, tôi chỉ có thể trích ra mua tập, bút tặng trò và dặn các em, bài nào không hiểu thì buổi tối đến trường tôi chỉ cho. Về sau, cả ba chị em Ba, Tư và Năm đều trở thành cô giáo”.
Có lẽ, từ những trải nghiệm dạy học nơi quê nghèo mà giờ đây cô Hương vẫn nặng lòng với học trò nghèo, dẫu không còn khỏe. Ngoài lớp tình thương, cô còn mở rộng cửa nhà mỗi tối, học sinh cấp II muốn hỏi kiến thức các môn hóa, sinh cô đều hướng dẫn tận tình.
Rời Tiền Giang lên Sài Gòn năm 1985, cô Hương tiếp tục dạy học thêm 30 năm nữa tại các trường THCS Thái Văn Lung, Hiệp Bình (Q.Thủ Đức) trước lúc nghỉ hưu. Thương quý cô, nhiều thế hệ học trò đã thành danh ủng hộ cô vật chất để giúp học sinh nghèo. Ngoài ra, 40 sinh viên khác cũng tổ chức thành câu lạc bộ để phụ cô ở lớp học tình thương và kèm cặp những học sinh lớp 12 chuẩn bị thi đại học.
Bạn Phương Anh, sinh viên Đại học Luật TP.HCM, ngày ngày vẫn đến dạy kèm miễn phí cho các em đang học lớp 12. Chẳng là hồi Phương Anh chuẩn bị vào đại học thì ba em bị tai biến, đồng lương công nhân của mẹ không thể xoay xở, cô Hương đã tìm đến động viên và nhận tài trợ học bổng cho em suốt bốn năm. Còn bây giờ, “em biết tâm nguyện lớn nhất của cô là mang tri thức đến cho thế hệ trẻ, nên em xin góp một phần để thực hiện tâm nguyện đó”, Phương Anh tâm sự.
Sinh ra trong một gia đình có 10 chị em, mẹ là nữ hộ sinh, cha bị bắt đi lính, là chị cả nên cô Hương sớm phải cáng đáng nhiều việc nặng nhọc trong nhà. Bởi vậy, “dù có khó khăn, thiếu thốn, tôi vẫn mong tất cả trẻ em đều được đến trường, học lấy cái nghề chúng muốn. Và, thật mừng, học trò của tôi ở phố nhà nghèo này chúng biết thương yêu nhau, đàn anh dìu đàn em, từng đứa vững bước theo đuổi sự học”, cô Hương bộc bạch.
Tôi và nhiều bạn đồng lứa nay làm cán bộ ban ngành, đoàn thể cấp phường, Q.Thủ Đức, đều là học trò cô Hương ngày xưa. Về hưu rồi, nhưng hễ nghe đâu có học trò khó khăn, có trẻ đứng trước nguy cơ bỏ học là cô tới ngay. Năm 2017, bị tai nạn giao thông phải bó bột cánh tay, cô vẫn miệt mài với lớp tình thương. Ở cô, chúng tôi thấy được tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Cảm phục và thương quý cô rất nhiều.
Bà Trần Thị Minh Nguyệt - Phó chủ tịch Hội LHPN Q.Thủ Đức
|
Mẫn Nhi