Cách đây không lâu, giới nhà đất lẫn người dân thành phố được một phen sửng sốt về căn biệt thự cổ trị giá 35 triệu đô la ở địa chỉ 110-112 đường Võ Văn Tần. Nếu để ý, đó có lẽ là lần đầu tiên, một tin tức về di sản lại có “mùi” của… showbiz đến vậy. Tất tật thông tin về căn nhà, từ việc trị giá ra sao, vị trí tọa lạc ba mặt tiền như thế nào, đến việc ai là chủ nhân bí ẩn… lần lượt được mổ xẻ rất ồn ào trên hầu hết các mặt báo. Cánh nhà báo kéo nhau đến chụp ảnh, bay flycam, giật tittle “giải mã”, “cận cảnh”… nghe rất giật gân, vui tai.
Thế nhưng, trong bầu không khí tin tức nhộn nhạo rất showbiz đó, có một nhà văn già lại nôn nao thèm “bánh ướt Tân Văn”, mộng những tà áo dài phấp phới thuở nào, nay đã đi vào huyền thoại của đô thị này. Nếu không nghe nhà văn Lê Văn Nghĩa kể, đám trẻ sống ở Sài Gòn hôm nay như tôi, làm sao mà biết bánh ướt Tân Văn là chi. Ai mà biết tên gọi món ăn, nói một hồi, lại ra chuyện Tư thục Tân Văn - tên một trường trung học tư thục trước năm 1975, nổi tiếng với các xe bánh ướt bán trước cổng trường đến khi lên đèn. Sau này, ngôi trường nằm trong Biệt thự Phương Nam, rồi đổi tên thành “The Villa” như ngày nay, hiện đang được trùng tu, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020 - đầu năm 2021.
Dấu vết thời gian của căn biệt thự nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1.
Trong kí ức của nhà văn Sài Gòn “thứ thiệt” này, thời đó, “không có ngôi trường nào bự bằng trường nầy”. Trên mái đầu ngả bạc, vẫn còn vọng lên trong tâm trí âm thanh bước chân của lũ “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, vang ầm ĩ trên cầu thang gỗ khi băng qua một gian sảnh rộng để đến được phòng học ở lầu 2.
Ông nhớ như in, mỗi khi ra chơi, mình cùng thằng bạn đứng trên “bao lơn” nhìn xuống. Những mái tóc đen dài phủ lõa xõa, những tà áo dài trắng phấp phới chung quanh khoảng sân trường cũng khiến cho “hai thằng dễ bề mộng mị”. Những bài toán – lý - hóa từ ngôi trường Tân Văn này chưa thấm vào đầu thì cái bao tử đã no vì món bánh ướt Tân Văn, mắt “đã mờ” vì ngắm “ghệ” (nữ sinh - PV) Tân Văn - cũng là một “danh sản” khiến cho những chàng trai quyết chí ghi danh vào trường này.
Trường Võ Trường Toản nhìn từ trên cao |
Có lẽ, thời gian đang “tuôn đổ” ngay trước mắt, lúc tôi đứng tần ngần trước tòa biệt thự 110-112 Võ Văn Tần - nay đã được quây kín lại để trùng tu. Có phải vì câu chuyện nhỏ của nhà văn Lê Văn Nghĩa mà Sài Gòn trở nên rộng dài hơn không? Hay tại, đến giờ, tôi mới giật mình nhận ra, khối di sản đô thị mà Sài Gòn ẩn giấu trong mình đồ sộ cỡ nào. Không chỉ là giá trị kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, không chỉ một hay nhiều căn biệt thự cổ có giá trị đô la khiến bao kẻ tò mò, hay những số liệu, dấu mốc hữu hình có thể nhìn thấy và gọi tên ra ngay được; mà có lẽ, còn là những câu chuyện rất cá nhân, rất riêng tư của đời người.
Có bản đồ nào có chỗ cho những niềm thương mến bé mọn, là Sài Gòn, thuộc về Sài Gòn như vậy?
Những căn nhà cổ thấp thoáng trong lòng phố.
Khác với con người sống trong xã hội cổ truyền, theo nhịp đi muôn thuở của mùa màng, thời tiết, con người thị dân “chạy đua” với nhịp thở của chính mình; vì thế, cảm thức thời gian trong họ cũng rõ ràng, mau lẹ hơn bất cứ ai. Liệu một ngày, nếu những căn cước văn hóa - là những căn nhà, là những công trình gắn với quá trình phát triển của đô thị, cùng với đó là những câu chuyện của những con người sống trong đô thị đó - bị tước đoạt khỏi định mệnh dư địa chí Sài Gòn – TP.HCM, con người thị dân có chống chếnh, hoang mang, ngờ vực chính mình?
Trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 1.200 công trình biệt thự và khoảng 400 công trình ngoài biệt thự có giá trị; tập trung ở các quận: Quận 1, Quận 3, Quận 5, Quận 10, Quận Bình Thạnh, Quận Thủ Đức. Trong đó quỹ biệt thự tập trung nhiều nhất ở khu Quận 1 và Quận 3 – cũng là lõi của khu trung tâm lịch sử, đến nay, vẫn chưa được đưa vào quy hoạch.
Con đường Phùng Khắc Khoan, quận 1, vốn là khu ngoại giao đoàn, tập trung khá nhiều căn biệt thự cổ.
Cách đây vài ngày, thông tin về việc loại bỏ hơn 100 căn biệt thự ở Quận 1 ra khỏi danh sách bảo tồn được đăng tải trên báo chí. Dù sau đó đã được Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đính chính, UBND Quận 1 cũng đã thừa nhận sai sót trong quá trình phân loại, song, không ít người vẫn chưa hết bàng hoàng. Bởi, đã có không ít câu chuyện xảy ra trước đó, nhiều công trình mất khỏi bản đồ lịch sử Sài Gòn hôm nay, nhắc nhở rằng, chúng ta đã từng đánh đổi, đã từng mất mát.
Cầm danh sách 16 biệt thự cũ thuộc nhóm I (các biệt thự cũ có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ) được đề xuất bảo tồn nguyên trạng, tôi rủ đứa bạn hôm nào rảnh thì đi “ngắm một chút Sài Gòn”. Bạn tôi, dân Hà Nội mới vào, từ chối: “Sài Gòn có chi mà ngắm”. Hồi mới vô, tôi cũng nghĩ y bạn, Sài Gòn có chi mà ngắm, nhưng giờ mới biết, Sài Gòn đi mãi không hết. Men theo cái danh sách kia, nếu ngắm kĩ, ngắm cho bằng hết, hỏi thêm người này người kia để người ta kể chuyện cho mà nghe, có khi phải mất vài tuần cũng chưa xong. Mà chuyện ở Sài Gòn… thì thiếu gì!
Trường Trần Đại Nghĩa nhìn từ trên cao |
Chỉ riêng đoạn đường Phạm Ngọc Thạch (Quận 3) ngắn chưa đầy 2km, cũng đã có thể điểm mặt vài địa chỉ văn hóa đáng nhớ: Số 12 trước đây là nhà của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa, nay là tòa soạn Báo Khăn Quàng Đỏ; đi thêm chút nữa, ở địa chỉ 47C, chính là nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; tòa cao ốc Green Star ở địa chỉ số 70 Phạm Ngọc Thạch, xưa là nơi ở của Giáo sư Trần Văn Giàu…
Hay như đường Võ Văn Tần, có thể lập hẳn một tour di sản kiến trúc riêng. Ngoài biệt thự 110-112 hoành tráng, có thể kể thêm số 28 xưa kia là biệt thự của bác sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu – nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam, sau này bà hiến nhà lập Trường Đại học Y Dược TP.HCM, nay là một phần của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Số 60 chính là Dinh Đô đốc Elmo Zumwalt – Tư lệnh Hải quân Mỹ, dinh tướng Westmoreland – Tổng Chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam, trụ sở Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM, nay ở đó là Công ty Hòa Bình.
Số 60 Võ Văn Tần là Dinh Đô đốc Elmo Zumwalt – Tư lệnh hải quân Mĩ, dinh tướng Westmoreland – Tổng Chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam, trụ sở Hội Phụ nữ từ thiện, nay là trụ sở công ty Hòa Bình.
Hoặc có khi, vô tình khám phá được một “bí mật nhỏ thú vị”. Chẳng hạn chuyện, chẳng cần phải về nhà cổ Huỳnh Lê ở Sa Đéc (Đồng Tháp) mới tìm thấy dấu ấn của tác giả tiểu thuyết Người tình nổi tiếng. Ngay giữa TP.HCM, những người yêu văn chương và điện ảnh cũng có thể đến thăm nơi ở của gia đình nhà văn Pháp Marguerite Duras tại địa chỉ 141 Võ Văn Tần, nay là trụ sở một ngân hàng. Sau khi cuộc tình kết thúc, gia đình bà quay trở lại Pháp, nhưng một năm sau họ trở lại để Marguerite có thể hoàn thành việc học của mình. Biệt thự tại 141 đường Testard khi đó, nay là Võ Văn Tần, là nơi ở của gia đình bà từ năm 1932 cho đến ngày rời khỏi Đông Dương năm 1933…
Hoặc giả dụ, hứng lên, làm một tour trường học cũng vui. Toàn là những công trình kiến trúc có giá trị hơn 100 tuổi. Từ đường Điện Biên Phủ, xuôi qua trường Nguyễn Thị Minh Khai – nữ sinh Gia Long áo tím một thời, rẽ phải đến đoạn giao Nguyễn Du – Lý Tự Trọng – Hai Bà Trưng là trường Trần Đại Nghĩa vừa được xếp hạng di tích cấp thành phố. Đi lên đường Minh Khai, sẽ gặp trường Lê Quý Đôn – cũng là một trong những ngôi trường cổ của Sài Gòn… quẹo phải một chút, đụng trường Marie Curie.
Nền nhà biệt thự số 311 Lê Quý Đôn phảng phất không khí của một thời.
Nhà văn Trương Quý có một cuốn sách tên là Mỗi góc phố một người đang sống. Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu thì nói “đi và tìm trong đất, thấy… người”. Điều gì làm nên cái nhiễu sự sống động, phức tạp, làm nên giá trị bất thành văn cho từng không gian sống? Hơn cả nhà cửa, hàng cây, vỉa hè là gì, nếu không phải ở đó có những con người làm nên “trạng thái sống” của đô thị (chữ dùng của Trương Quý – PV)? “Ngắm” Sài Gòn, thấy những khuôn mặt cũ, thấy những người đã đến, đã đi, và cả những người ở lại, tưởng tượng được cả những người sẽ đến. “Ngắm” Sài Gòn, thấy tàn tro bay lên trời, thấy cả rực rỡ phủ dụ, thấy xưa và thấy cả nay, thấy một Sài Gòn – TP.HCM nối liền trong một vận mệnh.
Đang những ngày cuối năm, nếu tản bộ khu chung cư cũ ở trung tâm, phía sau những tòa cao ốc, cạnh những tòa biệt thự cũ lấp ló sau những cửa hiệu chi chít bảng quảng cáo, có lúc sẽ vô tình bắt gặp những người lớn tuổi đang lúi cúi nhóm lò than tổ ong, đun nồi nước lá dứa thơm thoang thoảng trước cửa nhà. Nếu đang rảnh, mà muốn “ngắm” thêm một vòng Sài Gòn, có thể dong xe về quận 5. Mùa này, ở các hẻm nhỏ, trên những tuyến phố người Hoa với rất nhiều căn nhà kiến trúc cũ, đã bắt đầu phảng phất mùi nhang trầm.
Quy luật phát triển của thành phố không nằm trong sự quy củ, chỉn chu mà nằm trong “vũ điệu ba lê” với những con phố dài, ngắn, cao, thấp khác nhau…
Một kiến sư nổi tiếng từng nói, quy luật phát triển của thành phố không nằm trong sự quy củ, chỉn chu mà nằm trong “vũ điệu ba lê” với những con phố dài, ngắn khác nhau, những tòa nhà cao thấp khác nhau. Chợt nghĩ, nếu một ngày, thành phố này được/bị lấp đầy bằng những căn nhà đồng dạng, cao vút, bọc kính sáng loáng na ná nhau; khi đó, sẽ cảm thấy như thế nào?
Có một bữa, nán lại nhìn lũ chim bay đầy trời, rồi rít ríu tìm thức ăn, đậu lại trên những mái vòm kiểu Pháp rất đặc trưng ở số nhà 216 Võ Thị Sáu. Có chim sẻ, có chim én, có bồ câu, có cả chim chích… Đứa em đi cùng buột miệng, én về mang tin vui. Và không giống nắng hắt vào những tòa cao ốc phủ kính rồi hắt ngược lại gắt gỏng, nơi những tòa nhà cổ, nắng “ăn” vào những mảng tường cũ, nhẹ nhàng và mật lịm, chảy tràn trong một thứ hỗn hợp thời gian cô đặc.
________________
Đậu Dung
Ảnh: Tam Nguyên
Kỹ thuật: Minh Duy