Tiếng piano chập chùng vọng ra từ căn phòng nào đó rất gần. Trên hành lang phòng khách ngay bên trái lối vào tu viện, dì Út đang đứng tiếp chuyện một nhóm người trẻ. Giữa những khoảng trống của những nốt đàn rời rạc, ngay lối tôi vào vẫn vọng lại tiếng dì nhỏ nhẹ “Cảm ơn, mong các cô chú thông cảm” cùng dáng vẻ điềm đạm và biểu cảm chừng mực.
Khi nhóm người quay ra cổng với những dụng cụ tác nghiệp có đề tên một đơn vị truyền thông, tôi nhận ra họ cũng là nhà báo. Những ngày này, khi thông tin nhà thờ Thủ Thiêm và tu viện dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm được xếp hạng di tích cấp thành phố được công bố, chắc người làm báo nào cũng muốn quay về nơi này, ghi lại cái hân hoan của vùng đất vừa thoát khỏi cuộc dâu bể của “quy hoạch, giải tỏa”.
Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm - nơi vừa được UBND TP.HCM xếp hạng di tích cấp thành phố (Ảnh: Thành Lâm)
Vừa từ chối xong đơn vị truyền thông nọ, dì Út đã nhận ra vị khách tiếp theo cũng là… nhà báo. Dì cười, hỏi tôi: “Xuống uống sữa bò phải hông?”. Dì “ghẹo” như đã “biết tỏng” tôi đang tìm gì. Tôi đi thẳng vào vấn đề: “Tu viện được xếp hạng di tích rồi, chắc vui lắm hả dì?”. Nét mặt dì chợt nghiêm lại, cái giọng vui đùa mới đó đã trầm xuống: “Cũng vui mà chưa chính thức đâu con. Dì cũng nghe nói chứ chưa cầm được tờ giấy công nhận nào trên tay...”.
Vừa lúc đó, một vị xơ trẻ cầm phích nước đi tới, dì Út vội nói tôi: “Con xuống thăm dì Ba trước đi rồi lát quay lên nghen”.
Những xe cỏ chở vào, những chuyến sữa tươi chở ra khỏi trang trại bò sữa ở cánh phải tu viện - Ảnh: Minh Trâm
Tôi men theo bờ rào đi về cánh phải của tu viện. Buổi sáng cuối năm yên ắng lạ thường giữa một khu nhà vẫn thấp thoáng dáng người qua lại, làm lụng trên các hành lang, giữa những khoảnh sân xanh màu cây cỏ. Khi tiếng piano chỉ còn vẳng nhẹ, tôi chợt… giật mình vì tiếng xe máy vụt qua cùng hình ảnh người đàn ông đang thồ cỏ đi cùng hướng. Chiếc xe chở cỏ dừng ở cuối đường, ngay gốc cây mít có cái nhà kho chất đầy củi và những bao cỏ.
Nhìn theo đoạn đường đất rẽ qua từ chỗ nhà kho, tôi đã thấy dì Ba đứng đó. Trại bò sữa gần 40 con, bếp củi đang đỏ lửa nấu nồi nước to, vị nữ tu già chân mang ủng, tay cầm dụng cụ vắt sữa, cùng không gian mở ra từ cái nhà kho có xe chở cỏ vào ra mỗi ngày mười chuyến - khiến tôi có cảm giác mình đang trôi ra khỏi thành phố mà đi lạc sang một trang trại nào đó của quá khứ.
Nhà thờ Thủ Thiêm nằm lặng lẽ bên sông, nhìn sang vùng sầm uất và lộng lẫy bậc nhất Sài Gòn. (Ảnh: Thành Lâm)
Dì Ba đang còn ngờ ngợ thì chợt “À” lên như đã nhận ra khi nghe tôi hỏi: “Mấy nay… vui lắm hả dì?”. Dì cười hiền: “Con nghe tin vui xuống chơi hén?”. Tôi gật. Vẫn giọng nói chừng mực, hiền hiền: “Mừng lắm con, nếu phải đi nơi khác, tu viện cổ không còn, mà chỗ mới chắc cũng không còn chỗ đâu cho trại bò”.
Hồi đầu tháng 5/2018, trước thông tin sắp cưỡng chế cụm công trình Công giáo này theo tiến độ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, khi thị dân Sài Gòn bàng hoàng nuối tiếc khu tôn giáo đã gắn bó gần hai thế kỷ với thành phố, khi các giáo dân Q.2, các nữ tu ở dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm khẩn khoản đề nghị được giữ lại tu viện - thì có vị nữ tu trăn trở một nỗi buồn cho… đàn bò đã hơn 20 năm cung cấp sữa tươi nguyên chất cho trẻ con trong vùng.
Mô hình thu nhỏ Tu viện Thủ Thiêm ngày nay được dựng trước nhà nguyện (Ảnh: Minh Trâm)
Dì Ba múc cho tôi một ly sữa còn nóng hổi, nói thêm: “mà đâu đã chính thức?”. Dù đã đọc nhiều bài báo chính thống, đã biết chắc chủ trương của thành phố trong việc giữ lại, đồng thời xếp hạng di tích cấp thành phố cho cụm công trình này - tôi vẫn chợt trở nên ngại ngần trước những nghi ngại quá nghiêm cẩn từ những người trong cuộc. Họ hỏi, như chỉ chờ một sự xác tín.
Nhiều lần ghé qua tu viện, tôi đã biết về những quy định nghiêm ngặt của giáo phận không cho phép các xơ phát ngôn trước báo chí. Trong giai đoạn rộ lên tin cưỡng chế năm ngoái và cả tin mừng được xếp hạng di tích lúc này, tu viện cũng liên tục phải từ chối làm việc với những đoàn báo chí đến xin phỏng vấn. Nhưng, tình yêu với di sản, với những hiện hữu cổ xưa cùng dòng tự sự về một vùng đất đang dày dặn dần những câu chuyện kể - đã làm nên bao chuyện trò xuyên suốt giữa chúng tôi.
Dòng mến thánh giá Thủ Thiêm đang mùa lễ hội và mừng đón năm mới - Ảnh: Thành Lâm
“Thủ Thiêm mới” hiện vẫn còn là công trình, nó thuộc về tương lai. Còn cái Thủ Thiêm trong khái niệm và cả trong tâm thức của người Sài Gòn, lại là một vùng đất mà tôi chưa từng biết đến. Tôi chỉ đến nơi này trong thời buổi chuyển giao, khi cư dân Thủ Thiêm xưa đã di dời khỏi quê xứ, đất cũ đang mọc lên những khu nhà cao tầng. Lúc đó, tu viện và nhà thờ Thủ Thiêm lặng lẽ đứng bên sông như “gạch nối” với ký ức.
Và câu chuyện của những vị nữ tu gợi ra sinh cảnh thơ mộng với những chỉ dấu lặp đi lặp lại “chỗ này hồi trước là…”. Rằng, “phía trước là đường Cây Bàng, ra khỏi cổng tu viện quẹo trái là xuống ấp Cây Bàng, ấp Thủ Thiêm... Cả một vùng bao la đó chỉ có làng mạc, kênh rạch, bụi bờ, cùng hàng chục ngàn hộ dân, trong đó có gần 500 giáo dân vẫn đi lễ ở tu viện và nhà thờ này”...
Nhà thờ Thủ Thiêm - một công trình vừa được UBND TP.HCM quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố (Ảnh: Thành Lâm)
“Ai mà không dzui”, anh Khoa hào hứng “bao vui” luôn cho hàng ngàn giáo dân giống mình trước cái tin nhà thờ không bị giải tỏa. Hiện, anh là cư dân P. An Phú nhưng… “tâm hồn anh ở Thủ Thiêm”. Cứ cuối tuần lại nhất quyết phải vòng vèo bao đoạn đường tránh để về đến nhà thờ.
Anh Khoa rời Thủ Thiêm chừng 10 năm nay, khi cha mẹ anh đồng ý nhận đền bù bằng cách đổi đất lấy căn hộ diện tích lớn ở P. An Phú. Lúc đó, anh đã ngoài 20. Cả thời tuổi thơ và niên thiếu, anh lớn lên trong những cuộc đuổi bắt giữa những ngóc ngách của tu viện và nhà thờ. Anh học mầm non, tiểu học cũng tại trường của các xơ ở tu viện Thủ Thiêm.
Cây me cổ thụ - chứng tích lịch sử của Tu viện Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm ngã xuống cách đây 7 tháng và lại tươi tốt như một sự tái sinh (Ảnh: Minh Trâm)
Nghe tôi nhắc hồi rộ tin cưỡng chế nơi này, anh nói ngay: “Hồi đó, tui có về chứ. Đây thăng trầm ra sao tui cũng chứng kiến hết”. Anh nói anh “về”, tức là anh đã có mặt trong cuộc cầu nguyện ngoài trời hồi năm 2015 của các nữ tu, phản đối việc cưỡng chế giải tỏa cụm công trình này.
Người đàn ông trẻ càng nói càng thấy “rặt Sài Gòn”: “Hỏi chị chỗ này khác gì nhà mình đâu. Tui nhớ hoài hồi mười mấy tuổi, biết tu viện có cây nhãn to, tui rủ đám con nít đột nhập hái trộm. Đang hái thì bị bà Út bắt quả tang. Cả đám khúm núm, vì xơ nghiêm khắc lắm. Nhưng xơ thả cho về hết, chỉ giữ mình tui lại cho tới chiều vì tui cầm đầu. Má tui tới kiếm, tui khóc như con nít lên ba. Mấy chục năm rồi mà tui còn nhớ lời xơ dạy lần đó. Đó giờ, tui chừa luôn cái tật ham muốn những thứ không phải của mình”.
Các xơ dọn dẹp trước nhà nguyện trong tu viện Thủ Thiêm (Ảnh: Minh Trâm)
Anh Khoa làm tôi nhớ chị Phượng - người đàn bà đứng tuổi vẫn hay ngồi chỗ hàng ghế đá đặt dọc tường rào trên lối vào trường mầm non Cỏ Non thuộc nội khu tu viện. Lần nào ghé vào cuối tuần, tôi cũng thấy chị một mình ngồi đó, cắm cúi thêu tranh chữ thập. Chị chờ đứa cháu ngoại đang học piano với các xơ. Lần nào bắt chuyện, tôi cũng thấy chị khóc. Đứa cháu ngoại chị đang đón đưa đó, là niềm an ủi duy nhất của chị khi chồng mất, các con đều lưu lạc sau những lần tan vỡ hôn nhân.
Người đàn bà tưởng chỉ chìm ngập trong những truân chuyên đời mình, nhưng hồi nghe tin tu viện và nhà thờ có thể bị giải tỏa - cũng sốt sắng và phẫn nộ cùng giáo dân phản đối trước cổng tu viện. Lần này, chị nhắc về ký ức đó như một sự thừa nhận: “Tui chỉ còn chỗ này để trở về, thăm quê xưa. Giờ có đi đâu, có giàu lên cách mấy cũng không mua lại được gốc gác của mình. Nhà nước phát triển Q.2 thì tui mừng. Nhưng tui nghĩ đơn giản thôi, nếu còn gọi nơi này là Thủ Thiêm, thì cũng phải giữ lại một điểm gì chung cho những người có cùng cái tên Thủ Thiêm chứ”.
Nhà thờ Thủ Thiêm - một công trình vừa được UBND TP.HCM quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố (Ảnh: Thành Lâm)
Bà như thuộc làu từng dâu bể thời cuộc hằn lên cả vùng đất Thủ Thiêm trong vai trò người đại diện cho tu viện tiếp nhận và trao đổi thông tin với chính quyền địa phương. Vẫn giữ giọng trầm buồn khi nhắc đến niềm vui được bảo tồn tu viện, bà như sực nhớ ra, nói: “dì dắt con qua lối này coi, cũng có nhiều tín hiệu mừng lắm con”.
Bà rẽ phải, đi theo hướng vào sâu tu viện. Vừa đi, bà vừa nói điểm đến sẽ là nơi dưỡng lão của các nữ tu lớn tuổi. Bà vừa nói xong lịch sử bao đời tiếp nhận và nuôi dưỡng các vị nữ tu lớn tuổi của tu viện, thì khu dưỡng lão đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Khu nhà có hàng chục cụ già, đều là nữ tu thuộc dòng Mến Thánh giá.
Dì Út (giữa) đang thảnh thơi ngồi nghe một giáo dân đọc báo (Ảnh: Minh Trâm)
Được dì Út giới thiệu là “cô bé đang muốn tìm hiểu Thủ Thiêm”, tôi được các cụ hào hứng kể chuyện xưa. Nói một hồi, dì Út mới khoe: “Chỗ này từng đón bí thư Nguyễn Thiện Nhân hồi tháng hai đó con. Ông Nhân tới thăm, ngồi bệt xuống chỗ này nói chuyện nè, mấy xơ đây vui lắm!”.
Như đã có “một người quen chung”, các cụ lại hào hứng miêu tả “hôm đón ông Nguyễn Thiện Nhân”. Chi tiết này như vừa chạm đến cùng đề tài mà tôi quan tâm, dì Út tinh tế cáo lui rồi đưa tôi ra phía trước gian nhà dưỡng lão. Dì nói: “Hôm gặp ông Nhân xong dì đã linh cảm sẽ có điều tốt đẹp. Có thể do ông cũng xuất thân từ ngành giáo dục, dì cũng làm giáo dục, nên cảm giác ông hiểu được mình. Còn trước đây, khi nghe tin giải tỏa chỗ này, mình cũng vì đau lòng mà ngần ngại nhiều”.
Rồi bà chỉ quả đồi nhỏ ngay trước nhà dưỡng lão: “Dì chỉ con cái này nè nghen. Thấy cây me này quen không?”. Tôi đã từng nghe rất nhiều về cây me cổ thụ có mặt ở nơi này từ khi những nữ tu đầu tiên đến đây năm 1833, nhưng ô đất bà chỉ chỉ thấy một thân cây thấp và uốn lượn như một loại bonsai.
Dì Út lại nói như tiếp mạch linh cảm của mình: “Cách đây bảy tháng, vài tháng sau khi khi ông Nhân ghé thăm, cây me cổ thụ gần 200 tuổi này bất ngờ ngã, mà lại ngã ra hướng ngoài, không đập vào nhà các xơ. Nhưng kỳ lạ, cây me nằm xuống mà vẫn tươi tốt, đến bây giờ thì nó như một cây mới. Dì cứ cảm thấy như một điềm lành, giống như những điều lo lắng đã qua, ngày cũ bỏ đi hết, điều mới mẻ sẽ tới và sẽ xanh tốt vậy thôi”.
Dì Út đón một gia đình người Thủ Thiêm từ Mỹ về thăm (Ảnh: Minh Trâm) |
Từ một người nắm rõ tin mừng về khu nhà thờ và tu viện này, tôi vẫn như đang trôi vào vùng “linh cảm” của vị nữ tu, như đang trong trạng thái “có niềm tin”, “có linh cảm”, dù sự thật đã được bảo chứng với công văn của Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị, sở, ngành TPHCM về quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với di tích kiến trúc nghệ thuật nhà thờ Thủ Thiêm và tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm.
Tôi cũng không muốn xác tín với vị nữ tu này bằng thông tin xác thực từ những công văn. “Linh cảm”, “niềm tin len lỏi bên trong” của những vị nữ tu dành cho mối đồng cảm từ phía công quyền - đã là một món quà, một di sản phi vật thể mà không cần thêm một xác tín nào khác. Tôi chợt thấy mãn nguyện, chợt thấy tựu thành dẫu đã có thể nói nhiều hơn, nói trọn vẹn hơn với vị nữ tu đáng mến này về cái tin mừng mà bà đang còn “chờ cầm tờ giấy công nhận”.
Nhà thờ Thủ Thiêm đang mùa lễ hội và mừng đón năm mới (Ảnh: Thành Lâm)
Chẳng ngờ, một cơ duyên kỳ lạ nào đó đã tặng tôi một món quà vô giá trong chính buổi sáng hôm đó. Lúc tôi chào dì Út ra về, tôi còn nấn ná lại chỗ ghế đá, trò chuyện với chị Phượng đang thêu tranh ở đó. Hàng ghế đá ở ngay bên phòng khách mà dì Út làm việc. Lúc này, có hai phụ nữ chạy xe máy đến tìm dì Út. Tại hành lang quen thuộc, một phụ nữ lễ phép đưa cho dì phong bì màu trắng, nói: “Trong thư mời ghi đích danh bề trên của tu viện, nhưng chúng con mời các dì cùng đến để dự buổi xếp hạng di tích”.
Chị Phượng ngừng thêu, hạ kính xuống nhìn về phía dì Út, rồi nói tôi: “Hai cô đó bên văn hóa thông tin quận đó em”. Hai người phụ nữ quay đi. Dì Út cầm trên tay “tờ giấy công nhận” vừa nhận từ khách, quay sang nhìn tôi cười chúm chím - cái chúm chím ngượng ngùng tôi chưa từng thấy ở vị nữ tu khả kính này, rồi bà nhanh chóng quay vô phòng làm việc. Một chốc sau, bà chợt cầm ra tờ báo, nói với chị Phượng và người đàn ông cũng chờ con gần đó: “Đứa nào đọc giùm dì một chữ coi!”.
Tu viện Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm ngày mới thành lập với mái tranh, vách đất được mô phỏng lại trên một quả đồi nhỏ trước nhà nguyện (Ảnh: Minh Trâm)
Rồi trước khi ngồi xuống đợi vị nam giáo dân kia đọc giúp mấy dòng tin tức, dì nhìn tôi cười ý nhị. Giao tiếp tinh tế đó của dì như cũng thừa nhận rằng tôi vừa “bắt gặp” dì trong một “thời khắc lịch sử” - khoảnh khắc giải đáp cho mọi câu hỏi từ đầu buổi sáng này về một tin - mừng - chính - thức. Còn tôi thì suốt đường về cứ mơn man mừng, vì đã kịp tiết chế, để tin vui đó được đi từ phía “người gửi” đến trực tiếp “người nhận” trên cái phong bì giấy trắng mực đen.
________________
Minh Trâm
Kỹ thuật: Ngô Tới