Cầm lòng không đặng, anh vượt hành trình 80km ngày 2 lượt sáng chiều đưa đón con trong tuần đầu tựu trường. Một chiều, chị Loan tranh thủ cùng về đón con. Tưởng Bắc sẽ sà vào lòng mẹ, nào ngờ Bắc lơ, không nhìn. Dỗ ngọt mãi đến khi con quấn quýt mẹ lại thì cũng đến lúc chị phải quay về trạm. 2 con Xuân Bình, Xuân Bắc nhờ ngoại chăm sóc, đưa đón đi học.
Ia Mơ là xã biên giới, giáp nước bạn Campuchia, đường sá đi lại khó khăn. Nơi đây hội tụ nhiều dân tộc cùng sinh sống: Gia Rai, Kinh, Mường, Thái, Tày, Dao… Là người gốc Huế, lớn lên tại Chư Sê, mảnh đất Ia Mơ đối với chị Thư Loan hoàn toàn xa lạ. Dù vậy, chị vẫn vững lòng bám trụ vì có chồng đóng quân ở gần đấy. Thời điểm 2003 ấy, anh Chất đóng quân tại đồn biên phòng Ia Púch (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai), cách Trạm Y tế Ia Mơ gần 30 cây số.
Từ nhỏ đã quen làm nông nên chị Loan không ngại khó. Anh Chất cũng tin tưởng người con gái anh yêu sẽ vượt qua mọi thử thách của vùng đất mới. Người nữ hộ sinh không chỉ hỗ trợ trong từng ca sinh mà còn góp phần thay đổi quan niệm lạc hậu của bà con, nhất là vận động ra trạm y tế để sinh, chích ngừa định kỳ, kế hoạch hóa gia đình.
Đưa tôi tham quan một vòng Ia Mơ thơ mộng với hồ thủy lợi biếc xanh, chị Thư Loan mơ màng hồi tưởng những ngày đầu đặt chân đến đây. Với những đồ đạc thiết yếu… ba, chồng chở xe máy đưa chị vào trạm. Đến đầu làng, bé Bình mới 5 tháng tuổi khát sữa khóc ré. Tấp vào gốc cây cầy (kơ-nia), chị phủi đất rồi ngồi xuống cho con bú. Ba chị vội quay đi, cố giấu dòng nước mắt.
7 tháng đầu, chị Loan sụt mất 7kg vì khí hậu Ia Mơ khắc nghiệt và chị cũng chưa kịp thích nghi với công việc mới. Thấy con gầy guộc, mẹ chị lo âu, gặng hỏi: “Con ốm là do làm quá sức hay có vấn đề gì về công việc không?”.
Càng bám rễ lâu nơi này, chị càng thấm thía sự cơ cực, thiếu thốn của xã biên giới. Nhưng sự thấm thía ấy không làm chị nản chí mà khiến chị càng thương bà con nhiều hơn, càng cố gắng góp sức mình để cải thiện cuộc sống dân làng. Có khi núm bình sữa bị chuột tha mất, con không chịu uống bằng muỗng, khóc suốt đêm, chị phải ôm ấp vỗ về, ru ngủ. Mấy ngày sau, chị mới gửi người mua được bình sữa vì chợ huyện cách đến 50km.
Bà con Ia Mơ có tập quán tự sinh tại nhà. Khi mãi không sinh được, đau đớn, kiệt sức, người nhà mới chạy đến trạm nhờ đỡ. Nửa đêm, trời mịt mù, lạnh giá, với túi dụng cụ đỡ đẻ sạch trên vai, chị Loan gửi lại con nhờ người giữ rồi tức tốc xuống tận nhà sản phụ. Xong việc, về đến trạm, chị thấy con đã ngủ say, tay vẫn ôm chặt áo mẹ để chìm vào giấc ngủ bình yên trong mùi hương thân quen.
Biết bao gian khó chị lặng lẽ vượt qua, ít khi than thở với chồng trong những lần đến thăm anh ở đơn vị. Từng là quân y sĩ, mãi đến năm 2009, theo nguyện vọng, anh Chất được chuyển ngành về công tác cùng vợ tại Trạm Y tế Ia Mơ.
Từ đấy anh chị đồng hành trong công việc, cùng nhiệt tâm, quên mình vì sức khỏe của bà con. Chiếc xe hơi vợ chồng anh chị mua trả góp là minh chứng cho sự quên mình đó. Xe không chỉ là phương tiện để hằng tuần anh chị về thăm con mà còn chở sản phụ. Gặp ca sinh khó, vợ chồng trạm trưởng lại phải tức tốc vượt 80km để đưa sản phụ lên bệnh viện tuyến huyện, tỉnh. Mỗi chuyến xe là kỷ niệm hằn sâu tâm trí hai vợ chồng.
Trong xã có nhiều nhà xe chạy dịch vụ nhưng họ thường từ chối chở bệnh nhân, sản phụ vì ngại xui xẻo, máu me và đêm muộn. “Vợ chồng tôi thì nghĩ khác. Không thể thấy nguy mà không giúp, đó cũng là trách nhiệm của mình, đã chọn thì phải làm cho tròn. Và chúng tôi tin rằng, làm việc thiện giúp người thì sao có thể rước lấy xui xẻo được. Vợ chồng tôi hạnh phúc với sự hồi sinh sau khi mình hết lòng cứu chữa. Nhất là lần có em bé bị ngộp trong bụng, lọt lòng ra tím tái như hoa chuối, không khóc được; tôi liền kề miệng hút đờm dãi, vỗ vỗ mông, em bé dần hồng hào, cử động được và lúc ấy mới chịu cất tiếng khóc chào đời” - chị Thư Loan nở nụ cười ấm áp, chia sẻ.
Chị Thư Loan đã 2 lần được nhận bằng khen của Bộ Y tế, đó cũng là niềm tự hào của cả gia đình, của bà con nơi đây. Xuân Bình hiện là một anh bộ đội biên phòng chững chạc, sao y hình ảnh của cha ngày xưa và hiện thực hóa bài văn Bình từng tả cha oai phong, mạnh mẽ trong màu xanh áo lính. Xuân Bắc hứa hẹn nối gót cha mẹ khi theo học ngành y dược.
Dẫu thời thơ ấu thường xuyên ở với ngoại nhưng với Xuân Bình, Xuân Bắc, cha mẹ vẫn là điểm tựa vững chắc, yêu thương và gần gũi. Gia đình 4 người luôn có thể nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời, từ thời sự quốc tế đến hướng nghiệp hay chọn nàng dâu tương lai. Với Bình, chui vào giường ngủ chung với ba mẹ, như để hoài niệm một chút tuổi thơ vẫn là nhất.
Trong men rượu ngà ngà, trong tiệc tiễn năm cũ, đón năm mới của Trạm Y tế Ia Mơ, anh Chất nhìn vợ, âu yếm nói: “Tưởng mình không đến được với nhau”. Anh Chất tươi cười đố mọi người vì sao hồi xưa chị “kết” anh. Rồi không đợi ai trả lời, anh tếu táo đáp luôn: “Do Loan thấy anh chân dài, đánh bóng chuyền giỏi nên mê”.
Lúc anh Chất đóng quân ở TP Pleiku (Gia Lai), một đồng đội có bạn là sinh viên ngành y rủ anh theo cùng. Dù từ chối “Mình trước đây làm ngành y rồi, giờ tìm bạn gái làm ngành y chi nữa?” nhưng anh cũng đi theo.
Một lần, dạo chơi Giáng sinh, cặp tình nhân kia bỗng mất hút trong đám đông, để lại anh Chất và cô sinh viên ngành y Thư Loan. Lỡ bộ, anh mời cô đi uống nước. Rất may, cô không gọi cà phê sữa mà chỉ dùng trà đá nên anh đủ tiền trả, không phải gọi đồng đội “ứng cứu”.
Hai người bắt đầu phải lòng và dệt mộng cho đến một ngày chị lo lắng vì nhận được thư nặc danh của một người nữ với nội dung: “Em Loan cũng như chị, chúng ta đều là nạn nhân đau khổ, bị bỏ rơi vì anh Chất đã về Phú Thọ lấy vợ”. Giấc mộng tình yêu tan vỡ cộng với việc gia đình chị phản đối mối quan hệ này vì anh ở tận Phú Thọ, biết nhà cửa thế nào, biết có vợ con chưa, biết có yêu mình thật lòng không.
Anh cứ âm thầm chứng minh tình cảm bằng sự quan tâm, chăm sóc, nhất là những khi chị bệnh. Anh hiếu kính, thăm viếng cha mẹ chị dù không phải lúc nào cũng được ân cần chào đón. Ngày người anh của anh Chất đại diện gia đình bước tới, họ hàng nhà gái còn xì xầm nghi án thuê người vì “anh em ruột sao nét mặt trông khác quắc” (thật ra anh giống mẹ, em giống cha).
Giờ đây, sau hơn 20 năm gắn bó mặn nồng trên quê hương Tây Nguyên, người trạm trưởng không chỉ là bờ vai vững chắc, dịu êm của 3 mẹ con mà còn là chàng rể quý, người con thân thương của đại gia đình.
Bài: Tô Diệu Hiền, Hoài Nhân
Thiết kế: Hoàng Triết