Lớp học “chạy”: Khó cũng phải làm…

09/05/2024 - 10:52

PNO - Học chương trình GDPT 2018, mỗi học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) có 1 thời khóa biểu riêng biệt. Đây là cách tổ chức lớp học “chạy” của trường.

Học sinh được quyền chọn học môn yêu thích

Từ năm học 2022-2023, khi chương trình GDPT 2018 triển khai năm đầu tiên ở bậc THPT với khối lớp 10, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) đã triển khai mô hình lớp học truyền thống kết hợp lớp học linh động (hay còn gọi là lớp học chạy). Học sinh được chọn 4 môn bất kỳ trong số 9 môn học lựa chọn.

Với cách tổ chức này, cô Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi học sinh học chương trình GDPT 2018 sẽ có 2 thời khóa biểu: thời khóa biểu lớp cố định với các môn bắt buộc và thời khóa biểu lớp linh động cho các môn học lựa chọn.

Trong đó, thời khóa biểu môn bắt buộc chung cho cả lớp, còn thời khóa biểu môn lựa chọn thì mỗi học sinh sẽ có 1 thời khóa biểu riêng biệt. 770 học sinh khối 10 thì tương đương sẽ có 770 thời khóa biểu khác nhau. Trường có 22 lớp 10 truyền thống, nhưng nếu tính xếp môn học lựa chọn thì có đến 200 lớp.

Mỗi học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sẽ có 1 thời khoá biểu riêng biệt
Mỗi học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sẽ có 1 thời khóa biểu riêng biệt

Để tổ chức được mô hình lớp học linh động, theo cô Hiền, đội ngũ giáo viên nhà trường rất vất vả và áp lực.

Thời điểm hè năm 2022, trường tổ chức cho giáo viên đóng vai học sinh, chọn ngẫu nhiêu 4/9 môn học lựa chọn. Từ các mẫu chọn của giáo viên, trường thử sắp xếp thời khóa biểu, để đánh giá tính khả thi của phương án này. Khó khăn lớn nhất là xếp thời khóa biểu cho học sinh, sắp xếp các lớp linh động cho học sinh chạy.

“Phải cân não lắm, làm sao xếp thời khóa biểu để các môn không đụng nhau, nếu không khéo là có thể xếp 2 môn vào trong cùng một tiết, học sinh sẽ không học được. Bên cạnh đó là phải sắp xếp phòng học cho từng học sinh, sao cho đủ phòng để học cho các môn.

Toàn khối có 22 lớp 10 truyền thống thì cũng chỉ có tối đa 22 phòng để sắp xếp lớp học động, chứ độn lên 23 phòng là không có phòng để học”- cô Hiền phân tích.

Cũng theo hiệu trưởng này, hệ quả của lớp chạy kéo theo nhiều khó khăn: ví dụ việc xếp phòng kiểm tra tập trung môn lựa chọn cũng phải xếp phòng chạy. Khó khăn nữa là vào điểm, bởi sổ điểm theo lớp cố định. Trong khi môn chạy thì nhiều, 1 lớp chạy học sinh đến từ nhiều lớp khác nhau… Cực nhất là thầy cô phải vào điểm học bạ cho từng học sinh.

“Được chọn học môn học mình yêu thích, học sinh rất vui vẻ, thích thú. Cuối năm học 2022-2023, chỉ có 1 vài học sinh đổi môn, do phát hiện mình chưa chọn môn phù hợp, có em đổi qua môn âm nhạc, mỹ thuật.

Đến năm học 2023-2024, nhà trường tư vấn kỹ hơn nữa cho phụ huynh học sinh khối 10 chọn môn, có cảnh báo để phụ huynh chọn kỹ càng nên học sinh đã mạnh dạn hơn khi chọn môn học mình yêu thích.

Năm học tới, khi Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT cho chương trình mới rồi, chắc chắn học sinh sẽ chọn mạnh dạn hơn. Khi chương trình GDPT 2018 “phủ” ở cả 3 khối, nhà trường sẽ có sự điều chỉnh phương án để phù hợp với cả 3 khối”- cô Hiền nhìn nhận.

Còn lắm băn khoăn

Tại Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), từ năm học 2022-2023, khi triển khai chương trình GDPT 2018, mô hình lớp học 2+2 đã được trường áp dụng với môn học lựa chọn. Tức là, với 4 môn học lựa chọn, nhà trường sẽ chọn sẵn 2 môn cho học sinh, 2 môn còn lại học sinh được quyền tự lựa chọn theo hình thức lớp học chạy.

Thầy Nguyễn Đình Đông - Phó hiệu trưởng Trường THPT Bình Hưng Hòa cho biết, trong năm đầu tiên, nhà trường xây dựng 4 tổ hợp với 2 môn áp sẵn. Năm thứ 2 tăng lên thành 5 tổ hợp. Năm tới đây có thể tăng lên nữa theo phương án tuyển sinh của các trường đại học.

“Khó nhất khi tổ chức hình thức này là định hướng cho học sinh ngay từ đầu để các em chọn đúng môn mình yêu thích. Trong năm đầu triển khai, trường có trên 90 trường hợp các em chuyển đổi môn do khó khăn định hướng từ đầu. Cạnh đó là khó biên chế lớp và điểm số. Ngoài ra còn là tâm tư của phụ huynh khi lựa chọn, sợ môn học đó không có trong tổ hợp xét tuyển của trường đại học…”.

Lớp học chạy môn Mỹ thuật tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn)
Lớp học "chạy" môn Mỹ thuật tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn)

Rất tâm đắc mô hình lớp học linh động với tất cả các môn lựa chọn, song thầy Trịnh Duy Trọng - Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh (quận 12) cho hay, đặc thù học sinh của trường thì đại đa số các em từ lớp 10 chưa biết mình thích gì, nên việc chọn chính xác các môn học lựa chọn ngay từ đầu là không nhiều. Phải làm thế nào để các em hiểu mà chọn lựa là điều cực kỳ khó khăn.

“Chọn môn học lựa chọn phụ thuộc nhiều vào hiểu biết của học sinh khi chọn. Hoc sinh dù được quyền chọn nhưng nếu không xác định được bản thân mình thích gì, thì cũng sẽ đổi môn nhiều. Như vậy các trường phải có trách nhiệm tư vấn, để làm sao học sinh không đổi nhiều.

Phải tăng cường thông tin của trường mình đến với phụ huynh học sinh. Tư vấn để học sinh có trách nhiệm hơn khi lựa chọn. Khi chọn sai thì trách nhiệm sửa sai như thế nào…”- thầy Trọng nhìn nhận.

Thầy cũng cho biết năm nay nhà trường có kế hoạch giới thiệu chương trình từng môn học lựa chọn đến phụ huynh học sinh, để trước khi chọn, phụ huynh học sinh hiểu đúng về môn học, hạn chế tối đa học sinh đổi môn.

Đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua

Theo ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM, mô hình lớp học linh động đáp ứng được mục tiêu của chương trình GDPT 2018 song có thể sẽ khó khăn đối với các trường THPT.

Ông cho rằng, đối với lớp học linh động thì trường căn cứ vào điều kiện thực tế trường mình quyết định cho các em chạy nhiều hay ít, hướng tới cung cấp dịch vụ giáo dục tốt nhất cho học sinh.

Để áp dụng, các trường THPT cần đánh giá lại việc triển khai chương trình GDPT 2018 sau 2 năm tại đơn vị mình, thảo luận thêm xem năm học tới đây sẽ làm thêm bước gì để tổ chức tốt nhất. Từ đó mới thấy được cái khó, thấy được rằng khi tổ chức phương án này thì làm ở mức độ nào phù hợp với thực tế nhà trường.

“Sở GD-ĐT TPHCM luôn khuyến khích các trường tổ chức cho học sinh chọn môn học lựa chọn, để đáp ứng nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh theo đúng mục tiêu chương trình GDPT 2018. Năm học tới, Sở sẽ đưa tiêu chí tổ chức cho học sinh lựa chọn các môn học lựa chọn vào tiêu chí thi đua…”- ông Tân nói.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI