Đưa ra cái gọi là “chủ quyền lịch sử”, Trung Quốc đã đánh tráo khái niệm “lịch sử chủ quyền” sang “chủ quyền lịch sử”. Lịch sử chủ quyền là quá trình đi đến việc khẳng định, còn chủ quyền lịch sử chỉ là sự lừa bịp.
Khi Trung Quốc bộc lộ rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông qua hành động, chúng ta mới quay lại xem các tài liệu chính thức của nước nhà, bởi bao đời nay, Hoàng Sa và Trường Sa mặc nhiên là của chúng ta. Nói dân dã thì quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa như mảnh ruộng mà gia đình tôi đã canh tác suốt mấy trăm năm; tôi đi ra Hoàng Sa, Trường Sa là đi ra ruộng nhà. Đó là một sự thật hiển nhiên.
Từ xưa, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã ý thức sâu sắc được vị trí đặc biệt quan trọng của biển, đảo trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước nên đã sớm đề ra những chủ trương khai chiếm các quần đảo ở Biển Đông. Những lực lượng chuyên trách đã được thành lập và tổ chức riêng để kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ và khai thác Biển Đông, trong đó có đội Hoàng Sa.
Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) do Quốc sử viện thời Lê - Trịnh tổ chức biên soạn, đoạn ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa, căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn. Phần đầu bộ chính sử của vương triều Nguyễn - Đại Nam thực lục tiền biên (khởi soạn năm 1821) - khi nói đến sự kiện tháng 7/1754 (“dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa (Nguyễn Phúc Khoát) sai viết thư (cảm ơn)”) đã mô tả “Vạn lý Trường Sa” và các đội Hoàng Sa, Bắc Hải được tổ chức từ thời “quốc sơ” (tức thời các chúa Nguyễn đầu tiên) không có gì khác Phủ biên tạp lục và Đại Việt sử ký tục biên.
Năm Chính Hòa thứ VII (1686), Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo (người xã Bích Triều, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) soạn, phần bản đồ phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi, phía ngoài biển có vẽ bãi Cát Vàng và ghi chú rõ: “Mỗi năm, đến tháng cuối đông (chúa Nguyễn) đưa 18 chiếc thuyền đến đó (bãi Cát Vàng) nhặt vàng bạc”.
Năm 1695, vị hòa thượng nổi tiếng của Trung Quốc là Thích Đại Sán từ Quảng Đông sang và ở lại Đàng Trong hơn một năm, theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Trên đường về nước, ông đã mô tả khá chi tiết (trong Hải ngoại kỷ sự) về bãi cát Vạn lý Trường Sa và cho biết: “Các quốc vương thời trước (tức các chúa Nguyễn) hằng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo các bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào”. Không chỉ Việt Nam, mà cả Trung Quốc đều ghi chép rất cụ thể, rõ ràng và thống nhất về sự hiện diện của đội Hoàng Sa vào thời kỳ đầu của các chúa Nguyễn trong thế kỷ XVII.
Năm 1802, Nguyễn Ánh (Gia Long) thiết lập vương triều Nguyễn, cai quản một nước Việt Nam thống nhất và có diện mạo như ngày nay. Một năm sau, ông đã cho tái lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải và đặt vào trong cơ cấu tổ chức chung của các đội Trường Đà, có chức năng khai thác và quản lý toàn bộ khu vực Biển Đông.
Năm 1815, 1816, vua Gia Long liên tục tổ chức các hoạt động thăm dò đường biển, triển khai các hoạt động thực thi chủ quyền một cách kiên quyết và đồng bộ ở Hoàng Sa và Trường Sa. Những hoạt động này của vua Gia Long đã được nhiều người phương Tây đương thời chứng kiến và đề cao.
Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải hoạt động mạnh và hiệu quả dưới thời vua Gia Long cho đến đầu những năm 20 của thế kỷ XIX thì được tích hợp vào đội thủy quân của triều đình Minh Mệnh. Đội thủy quân là quân đội chính quy của nhà nước, hoạt động trên toàn tuyến biển đảo của nước Việt Nam thống nhất.
Những tư liệu trên không chỉ thể hiện rõ ở các châu bản, các bộ chính sử và bản đồ quốc gia chính thức của Việt Nam mà còn ở cả bản đồ phương Tây, đồng nghĩa với việc chúng ta đã thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách thực sự, đầy đủ, trọn vẹn trong hòa bình.
Bài: Ngô Minh Tâm
Thiết Kế: Hoàng Triết