Trò chuyện với tiến sĩ, bác sĩ da liễu Hà Nguyên Phương Anh, câu chuyện không chỉ xoay quanh chăm da khỏe đẹp mà còn mở ra những cung bậc dịu dàng bất tận về tình yêu với chồng con, với cha mẹ, công việc và cuộc đời.
Tôi đến nhà bác sĩ Hà Nguyên Phương Anh (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) lúc 8g sáng. Chị đang bận rộn trong bếp. Trên kệ bếp còn bình sữa hạt nóng hổi mới nấu, húng chanh thơm dịu chị mới hái từ vườn để làm thuốc ho cho con.
Là bác sĩ tây y nhưng chị chăm sóc con bằng các bài thuốc dân gian truyền thống. Khi con bị cảm cúm, chị cho con ăn sắn dây tương tamari mơ muối, uống trà củ sen táo đỏ gừng; khi sốt cao thì uống lá húng chanh kèm lá tía tô, ho có đờm thì dùng lê cắt nhỏ chưng với quế và đường nâu cho bé ăn cả nước lẫn cái…
Chị Phương Anh cho biết, chị nuôi con nhàn, không phải thức đêm chăm con vì các bé hầu như ít bệnh, có ho sốt cũng rất nhanh khỏi. Đó là nhờ lối sống xanh, gần gũi thiên nhiên, thường xuyên phơi nắng, tắm nắng, chạy chân đất, vận động thường xuyên, ăn uống thực vật với thực phẩm nguyên cám, nhiều rau và trái cây bản địa.
Trên Facebook có gần 32.000 người theo dõi của mình, chị chia sẻ kiến thức nuôi con không dùng thuốc, lối sống lành mạnh và chăm sóc sức khỏe cho con tại nhà. Dù các bài viết được rất nhiều người chia sẻ, bác sĩ Phương Anh nói chị không cài app Facebook trên điện thoại, do không đủ thời gian, không muốn bị phân tâm, để tập trung nghiên cứu về y học toàn diện, khám bệnh, chăm sóc gia đình và dành thời gian cho các con.
Với bác sĩ Phương Anh, nuôi dạy con là công việc quan trọng nhất của người phụ nữ. Đây là lý do khiến chị đưa ra quyết định lớn: từ bỏ công việc tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng vào năm 2018 sau 14 năm cống hiến, khi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành da liễu, con đường sự nghiệp rộng mở phía trước.
Quay ngược lại quá khứ, đó là thời gian chồng chị làm việc xa nhà, một mình chị vừa đi làm xa, đi trực, vừa chăm 3 con nhỏ, vừa lo việc nhà, không có đủ thời gian cho con. Con nhỏ thèm khát mẹ, con gái lớn bơ vơ một mình, bản thân chị căng thẳng và cảm thấy có lỗi với các con.
Quyết định bước ngoặt đó là khởi đầu của những năm tháng chị Phương Anh dành nhiều thời gian cho các con - Moon, Mè và Miso, cùng con nấu ăn, kể chuyện ông bà ngoại ngày xưa, chia sẻ với con các kỹ năng phòng tránh tai nạn, cuối tuần thì lên núi ra biển, vui chơi ngoài thiên nhiên…
Đặc biệt, con chị vô cùng yêu thích những tối trước khi đi ngủ, mẹ hò Huế cho các con nghe. Chị Phương Anh kể, hồi nhỏ sống cùng mệ nội (bà nội), đêm đêm đều được nghe bà hát tục ngữ, ca dao. Đây chính “kho tàng mệ nội”, là gia tài chị muốn trao truyền cho các con, để đến lượt các con sau này gìn giữ tiếng Việt cho con cháu mình.
Chúng tôi dừng lại một chút, uống ly nước dâu tằm ngâm đường mía do anh Đồng Minh Quân - chồng chị - làm, đúng lúc anh đi chợ về, tay cầm túi rau, vừa mở cửa vào nhà vừa hát. Anh Quân hát hay và nấu ăn ngon. Mỗi khi anh về nhà thì “bếp thơm, ngập khói, nhiều đồ ăn ngon” như Miso - con gái 6 tuổi của chị - nhận xét. Chị Phương Anh đặt tên chồng trong điện thoại là bầu trời và gọi căn bếp là “bếp của bầu trời”.
“Chiều nay ngồi viết riêng cho em, cho em bài hát êm đềm, trôi theo từng tiếng tơ mềm” (Bài cho em - Từ Công Phụng). Anh Quân vừa lặt rau vừa cất tiếng hát trong căn bếp. Đây cũng chính là những lời hát từ nhạc sĩ mà anh chị yêu thích cách đây 28 năm.
Tình yêu “thanh mai trúc mã” bắt đầu từ khi chị 17 tuổi, trải qua 11 năm yêu nhau và 16 năm hôn nhân. Đúng như trong “cuốn sổ biết ơn” chị viết: “Yêu thương và biết ơn chồng vì anh đã yêu thương mình từ lúc dậy thì tới chừ, luôn lo lắng, chở che và bảo vệ mình”.
Nhưng tình yêu đó không chỉ có những tiếng hát, bài thơ, mà cũng trải qua không ít thăng trầm, thử thách, khi anh chị cưới nhau 16 năm thì phải hơn 10 năm anh công tác xa nhà. Biết bao lời bàn tán vào ra “sao để chồng đi làm xa”; biết bao năm tháng vất vả chăm con, lo mọi việc trong nhà và cả những khi chị giận anh vì gọi điện mà anh không nghe máy.
Dẫu vậy, chị Phương Anh vẫn một lòng tin tưởng vào tình yêu của chồng. Đặc biệt, sau khi chị tham gia lớp văn hóa truyền thống, lớp học nữ đức từ năm 2020, những trách móc, giận hờn, phiền não đã được chuyển hóa thành lòng biết ơn dành cho chồng. Đó là những bữa ăn chay cho vợ và con, dù bản thân anh ăn mặn; là khu vườn sân thượng mà anh chăm sóc, trồng những loại cây vợ thích; là cách anh chăm chút, sửa chữa đồ đạc trong nhà.
Mỗi năm 2 lần, chị Phương Anh thường đi báo cáo ở hội thảo da liễu ở các tỉnh khác, anh Quân sẽ bay tới đó, nấu ăn cho chị để chị không phải ăn ngoài.
Bên cạnh nuôi dưỡng lòng biết ơn trong hôn nhân, chị Phương Anh thường xuyên soi xét bản thân, tự nhìn ra lỗi sai và sửa mình, dù chị tự nhận rằng “bài này học mãi vẫn rớt, mỗi lần chạm nọc lại phân bua cãi lại, dù biết mình sai”. “Trong gia đình đúng với đúng thành sai, sai với sai thành đúng, bởi khi bản ngã của chúng ta hạ xuống, tự nhận lỗi thì mâu thuẫn gì cũng được hóa giải. Khi mình nhẫn nại và yêu thương, cần gì thì giúp người, không đòi hỏi đền đáp, thành tâm thành ý đá vàng cũng tan” - chị nói.
Phải đến đầu năm nay, sau nhiều năm công tác xa nhà, anh Quân mới quyết định dừng công việc để về sống cùng gia đình. Từ mùa xuân năm nay, anh đã có thể thường xuyên hát cho vợ nghe bài hát mà anh chị thích từ những năm tháng yêu nhau: “Em lại đây với anh, ngồi đây với anh trong cuộc đời này… Qua ngày buồn đã qua vì đã có ta trong cuộc đời này” (Tự tình mùa xuân - Từ Công Phụng)
Lúc chúng tôi đang trò chuyện thì bác sĩ Hà Nguyên Hào - cha của chị Phương Anh tới. Ông mang theo chiếc nón cho con gái để buổi chiều con đi làm đỡ nắng, dù phòng khám cũng là nhà ông, chỉ cách nhà con gái chưa tới chục ngôi nhà. Nhìn ông cười tươi rồi rời đi, tôi hiểu sự ngọt ngào, dịu dàng của chị Phương Anh với chồng, với gia đình và mọi người được bắt nguồn từ đây.
“Milly (tên ở nhà của chị) sến giống cha”. Đó là nhận xét của mẹ chị. Đã từ lâu lắm rồi, buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ, cha chị đều gửi thiệp chúc ngày mới, chúc ngủ ngon trong group Messenger Gia đình thân thương, chưa bao giờ gián đoạn. Mỗi lần chị Phương Anh hay mẹ chị gửi ảnh đồ ăn chuẩn bị cho cha, ông đều trả lời: “Thật tuyệt vời, cảm ơn em”, “Thật tuyệt vời, cảm ơn con”. Không chỉ là suối nguồn yêu thương của cả gia đình, với chị Phương Anh, bác sĩ Hà Nguyên Hào - nguyên Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng - còn là tấm gương về nghề nghiệp và cống hiến cho ngành da liễu.
Đến nay, ở tuổi 73, bác sĩ Hà Nguyên Hào vẫn khám cho bệnh nhân 4 giờ mỗi ngày, ngày nào cũng học tiếng Anh trên Duolingo, mỗi tuần vẫn dành 2 buổi sáng để dạy cho con gái, đọc sách, cập nhật tiến bộ y khoa. Bác sĩ Hà Nguyên Hào thuộc lòng cuốn sách Practical dermatology (tạm dịch Da liễu thực hành), mỗi lần hỏi bệnh nào, ông có thể giở ra đúng trang sách nói về bệnh đó mà không cần xem số trang hay mục lục.
Chị Phương Anh đang làm việc tại phòng khám của cha. Chị thấm thía bài học cha đã dạy: “Làm nghề gì cũng được. Bất kể nghề gì có tâm có tài thì sẽ có tiền, mà có tâm phải đặt đầu tiên. Quan trọng nhất là yêu nghề và thương người” và “Con giúp được ai thì giúp, giúp được 1-2 người cũng là tốt”.
Với chị Phương Anh, hiếu thảo với cha là làm những điều khiến ông vui lòng như học y khoa với ba mỗi tuần, đi làm đúng giờ, đi bơi đều đặn để khỏe mạnh, bởi ông nói “con không tập thể thao, không khỏe mạnh thì cha phiền não”. Đúng như lời bài hát “Phải sống thế nào để cha đừng buồn, phải sống thế nào để mẹ được vui” (Đạo làm con) mà chị cài làm nhạc chuông điện thoại để tự nhắc nhở mình.