1. Tôi từng là người ly hương. Trong những năm ở Sài Gòn, mỗi lần má gọi điện thường hay khoe: "Quê mình nay nhà lầu san sát", không quên chọc con gái: "Con ráng làm việc ở Sài Gòn rồi về xây cho má cái nhà to to cho bằng với người ta. Còn con thì phải ở lại Sài Gòn tới già tới chết luôn nghe con, đừng có quay về". Má nửa đùa nửa thật, nhưng từ tận sâu trong lòng, tôi biết má cũng mong như thế.

Mỗi lần về quê, tôi choáng ngợp trước sự thay đổi. Những dãy nhà cao tầng mọc lên, những chiếc xe hơi bóng lộn. Nhưng… nhà này xây bằng tiền con gái bác bên Nhật gửi về, nhà kia cũng con trai cô xuất khẩu lao động Hàn Quốc gửi tiền. Bác Ba, cô Sáu hớn hở khoe. Chú Tâm thì kiêu hãnh: "Con trai chú ở Sài Gòn, thu nhập tính toàn bằng đô. Chiếc xe bốn chỗ này nó mua cho đó". Có điều, trong các ngôi nhà chỉ còn các ông bà tuổi 70, vì "vợ chồng nó vô Sài Gòn cả rồi. Xây cái nhà to vậy nhưng có ở đâu, mỗi năm về được ba ngày tết" - bà Tám nói. Bác Ba, cô Sáu, chú Tâm, bà Tám đều vui. Cũng như bao nhiêu gia đình khác ở quê tôi, họ vui chung niềm vui như vậy.

Nhưng tôi thấy nghẹn lòng khi nhìn các cô chú lủi thủi trong những ngôi nhà kín cổng cao tường. Một cảm giác gì đó rất cô đơn, lặng lẽ. Tôi nghẹn khi bước đi trên con đường bê tông đẹp đẽ nhưng vắng lặng. Người người theo dòng chảy rời quê ra phố dù cuộc sống ly hương đa phần mà nói cũng chẳng dễ dàng gì và không phải bao giờ cũng là thiên đường.

 

2. Từ nhỏ, tôi cũng như bao bạn trẻ ở quê được rót vào tai giấc mộng đổi đời và nơi đổi đời chỉ có thể là Sài Gòn hay một nơi nào đó, tuyệt đối không phải là quê mình. Ai đã qua cảnh mưa nắng dãi dầu, bán mặt cho đất bán lưng cho trời cả một phần đời mới hiểu nỗi gian truân và khát vọng đổi đời cháy bỏng của người miền Trung.

Ở thời điểm cách đây 15 - 20 năm, người dân quê tôi chỉ có hai lựa chọn: một là cam phận nhà nông lay lắt, hai là ly hương phố thị biền biệt.
Tôi nhớ mãi hình ảnh các chị lớn, mỗi dịp về quê quần quần áo áo, tiền túi rủng rỉnh. Và tôi cũng bắt đầu dệt những giấc mơ cho mình. Nhưng khi tôi hỏi, các chị lại cười buồn, nói vì ở quê không có việc làm, thu nhập thấp nên mới ngậm ngùi mà đi. Lớn lên, tôi theo các chị ra phố, nhưng tôi may mắn hơn khi theo được con đường học vấn. Tôi ra trường, công việc làm báo lại cho tôi tiếp xúc hằng ngày với những phận đời mưu sinh phố thị. Tôi gặp lại các chị quê miền Trung trong những lần tác nghiệp.

Thì ra, cuộc mưu sinh ở phố không dễ. Làm công nhân ở các khu công nghiệp có lúc lương không đủ sống, cũng cơm với dưa cà, cũng phải lùa vội chén cơm cho kịp giờ tan ca. Tôi đau đớn khi biết những bộ quần áo mới mỗi dịp các chị về quê kia là đứt ruột sắm sửa, những đồng tiền đưa ba đưa má là phần dành dụm, chắt chiu ròng rã 12 tháng trời. Những đứa con xa xứ luôn là vậy, chấp nhận xa quê, chấp nhận nỗi nhớ quê, làm lụng đến suy kiệt chỉ vì cơm áo gạo tiền.

Lý tưởng của tôi, với nhiều người, từng là quá điên rồ. Tôi mất vài năm để thu xếp. Tôi nói với cộng sự làm báo của mình: “Đã tới lúc em phải về quê. Em thương bà con quê quá. Mình không thương người quê mình thì ai thương?”.

Ở Sài Gòn 10 năm, với tôi đó là đoạn đời thật đẹp. Nhưng dần dà, tôi ấp ủ những hoài bão lớn lao hơn, nhất là từ khi tôi đọc hai cuốn sách của tác giả Tony Buổi Sáng, rằng: “Trung Quốc hiện nay hay Hàn Quốc, Nhật Bản (cách đây 30 năm) có chương trình Tinh hoa về làng, tức những người trẻ giỏi giang, có năng lực triển khai kinh doanh từ những đại học lớn về những làng mạc, thôn bản xa xôi, nghèo khó nhất để thay đổi cuộc sống người dân ở đó, hướng dẫn người dân cách làm kinh tế hiện đại”. Khi ấy, tôi muốn về lại quê để tự mình viết lên những câu chuyện mới về nửa phần đời còn lại. Và tôi khăn gói nhảy lên xe đò, về quê. Đó là những ngày hè rực lửa của năm 2016. 

3. Nhà tôi nghèo, lại đông anh chị em, chỉ mình tôi thoát được cảnh làm nông mưa nắng ngập đầu. Mấy năm làm ở phố, tôi chỉ đủ tiền trả nợ, nuôi các em ăn học. Ngày về, nhà tôi vẫn là nhà cấp 4, cũ nát, chỏng chơ giữa làng. Con đường dẫn vào nhà sỏi đá nhấp nhô, hai bên cỏ dại mọc đầy. Khi tôi quẳng cái vali xuống cũng là lúc sóng gió nổi lên. Những lời la mắng, dè bỉu, cười nhạo từ trong nhà ra ngõ, từ làng trên xuống xóm dưới. Bao nhiêu tiếng bấc tiếng chì tôi nhận đủ cả. Tôi im lặng, lạc quan nghĩ vui rằng, mai này mở được nhà máy, tôi sẽ tuyển họ vào làm, để họ không còn thời gian rảnh bàn tán nữa. 

Tôi lấy chái bếp sau hè làm nơi sản xuất, lấy góc phòng ngủ ọp ẹp làm nơi gói hàng, lấy niềm vui của khách làm động lực. Nói rằng không có lúc mệt mỏi muốn buông xuôi là nói dối. Tôi, cũng đôi lần toan nghĩ đến cái chết… Rồi tôi đi đến các buôn làng - những nơi nghèo nhất, heo hút nhất của Quảng Nam để “sống” một cuộc đời khác. Bỏ váy đầm, bỏ giày cao gót, bỏ lớp trang điểm để trở về với hình ảnh của cô gái mộc mạc, giản dị, đời thường nhất. Một cái ba-lô, một chiếc xe máy và cái điện thoại, tôi chơi với trẻ con, lên nương cùng người lớn, uống rượu với người già, ngủ dưới sàn nhà, ăn ngoài rẫy, uống nước dưới khe. Cũng những lần lang bạt đó, tôi bắt đầu ngó nghiêng xem vùng đấy có gì hay ho mà người thành thị cần là tôi gom về. Từng quả chuối rừng, củ gừng củ nghệ, từng hạt đậu, lá chè, sâm, nấm… tôi chở về xuôi, đóng gói, bắt đầu rao bán lên mạng xã hội. 

Để được khách hàng thương, tôi làm đủ trò, từ hát, làm thơ, đọc vè, đóng kịch, tấu hài. Khi bỏ hết những “sĩ diện hão” của cô gái trẻ qua một bên cũng là lúc tôi bắt đầu thấy bản thân mình cũng “hay hay” và thú vị. Tôi đã sống một đời tự do, phóng khoáng, rực rỡ cho riêng mình. 

Cái xưởng mọc lên năm 2017 với tôi, với nhiều người ở làng quê tôi bây giờ, nhỏ thế thôi, nhưng cứ như một cuộc cách mạng. Năm 2021, những tháng dịch COVID-19 căng thẳng, tôi đã “hô biến” những thứ cây cỏ dân dã thành từng bịch lá xông thơm tho, an lành để đi vào TP.HCM, đi ra thế giới, mang về thu nhập ổn định cho bà con. Có tiền, tôi mạnh dạn mở rộng thêm nhà máy, mua thêm nhiều dây chuyền máy móc hiện đại, phát triển thương hiệu Bh.nong mạnh hơn.

4. Có tiền rồi muốn tặng gì cho ai cũng dễ. Ít thì giúp người nghèo trong làng vài ba bao gạo, dăm ba triệu tiền viện phí khi ốm đau; nhiều thì xây nhà sửa cửa, nhận nuôi trẻ mồ côi. Có tiền rồi, muốn yên bình thì quần đùi áo ba lỗ cưỡi xe Win vào suối câu cá nướng mọi; muốn nhộn nhịp thì váy đầm rực rỡ lái ô tô ra phố ăn nhà hàng. Nhớ Sài Gòn thì leo lên máy bay lướt gió. Thèm dạo chợ Thái Lan thì xách hộ chiếu lên mà bay.

Có tiếng rồi, muốn gặp ai cũng không quá khó, từ người nông dân hiền lành tới quan chức cấp cao. Có tiếng rồi, nói gì cũng dễ có người nghe, từ kể chuyện đời thường đến khát vọng lý tưởng vĩ mô. Có tiếng rồi, làm cái gì cũng có người tin, từ chai mật ong tới hộp trà gạo lứt. Đi tới đâu cũng có người thương tôi. Từ đồng chua nước mặn tới những tòa nhà tráng lệ. Tôi nghĩ, mình sống ở quê, không khí trong lành, tình cảm chan hòa, gần cha gần mẹ gần anh em họ hàng chòm xóm cho tới già. Chết thì để lại cái nhà máy, tiếng thơm cho đời và nội tạng thì tôi đã hiến cho y học. 

Khi xây dựng thương hiệu Bh.nong, tôi xác định đó là doanh nghiệp xã hội. Bán được bao nhiêu, tôi lấy phần nhiều gửi lại cho các hoạt động xã hội - xây nhà tình thương, những chuyến đi bệnh viện của người nghèo, quần áo cho trẻ em vùng cao, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Tôi chưa từng kết hôn, cũng chưa từng sinh con, nhưng tôi có nhiều đứa trẻ mồ côi của quỹ TNBS gọi bằng “mẹ”. Tôi coi đó là mục đích duy nhất của thanh xuân, của tuổi trẻ, của cả đời.

 

5. Tôi nghĩ đời mình cũng lạ. Từng hăm hở vào Nam, khi sự nghiệp ở đỉnh cao thì bỏ tất cả quay về, nương vào đất mẹ mà hồi sinh lần thứ hai với hai chữ “khởi nghiệp”. Mọi người không còn gọi tôi là “cô nhà báo”, mà đổi lại là “cô startup”, nghe cũng hay hay. Tôi chuyên cần và cặm cụi lướt qua tất cả những khó nhọc để từ chái bếp sau hè đi lên cái chòi, từ cái chòi lên cái xưởng, từ cái xưởng lên cái nhà máy. Phải mất mấy năm, vì khi ấy tôi dò dẫm đi một mình.
Tôi nghĩ công ty mình cũng lạ. Người ta có nhiều tiêu chuẩn để tuyển nhân viên vào làm, còn tôi chỉ có duy nhất tiêu chuẩn: phụ nữ khó khăn, đơn thân. Tôi là phụ nữ, tôi xác định rằng tôi sẽ giúp phụ nữ, bằng cách tạo việc làm hay bên cạnh khi họ khó khăn. Cứ như thế, từ một người, hai người đến hơn 10 người vô làm, họ đều là phụ nữ chân lấm tay bùn. Có thể họ không giỏi, không quen việc, nhưng chẳng sao cả, tôi sẽ đào tạo. 

Có những phụ nữ trước đây chưa có việc làm, nay công việc ổn định; trước đây thu nhập bấp bênh, nay có lương 5 - 8 triệu đồng/tháng. Có những người trước đây ở nhà nuôi con, nội trợ hay bám rừng hiểm nguy, nay làm việc trong nhà xưởng mát mẻ, môi trường văn minh. Nhiều chị trước đây tự ti vì không có nghề nghiệp, nay tự hào khi “đi làm công ty”. Có người trước đây chưa biết đi máy bay là gì, chưa ra khỏi lũy tre làng, nay được đi đây đi đó khắp cả nước; trước chưa từng dám mua một cái áo mới, nay đã tự tin mặc đẹp đầy kiêu hãnh. Tôi vẫn luôn mơ về cảnh hàng trăm chị em tấp nập tan ca như ở những thành phố công nghiệp phương Nam.

Đợt dịch COVID-19 vừa qua, tôi nhìn dòng người hồi hương mà cầm lòng không nổi. Tôi có nói với các cộng sự rằng, đã đến lúc bỏ cách làm ăn tủn mủn, nhỏ hẹp, cá nhân chủ nghĩa đi tìm cái lớn lao hơn. Khi ấy, số vốn trong công ty không phải là 1,8 tỷ nữa mà sẽ là 8 tỷ, 18 tỷ đồng. Khi ấy, tên thành viên công ty không chỉ có mỗi mình tôi mà là nhiều người tài hoa khác. Tôi sẽ lấy tên là “Công ty cổ phần Nongfood”. “Nong” là nhà nông, nông dân, nông sản. Tôi nghĩ "cuộc đời" của bất kỳ doanh nghiệp hùng mạnh nào rồi cũng đi theo trình tự: hộ kinh doanh cá thể - công ty một thành viên - công ty cổ phần - tập đoàn… Sau này nếu có ai hỏi, Bh.nong là của ai thì sẽ là của mọi người. Một quãng đời chẻ củi rang gạo cay đắng ngọt bùi của cô Minh Nga nào đó sẽ là một ký ức được gói ghém lại, nhường chỗ cho những bàn tay khối óc tài ba trong tương lai. 

 

6. Khởi nghiệp, ai cũng bảo rất cô đơn. Nhưng mấy năm qua, tôi tham gia vào cộng đồng startup mang tên “Câu lạc bộ sản xuất Tony Buổi Sáng”. Đó là nơi tập hợp các bạn trẻ sau thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài, ở các thành phố lớn… đã tự nguyện kéo vali về quê hoặc đến nơi xa xôi còn khó khăn để khởi nghiệp. Ai cũng bắt đầu đi từ chái bếp, từ cái chảo rang, từ góc phòng cũ nát tới cái xưởng, nhà máy rộng lớn, hàng trăm đại lý, xuất khẩu hàng container, thu đô la về.

Ngoài giúp bà con quê nghèo có việc làm, có lương mỗi tháng, chúng tôi còn trích phần lớn tiền lãi cho các hoạt động thiện nguyện như xây trường học, làm cầu, làm đường, hỗ trợ người già neo đơn, trẻ em mồ côi… và quảng bá hình ảnh địa phương. Chúng tôi thành lập một quỹ từ thiện, trở thành cha mẹ nuôi của hàng trăm em bé dưới 18 tuổi, chẳng may cha mẹ bị mất đi trong các đợt thiên tai, tai nạn hoặc bệnh tật. 

Anh chị em chúng tôi mỗi dịp gặp là hỏi nhau: “Em định nuôi dưỡng mấy bé? Mỗi tháng góp nhiêu tiền vào quỹ vậy?”. Mọi người bàn nhau làm sao để phát triển doanh nghiệp, thương hiệu vì tiền vào càng nhiều thì mới giúp được nhiều người. Chúng tôi học hỏi, góp ý cho nhau, ai sai thì sửa, có bài học kinh nghiệm, rồi sẽ làm tốt hơn. Người này giới thiệu mối quan hệ, cách bán hàng, xây dựng đại lý cho người kia. 

Tôi rời Sài Gòn không phải vì chê nơi phồn hoa. Tôi chịu ơn Sài Gòn, nhưng quê hương - mảnh đất Hiệp Đức, Quảng Nam - mới là nơi tôi nặng nợ. Quê đã nuôi tôi lớn, từ bầu sữa mẹ, từ củ khoai của bà, từ nồi cháo của chị, chén cơm của ba, từ cái bánh của xóm làng cưu mang đùm bọc những ngày đói lòng. Quê đã dạy tôi biết chữ nghĩa từ những bài học vỡ lòng, đến những ngày tới trường làng xa tít vẫn ánh mắt thầy cô truyền chữ truyền cả niềm tin.
Trả cái ơn đã khó, trả cái nợ, mà là nợ ân tình còn khó hơn gấp bội. Nên tôi phải trở về, bằng xương bằng thịt. Tôi đã luôn mơ, khi những nhà máy to hơn của tôi hay của bạn hình thành thì cũng là lúc những suy nghĩ về phận đời nghèo của người miền Trung xin gửi lại quá khứ. 

Bài: Võ Thị Minh Nga - Sáng lập thương hiệu Cô gái Bh.nong

Thiết kế: Hoàng Triết

Chia sẻ bài viết: