Chị là một cô gái Nga, anh là một sinh viên Việt Nam. Yêu trong dằn vặt, lo lắng, trách nhiệm; có 3 con rồi mới kết hôn. Nghe họ kể chuyện, mấy lần đọc lại ghi chép, tôi vẫn rưng rưng cảm động.
SỢ THÌ SỢ MÀ YÊU THÌ YÊU
Tháng 8/1983, chàng sinh viên Nguyễn Việt Hùng đặt chân đến nước Nga xinh đẹp, với tất cả nỗi háo hức và quyết tâm cho một tương lai tốt đẹp. Mùa xuân đầu tiên, cùng các bạn làm vệ sinh phòng ở, Hùng và các bạn đã có cuộc làm quen dễ thương với các cô gái Nga sống trong ký túc xá đối diện.
Các cô gái tinh nghịch lấy gương phản chiếu ánh mặt trời rọi vào phòng Hùng. Một buổi khác, khi mặt trời chiếu ngược lại, Hùng và các bạn cũng lấy gương phản chiếu lại ánh mặt trời rọi vào phòng các bạn Nga để “quấy nhiễu”.
Ban đầu Hùng đã “phải lòng” một người bạn rất xinh tươi và quyến rũ, cùng phòng với Galina. Thế nhưng định mệnh lại gắn anh vào cô gái luôn tách rời những cuộc chơi ồn ào, sôi động, ngồi đàn piano một mình trong góc phòng cộng đồng của ký túc xá.
Thời đó, quan hệ tình cảm và yêu đương giữa người Việt và người nước ngoài bị cấm tuyệt đối. Bởi vậy, những “chuyện tình xuyên biên giới” thuở ấy dù mãnh liệt và say đắm đến đâu cũng đậm màu lo lắng, hoang mang và vô cùng khó định hướng. Anh Hùng còn 4 người em ở quê, nhà thì nghèo… Anh bảo: “Tôi bị đuổi học thì cả gia đình sẽ mang tai mang tiếng. Tương lai của mấy đứa em sẽ mù mịt”.
Thế nên đã 2 lần anh Hùng nghĩ tới chuyện buông tình yêu của mình - tìm cớ gây sự, giận hờn rồi né tránh không gặp Galina. Thế nhưng, họ vẫn cứ từ 2 cửa sổ mà hướng về nhau.
EM SINH CON LÀ ĐỂ CHO EM
4 năm học chung trường, họ đi xem phim ở tất cả những rạp chiếu phim trong thành phố, đi bơi thuyền, đi picnic. Đáng nhớ nhất là cách họ trèo tường, chui qua cửa ban công ở các tầng ký túc xá để được ở bên nhau mỗi ngày, bất chấp mọi sự kiểm soát và ngăn cấm.
Galina học khác khoa và trước Hùng một khóa. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp, cô về lại quê với cha mẹ ở thành phố Bryansk. Một ngày đầu tháng 9/1986, đi học về, Hùng sửng sốt khi thấy Galina đang chờ ngay cửa ký túc xá. Cô lí nhí nói cô đã có bầu và tới đây cùng ba mẹ. Ba mẹ cô rất muốn gặp Hùng để nói chuyện và đang chờ ngoài bến xe. Hùng đã từng nhiều lần về chơi nhà Galina. Ba mẹ cô rất hiền và tử tế với anh.
Thế nhưng cái tin Galina có bầu và ba mẹ cô đang muốn nói chuyện khiến anh hoang mang không biết sẽ phải nói gì. Anh đã không ra gặp ba mẹ Galina. Galina cũng không kèo nài gì hơn, chỉ lặng lẽ ra về.
Galina là con gái duy nhất của 2 nhà giáo Nga. Họ dạy dỗ cô thành một cô gái nền nếp. Ông bà biết Hùng, quý anh, nhưng Galina có bầu là cú sốc với họ. Khi Hùng khăng khăng không ra gặp ông bà, họ cũng lặng lẽ đi về.
Sau đó, Hùng nhận được bức thư của mẹ Galina: “2 bác không ngờ là các cháu không kiểm soát được tình cảm của mình. Buồn nhất là có một đứa trẻ không có cha, nếu cháu học xong sẽ về nước. Nhưng cháu đừng bỏ Galina lúc này. Cứ về nhà chơi, để tinh thần nó được thoải mái. 2 bác không nói gì đâu”. Thứ Bảy, Chủ nhật sau đó, anh Hùng lại về thăm Galina và ba mẹ cô.
Tháng Mười hai năm đó, con gái của anh và Galina ra đời. Anh vẫn đến chăm sóc con, nhưng tâm trí vẫn nghĩ về ngày về nước. Anh bảo: “Hồi đó, sao dám nghĩ đến chuyện lấy vợ, ở lại Nga, vì như thế phải đền tiền Nhà nước nuôi ăn học. Ở lại theo diện lưu vong thì ba mẹ, các em mình khổ. Tôi thương con, nhưng nghĩ về gia đình, ba mẹ và các em của mình nhiều hơn”.
Sau vài tháng nấn ná ở chui lủi nhờ vả trong ký túc xá, Hùng quyết định về nước. Galina không níu kéo, không trách móc, không yêu cầu hứa hẹn gì. Cô biết Hùng phải về, thế thôi. Ngay cả ít tiền mà anh kiếm được bằng cách may đồ bán ở chợ, anh đưa cô, cô cũng từ chối. Ngày anh rời đi, họ bình tĩnh chào nhau, ba Galina vẫn đưa anh ra ga như mỗi lần anh đến chơi trước đó.
Cuối tháng 10/1987, anh Hùng về tới Việt Nam. Từ chối mọi vị trí công tác tốt, anh ra sức kiếm một nơi làm việc có thể cho anh cơ hội trở lại nước Nga. Tháng 6/1988 anh nhận được thư của mẹ Galina. Lá thư chỉ có vài dòng: “Chào Việt (người Nga thường gọi anh bằng tên Việt, vì chữ Hùng phát âm khó). Chúc mừng anh đã có thêm một thằng con trai”.
Hùng té ngửa, anh không hề biết khi anh về, Galina đã có bầu đứa thứ hai. Sau này, khi anh hỏi sao cô không cho anh biết chuyện có con. Cô trả lời, cô biết anh không thể ở lại Nga, mà cô sẽ không lấy ai nữa, nên cô muốn có con với anh. Cô cũng muốn con gái có em, nên cô quyết định có đứa con thứ hai: “2 đứa là con của em và em không muốn anh vướng bận, phải khó khăn với quyết định của em. Cuộc sống của em là của em”.
Sau 3 năm giảng dạy ở Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội, năm 1990, cơ hội trở lại nước Nga đã mở khi Hùng được phân công đi dịch bài giảng 1 năm cho lớp cán bộ tại Mát-xcơ-va.
ĐĂNG KÝ KẾT HÔN KHI CÓ ĐỨA CON THỨ 3
5g30 sáng, anh bấm chuông cửa nhà Galina. Mẹ Galina mở cửa. Bà không ngạc nhiên hay mừng rỡ. Bà nói giản dị: “Cháu về đấy à. Vào đi”. Mặc cảm có lỗi khiến anh không dám vào phòng khách. Anh cứ ngồi thế hơn 2 tiếng đồng hồ, ở khoảng nghỉ trước cửa ra vào. Rồi Galina và các con anh thức dậy. Anh chỉ nói được một tiếng: “Chào em”.
Cô bé Anhia ngày anh về nước mới có 9 tháng, giờ đã gần 4 tuổi, bám chặt lấy mẹ. Anh muốn khóc khi nhìn các con. Khi anh đưa cho mỗi đứa một món đồ chơi, chúng mới quen dần. 3 cha con ngồi chơi trong một góc nhỏ. Anh vẫn không dám bước vào nhà cho đến khi ba mẹ Galina ra kéo anh vào ăn sáng.
Đêm đó, anh trở lại Mát-xcơ-va. Ba Galina lại đưa anh ra ga. Anh xin phép ông thỉnh thoảng xuống thăm con. Ông trả lời: “Đó là con của cháu mà. Chúng ta chưa bao giờ ngăn cản, cũng không ép buộc cháu”. Nước Nga lúc đó đã bắt đầu khó khăn. Galina phải đi làm ngày 2 ca để có tiền nuôi con. Ông bà cũng phụ con gái nuôi cháu. Nhưng khi anh đưa tiền cho Galina, cô lại hỏi: “Anh đưa làm gì mà nhiều thế”.
Cuộc sống nơi đất khách quê người không hề nhẹ nhàng với một người đàn ông ngoại quốc không giỏi lắm chuyện làm ăn kinh tế. Bao lần tích cóp, làm ra, rồi bao lần mất trắng. Anh làm có đến hàng chục công việc để nuôi gia đình - từ tài xế, buôn bán, đổi tiền, mở quán…
Đã có những lần anh đứng trên cầu, muốn nhảy xuống, nhưng hình ảnh người vợ tin tưởng và nương tựa vào mình cùng những đứa con nhỏ đã kéo anh trở lại với cuộc chiến mưu sinh dai dẳng.
Năm 1996, khi đứa con thứ ba đã hơn 1 tuổi, Hùng nói với Galina làm thủ tục kết hôn, vì người nước ngoài luôn nằm trong tầm ngắm khắt khe của cảnh sát. Hôm đặt bút ký giấy tờ hôn thú, anh bất ngờ khi người vợ ít nói, ít thể hiện tình cảm giữa chốn đông người, đã ôm chầm lấy anh.
Anh bảo: “Tôi nghĩ đơn giản, sống với nhau như thế là vợ chồng rồi. Nhưng hóa ra, được đăng ký chính thức là điều cô ấy mong chờ. Nó là sự công nhận những hy sinh của cô ấy, như một dấu mốc quan trọng của cuộc đời. Chỉ khi đó, tôi mới hiểu hết tình cảm của cô ấy dành cho mình”.