Lớp học chữ của những học viên “tóc bạc da mồi”

30/04/2023 - 13:10

PNO - Tính đến nay, đã có nhiều khóa học được Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái tổ chức cho bà con, với gần 100 lượt người học, trong đó có khoảng 20% là chị em, bà con người Khơ Me.

 

Cô Đào Thị Thanh An và các học viên lớp học “lạ kỳ” nơi cửa biển Cà Mau - ẢNH: TỪ NHÂN
Cô Đào Thị Thanh An và các học viên lớp học “lạ kỳ” nơi cửa biển Cà Mau - Ảnh: Từ Nhân

Con sông Bảy Háp bắt nguồn từ nội đồng miền Tây Nam Bộ xuôi dòng về biển góp phần bồi đắp phù sa vùng bãi bồi mũi Cà Mau. Cuối dòng sông, có một lớp học nằm ven biển xóm nghèo, lúc chạng vạng lại ê a tiếng đánh vần của những học viên đã “tóc bạc da mồi”. 

Tại lớp học này, không có học kỳ, không có chuyện thi cử, chỉ có những học viên độ tuổi 60-70 với mục tiêu đơn giản: học để đọc và viết đúng tên mình. 

Tìm hiểu về lớp học “lạ kỳ” trên, chị Phạm Lý Ba - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) - cho hay, lớp học tình thương xuất phát từ xã Nguyễn Việt Khái mà chị Đào Thị Thanh An - Chủ tịch Hội LHPN xã - là người khởi đầu, từ cuối năm 2015. Chị Thanh An vốn là giáo viên nhưng vì hoàn cảnh phải nghỉ dạy và tham gia công tác hội. “Trong quá trình tiếp cận, giúp đỡ hội viên, chị An nhận thấy còn rất nhiều bà con khi bổ sung giấy tờ, làm hồ sơ vay vốn chính sách không viết được, phải điểm chỉ, lăn tay. Từ đó, chị đề xuất với cấp trên mở lớp học và được nhất trí cao” - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Tân kể. 

Nếu Phú Tân là huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Cà Mau thì Nguyễn Việt Khái là xã khó khăn hàng đầu của huyện này. Huyện tiếp giáp biển gần 40km tính từ cửa Mỹ Bình đến cửa Bảy Háp thì xã Nguyễn Việt Khái chiếm gần nửa chiều dài này. Đa số người dân nơi cửa biển làm nghề mò ốc, bắt ba khía, giăng lưới… mưu sinh. “Đi từng nhà, gặp từng người vận động, vậy mà đến lúc mở lớp đầu tiên tại trụ sở ấp Gò Công chỉ có đúng 3 học viên” - chị Thanh An nhớ lại. Cũng vào buổi chiều khai giảng lớp đó, bà con trong xóm bu quanh rồi nói cười: “Lớn tuổi rồi còn đi chuyện ba xàm”, “Con mắt tèm nhem còn đi học cho người ta cười”… 

Cũng chạnh lòng lắm, mà chẳng lẽ cho nghỉ ngang lớp học, làm vậy là không giữ lời với bà con, nên chị Thanh An cứ tận tụy đều đặn lên lớp. Thời gian học rất linh động, 1 tuần 3 buổi, thường vào giờ nghỉ sau bữa ăn trưa, lúc cuối giờ chiều đến khi chạng vạng… Bằng sự chân thành của giáo viên, học viên cũng có thêm người chống gậy, chèo xuồng, cặp nách bịch ni lông đựng tập viết cùng đến lớp.

“Vợ chồng tôi phải học thôi!” - chị Nguyễn Thị Cà (35 tuổi) nói chắc nịch. Hôm trước, vợ chồng chị đèo nhau bằng xe máy gần 100km lên TP Cà Mau nhổ răng. Dọc đường, ngóng tìm mà không thấy biển hiệu vẽ hình chiếc răng, hỏi thăm thì được chỉ lòng vòng, lạc đường nên tiu nghỉu đi về. “Học để biết bảng hiệu này nọ với người ta. Không biết chữ, đụng chuyện khổ quá” - Cà kể với chị An. Và cứ thế, 7 tháng sau đó, lớp học đầu tiên với 3 học viên đã lên được 12 người và đều biết đọc, biết viết.

Trong lớp học đong đầy sự sẻ chia này, có lẽ bà Nguyễn Thị Thao (75 tuổi, ngụ ấp Sào Lưới) là một trong những học trò cao tuổi nhất và ham học nhất. Bà học đến 2 khóa rồi. Hoàn thành khóa học trước đó, sau đợt giãn cách do dịch COVID-19, “con chữ” quên luôn bà. Đợt học này, bà hăng hái đăng ký đầu tiên. Tính đến nay, đã có nhiều khóa học được Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái tổ chức cho bà con, với gần 100 lượt người học, trong đó có khoảng 20% là chị em, bà con người Khơ Me. Bà Thạch Thị Thương, dù đã 65 tuổi cũng đăng ký đến lớp. Mỗi khi bà đánh vần, giọng lơ lớ nhớ quên, nhưng ai cũng động viên nên bà rất hào hứng đi học.

Dù vậy, để có mặt tại lớp xóa mù chữ, đối với một số học viên là không dễ dàng. Như chị Rom Sà Oanh, chồng canh cửa trước, chị ôm tập lòn cửa sau. Có hôm chồng đến tận lớp la um lên, thấy cả lớp đồng loạt phản đối nên mới “êm”. Như anh Nguyên Văn Đ. là trụ cột của gia đình, xin nghỉ học mấy hôm vì “ở nhà hết gạo rồi cô ơi”. Cũng ở lớp học này, có cả chuyện mẹ chồng, con dâu cùng đi xóa mù chữ; có ông lão 62 tuổi viết lên bảng còn sai chính tả rồi đánh vần “anh yêu em” làm cả lớp cười “rung trời rung đất”… 

“Nhờ có đi học mà chị em ra chợ, buôn bán con cá, con cua cũng đã biết tính toán, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường vận động bà con chưa biết chữ đến lớp, tiếp tục mở lớp” - ông Huỳnh Hùng Cường - Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Việt Khái - cho hay.

Theo ông, thời điểm lớp xóa mù chữ bắt đầu, địa phương có đến 16,24% hộ nghèo. Sau quá trình huy động tổng lực của địa phương, hiện xã còn 2,34% hộ nghèo, tức có 78 gia đình/3.326 hộ và đang cán đích nông thôn mới… 

Từ Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI