Men theo những lối đi ngổn ngang vật liệu thi công, anh Hồ Xuân Linh, Chỉ huy trưởng phần hoàn thiện kiến trúc của phần nhà ga Opera và ga ngầm Ba Son, chăm chú quan sát và đối chiếu quá trình thực hiện của công nhân so với bản vẽ. Anh đã có 3 năm làm việc và gắn bó tại công trường nhà ga Ba Son thuộc gói thầu CP1b – Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Anh chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc, hướng dẫn… các kỹ sư, công nhân thực hiện các công tác hoàn thiện kiến trúc của nhà ga Ba Son.
Trong âm thanh hỗn tạp đan xen của đủ loại máy cắt, máy hàn, anh Linh giới thiệu: “Nhà ga Ba Son thuộc gói thầu CP1b – Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) có thiết kế 2 tầng ngầm (dài 240m, rộng trung bình 34,5m, sâu 17m). Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành công tác đắp trả đến cao độ thiết kế và chuẩn bị thi công tái lập lại cảnh quan tạm cho khu vực. Ngoài ra, các hạng mục kết cấu còn lại bên trên mặt đất cũng đã hoàn thành và chuẩn bị cho các công tác hoàn thiện kiến trúc bên ngoài. Hiện tại, công việc hoàn thiện (bao gồm kiến trúc và cơ điện) của Nhà ga Ba Son khối lượng tích lũy ước lượng đã đạt 84% và cả gói thầu CP1b đạt 90,2%. Dự kiến, Nhà ga Ba Son sẽ hoàn thiện vào Quý I năm 2021”.
Cũng như anh Hồ Xuân Linh, kỹ sư Vũ Văn Toàn đang làm việc tại phần công tác hoàn thiện nhà ga Ba Son, cũng có nhiều bỡ ngỡ ở lần đầu làm việc tại một dự án giao thông hiện đại. Sau 2 năm làm việc tại dự án, anh Toàn cho biết: “Dự án tuyến metro số 1 thực hiện theo công nghệ của Nhật Bản. Trong quá trình chuyển giao công nghệ, tôi được học hỏi rất nhiều. Đây là dự án đầu tiên ở nước ta sử dụng Robot khoan ngầm TBM. Công nghệ trong dự án lần này có rất nhiều điểm mới, tôi phải học hỏi từng ngày. Những kỹ thuật học được trong một mỗi dự án có một đặc thù riêng, giúp tôi có nhiều kinh nghiệm khác nhau để áp dụng khi thực hiện các dự án khác”.
Theo anh Toàn, trong quá trình thực hiện, dự án tuyến metro số 1 gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả việc bố trí lối đi lại, hệ thống thông gió ở trong hầm, các kỹ sư cũng phải được tính toán rất kỹ lưỡng. “Mới đầu, tiếp xúc công nghệ - kỹ thuật mới khiến tôi bỡ ngỡ lắm. Qua sự trau dồi từ các chuyên gia Nhật, khả năng và kiến thức của tôi được cải thiện dần dần. Sau bỡ ngỡ, tôi cảm thấy tự hào và hãnh diện khi góp một phần nhỏ công sức hoàn thiện dự án trọng điểm của TPHCM”, kỹ sư Toàn cho biết.
Tại lối đi bộ ngầm dẫn vào nhà ga Ba Son, khoảng 5-6 công nhân đang chăm chú thực hiện thao tác lót gạch đá. Nhanh nhẹn dùng chiếc bay kẻ xi măng thẳng tắp dán những miếng đá vào với nhau, chị Võ Thị Ly (51 tuổi, quê Vĩnh Long) nói: “Tôi mới vào làm công nhân ở dự án này được mấy ngày thôi. Hồi nào giờ, tôi vẫn theo chồng con làm thợ hồ nhưng chưa từng được làm những công trình lớn. Công việc đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ, không được qua loa. Không khí làm việc ở đây vui lắm, ai cũng phấn khởi, làm không biết nản. Tôi thấy làm công trình lớn vui hơn, có việc làm hoài”.
Anh Nguyễn Hữu Phương (30 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu) cũng làm công nhân tại công trình nhà ga ngầm Ba Son được 2 tháng. Trước đó, anh đi làm đá ở những công trình nhỏ lẻ. Anh Phương chia sẻ: “Công việc ở dưới hầm có chút ngột ngạt nhưng tôi có cơ hội mở mang tầm mắt, còn được học thêm nhiều thứ. Môi trường làm việc ở đây an toàn hơn, kỹ thuật cũng khác. Giờ giấc làm rất điều độ, quy định nghiêm ngặt, nếu không báo tăng ca sẽ không được ở lại công trình. Ngày đầu đến nơi nhận việc, tôi bỡ ngỡ, choáng ngợp nhưng sau đó cũng kịp thời bắt nhịp công việc”.
“So với vận hành máy móc, cơ điện, phần công tác hoàn thiện kiến trúc do tôi phụ trách không có quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không gian làm việc dưới hầm rất bụi bặm, rồi trúng mùa dịch covid nên cũng gặp một số khó khăn nhất định. Rất may, Ban quản lý đường sắt đô thị đã hỗ trợ các biện pháp phòng dịch và hóa chất khử khuẩn kịp thời. Trước sự quan tâm đó, mọi người vẫn luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, tập trung nhân lực, vật lực nhằm hoàn thành đúng tiến độ được giao”, anh Linh hào hứng chia sẻ.
Để có môi trường làm việc an toàn, tổng thầu của dự án tuyến Metro số 1 đã bố trí nhiều quạt hút, quạt thổi đưa không khí vào hầm. Thế nhưng, những ngày nắng nóng, không khí trong hầm rất ngột ngạt. Vì thế, các kỹ sư và công nhân làm việc ở nhà ga Ba Son động viên nhau, san sẻ những câu chuyện hỏm hỉnh để thoải mái tinh thần, giảm bớt sự mệt mỏi, cùng làm việc hăng say.
Áp lực về tiến độ dự án, kỹ thuật lại mới, đòi hỏi các kỹ sư, công nhân tại nhà ga ngầm Ba Son phải sát sao trong công việc. Ở những phần việc tập trung cao độ, họ làm việc với nét mặt rất căng thẳng. “Nhịp làm hối hả cũng khiến tôi mệt mỏi. Lượng không khí trên mặt đất và dưới hầm có sự khác nhau. Vì vậy, nhà thầu luôn bố trí các quạt thông gió để giảm lượng bụi trong nhà ga và thoáng khí cho công nhân làm việc thoải mái nhất”, kỹ sư Vũ Văn Toàn cho biết.
Những ngày có công tác đổ bê tông, công nhân, kỹ sư ở nhà ga Ba Son phải tăng ca đến tận 21-22h. Công trường vắng tiếng động cơ, công nhân lẳng lặng rời hầm, leo lên mặt đất, hòa vào làn gió mát thổi từ sông và ầm ào của người xe trên con đường Tôn Đức Thắng.
Dù tâm thế hồ hởi nhưng cũng có đôi lần, công nhân, kỹ sư của dự án metro thấy nản lòng khi phải làm việc ở những khu vực chật hẹp, kỹ thuật khó nhằng. Những lúc ấy, người làm công tác giám sát như anh Linh, anh Toàn phải tận tình hướng dẫn chi tiết từng vị trí, từng cách thức làm việc cho công nhân. Cảm nhận được các kỹ sư luôn quan tâm và theo sát bên cạnh, đội ngũ công nhân rất an tâm và tự tin làm việc.
Với một dự án lớn, nguy hiểm luôn rình rập nên luôn có một bộ phận an toàn chịu trách nhiệm hướng dẫn cho công nhân làm việc. “Trước khi thực hiện bất công tác nào, chúng tôi đều có biện pháp thi công. Biện pháp thi công ấy sẽ đảm bảo an toàn cho công nhân, chất lượng công trình và tiến độ dự án. Nếu đã có biện pháp đề ra sẵn thì công nhân chỉ việc thực hiện theo. Công tác an toàn được kiểm soát chặt chẽ và duy trì rất đều”, anh Toàn cho biết.
Cũng theo anh Toàn, bộ phận kỹ sư giám sát cũng phải biết cách tạo áp lực cho công nhân, gò họ vào nếp, làm việc theo biện pháp đã đề ra. Công trường với hàng trăm công nhân làm việc thì ý thức mỗi người sẽ khác nhau. Vì vậy, việc kỹ sư theo sát và hướng dẫn cho công nhân thì ý thức của họ sẽ tăng dần qua từng ngày. Việc tuyển chọn công nhân ngay từ ban đầu cũng rất chặt chẽ. Những người có tay nghề, sức khỏe tốt mới đảm bảo được tiến độ và làm việc trong môi trường khắc nghiệt.
Cuộc trò chuyện bị cắt ngang khi một công nhân đến hỏi ý kiến của kỹ sư Toàn về việc lắp đặt tấm trần nhôm. Sau khi hướng dẫn cho công nhân, anh Toàn chia sẻ: “Các công nhân này đang thực hiện công tác lắp đặt tấm trần nhôm. Các tấm trần được gia công sẵn sẽ được đưa từ phía dưới lên trên, cố định vào những xương trần đã có sẵn. Nữ công nhân kia sẽ thực hiện nhiệm vụ giữ nếp các tấm trần để các nam công nhân bắn vít cố định”.
Lấy cánh tay quệt vội mồ hồi, chị Hà kể, ngày làm việc của chị bắt đầu vào 7g sáng. Buổi sáng, chị theo phụ các anh bằng cách lấy dụng cụ, ốc vít… đưa lên cho các anh bắn tấm trần. Buổi chiều, khi các anh hoàn thành phần việc, chị dọn dẹp công trường sạch sẽ. Lâu lâu, chị leo lên cao phụ các anh cố định tấm trần để bắn vít.
“Chồng dẫn tôi vào làm ở dự án. Anh ấy làm bên ga Nhà hát Thành phố. Sáng ra, vợ chồng làm hai địa điểm khác nhau. Tối về, cả hai vừa ăn cơm vừa kể chuyện trên công trường. Anh kể bên anh làm đến đâu rồi, tôi háo hức thuật lại hôm nay học được cách làm mới… Vui lắm! Tôi thấy hãnh diện khi vợ chồng tôi đều được làm việc tại một công trình lớn. Sau này, tôi sẽ kể cho các con nghe chuyện ba mẹ từng được làm việc ở một dự án trọng điểm, nổi tiếng”, chị Hà hồ hởi chia sẻ.
Một ngày làm việc của kỹ sư Linh, kỹ sư Toàn đều bắt đầu bằng phần việc hướng dẫn lối đi, chỗ làm việc cho công nhân; xuống công trường kiểm tra và giám sát công nhân thi công chính xác. Những ngày vội vã cứ thế cuốn họ vào công việc, cuốn vào ước mơ đưa tuyến metro sớm về đích. Có những lúc nỗi nhớ nhà ập đến đan xen vào chuỗi công việc đã hoạch định, họ chững lại vài giây vài phút, rồi tiếp tục hòa vào sự sôi nổi của công trường. Tiếng động cơ ầm ào thay tiếng con thơ bi bô, đường hầm dài thay cho mái nhà ấm cúng.
Kỹ sư Hồ Xuân Linh quê ở tỉnh Quảng Nam nhưng gia đình đang sinh sống ở Đà Nẵng. Anh nói: “Nhớ nhà lắm chứ nhưng dân xây dựng phải chịu thôi. Ở công trường này, đa số kỹ sư đều sống xa nhà. Lúc nào nhớ nhà, chúng tôi lại dồn sức vào công việc. Gặp gỡ đồng nghiệp, công nhân dưới công trường, chú tâm vào công việc, tôi thấy đỡ nhớ vợ con”.
Tại ga ngầm Ba Son, những ngày thứ 7, Chủ nhật vẫn duy trì công nhân, kỹ sư làm việc. Cho nên, các anh đều luân phiên, tranh thủ 1-2 tháng về thăm nhà ít hôm. Người nào ở xa thì ráng chờ đến Tết mới về. Chị Hà làm ở dự án được 1,5 năm và chưa lần nào về nhà. Con vừa thôi bú, chị Hà đã rời quê vào làm tại công trình nhà ga Ba Son. Nay con chị, đứa lớn được 5 tuổi, đứa nhỏ lên 3. Ngày nào, sau giờ cơm tối, vợ chồng chị Hà cũng gọi điện về quê.
Nhìn các con lớn dần theo ngày tháng ba mẹ gắn bó với dự án metro, chị Hà không khỏi xúc động: “Hai cháu ở quê với ông bà. Vợ chồng tôi chưa về quê lần nào. Ngày nghỉ ít mà quê lại xa, chúng tôi không sắp xếp được thời gian. Tết này, chúng tôi cũng không về nhưng cho con vô chơi. Vợ chồng tôi sẽ chở con đi Hội hoa xuân, sẽ chỉ cho các con xem công trường làm việc của ba mẹ”.
Không chỉ chị Hà, anh Toàn, anh Linh, hầu như kỹ sư, công nhân gắn bó với dự án metro số 1 đều tự thân hy sinh những giá trị tình cảm riêng để dồn sức vào công việc. Họ rất háo hức và tự hào khi được góp phần nhỏ công sức cho dự án tầm cỡ quốc gia. Mọi người mong muốn sớm hoàn thành công trình, đưa tàu vào vận hành. Toàn bộ kỹ sư, công nhân Việt Nam đều rất quyết tâm, nhiều áp lực nhưng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhiều công nhân đang làm việc ở nhà ga Ba Son đều cảm thấy phấn khởi, mong mỏi từng ngày hoàn thành 2 nhà ga, chứng kiến giây phút đầu tiên đoàn tàu lao vun vút trên đường ray. Kỹ sư Linh chia sẻ: “Tôi ước mình sẽ được lên tàu đi thử ở lần đầu tiên nhưng chắc khó lắm. Vậy nên, tôi sẽ đợi lúc tàu được đưa vào khai thác sử dụng để trải nghiệm”.
Rời công trường khi nắng chiều đã nhạt, gió mát từ sông thổi vào từng đợt, anh Linh tự hào chỉ tay về phía bờ sông và trên nóc ga ngầm. Anh nói, sau khi phần ngầm hoàn thiện, công tác tái lập sẽ được tiến hành nhanh chóng. Chẳng mấy chốc, những ngổn ngang này phải nhường chỗ cho những thảm cỏ xanh mướt, cho khu phức hợp thương mại hiện đại vươn cao. Bên kia cầu Thủ Thiêm 2 đang được thi công, phối cảnh với ga ngầm Ba Son tạo nên những điểm xuyến son sắc cho bộ mặt TPHCM rạng rỡ. Ga Ba Son trở thành cột mốc để metro vượt qua chuỗi đường ngầm vươn lên lao về phía mặt trời.