Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng.
(…) Thưa rằng bạc mệnh xin cam
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây.
Đọc mấy câu trên của thi sĩ Bùi Giáng trong bài thơ Chào nguyên xuân, tự dưng thích ngang. Thích mà không rõ tại sao thích. Cũng như bây giờ ai hỏi “sao thấy ông cứ ngồi cả buổi bên bụi ớt, bên khóm rau bạc hà, không biết ông dòm ngó gì ở đó?”, tôi cũng bó tay. Có lẽ đơn giản là vì tôi thích ngồi đó, bên cây, vậy thôi.
"TỰ KỶ" BÊN CÂY
Tôi ngồi bên một cây hay một khóm cây ngọn cành mập mạp, thế là cứ nhìn nó suốt. Hay tại nó màu xanh? Vậy chứ sao chậu dền tiều trăng trắng, tia tía, mình cũng ngồi dòm cả buổi?
Tôi thường hay ngồi như vậy cho đến khi tê chân thì rảy rảy, đi làm gì đó một hồi, lại mò ra ngồi bên cây. Cây như một người bạn lành, chẳng bao giờ thở than, oán giận. Ngồi bên cây một hồi, đầu óc có thể không nghĩ về cây, mà vẫn nghe trong mình thanh thản, dịu lắng. Chứ ăn rồi cứ công việc, đối phó, giận ông này, tức em nọ, nóng trong người hoài, chắc chết.
Mình thích cây, người khác có thích không? Chắc là thích. Bởi vì mình thấy trong con hẻm nhà mình, ai cũng có một mảng xanh xanh trước nhà.
Đến như cha Tuấn, cả ngày không thấy mặt mũi đâu (đi làm từ sáng sớm, tối chỉ về nhà ngủ), thế mà cũng tậu nguyên hai cây bông trang đặt hai bên cửa. Bà hàng xóm đối diện mới ghê, ba tầng lầu, tầng nào cũng đầy bông mười giờ, sao nháy, huệ mưa, lan các loại, quanh năm trổ đủ màu xanh, vàng, đỏ, tím. Rồi lên cơ quan, thấy em Lài bày trên bậu cửa ở ban-công một dãy chậu xương rồng, em Dương ké cây cúc thân gỗ, em gì đó ké cây may mắn… Lại có em ở lầu 8 tậu mấy chậu sen đá mi-ni, tối mang vào phòng cất, sáng mang ra ban-công cho cây hưởng nắng.
Ai mà chẳng thích cây, vì từ sơ sinh, bắt đầu biết nhìn, cây là một trong những thứ lạ lẫm đập vào mắt mình, tán cây lắc lư liên hồi theo gió mà cây thì cứ ở hoài một chỗ, không đi. Thật đáng tò mò! Rồi khi tập ăn dặm, người ta - các em bé - cũng tiếp cận với những xanh xanh đỏ đỏ của lá, củ, quả. Xa hơn nữa, thuở xưa, con người ta sống bên cây, trong hang hốc, ven hoặc giữa rừng rậm. Con người có thể đã thay đổi, đã tạo ra đủ thứ phương tiện để sống sướng hơn thuở “ăn sống, ở hang” giữa rừng, nhưng cây thì vẫn thế, hiền hòa, điềm nhiên hít thở, phả ô-xy cho muôn loài, hào phóng lấy lá thân mình làm nguồn thực dưỡng.
VƯỜN CÂY TRÊN ĐẦU
Vì chiến tranh, nửa tuổi, tôi đã được bồng bế rời quê vào nơi ở mới dành cho diện “di dân chiến cuộc”, ngay giữa một khu rừng. Người ta bắt đầu phá rừng làm rẫy, dựng nhà. Tôi còn nhớ khi tôi biết đi lẫm chẫm, đã theo cậu, theo anh ra hông nhà xem cha tôi đốn hạ cây xoài rừng rỗng ruột cưa thành từng đoạn, bịt một đầu, làm thùng đựng lúa, sắn, bắp khô. Khi mới 5-6 tuổi, chúng tôi đã bắt chước người lớn, cầm cuốc tạo hình các bậc thang, băm đất, rải hột cúc lá nhám, mồng gà, cúc bách nhật lên đất để có một vườn hoa be bé đủ màu. Lớn thêm vài tuổi nữa, mùa khô, tôi thường cùng mấy đứa con nít trong xóm băng qua đám cỏ tranh, mò ra gốc cây cầy (kơ-nia) cổ thụ, lượm trái rụng dưới gốc, về chẻ vỏ, lấy nhân (hạt) ăn, còn vỏ dùng đánh đáo. Nhân cầy bùi, béo, nhớ mãi không quên. Chúng tôi còn trèo lên cây xay, bẻ những nhánh trái khô xuống ăn. Trái xay ấy, bây giờ đến mùa, vẫn thường thấy người ta bán dọc lề đường ở Sài Gòn.
Thời tôi, 8 tuổi đã phải làm đồng, làm rẫy. Trên những luống khô khốc, sau trận mưa, tự dưng bắp (ngô) nhú lên một hàng chồi xanh thẳng tắp, trông như ai cắm hàng nắp bút màu xanh lên đất, thật thích mắt. Những buổi đi giữa rẫy bắp trổ cờ bạt ngàn, thấy cũng lãng mạn lắm lắm. Lại có những bữa đi giữ bắp (kẻo bị chim két tụ bầy sà xuống ăn hạt), gặp mưa, anh em tôi lấy cây bắp đưng (không đậu trái) làm cột, bứt tranh dựng túp lều nhỏ trú mưa. Bây giờ tôi nghĩ, cảnh tượng ấy, giá như có nghệ sĩ nhiếp ảnh nào đó ngang qua, không chừng sẽ “nhiếp” được pô ảnh để đời. Nó nên thơ quá! Có những bữa vác cuốc ra khe, gặp mùa cuối thu, hoa tranh nở trắng xóa mấy quả đồi, như kéo dài tới dãy núi mờ xa.
Tôi thích cây, thích rừng, nên từng ước tự mình sẽ tạo ra một khu rừng rộng lớn, rồi thả những con tê tê, nai, hoẵng, chim, sóc cho đúng nghĩa một khu rừng. Nhưng ước mơ đẹp đẽ đó, đến giờ vẫn chỉ là mơ ước. Công cuộc mưu sinh thoát nghèo đẩy tôi một mình dạt vô Sài Gòn phố thị đầy những khối bê tông khô khốc. Thiếu cây, không được trồng cây là buồn à nha. May sao, năm 2009, tôi tậu được căn nhà có cái sân thượng. Thế là tôi mua sắt về ráp kệ, xách, vác nào đất, nào chậu lên đó, tự tạo một khu vườn nho nhỏ. Mỗi sáng sớm, tôi mò lên vườn tưới cây; mỗi cuối tuần, tôi ở trên vườn gieo hạt, giâm cành, trồng cây, nhổ cỏ, khi mệt thì ngồi uống trà khổ qua rừng tự làm, ngắm chồi non lá biếc.
Ai cũng thích cây. Ấy là tôi nghĩ vậy. Từ khi lập nhóm (group) Thích Trồng Cây trên mạng xã hội Facebook (năm 2014), tôi càng chứng thực rằng đúng, quá nhiều người thích cây. Con số 205.000 thành viên phần nào nói lên điều đó. Đây là con số khá “thực”, vì các thành viên đều qua bước xác minh trước khi kết nạp.
CÂY NỞ ĐÓA HOA TÌNH NGƯỜI
Cái nhóm Thích Trồng Cây này ngộ lắm, không sân si, xô bồ như nhiều nhóm khác trên mạng ảo. Ở đó, thành viên hào hứng chia sẻ thành quả trồng trọt của mình, và cũng thật thà khai báo thất bại để mọi người tư vấn. Ở đó, những người chưa gặp nhau ngoài đời vẫn nói chuyện thân tình như những người quen. Qua đường bưu điện, người ta gửi tặng nhau hạt giống, cây giống trong tình thân ái, mến thương. Đơn giản chỉ là hạt hoa tam giác mạch, hạt bầu hồ lô, hạt mướp hương cổ, cây sương sâm, sương sáo - những giống cây “tầm thường” nhưng vùng này có mà vùng kia không có, người này có mà người nọ lại không.
Có cô giáo Huyền Minh ở Lai Châu chuyên gửi hạt giống hoa vạn thọ Pháp nhiều màu cho thành viên khắp nước, địa chỉ ghi trên bì thư được viết nắn nót khiến ai cũng trầm trồ. Cô Vân ở bên Đức cất công cắt bông oải hương (lavender) phơi khô, chờ ngày về nước, hẹn tụ tập để tặng mọi người làm giống. Cô Lee Phan ở Cà Mau làm đầu mối, tiếp nhận hạt của ông Mạnh (nickname Chơi Rau) ở Đồng Nai, để từ đó gửi hạt cho cả ngàn người khắp các tỉnh, thành. “Mình có hạt giống hoa đẹp mà bỏ thì tiếc, trong khi nhiều người lại cần” - là chia sẻ ngắn gọn của cô Huyền Minh. Ngắn gọn, giản dị, nhưng nó hàm chứa tình yêu của cô với cây và với những người thích trồng cây.
Nhóm Thích Trồng Cây thường có những cuộc họp mặt (offline) ngoài đời, gọi là “phiên chợ 0 đồng”. Tại Sài Gòn, phiên chợ này được mở mỗi quý một lần ở công viên Tao Đàn (Q.1), mỗi phiên có khoảng 500 người dự. Ở đó, ai có hạt giống, cây giống thì mang đến tặng; ai cần thì đến xin về trồng. Người ta - có cả cụ già, thanh niên, em bé - đến phiên chợ như là chơi đồ hàng hồi còn bé, bày hạt giống trên những khay giấy tự chế, bên nhận bên cho, vui như tết. Ở đó, người ta gặp nhau lần đầu là như đã quen lâu, không có gì phải nghi ngờ, phòng bị.
Cho nhau nụ cười, cho nhau mầm xanh ở “phiên chợ 0 đồng” của nhóm Thích Trồng Cây - Ảnh: Phùng Huy - Ngọc Hồ
Cho nhau nụ cười, cho nhau mầm xanh ở “phiên chợ 0 đồng” của nhóm Thích Trồng Cây - Ảnh: Phùng Huy - Ngọc Hồ
Tại các phiên chợ này, nhiều thành viên dắt cả vợ chồng, con cái, cháu nội ngoại đến dự. Trong khi đó, ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Tiền Giang, chỉ cần có người đứng ra rao họp mặt thì người ở khắp nơi lại gửi hạt giống đến để có “phiên chợ 0 đồng” xôm tụ. Như ở cuộc họp mặt tại Sài Gòn, Đà Nẵng, Quảng Ngãi (tháng 9, 10 và 11/2018), anh Trần Ngọc ở Tuyên Quang đã gửi tặng mỗi nơi 1.000 cây con cúc họa mi thân thảo, cúc chi trắng, vàng, cúc lan tím, cúc thân gỗ thạch thảo, thược dược.
Trong nhóm Thích Trồng Cây, bà Mai Thanh Bình (Q.2, TP.HCM) được mọi người gọi là “u già” của nhóm, vì năm nay bà 74 tuổi mà không cuộc họp mặt nào thiếu bà. Ngoài những cuộc offline ở Sài Gòn, bà còn dự offline ở Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, lên tận Gia Lai, Đắk Lắk; mỗi lần dự, đều mang đến cho mọi người những món quà dễ thương, như bó rau bạc hà đã ngâm cho ra rễ, hoặc vài chục cuốn sách mà bà tâm đắc. Bà cũng là đầu mối để các thành viên là Việt kiều nhờ đứng ra tổ chức gặp mặt các thành viên khác, mỗi khi có dịp về nước.
Vợ chồng ông Mai Thế Dũng (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cũng nổi tiếng về sự nhiệt tình, đồng vợ đồng chồng. Ông Dũng nhận in, ép nhựa, gắn dây đeo miễn phí 1.000 bảng tên để phát cho thành viên dự “đại họp mặt” ở công viên Tao Đàn. Ròng rã nhiều đêm, bà đọc tên, ông gõ chữ; ông in, bà lồng vào miếng nhựa. Ông bà đã cùng nhau dự họp mặt nhóm Thích Trồng Cây ở nhiều địa phương. Đặc biệt, ngày 21/10/2018, thành viên Thích Trồng Cây tại Đà Nẵng tổ chức họp mặt lần đầu, vợ chồng ông Dũng đã từ TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) mang theo hạt giống, cây giống của người Sài Gòn, Đồng Nai ra tận Đà Nẵng dự, phát cho anh chị em. Ông bà đều ngoài 60 tuổi này vừa chạy xe máy đèo nhau làm một vòng xuống thăm nhóm thành viên Thích Trồng Cây tại Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng. Ông bà cũng đã đi xe đò thăm các nhóm thành viên ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và dự mọi cuộc họp nhóm ở Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn. Già mà dính nhau như sam.
Còn em Tí Sún - 3 tuổi, con của thành viên Niên An - nổi tiếng vì thường xuyên theo mẹ đến các hoạt động của nhóm, với hàm răng sún và cặp kính cận ngộ nghĩnh. Tí Sún bị nhiều thành viên dọa bắt làm con rể, cháu rể tương lai.
Nhưng có lẽ, nổi tiếng nhất là cặp đôi 9X Huỳnh Tấn Phát - Hồ Thùy Trâm. Phát quê ở Trà Vinh, học trung cấp điện và làm việc ở Sài Gòn; Trâm quê ở Bình Phước. Chưa từng gặp nhau ngoài đời, nhưng qua những lần bình luận chia sẻ kinh nghiệm cho nhau trên nhóm Thích Trồng Cây, họ cảm mến nhau. Chàng thường xuyên từ Sài Gòn chạy xe máy lên Bình Phước thăm nàng, mang theo hạt giống, cây giống xin hoặc mua được tặng nàng, còn nàng cũng tặng chàng những thứ quà vặt ở quê. Ngày 16/12 vừa qua, họ lên xe bông, thành vợ thành chồng. Khi nàng đăng lời cảm ơn lên nhóm, đã được “thả tim” và chúc phúc tới tấp. Mọi người đùa rằng, đây mới đích thực tặng giống để tạo thành mầm non Thích Trồng Cây thế hệ F1.
Có rất nhiều người quen nhau qua nhóm Thích Trồng Cây, ới nhau tụ họp ở vườn nhau, vườn có khi chỉ là một khoảnh nhỏ trên sân thượng. Nhiều người gặp nhau qua nhóm rồi thân nhau, chuyện gì cũng chát chít chia sẻ, có trái mít mới hái được cũng rủ nhau đến nhà ăn chung, biết cái hội chợ nông nghiệp ở đâu là hú nhau cùng đến đó rinh cây về trồng. Rất nhiều nhóm bạn thân ngoài đời được xác lập khi cùng nhau chơi trong nhóm Thích Trồng Cây trên mạng ảo Facebook, như nhóm bạn Hiền (Q.12), Nhi (Q.11), Trang (H.Nhà Bè) và Hảo (H.Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Hiền có một vườn chuyên trồng hồng, Nhi mê sen đá, Trang chuyên trồng rau các loại, Hảo thì thích trồng sen, súng, hồng ri, bóng nước… trao qua đổi lại rồi thân nhau. Mỗi người làm một nghề, có người là giám đốc công ty to, có người là cô giáo, có người bán hàng qua mạng, thế mà vui buồn đều trút, chuyện gì cũng hú nhau. “Tại vì tụi em hiểu nhau, thật lòng với nhau như cây như cỏ vậy đó” - Trần Thu Hiền lý giải.
Kể đến đây, tôi lại nhớ đến câu thơ của Bùi thi sĩ: Tóc xanh dù có phai màu/ Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng…