Anh có khá nhiều tranh về mùa xuân, vì sao anh luôn tập trung vào đề tài này?

Với tôi mùa xuân luôn là nguồn cảm hứng và là chất liệu trong sáng tác. Năm nào cũng vậy, tôi dành cho mình một khoảng thời gian để vẽ những bộ tranh về chủ đề mùa xuân. Tôi thích mùa xuân, thích sự mới mẻ, rực rỡ mà đằm thắm, thích vẻ đẹp trong trẻo đầy sức sống của cây cối, hoa cỏ, hay nói cách khác đó là sắc thái của mùa xuân do tôi cảm nhận.

Khi sáng tác đề tài này, anh thường lồng ghép các câu chuyện văn hóa xưa cũ, vì sao vậy?

Tôi nghĩ, đó là điều cần làm. Trong tranh của tôi, mọi người thường thấy đâu đó không khí hay bối cảnh của ngày xưa và tôi đã đọc khá nhiều tư liệu cũng như thực hành cho gia đình mình. Khi vẽ về chủ đề xuân, tôi thường lồng ghép các câu chuyện văn hóa xưa cũ vào tranh, những lời chúc tốt đẹp và mộc mạc qua tranh Đông Hồ, những đồ xưa cũ như bình vôi, đĩa cau nho nhỏ, lá trầu têm gợi nhớ tới văn hóa trầu cau, hay đơn giản nhớ về bà, về mẹ của mình. Tôi vẽ để chia sẻ câu chuyện về mùa xuân của mình tới người xem để họ thấy đâu đó có đời sống của chính họ trong tranh.

Tôi mong sẽ gợi nhớ cho người xem một kỷ niệm đẹp nào đó, hay đơn giản là giữ cho mình chút hoài cổ, thậm chí cả sự hối tiếc và trân trọng những di sản dần mất đi. Có lẽ tôi như một người “chớm già”, đã hối tiếc những văn hóa truyền thống đang dần mất đi, biến đổi do nhịp sống nhanh cuả thời đại, nhưng chỉ là chút tiếc nuối thôi, nhịp đời có lẽ phải vậy.

Anh đã học được gì từ những tinh hoa, thú chơi của các cụ ngày xưa?

Các cụ đã có những thú chơi tao nhã như chơi chữ, chơi tranh, chơi cây hoa cảnh... đã thành tinh hoa và mang dáng dấp một Hà Nội xưa, từ những thú chơi tao nhã ấy, tôi rất mê và đã tìm hiểu để đưa vào tác phẩm của mình. Ví như “thú chơi tranh” mà ta thường thấy các cụ Phan Kế Bính, Vũ Bằng đã viết trong các tác phẩm của mình, ngoài giá trị về thẩm mĩ thì việc chơi tranh, chúng bao hàm cả những ước muốn hay những lời chúc tốt đẹp. Tôi đã chọn tranh Đông Hồ gần gũi và mộc mạc để đưa vào tác phẩm của mình như một lời chúc tốt đẹp tới người xem và muốn gợi cho người thưởng tranh những giá trị văn hóa tôi yêu.

Hay như các cụ xưa thường có thú vui tao nhã là thưởng thức vẻ đẹp của hoa, cây cảnh. Cây tốt, hoa đẹp, nụ tươi, lộc xanh mướt, luôn được coi là điều may mắn sung túc cho gia chủ.

Trong tranh của anh luôn xuất hiện một bình hoa thủy tiên hàm tiếu?

Tôi bị mê hoặc bởi mùi hương rất đặc trưng và cách tạo hình tinh tế của loài hoa thủy tiên. Người chơi thủy tiên cần phải có tính tỉ mỉ, từ đó tôi tìm hiểu và học cách gọt, cách chăm sóc để tự làm ra bát thủy tiên theo ý mình. Tuy nhiên, do tôi mới chơi thủy tiên được mùa thứ ba, kinh nghiệm chỉ sơ sơ bởi thú chơi hoa thủy tiên đòi hỏi công phu và sự tinh tế, tỉ mỉ, ví như kinh nghiệm về thời tiết mỗi năm một khác, nên việc ra hoa trong bao nhiêu ngày sẽ phụ thuộc vào cách gọt và kinh nghiệm của người chơi. Và tôi ngắm cho đã các bình hoa của mình cho dù có thể chưa đẹp với người khác, nhưng có sao đâu, là do tôi gọt và chăm nó, đến khi nở được bông hoa bé xinh dù thế nào tôi cũng yêu, và tôi ngồi bên giá vẽ, đưa hoa thủy tiên vào trong tranh của mình.

Khi kết hợp giữa các biểu tượng văn hóa đương đại và truyền thống, anh có phải lưu ý điều gì để chúng không “kênh” nhau, hoặc “phản tác dụng”?

Tôi thường đưa yếu tố dân gian, biểu tượng văn hóa vào trong tranh của mình nên để có sự kết hợp giữa đương đại và truyền thống tạo nên câu chuyện mình muốn gửi tới công chúng, tôi thường tìm hiểu, nghiên cứu cũng như học hỏi thêm từ bạn bè đồng nghiệp và những người đi trước, có kiến thức về văn hóa. Tuy nhiên, tôi không đặt quá nặng yếu tố nào và dung hòa chúng như là chất liệu để khơi gợi tới người xem.

Theo anh, lợi thế gì khi họa sĩ nắm được những giá trị văn hóa, đó có phải là chất liệu tốt để tranh có “sức nặng” hơn không?

Tôi may mắn được học thêm về văn hóa,giúp tôi không bị áp đặt cách nhìn trong việc thực hành nghệ thuật. Tìm hiểu về văn hóa giúp tôi có thêm rất nhiều chất liệu để sáng tác, hiểu thêm về di sản của dân tộc, tôi lại càng hứng thú và lên những kế hoạch mới cho dự án nghệ thuật của mình.

Dường như có một Trần Cường thứ hai, tôi thấy có nhân vật trong tranh giống như một ông vua trong cõi của mình, đó cũng là thế giới của anh?

Bản thân tôi còn một chủ đề khác khi tìm kiếm con đường nghệ thuật đó là bản ngã của mình. Với tôi, thực hành nghệ thuật chính là quá trình đi tìm chính mình và những câu chuyện của cái tôi bên trong, cái “Bản ngã –Ego” khiến tôi cảm nhận sâu sắc nhất về chính mình. Tôi thường tự đặt bản thân vào một bối cảnh nào đó, như một giấc mơ, một không gian tưởng tượng hay cũng có thể chỉ là một góc nhìn về hiện thực mà tôi đang sống. Nói đơn giản là tôi vẽ chính mình và tôi đặt tôi trong đời sống của chính những sáng tác.

Tôi thích mùa xuân và tất cả sự trẻ trung nồng nhiệt của tuổi trẻ. Bởi vậy khi tôi cảm thấy nó, thanh xuân của tôi, đang chầm chậm trôi qua, tôi nuối tiếc, hoài niệm, luôn muốn níu giữ nó lại cho riêng mình. Tôi muốn hòa vào thanh xuân với một chút khao khát, một chút dục vọng, một chút hối tiếc và tự cho mình là một ông chủ, lạc trong thế giới riêng của chốn thiên đường. Đôi khi tôi thấy mình giống vị hoàng tử bé của nhà văn đi lạc trong những bông hoa hồng của riêng mình.​

“Thế giới riêng của mình” mà anh đang đề cập cụ thể là gì?

Trong thế giới riêng mà nhân vật chính – là chính tôi, tôi được thư giãn, được thả lỏng, tận hưởng mọi thứ, trong thế giới riêng đó. Nếu như ngoài đời, cuộc sống của tôi thường nhẹ nhàng, êm đềm, giống như mảng tranh tĩnh vật. Nhưng tôi thích thể hiện những gì mình chưa thực hiện được vào các tác phẩm, một thế giới ego do mình tạo ra.

Trong tranh thường có các thiếu nữ - biểu tượng của tuổi thanh xuân trong một không gian vừa truyền thống vừa đương đại, anh muốn truyền tải điều gì ở đó?

Tôi mong muốn người xem cảm nhận được thanh xuân của mình đang chậm chậm trôi đi, cũng như sự hoài cổ hối tiếc với văn hóa và di sản dần mất đi. Tôi tạo ra một thế giới mà ở đó tôi làm chủ và hy vọng vào tương lai trong một thế giới thật của các bạn trẻ làm chủ, trân trọng gìn giữ những giá trị văn hóa và di sản.

Anh từng đi dạy, mở quán, rồi lại quay về với sáng tác, vì sao cuối cùng lại là giá vẽ?

Chỉ có vẽ tôi mới thấy chính mình, hiểu chính mình cần gì và cần phải làm gì.

Anh có hài lòng với cuộc sống hiện tại? Hài lòng về lộ trình tác phẩm mình đang vẽ, anh có sợ sự lặp lại nhàm chán?

Tôi khá hài lòng với cuộc sống hiện tại bởi tôi được làm công việc mình thích, tôi thấy vui khi tác phẩm của mình được các nhà sưu tập trân trọng.

Chân thành cảm ơn anh.

Chia sẻ bài viết: