Có một thành phố ngay ngắn, trật tự bên trong Sài Gòn - ngay giữa những ngày bộn bề những bất an…

***

Bến xe Quận 8 vắng tanh. Đã hơn 10 ngày kể từ lúc bến xe đóng cửa, tuân thủ Chỉ thị 16. Xe buýt không còn chạy. Mấy chuyến xe liên tỉnh là “thương hiệu” của cái bến xe này cũng dừng. Hàng quán dày đặc quanh cổng chỉ còn lưa thưa vài quán, bán mang đi. Bên phải cổng bến xe vốn là hàng nước mía siêu đắt. Nay, quán vẫn bán lai rai. Chiếc xe nước mía truyền thống vẫn chạy ầm ì, như níu kéo cái bận rộn lâu nay của chốn xô bồ này.

Một nhóm ba người đang ngồi bệt bên lề đường trò chuyện. Ngay gần đó, một cụ bà vô gia cư đang mắc võng nằm, nhìn hiu hắt vào nhóm người đang trò chuyện. Như mọi người hay đi ngang đây, hễ thấy bà cụ, tôi lại đảo mắt tìm con trai bà. Y như rằng, người đàn ông gầy còm, lem luốc đang nằm bệt dưới lề đường cách đó chừng hai bước chân. Đây là một nhóm “tụ tập” hiếm hoi ở nơi công cộng. Nhưng, nơi công cộng này chính là “nhà” của vài người trong họ.

Khó nhận ra đây là đường Trương Định vào giờ tan tầm

Khó nhận ra đây là đường Trương Định vào giờ tan tầm

Tôi đậu xe gần họ để đi bộ sang hàng nước mía. Lúc chạm vào ánh nhìn của chú xe ôm đang đậu xe gần đó, tôi nói vu vơ: “Nay vắng vẻ quá ha chú”. Ông chú nhiệt tình, quay phắt theo tôi, vừa nói vừa chỉ sang bên kia đường: “Người ta chạy hết qua bển rồi!”. Bên kia là cửa hàng thực phẩm San Hà. Cái cửa hàng ngay góc ngã tư có hai “mặt tiền” là vỉa hè lớn. Xe đậu kín. Trên hành lang cửa hàng, người ta xếp một hàng dài. Mỗi người đứng cách nhau một mét. Tôi vừa rời chỗ chờ đợi đó để sang đây, bỏ ý định tạt vào cửa hàng mua tí rau như thường lệ.

Nhìn anh bảo vệ bận bịu đo thân nhiệt và phân bổ sao để mỗi lần chỉ có năm khách trong cái cửa hàng tầm 50m2 , tôi chợt thấy nhu cầu của mình chưa cấp bách lắm, nên phải nhường cho người khác. Đúng như chú xe ôm nói, cái “khối đông đúc” bên phía bến xe này như đang chuyển hết qua bên cửa hàng thực phẩm. Câu nói hài hước của chú xe ôm coi vậy mà khái quát triết lý đời sống thời COVID-19.

Người ta rời bỏ những bận bịu xê dịch để quay về với những câu chuyện căn bản nhất của cuộc sống. Họ rời bến xe, không di chuyển nữa, để tập trung cho chuyện ở đây, tại lúc này. Họ dành thời gian, sự chú tâm và kiên nhẫn cho những nhu cầu tối giản. Thời “chưa COVID-19” - mấy ai đủ thời gian và kiên nhẫn đứng chờ nửa tiếng đồng hồ chỉ để mua thức ăn?

Những điểm tập thể dục dọc bờ kênh Nhiêu Lộc được rào lại

Những điểm tập thể dục dọc bờ kênh Nhiêu Lộc được rào lại

Bà cụ vô gia cư đã nhận ra tôi sau chiếc khẩu trang. “Hổm rày ở nhà riết hả cô?”. Chiếc khẩu trang không cho phép người ta chỉ cười chào rồi rời đi. Vì chẳng ai thấy được nụ cười. Tôi nói to: “Dạ, bà không đi làm ha bà?”. Bà chỉ vào cái bao tải dứa đựng ít ve chai đang nằm dưới lề đường. 

“Riết rồi hổng ai ăn nhậu gì ráo. Quán nhậu nghỉ hết. Tui đi lượ m dạo chút xíu rồi về đây nằm chơi. Bến xe mà vắng tanh vầy. Thấy hết hồn chưa?”.

***

Nhậu nhẹt không phải là nhu cầu thiết yếu. COVID-19 phủ lên thế giới một nỗi sợ vốn vẫn lặng lẽ hiện hữu về bệnh tật, chết chóc. Ở nhà là an toàn. Mỗi lần ra đường là thêm một nguy cơ rước vi-rút vào mình, rồi nếu chẳng may còn có thể gây lây lan cộng đồng, làm khổ đất nước. Ai cũng biết vậy. Người ta chỉ còn ra đường vì những nhu cầu tối cần thiết. Phố xá vắng tanh. Không kẹt xe. Không tấp nập hàng quán, bán mua. Đường sá không còn xe buýt với những cú xi nhan - như - một - trò - đùa, với những pha “rẽ làn xe máy - bất thần ghé trạm”. Như thể, phố phường đang được thanh lọc. Như thể những thị dân thức thời đã nhận ra đâu là điều thiết thân mà tự giữ mình khỏi những nguy cơ.

Nhóm người ngồi lại bên bến xe Quận 8

Nhóm người ngồi lại bên bến xe Quận 8

Thế nhưng, ngay trước ngày 1/4, sau hai tháng đối diện với dịch bệnh, Sài Gòn vẫn đông đúc. Quán tính mưu sinh của một thành phố đầu tàu kinh tế, nhịp sống của mảnh đất vẫn cưu mang hàng triệu người nhập cư đâu dễ dừng lại. Chỉ đến ngày 1/4, khi chính quyền thành phố có những hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cả vùng đô thị sầm uất hơn 10 triệu dân mới đồng loạt chuyển mình. Mọi quyết định mua bán, làm việc, đi lại, gặp gỡ đều được người dân cân nhắc bằng những quy định của thành phố. Mọi đổi thay rõ nét trên bộ mặt thành phố lúc này, như một “hình ảnh” của những quy định, chỉ thị của chính quyền.

Buổi chiều muộn, đường Trường Sa vắng lặng như một xóm ven sông ở một vùng xa khuất nẻo. Thưa thớt lắm mới có một khoảng trống mặt tiền sáng đèn, chứng tỏ dãy nhà không bị cúp điện. Đi một đoạn dài, tôi mới nhận ra sự vắng lặng đặc biệt này là do con đường vốn chỉ toàn mặt bằng kinh doanh. Ngày thường, nơi này dày đặc quán nhậu, quán ốc vỉa hè. Lệnh trên đưa xuống, con đường chỉ còn lại những mặt bằng đóng cửa. Đoàn người mỗi giờ cao điểm vẫn ùn ùn kéo qua đây để tránh cái kẹt xe ngoài những con lộ chính - nay cũng chỉ còn thưa thớt. Con đường thảnh thơi nằm. Mấy cụm thiết bị thể dục được trang bị trên khuôn viên dài dọc bờ kênh được giăng những “hàng rào” bằng dải băng trắng đỏ hay dùng để báo hiệu khu vực “cấm vào”. Người dân không tụ tập bên ngoài, kể cả là tụ tập để tập thể dục.

***

Đường Trường Chinh nổi tiếng đông đúc, kẹt xe, nay cũng vắng vẻ. Nhìn những cửa tiệm còn mở cửa từ xa, người ta đã dễ đoán đó là tiệm thuốc. Hàng quán còn lại chỉ còn trưng ra một cánh cửa sắt, phủ kín. Đã gần nửa tháng kể từ ngày có chỉ thị chính thức về việc đóng cửa các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu. Nhưng, quán xá đã èo uột từ những ngày sau Tết. Những cánh cửa phong kín như giấu trong nó bao trầm luân của người kinh doanh giữa biến động thời cuộc. Nhưng mạng xã hội và những câu chuyện truyền miệng vẫn phơi bày bao thất bát, cùng đường, phá sản của những người làm kinh doanh mùa COVID-19. Con đường vắng vẻ, bình yên che khuất những hoang phế, mỏi mệt vì chờ đợi.

Dịch bệnh đã quá dài với những hộ kinh doanh nhỏ. Đến đoạn gần khúc giao với Cộng Hò a, một tiệm bán cây như phơi bày cái hoang phế của những ngày dịch bệ nh. Tiệm cây rào lưới B40. Bên trong là một ki-ốt cũng đóng kín bằng cửa sắt. Khoảng giữa, cây cối lộ thiên bị bỏ mặc, rũ mệt cả một khoảng mặt tiền. Dinh dưỡng dự trữ từ những chậu đất nhỏ không đủ để cây sống sót qua những ngày bị bỏ mặc. Những ngày giãn cách xã hội vì COVID-19 là một cơ hội nghỉ ngơi cho thành phố bận bịu này. Nhưng, có những chủ thể nặng gánh đến nỗi mất quyền nghỉ ngơi…

Đến quán cà phê Cây Si ở ấp Nam Lân, H.Hóc Môn, tôi thấy chủ quán đang chuyển một chiếc ghế cho vị khách đứng bên ngoài hàng rào. Khoảng không gian rộng rãi bên trong không một bóng người. Phía trước, tấm biển quảng cáo đang được dán chồng lên một tờ giấy A4, ghi “Cà phê mang đi”. Anh khách hàng nhận ghế xong, lại nhận tiếp một ly cà phê từ chủ quán. 

Tôi ghé mua một ly cà phê mang đi. Chị Vi (chủ quán) đứng cách tôi một hàng rào vẫn xởi lởi: “Anh đó là khách quen của chị đó em. Nay chị không phục vụ tại chỗ, ảnh năn nỉ mượn một chiếc ghế để ngồi bên kia đường”. Bên kia đường, người đàn ông đã yên vị ngay trước cánh cổng đang đóng của một phân xưởng. Ngay trước mặt anh là con đường tất bật, vội vã. Đường Thái Thị Dữ nối đường ra chợ đầu mối Hóc Môn với khu Bà Điểm, người ta thồ hàng chạy vun vút qua trước mặt vẫn không hề hấn gì đến buổi cà phê một mình của người đàn ông. Chị Vi nói: “Họ quen rồi em. Có người bỏ được thì chỉ ghé chị mua cà phê mang đi. Còn mấy ông khách sồn sồn quen ngồi quán một mình rồi thì cứ đến mượn chị một cái ghế rồi tìm chỗ ngồi. Miễn họ ngồi một mình, đừng vô quán, đừng ngồi gần ai là chị cho mượn”. Lúc quay sang thối tiền cho tôi, chị nói: “Nghĩ cũng tội, họ làm ăn lao tâm lao lực chớ nhiều hồi không cần ăn, chỉ cần ngồi uống cà phê chừng nửa tiếng là lại sức hà em”. 

Những gì vẫn còn hoạt động ở Sài Gòn những ngày này chính là câu trả lời cho “nhu cầu thiết yếu” của thị dân xứ này. Những nhà hàng trở thành nơi phát cơm/gạo miễn phí. Những điểm “phát gạo tự động” xuất hiện như những “cứu tinh” ngoài đường phố. Sài Gòn mùa COVID-19 có khi bày ra trong một buổi chiều tôi đi ngang đường Bạch Mã, cư xá Bắc Hải (Q.10). “Khu nhà giàu” lâu năm giữa Sài Gòn hôm ấy có đám tang. Đám tang ngay trong một ngôi nhà cao tầng sang trọng, nhưng yên ắng lạ thường. Không có khách khứa.

Dự phần ở đó chỉ có những người mặc áo tang. “Khách” - là những liễn hoa liên tục được chuyển đến, thay người đưa viếng. Có lẽ, đó là cách văn minh nhất mà người ta có thể làm cho một tang lễ trong thời COVID-19. Nhưng cách đó vài bước chân là một nhóm khá đông người đang xếp hàng để… chờ lấy gạo. Thùng gạo miễn phí đặt ngay cuối đường Bạch Mã. Trong cái “khu nhà giàu” chiều ấy đồng hiện một tang lễ vắng lặng của nhà giàu và một nhóm vừa trật tự vừa hồ hởi củ a những người nghèo. Mà cả hai, dù sự thăm viếng được tiết chế hay miếng ăn được sớt chia - đều là cách người ta đồng lòng với chính quyền trong mùa gian khó này.

Thành phố này đâu được phép nghỉ ngơi. Nếu đường quanh chợ đầu mối tất bật những xe chở hàng hó a, thực phẩm thì Quốc lộ 50 những ngày này vẫn tất bật những chuyến xe rác từ khắ p nơi đổ về. Đoạn đường từ Nguyễn Văn Linh đến lối vào có tấm biển “Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước” nối từng đoàn xe từ Q.Thủ Đức, Q.2. Đoàn xe rẽ sang lối vào bãi rác Đa Phước. Sự tất bật ấy như hiện thân của một Sài Gòn vẫn không ngừng bận bịu. Đằng sau phố phường yên ả vẫn là một hệ thống không ngừng làm việc để vận hành cuộc sống của hàng chục triệu con người.

Cũng như, đằng sau những hàng quán, trường lớp đóng cửa vẫn là những cuộc vận động “hỗ trợ giáo viên”. Sau những cửa hàng hoa tươi đang “lên bờ xuống ruộng” vì khủng hoảng dịch bệnh, vẫn là những cuộc “giải cứu hoa hồng Đà Lạt”. Người Sài Gòn đang kêu gọi nhau “mơ mộng” giữa dịch bệnh bằng cách mua hoa hồng, 290.000 đồ ng/100 bông. Hoa hồng cao nguyên đang được người Sài Gòn giải cứu, mà cuộc “giải cứu” ấy, lại xuất phát từ những người đang rũ rượi, “tơi tả” với nghiệp hoa mùa dịch. Tôi hỏi chuyện một anh chủ xe mía trên đường Lý Thái Tổ sao không nghỉ ngơi lấy sức đề kháng mà ra đây phơi nắng bán hàng cả ngày Chủ nhật. Anh cười, có phải trai trẻ đơn thân đâu mà mệt thì nghỉ. Giờ mình nghỉ thì cả nhà dưới quê nhịn đói. Có nghỉ cũng không khỏ e nổi…

Câu chuyện cách ly của những “trụ cột gia đình” này, sao mà như đang kể chính câu chuyện cách ly của một “thành phố trụ cột”. Thành phố nào đó có thể đóng cửa, có thể triệt để giãn cách bằng quy định thép. Nhưng Sài Gòn thì khó có thể. Khi những chính sách đó phải áp dụng cho cả những người không có nhà để có thể “ở yên trong nhà”, những người lao động phải gánh vác cả một gia đình ở tỉnh khác… Sài Gòn, trong cuộc phong bế, kinh doanh vẫn không thể chối từ một vị khách “lao tâm lao lực” một chiếc ghế ngồi. Trong khu phố tinh tươm giàu có, vẫn ôm ấp một nơi phát lương thực cho người nghèo khó. Trong những ngày cơ ngơi đứng trước bờ vực phá sản, cũng khó lòng từ chối một cuộc “giải cứu hoa hồng”.

Chỉ mong rằng, mùa COVID-19 đi qua, những hiệu lệnh của chính quyền vẫn còn đi vào đời sống. Mong cho những mệnh lệnh từ “cái chung” vẫn hiện hữu khắp phố phường, đi vào bao câu chuyện hoa và gạo của mỗi xóm, mỗi nhà - như hôm nay…

________________

Minh Trâm

Ảnh: Minh Trâm, Tam Nguyên

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: