Vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy ở Lào là lời cảnh báo về tình trạng các đập thủy điện trên sông Mekong như ‘bom’ nổ chậm đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế, những ngày này, người miền Tây đang phải cắt lúa 'non' để tránh lũ.
Dù đã chuẩn bị từ trước nhưng lũ về sớm hơn cả tháng nên nông dân ở nhiều nơi thu hoạch lúa không đúng mùa vụ.
Tại các địa phương giáp biên giới Campuchia như Tịnh Biên, Tân Châu, An Phú (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp) nước lũ mấp mé đê bao, nhiều diện tích canh tác ngoài đê bao đã mất trắng.
Dù được khuyến cáo không nên xuống giống ở những vùng đê bao không an toàn, tránh thiệt hại khi lũ về sớm, nhưng trên địa bàn huyện An Phú (thuộc 2 xã Nhơn Hội và Phú Hội), bà con vẫn xuống giống tự phát trên 454ha. Toàn huyện An Phú có khoảng 30ha lúa mất trắng do lũ
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của người nông dân sau khi liên tục vác lúa.
Không chỉ thiệt hại lúa, tại xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự có hàng chục ha hoa màu đang chìm trong nước lũ. Ở những cánh đồng thuộc xã Vĩnh Ngươn (TP. Châu Đốc), Vĩnh Hội Đông, Phú Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang) hoa màu hầu như đều bị ngập trắng xóa.
Lũ về trắng đồng ở xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.
Theo dự báo, mực nước tại Tân Châu (An Giang) đang dâng từ 10 - 15cm mỗi ngày. Cánh đồng thuộc ấp 1, phường Vĩnh Ngươn, TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) đã phủ kín nước 15 ngày. Con nước trắng còn kéo dài đến tận xã Vĩnh Hội Đông của huyện An Phú. Lác đác từng khoảnh liếp dưa leo chưa kịp thu hoạch lấp ló đọt trên mặt nước lấp xấp cọc tre. Từng lá dưa úa vàng xơ xác chờ rụng. Bên kia đê, đám cà tím cũng nổi cuống trái lều phều.
Những ngày này, các huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang đã no con nước và dự báo nước sẽ tiếp tục dâng cao vào những ngày tới. Lũ về trắng đồng ở xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Cùng tình trạng chạy lũ, hai xã An Bình A và An Bình B của thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) hiện còn khoảng 500 ha lúa hè thu trong giai đoạn “cong trái me” hoặc trổ chín chờ thu hoạch. Dự kiến, trong vòng nửa tháng tới, bà con nông dân sẽ thu hoạch dứt điểm ở cánh đồng hai vụ này. Trong khi chính quyền địa phương đang tăng cường tuần tra nắm tình hình, túc trực 24/24 tại các điểm xung yếu thì bà con cũng thấp thỏm từng ngày theo con nước. Ngày 1/8, nhiều người đã bắt đầu xuống đồng cắt lúa sớm.
Nông dân tranh thủ gặt lúa sớm để chuẩn bị đón lũ về.
Sau cơn mưa lớn chiều 1/8 kèm triều cường, đê bao cánh đồng 15 ha còn đang thu hoạch dang dở thuộc khóm Cống Rộc, phường An Lộc, huyện Hồng Ngự, có nguy cơ bị vỡ. Bà con chặt cừ, dân quân xã hay tin nhanh chóng xuống đóng cọc, đào đất. Đoạn đê ngang 2 mét dài chừng 30 mét được gia cố dường như vẫn quá mỏng manh bên con nước.
Người dân dùng xe máy để vận chuyển lúa về nhà.
Dự kiến, những ngày tới, tình hình lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long còn diễn biến rất phức tạp. Nhiều địa phương trong vùng lũ đang tổ chức thu hoạch khẩn trương, gia cố bờ bao để giảm bớt thiệt hại cho người dân trong mùa lũ này.
‘Bom’ thủy điện nổ chậm trên sông Mekong đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long
Vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy ở Lào là hồi chuông cảnh báo về tình trạng các đập thủy điện trên sông Mekong như những ‘quả bom’ nổ chậm đe dọa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nếu có thảm họa xảy ra, chúng ta phải ứng phó thế nào với hàng trăm “quả bom nước” khổng lồ đang treo lơ lửng?
Phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM có cuộc trao đổi với hai chuyên gia: Tiến sĩ Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập tài nguyên nước và môi trường và Tiến sĩ Hồ Long Phi – nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Thảm họa kép của thiên tai và nhân tai
Với số lượng gần hàng trăm con đập (đã xây và dự kiến xây) trên sông Mekong, vụ việc vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy ở Lào và tình trạng ngập lụt bất thường ở miền Bắc phải chăng là một sự cảnh báo nhân tai đang gây ra thiệt hại không thua kém gì thiên tai?
Tiến sĩ Tô Văn Trường: Theo tài liệu nghiên cứu thuộc chương trình KC08 của Bộ Khoa học và công nghệ thì số lượng đập thủy điện đáng kể ở các nước thượng lưu sông Mekong, kể cả trên dòng chính và sông nhánh là 150 đập với tổng dung tích hữu ích 106 tỷ m3, trong đó hạ lưu Mekong chiếm 84 tỷ m3.
Việc vỡ đập ở Xe-Pian Xe-Namnoy của Lào và tình trạng ngập lụt bất thường ở các tỉnh phía Bắc đúng là cảnh báo thảm họa do nhân tai gây ra. Ngay khi mới xảy ra vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy, báo chí đưa tin do nguyên nhân mưa nhiều, nhưng tôi đã phân tích là do nhân tai.
Gần đây, phía Lào thông báo vỡ đập do chất lượng thi công kém, hồ bị nứt, áp lực nước lớn dẫn đến vỡ đập. Nhưng nhìn chung, nguyên nhân do thiên tai gây ra khó lường và khó chống hơn nhân tai. Thế nhưng một khi cả thiên tai và nhân tai xảy ra đồng thời thì đúng là thảm họa.
Tiến sĩ Hồ Long Phi: Đối với mỗi đập thủy điện, các chuyên gia đều có tính toán sức chịu đựng của đập, tuy nhiên đó chỉ là lý thuyết. Theo thời gian và biến đổi khí hậu, khả năng chịu đựng đó ngày càng yếu dần đi, biến cố sẽ càng thường xuyên hơn trong điều kiện thiên tai ngày càng cực đoan. Đây là điều đáng quan ngại trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tăng lên. Chưa kể dung tích hồ chứa bị bồi lắng, khả năng chứa kém dần đi.
Tất cả dẫn đến những tiên liệu xấu trong tương lai và vỡ đập đã xảy ra rồi. Đối với các đập, mùa mưa thì phải tích nước cho đầy để phát điện cho mùa khô năm sau. Như ở Thái Lan vào năm 2011, các hồ chứa đang đầy nhưng gặp trận mưa kỷ lục thì buộc phải xả và hậu quả là Bangkok và nhiều tỉnh khác ngập chìm trong biển nước, hàng trăm người chết, thiệt hại hàng tỷ đô la.
Còn ở ĐBSCL, chúng ta đang đối mặt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nguy cơ từ các đập thủy điện trên sông Mekong. Đó là thảm họa kép của thiên tai và nhân tai.
Trong trường hợp xảy ra tiếp một vụ vỡ đập lớn ở thượng nguồn, nó có tiềm ẩn vỡ đập dây chuyền ở các đập phía dưới hay không? Và nguy cơ thế nào?
Tiến sĩ Tô Văn Trường: Về lý thuyết khi vỡ đập, nhất là đập chính có dung tích lớnthì có khả năng xảy ra hiện tượng domino dây chuyền lên các đập kế tiếp ở gần, độ an toàn thấp. Đây sẽ là thảm họa vì tất cả nguồn nước phía trên tạo thành cơn hồng thủy đổ ập xuống hạ lưu. Khi đó, dòng nước lũ không chỉ phá hoại các cơ sở hạ tầng mà còn đe dọa đến tính mạng con người.
Đối với hệ thống đập trên dòng chính sông Mekong ở địa phận Trung Quốc đáng lo nhất là các hồ có dung tích lớn như Noroozhadu 24,6 tỷ m3, Xiaowan 15 tỷ m3, Jinhong 1,04 tỷ m3, Manwan 920 triệu m3. Dù có vỡ đập theo dây chuyền thì tác hại khủng khiếp chỉ trực tiếp ở hạ du đập, còn dọc đường khi về đến Việt Nam phải trải dài hàng nghìn km, nhất là khả năng điều tiết của Biển Hồ nên không đáng ngại lắm ở các nước hạ lưu.
Vấn đề là khi hoàn tất 11 đập thủy điện ở Lào và Campuchia, đáng sợ nhất là thủy điện Sambo (Campuchia) dung tích khoảng 4 tỷ m3 lại sát gần biên giới nước ta như lưỡi gươm treo trên đầu. Chưa nói đến vỡ đập là thảm họa khôn lường mà việc hình thành nên con đập này cũng tác động rất xấu đến môi trường ở ĐBSCL như thay đổi chế độ dòng chảy, giảm lượng phù sa, tác hại đến thủy sản…
Tiến sĩ Hồ Long Phi: Hãy thử tưởng tượng, một trận bão hay các trận mưa kỷ lục ập vào lưu vực sông Mekong trong thời điểm hàng trăm con đập đang trữ hàng tỷ m3 nước và bắt buộc phải xả thì hậu quả rất khủng khiếp. Đó là thảm họa kép do sự kết hợp giữa nhân tai và thiên tai. Nhưng hiện nay chúng ta không thể can thiệp được và cũng không thể tránh được thảm họa nếu xảy ra cơn đại hồng thủy như thế.
Trường hợp xảy ra một vụ vỡ đập dây chuyền từ sự cố vỡ đập lớn ở thượng nguồn thì đây là điều có thể xảy ra. Đập Xe-Pian Xe-Namnoy chỉ là đập nhỏ, trên một sông nhánh của Mekong thôi mà đã cuốn mất mấy trăm người thì thử hỏi, trong trường hợp những đập lớn hơn ở thượng nguồn gặp sự cố tương tự thì hậu quả kinh hoàng như thế nào… Nó như những quả “bom” cực lớn, nổ chậm đang treo trên đầu chúng ta mà chúng ta không thể “gỡ” được. Đó cũng có thể cũng là lời cảnh báo cho Lào và Campuchia cùng các nước khác về thủy điện.
Đừng bao giờ nghĩ mình giỏi hơn thiên nhiên
Sau vụ vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy, ĐBSCL chịu ảnh hưởng như thế nào hiện tại và lâu dài, đặc biệt về sản xuất nông nghiệp ở vựa lúa lớn nhất nước?
Tiến sĩ Tô Văn Trường: Vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy ở Lào gây ra tác động rất khủng khiếp nhất là sau hạ du đập và ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Stung Treng. Vụ vỡ đập đã làm dâng mực nước lên 70 cm, dọc đường đi nước cuốn trôi nhà cửa, làm chết và mất tích rất nhiều người. Sau khi nước rút, phải tốn rất nhiều công sức, tiền của khôi phục lại hạ tầng cơ sở, dọn bùn, vệ sinh phòng bệnh và trấn an người dân… Về việc ảnh hưởng đến ĐBSCL, đập của Lào bị vỡ ở dòng nhánh sông Mekong, cách Việt Nam 650 km. Dòng nước lũ dọc đường đi đã bị chảy tràn vào các ô trũng và điều tiết của Biển Hồ nên về đến Tân Châu - Châu Đốc mất khoảng 4 ngày. Mức nước do vỡ đập cũng chỉ làm tăng thêm 5-6 cm trên dòng Cửu Long nên ở Việt Nam coi như không đáng kể. Tuy nhiên, năm nay lũ về sớm và hơn lũ trung bình nhiều năm, các vùng chưa có đê bao chống lũ tháng 8 (lũ đầu vụ) nên có khoảng 30 nghìn ha lúa hè thu chưa kịp gặt, bị thiệt hại ít nhiều là điều đã được cảnh báo từ trước.
Về lâu dài, phải rà soát lại bài toán kinh tế (được và mất) nhất là hiệu quả của lúa hè thu ở vùng lũ sớm chưa có đê bao khép kín, theo dõi dự báo lũ để có giải pháp ứng phó chủ động.
Tiến sĩ Hồ Long Phi: ĐBSCL đang phải chịu thảm họa kép. Nước biển dâng cộng hưởng với các hồ chứa tích nước sẽ khiến nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đồng bằng. Cho đến nay, lượng phù sa bị các đập giữ lại đạt 60-70% nên lượng nước đổ về ĐBSCL là nước “đói” và nó sẽ moi bờ để hình thành lại độ đục khiến tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn. Đến khi các con đập hình thành và hoạt động, lượng phù sa bị giữ lại có thể đến 90% thì tác động sẽ lớn hơn nữa.
Trong tương lai, khi các con đập vào hoạt động thì chúng ta chỉ có 3 lựa chọn. Một, là tiếp tục như quy hoạch hiện nay. Đó là cách dở nhất, tới đâu tính tới đó. Hai, là chủ động ứng phó, có nghĩa là lường trước các kịch bản có thể xảy ra để lên phương án ứng phó về sản xuất, đời sống, hạ tầng… làm sao cho thiệt hại thấp nhất, đó gọi là phát triển bền vững. Cách thứ ba là rút lui nếu chi phí để khắc phục tình trạng này quá tốn kém.
Chúng ta đang triển khai theo cách thứ hai là chủ động ứng phó, thích nghi. Nhưng tôi có cảm giác chúng ta vẫn chưa thể triển khai đồng bộ đến tất cả bộ, ngành vì giống như họ đang làm theo hướng “chống cự” hơn là “thích nghi”. Chống cự ở đây là ngăn chặn lại, nếu mặn thì làm cống ngăn mặn, nếu ngập thì đắp đê cao hơn, đó là chống cự với thiên nhiên.
Nó giống như kiểu Sơn Tinh với Thủy Tinh, làm kiểu này rất nguy hiểm và cách làm ở Chương Mỹ, Hà Nội là một ví dụ. Cứ ngập thì làm đê cao hơn, đến một lúc nào đó, có một sự cố bất ngờ thì tất cả tiêu tan hết. Đừng bao giờ nghĩ mình giỏi hơn thiên nhiên, dùng công trình có thể ngăn chặn được tác hại của thiên nhiên. Trong ứng phó biến đổi khí hậu có hai khái niệm, là tích lũy nguy cơ và chuyển dịch nguy cơ.
Trong đó, tích lũy nguy cơ giống như việc nước ngập ngang đây thì anh đắp đê cao hơn chặn lại, năm sau cao hơn thì anh đắp đê cao hơn, nhưng rồi cũng đến lúc quá cao thì anh không thể đắp tiếp được nữa. Chúng ta có thể chặn được 10 năm, 20 năm nhưng chỉ cần một năm không kịp chặn lại do sự cố bất thường thì coi như tất cả tài sản và cả tính mạng con người tích lũy trong 10, 20 năm đó sẽ mất hết.
Và việc đắp đập, đê là cách làm tích lũy nguy cơ chứ không làm mất đi nguy cơ. Nguy cơ vẫn hiện hữu ở đó. Khi đó, những nguy cơ mà chúng ta cố gắng ngăn chặn trong 20 năm sẽ ập đến một lần với mức độ cực lớn.
Về chuyển dịch nguy cơ, đó là ngăn chặn chỗ này để đẩy nguy cơ đến chỗ khác, giống như là chống ngập chỗ này thì chỗ khác ngập chứ lượng nước gây ngập không bị triệt tiêu. Mọi cách chúng ta đang làm bằng công trình đều nằm trong hai trường hợp này chứ không là giải pháp bền vững.
Bên cạnh đó, lượng thủy sản trên sông Mekong có thể sẽ giảm mạnh hoặc nguy cơ tuyệt chủng khi các đập hoạt động. Đặc biệt, tài nguyên nước trên sông Mekong cũng bị giữ lại nhiều bởi nhiều hồ, đập hoạt động làm cho dòng chảy về phía VN giảm đi nhanh chóng, mặn sẽ xâm nhập. Lũ lớn, lũ dữ sẽ có nguy cơ nhiều hơn.