"Càng lớn tuổi, chúng tôi càng sợ không còn đủ thời giờ để yêu nhau.
Yêu nhau nhiều quá, chúng tôi cần phải có trăm năm”.
Gần 20 năm trước, khi cùng 2 con nhỏ từ Mỹ về nước và dạo chơi TPHCM bằng xe buýt, không hẹn mà anh chị ngoái nhìn nhau, nước mắt ứa ra khi xe dừng trước trạm chợ Bến Thành. Nơi đây, một ngày mùa xuân năm 1975, anh đã đứng lặng nhìn chị tan trường về, băng qua đường để lên xe buýt, rồi ly cách đằng đẵng 15 năm trời. Ở trời Tây, mãi phơ phất trong anh hình ảnh tà áo dài xanh nơi góc chợ Bến Thành giữa chiều nhạt nắng.
Thuở 14 tuổi, anh Phan Đình Huy theo về nhà bạn cùng lớp chơi và phải lòng cháu của bạn - chị Trần Thị Bích Vân (kém anh 1 tuổi). Mẹ chị Vân “chấm” anh Huy ở đức tính lễ phép, chịu khó, học giỏi, nhưng ba chị tỏ vẻ không an tâm, do bề ngoài anh quá phong trần lãng tử, phiên bản “để tóc bờm sư tử”. Ba là bác sĩ, gia đình rất khá giả, “tiểu thư” Bích Vân luôn được đưa đón bằng xe hơi. Một hôm, người chú đi học về cho biết anh Huy bị bệnh, khiến chị Bích Vân bồn chồn, lo lắng và lén đạp xe qua thăm anh.
Cùng vào học Trường đại học Văn khoa Sài Gòn, anh Khoa Triết, chị Khoa Anh văn, 2 người vẫn sắp xếp để có thể học chung khung giờ ở trung tâm tiếng Anh, Pháp. Chung lối đi về, nhưng chưa bao giờ chị dám cho anh chở mà cứ đi xích lô, xe buýt, còn anh chạy cặp bên.
Khi được hỏi có tiếc không khi suốt quãng đời thanh xuân không cho người yêu chở, cũng không được đi chơi cùng nhau, bà Bích Vân mỉm cười: “Tôi tiếc, nhưng hãnh diện”. Rồi bà chợt nhớ ra hồi xưa từng có 1 dịp để có thể ngồi sau xe người yêu, không bị ba mẹ la rầy, ngược lại còn phải cảm ơn.
Đó là một sáng năm 1975, trường tạm ngừng dạy sau tiếng bom dội. Nữ sinh Bích Vân đi khắp sân trường dáo dác tìm người yêu để nhờ chở về mà tìm mãi, chờ mãi chẳng thấy. “Cuối cùng cô sinh viên phải về bằng xe buýt. Giờ bắt đền đi, đánh cái đi” - ông quay sang bà, nói. Chàng sinh viên năm nào giờ mái tóc đã pha sương, cúi đầu chịu tội, âu yếm nhìn vợ, mỉm cười rồi trầm giọng nói hôm ấy mình nghỉ học. Trong không khí hỗn loạn của Sài Gòn, chàng sinh viên đã lao ra đường, định đến trường đón người yêu về, nhưng dọc đường thì… xe bị bể bánh.
Một thời gian ngắn sau đó, ở tuổi 20, anh Đình Huy theo gia đình định cư ở Mỹ. Trong hành trang vội vã của anh, bên cạnh cuốn triết, cuốn thơ, báo xuân Tuổi Ngọc còn có chiếc khăn tay chị thêu ghép tên 2 người và những bức thư tình của cô gái nhỏ “Anh Chi”. Từ thuở mới quen, anh đã gọi chị bằng “ái danh” Anh Chi - nhân vật nữ chính trong truyện dài Anh Chi yêu dấu của nhà văn Đinh Tiến Luyện (nam chính tên là Huy).
Theo tháng năm, không thể kể hết bao nhiêu cánh thư vượt đại dương, tìm đến với nhau. Có thời điểm mất đến 6 tháng, thư mới đến tay người nhận, do anh phải gửi qua cậu của chị bên Pháp, rồi cậu chuyển về cho chị.
Sau ngày đất nước thống nhất, tiếp tục đến trường, không còn thấy bóng dáng người xưa đâu, chị thẫn thờ, hụt hẫng. Vài năm sau, chị sang học ngành sư phạm, làm giáo viên rồi trở thành hiệu trưởng của Trường tiểu học Trưng Trắc, quận 11, TPHCM cho đến năm 1990, ở tuổi 34, anh bảo lãnh chị sang Mỹ.
Cái ngày lịch sử sau 15 năm đợi chờ, cả nhà anh ở bang Arizona, Mỹ háo hức trông đến tối ra sân bay Phoenix để rước nàng dâu. Tuy nhiên, đó chỉ là giờ giả mà anh tạm đặt ra để đánh lừa người nhà. Từ sáng cùng ngày, anh đã một mình âm thầm đi rước chị. Anh muốn giây phút trùng phùng này thật riêng tư, thật trọn vẹn. Và không biết vô tình hay hữu ý, anh đã gây ấn tượng cực sốc nơi chị bằng câu nói đầu tiên: “Úi con nhỏ này mặc áo sweater đỏ đẹp quá!”. Chị ngớ người, chưa biết phải nói sao, chỉ biết là mình đã được ôm trọn trong vòng tay và đón nhận chiếc hôn đầu tiên.
Xứ lạ bỗng hóa quen khi chị được sống trong tình thương của đại gia đình chồng. Là kỹ sư điện tử hãng Motorola, anh thường xuyên công tác ở nhiều nước, có khi đưa chị theo. 2 người chưa chính thức tổ chức lễ cưới vì bận rộn và vì không cảm thấy cần thiết. Trước khi bảo lãnh chị sang Mỹ, ba mẹ anh có về Việt Nam, thưa chuyện cưới xin và đãi tiệc họ hàng - một đám cưới vắng chú rể.
15 năm ly cách, tưởng 2 người phát triển theo 2 hướng khác nhau và khó hòa hợp, nhưng không hiểu sao lại “nhập một”. 2 chữ “cãi vã” không hề có trong từ điển hôn nhân của anh chị, trừ những lúc giả vờ cãi nhau cho… vui cửa vui nhà. “Kiếp sau không quen cô giáo nữa. Cô giáo khó quá! À mà hồi xưa tui quen học trò chứ có phải cô giáo đâu” - thỉnh thoảng anh thở dài, ca thán rồi liếc xéo chị.
Khó khăn duy nhất là việc nuôi con nhỏ. Năm 1992, chị bị thai yếu, sinh sớm con gái đầu lòng Huyvan. Thỉnh thoảng bé bị nín thở, nhất là lúc bú, nên luôn phải đeo máy đo nhịp tim để báo động khi bất ổn. Để yên tâm đi công tác, anh thiết kế hệ thống đèn và nối sợi dây vào tay chị. Khi có sự cố, chị chỉ cần giật tay là đèn bật sáng ngay, kịp thời bế xốc bé dậy.
Đến khi chị mang thai con gái nhỏ Huanvy, bác sĩ phát hiện chứng máu đông ở chị và lên phác đồ điều trị, trong đó có chích loãng máu mỗi ngày trong suốt thai kỳ. Chưa hề có chuyên môn, sở trường ngành y, anh xin chị 1 cục thịt bò để… “tập chích”. Lần đầu thực hành trên chính bụng vợ và bên trong là con mình đang tượng hình, anh căng thẳng, ngã vật ra, ngất xỉu.
Thời gian dần trôi, đỡ chăm sóc con mọn, ông hỏi bà có muốn làm công việc gì không. Bà bộc bạch ước mơ mở trường mầm non, nhà trẻ và cả nhà cùng lên kế hoạch xây dựng ngôi nhà thứ hai. Các tiết học về kỹ thuật đời sống, năng lượng mặt trời… do ông đảm trách luôn khiến trẻ thích thú, say mê. Vừa quản lý trường vừa đưa rước con đi học, quá vất vả, bà yêu cầu ông nghỉ làm để thay bà chăm sóc gia đình và ông đã bỏ phiếu thuận.
Chuyến về nước vào đầu năm 2024, bên cạnh nhiệm vụ khảo sát trao tặng nhà của quỹ Viet House và kết nối trao học bổng dài hơi cho học sinh nghèo hiếu học, đôi “vợ chồng son” tranh thủ tham quan những chốn kỷ niệm xưa hoặc những danh lam thắng cảnh chưa có dịp đặt chân đến.
Nón đôi, đồ đôi, ông bà sóng bước bên nhau trên các nẻo đường, góc phố, thỉnh thoảng trao nhau nụ hôn bất chợt. Ông hăm hở khoe kế hoạch thực hiện bộ sưu tập vợ chồng chụp với các loại phương tiện (máy bay, ghe xuồng, xích lô, xe lửa, xe đạp, xe ôm công nghệ, xe thổ mộ…) và nhiều bộ sưu tập khác.
“Người ta thường hỏi vì sao chúng tôi có thể chờ nhau suốt 15 năm trong hoàn cảnh chưa có điện thoại, fax, internet… Với tôi, một lời đã hứa thì đó là một lời hứa; huống chi tôi đã thề thì đó là một lời thề. Mỗi đứa mỗi phương trời, chỉ một lòng chờ nhau. Chưa lần nào chúng tôi tự hỏi mình làm vậy đúng hay sai, mình có nên làm vậy không. Nếu suốt đời này không gặp được nhau thì sao, có phí cuộc đời không?
Thế giới 7 tỉ người mà mình tìm chỉ được 1 người, biết buông tay nhau là mất. “Đã mất một lần mày chưa tởn sao Huy?”. Tôi vẫn tự hỏi như vậy và cười một mình. Vợ tôi cũng suy nghĩ tương tự nên tất cả vấn đề đều trở nên vặt vãnh. Càng lớn tuổi, chúng tôi càng sợ không còn đủ thời giờ để yêu nhau. Yêu nhau nhiều quá, chúng tôi cần phải có trăm năm”.
Phan Đình Huy
Quỹ Viet House và tấm lòng với quê hương
Dù sinh ra ở trời Tây, Huyvan, Huanvy rất nặng lòng với quê cha đất tổ, do ông bà Đình Huy - Bích Vân thường xuyên dẫn con về thăm Việt Nam từ khi con rất bé. Trong gia đình, ông bà nói chuyện với con bằng tiếng Việt, giới thiệu cho các con nền văn hóa Việt. Cám cảnh nhiều gia đình ở Việt Nam sống thiếu thốn, khó khăn, từ 15 tuổi, Huanvy đã sáng lập quỹ Viet House, quyên góp tiền từ người thân, bạn bè để xây nhà tình thương tại Việt Nam thông qua nhịp cầu Báo Phụ nữ TPHCM.
Từ năm 2015, trải qua 9 năm, trải qua đại dịch COVID-19, quỹ vẫn đứng vững và 11 mái nhà kiên cố, ấm áp đã mọc lên từ tâm huyết của cô gái trẻ Huanvy cùng những tấm lòng xa xứ.