Nhà nổi MARU Ichi sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như gỗ tràm, dừa nước, lợp lá dừa...
Nhà nổi MARU Ichi sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như gỗ tràm, dừa nước, lợp lá dừa...
Nguy hiểm là vậy, nhưng trẻ cũng không còn biết chạy chơi ở đâu. Cuộc sống cứ thế trôi đi trên những con thuyền không chịu được mưa bão. Mùa mưa, thanh niên, người lớn lại bỏ nhà lên Sài Gòn mưu sinh. Người dân mắc các bệnh do nguồn nước rất nhiều. Mà ngay cả con sông cũng bị đày đọa bởi rác và chất thải sinh hoạt của hàng trăm hộ dân mỗi ấp. Lúc đó, tôi biết mình đã chọn đúng nơi để bắt đầu.
* Miền Tây Nam bộ đã thôi thúc anh chị bắt tay vào dự án, vậy “yếu tố Tây Nam bộ” có tác động đến thiết kế hay đặc điểm kỹ thuật của mô hình nhà nổi MARU Ichi không?
- MARU Ichi lại là tên một thiết kế, một mô hình cộng đồng nhà ở bền vững và thân thiện môi trường cho người dân có thu nhập thấp đang được ứng dụng ở miền Tây Nam bộ. MARU Ichi không chỉ chịu ảnh hưởng, mà còn là một thiết kế về nhà ở hướng tới văn hóa, tập quán của người dân Tây Nam bộ.
Đầu tiên, nó phải là nhà giữa nước, phù hợp với văn hóa sống trên nước của người vùng này. Mỗi căn nhà được thiết kế với ba khu vực tách biệt, gồm phòng ngủ, nhà bếp và nhà vệ sinh. Gian giữa có diện tích lớn dành cho sinh kế. Đặc biệt, chúng tôi gọi Maru Ichi là “làng nổi cộng sinh”, vì sáu căn nhà độc lập có thể ghép lại với nhau thành một vòng tròn khép kín. Nhà nối nhà, hành lang nối với hành lang. Người dân có thể đi trong làng trên những hành lang đó như đi trên đất liền. Khi đó, tập quán sống quây quần của người dân vẫn được duy trì.
Tô Diệu Liên bên mô hình MARU Ichi tại trụ sở Ngân hàng Thế giới
NGƯỜI DÂN LÀ CỐT LÕI CỦA DỰ ÁN
* Vậy, yếu tố thân thiện với môi trường được thể hiện ở đâu trong một thiết kế nhà ở như vậy, thưa chị?
- Ở MARU Ichi, chúng tôi hết mực tôn trọng tập quán sinh sống của người dân vùng sông nước, nhưng mặt khác, chúng tôi buộc phải “can thiệp” một chút vào thói quen sinh hoạt của họ. Trong mỗi căn nhà nổi MARU Ichi đều có một hệ thống lọc nước sông thành nguồn nước đạt chuẩn nước sinh hoạt, đồng thời, hệ thống lọc nước thải sẽ kiểm soát nguồn nước trước khi thải ra sông. Mỗi nhà đều có hệ thống điện năng lượng mặt trời và quy định nơi tập trung rác thải để người dân không vứt rác thẳng xuống sông. Vật liệu làm nhà cũng là những loại có sẵn tại địa phương như gỗ tràm, dừa nước, mái nhà có thể lợp bằng các loại lá sẵn có tùy theo việc cân đối giữa độ bền và chi phí.
* Việc cải thiện cuộc sống của người dân vùng sông nước không phải là một “mơ mộng” quá mới mẻ. Ở Việt Nam, cụ thể là ở miền Tây Nam bộ, từng có nhiều dự án hỗ trợ người dân do địa phương triển khai, có dự án do các tổ chức quốc tế hỗ trợ, nhưng đều không mấy hiệu quả. Vậy, đâu là điều khiến chị có niềm tin rằng MARU Ichi sẽ thoát khỏi số phận của những dự án đó?
- Tôi từng biết nhiều dự án hỗ trợ người dân sống trên những nhà thuyền ở miền Tây. Có dự án rất lợi thế về tài chính, cấp đất, xây nhà cho người dân để họ không phải sống tạm bợ trong điều kiện kém vệ sinh nữa. Nhưng, sự thay đổi đó khiến người dân bị bứt khỏi cuộc sống của họ. Vốn vừa sống, vừa buôn bán, kiếm sống trên nước, khi phải ở xa mặt nước, họ không biết phải làm gì để sống. Họ không thích lên bờ. Vậy nên, sự cải thiện mà MARU Ichi mang đến không vượt ra khỏi thực tế là người vốn quen sống ở đâu thì cần được tiếp tục ở đó. Sự thay đổi không được phép bứt họ ra khỏi cộng đồng của họ. Hơn nữa, trong dự án, chúng tôi có một hoạt động quan trọng là đào tạo cho người dân kiếm sống tại nhà. Khi chúng tôi trình bày chi tiết dự án với người dân miền Tây, họ rất mừng và mong đợi.
Khi nhà cửa được làm tươm tất với những vật liệu rất dân dã, “rất miền Tây” và người dân biết giữ môi trường sống trong lành, MARU Ichi có xu hướng phát triển từng cộng đồng này thành một điểm du lịch.
* Căn nhà lúc này đã bao gồm cả nơi kiếm sống, đây có lẽ là một sự cải tiến quan trọng nhất, khiến mô hình MARU Ichi trở nên hấp dẫn với người dân địa phương. Hiện tại, MARU đã có phương án đào tạo cho người dân kiếm sống tại nhà chưa, thưa chị?
- Thực ra, việc kiếm sống ngay tại nhà vốn là văn hóa của người dân vùng sông nước. Ở MARU Ichi, nó chỉ được phát triển bài bản hơn, có tầm nhìn hơn. Lâu nay, người dân vẫn bán rau quả, tạp hóa, mở quán cà phê, cửa hàng vật liệu xây dựng tại nhà nổi. Với MARU Ichi, chúng tôi có xu hướng phát triển làng nổi thành một điểm du lịch. Cuộc sống trên sông vốn đã hấp dẫn khách du lịch rồi, nên khi nhà cửa được làm lại tươm tất với những vật liệu rất dân dã, “rất miền Tây” và người dân biết giữ môi trường sống trong lành thì làng nổi hoàn toàn có lợi thế về du lịch. Ngoài ra, MARU đang làm việc với các tổ chức phi chính phủ có kinh nghiệm tổ chức đào tạo nghề cho người dân để cùng nhau nghiên cứu những tiềm năng còn khai thác được ở từng địa phương. Khi đã phát triển được một cộng đồng theo hướng đó, ta hoàn toàn có thể mơ mộng về một làng nổi Nam bộ vừa có những dấu ấn địa phương, vừa có đầy đủ các tiện ích văn minh như nhà trẻ, thư viện... Mỗi nhà có một chức năng trong cộng đồng, và họ mưu sinh từ việc đóng góp giá trị cho cộng đồng đó.
Những ngôi nhà nổi làm trên đế thuyền bao đời ở miền Tây
* Có một thực tế là ở các dự án kiểu này, người dân được đặt vào vị trí bên thụ hưởng. Họ bị động với các kế hoạch và ngơ ngác tiếp nhận dự án, họ có thể được trang bị kiến thức, nhưng lại không đủ vốn sống và ý chí để vận hành một cuộc sống mới trong ngôi nhà mới. Dự án cuối cùng lại không đi đến đâu...
- Tôi rất quan tâm về vấn đề này. Khi nghiên cứu về chính sách công và tham gia thực hiện nhiều dự án xã hội, tôi nhận ra, sức mạnh của dự án nằm chủ yếu ở tinh thần của đối tượng được hỗ trợ. Vậy nên, MARU không hỗ trợ miễn phí nhà ở cho người dân. Việc của chúng tôi là cung cấp tất cả thông tin về dự án để người dân nhận thức và quyết định. Chi phí cho một căn nhà theo mô hình MARU Ichi khoảng 200 triệu đồng. Khi quyết định tham gia dự án, họ cần nỗ lực để góp một phần chi phí xây dựng căn nhà trong khả năng của mỗi gia đình. Nếu hoàn toàn không thể góp một chút chi phí nào do gia cảnh quá khó khăn thì công lao động cũng sẽ được chuyển thành một phần chi phí xây dựng căn nhà của họ. Họ được tham gia vào việc chọn vật liệu dựa trên những đề xuất của kiến trúc sư. Trong quá trình đó, họ nhận thức được rằng, đây là quyết định của chính họ. Và họ là người gánh vác những cơ hội trong tương lai dựa trên sự hỗ trợ của chúng tôi.
* Đến lúc này, MARU Ichi vẫn chưa có một mô hình thí điểm nào. Vậy, đã có điều gì đảm bảo cho tính khả thi và độ bền của thiết kế MARU Ichi khi nó hoàn thiện trên mặt nước chưa?
- Việc dự thi vốn không nằm trong dự định, chúng tôi quan tâm đến hiệu quả và tiến độ hiện thực hóa dự án hơn. Nhưng, trước khi được triển khai trên thực tế thì không gì kiểm tra tính ứng dụng của dự án tốt hơn một hội đồng chấm giải gồm các chuyên gia hàng đầu thế giới về kiến trúc. Trong quá trình dự thi, chúng tôi được trao đổi trực tiếp và nhận được những đánh giá quan trọng của các kiến trúc sư này. Trong cuộc thi Resilient Homes Design Challenge 2018 do World Bank, Build Academy, UN Habitat, UN GFDRR, AirBnB đồng tổ chức, nhiều kiến trúc sư nổi tiếng thế giới đã trực tiếp để lại những nhận xét tích cực cho MARU. Tính ứng dụng của một dự án kiến trúc có thể mơ hồ với người bình thường, nhưng trong giới chuyên môn, điều đó hoàn toàn có thể được xác tín bằng những tiêu chí rất cụ thể.
Suốt thời gian sống ở nước ngoài, Tô Diệu Liên vẫn ám ảnh những trận lụt ở quê nhà.
NỖI LO CỦA NHÂN LOẠI VÀ NỖI ÁM ẢNH CÁ NHÂN
* MARU Ichi có thể là một giải pháp nhà ở hoàn hảo cho người dân vùng Tây Nam bộ. Nhưng còn ở phạm vi rộng hơn, đâu là điều khiến dự án này được đánh giá cao như một giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thưa chị?
- Nói rộng ra, đây là một giải pháp nhà ở trên mặt nước. Lúc này, bạn sẽ thấy nó liên quan đến việc biến đổi khí hậu, vì khi biến đổi khí hậu làm mực nước biển ngày càng dâng cao, sống với nước sẽ là một xu hướng trong tương lai. Không riêng miền Tây Nam bộ của Việt Nam, trên toàn thế giới, trong vòng 50 năm nữa, sẽ có nhiều vùng đất bị biến thành nước. Nhà nổi lúc này không còn dành riêng cho người dân vùng lũ lụt nữa. Lúc này, một thiết kế nhà ở trên nước phù hợp với văn hóa sống của địa phương, thân thiện với môi trường và đảm bảo sinh kế cộng đồng sẽ là một nền tảng căn bản cho sự sống của con người trước biến đổi khí hậu.
Tô Diệu Liên là thạc sĩ phân tích chính sách công tại Đại học Massachusetts (Mỹ). Chị phụ trách công tác thiện nguyện của Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ. MARU Ichi là tên gọi của một dự án vì cộng đồng của Công ty MARU do chị Diệu Liên đồng sáng lập. Dự án phát triển dựa trên thiết kế cùng tên về một mô hình làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. MARU Ichi từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá thế giới về kiến trúc:
Một trong 12 đội thắng cuộc chia đều cho ba loại thiên tai (mỗi loại có bốn đội thắng) trong cuộc thi Resilient Homes Design Challenge 2018, do World Bank, Build Academy, UN Habitat, UN GFDRR, AirBnB đồng tổ chức. Tại cuộc thi này, MARU Ichi được chọn để triển lãm tại trụ sở World Bank ở Washington, D.C. và triển lãm ở hội thảo của UN Habitat.
Giải nhì cuộc thi SPEC Go Green 2018 dành cho kiến trúc xanh và bền vững toàn châu Á, năm 2018 được mở rộng ra toàn thế giới.
Top 5 cuộc thi Viet Challenge (ý tưởng kinh doanh của người Việt trên toàn cầu).
Tối 24/6, MARU Ichi được trao giải Đặc biệt Tiên phong trong cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức.
|
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao Giải Đặc Biệt Tiên phong cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai nền kinh tế xanh” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức
* “Ứng phó với biến đổi khí hậu” dĩ nhiên là mối quan tâm lớn của những trí thức có trách nhiệm. Nhưng việc quay về Việt Nam theo đuổi nó, chọn thay đổi cuộc sống để bắt đầu sống với nó thì lại không liên quan lắm với anh chị - một thạc sĩ ngành phân tích chính sách công, và một kiến trúc sư đều đang sống ở nước ngoài.
- Biến đổi khí hậu là một nỗi lo của nhân loại, và nó từng xuất hiện trong nỗi ám ảnh của chúng tôi. Tuấn và tôi là bạn học với nhau từ thời còn ở Huế. Chúng tôi từng chứng kiến những trận lụt tàn phá quê hương. Tôi may mắn ở một dải đất cao của TP.Huế nên hầu như chưa bao giờ bị nước lụt vào nhà. Nhưng mỗi năm, tôi đều phải xuống Trường Quốc học Huế dọn bàn ghế trước và sau lụt. Sau mỗi trận lụt, cứ đi từ nhà ra vài trăm mét, tôi lại thấy cảnh tan hoang do nhà cửa bị cuốn trôi, những căn nhà còn trụ được thì cũng bị cuốn sạch đồ đạc, có gia đình còn mất người thân. Năm nào cũng thế. Năm 1999, phường của tôi là một trong hai phường hiếm hoi của thành phố không bị lụt. Các gia đình tập trung nấu cơm, vắt làm cơm nắm để đội cứu hộ chèo thuyền mang đến những người đang đói khát ngồi trên mái nhà. Năm đó, đỉnh lũ cao 4,2m. Sau lụt, làng ven biển Hòa Duân bị biến mất trên bản đồ. Ngôi làng đó giờ thành một cửa biển.
Những hình ảnh tái diễn mỗi năm như thế cứ ám ảnh chúng tôi. Vậy nên, sau khi học xong đại học ở Việt Nam, ra nước ngoài học về quản lý công và chính sách công, tôi tập trung việc học để nghiên cứu về lũ lụt. Ngành học của tôi nghiên cứu về thiên tai và các giải pháp ngoài kỹ thuật, tức là nghiên cứu các phương pháp giúp người dân tổ chức được cuộc sống trong thiên tai. Trong khi đó, ngành học và hướng đi của Tuấn lại tạo điều kiện để bạn ấy giải quyết được vấn đề kỹ thuật. Lúc nghe Tuấn nói về thiết kế này, tôi đã kiên quyết rằng, mình phải hiện thực hóa nó. Rõ ràng, cuộc sống có rất nhiều vấn đề để giải quyết, chúng ta không thể một mình thay đổi thế giới, nhưng nhất định ta có thể bắt tay với một vấn đề, giải quyết được một vấn đề nào đó chứ, đúng không?
* Xin cảm ơn chị.
Minh Trâm
Kỹ thuật: Ngô Tới
Mùa lũ sắp về trên miền Tây Nam bộ. Năm 2018, có những đêm thức giấc, người ta lại thảng thốt với dòng tin “Năm căn nhà ở miền Tây đổ ụp xuống sông trong chớp mắt”, “Hà bá nuốt chửng một dãy nhà ở Cần Thơ”. Mới đây, sáng 10/6, khi mùa lũ vẫn chỉ nằm trong dự báo, sông nước đã báo động một mùa lũ dữ khi “tám căn nhà trôi xuống sông ở miền Tây”. Vùng sông nước vốn đã chất chồng những thế hệ lấy thuyền làm nhà. Giờ, đất đã bị cuốn xuống sông. Những hộ dân từng có đất cũng phải “xuống thuyền”. Cũng trong tháng Sáu, khi năm 2019 được kéo vào mùa lũ sớm, thạc sĩ Tô Diệu Liên - đồng sáng lập MARU, với dự án MARU Ichi - làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vừa được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải Đặc biệt Tiên phong cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai nền kinh tế xanh” ngày 24/6 đã có buổi trò chuyện với Báo Phụ Nữ TP.HCM.
TỪ MỸ, NHẬT, TRĂN TRỞ VỀ MIỀN TÂY
Phóng viên: Thưa chị, tại sao lại là miền Tây Nam bộ trong khi cả chị và kiến trúc sư đồng sáng lập MARU Ichi đều lớn lên ở miền Trung rồi tiếp tục sang nước ngoài học tập, sinh sống?
Thạc sĩ Tô Diệu Liên: Từ lúc còn học ở Việt Nam, tôi đã được biết về tình trạng lũ lụt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sang Mỹ, khi nghiên cứu sâu hơn về các chính sách liên quan đến thiên tai, tôi cũng hình dung được những hệ lụy mà người dân vùng đất này sẽ gánh chịu với diễn biến khí hậu trong vài chục năm tới. Thêm nữa, MARU Ichi vốn là đồ án tốt nghiệp cao học ngành kiến trúc - xây dựng của Hồ Văn Anh Tuấn tại Nhật Bản. Tuấn là đồng sáng lập của MARU Ichi. Vùng đất mà Tuấn chọn khảo sát để thực hiện đồ án này chính là vùng sông nước của tỉnh An Giang.
Từ lúc nghe Tuấn kể về đồ án tốt nghiệp cho tới khi quyết tâm cùng hiện thực hóa nó, chúng tôi đều nghĩ sẽ chọn miền Tây làm nơi bắt đầu. Đến khi về miền Tây khảo sát cho dự án, tôi tận mắt chứng kiến hàng trăm hộ dân sinh sống trên thuyền. Nhà nghèo thì làm nhà trên đế của một con thuyền; nhà có điều kiện hơn thì ghép hai ba con thuyền lại làm sàn, căn nhà có diện tích lớn hơn. Nhưng tất cả đều tạm bợ. Nguồn nước dùng trong nhà lấy trực tiếp từ sông Cửu Long, rồi lại thải trực tiếp xuống sông. Ở chỗ nấu nướng, nồi niêu rách rưới, bám cặn phù sa do được chùi rửa bằng nước sông. Những đứa trẻ ngồi chơi giữa bốn bề sông nước, trên những cái sàn nhà lỗ chỗ, mục nát, có thể lọt chân xuống sông bất kỳ lúc nào.
Nhà nổi MARU Ichi sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như gỗ tràm, dừa nước, lợp lá dừa...