1.
Tôi rời chuyến xe liên tỉnh ở bến Ngã Tư Ga. Trưa đứng bóng. Đang loay hoay đi về phía cổng thì tôi nghe tiếng mời:
- Chị đi đâu tui chở?
Chủ nhân lời mời là một người đàn ông chừng 40 tuổi đang ngồi ngay cổng. Tôi gật đầu. Anh lập tức chạy ra dắt chiếc xe tay ga cũ mèm:
- Chị lên xe nha, nhìn chị là biết về quận 1 rồi.
Tôi về quận 1 thật. Đoán trúng, anh tự tin hẳn, nên bắt đầu khơi chuyện. Chị đi đâu về mà xuống bến này? Chị có hay đi xe ôm không? Sao lúc nãy chị không kêu Grab mà chịu lên xe tui? Nói một chặp, như nhận ra tôi chỉ giao tiếp cầm chừng, anh ngưng. Rồi anh nói như phân trần:
- Tui cũng muốn biết khách nghĩ sao về xe ôm truyền thống tụi tui…
Nghe giọng bùi ngùi, tôi chột dạ. Cơn lười trò chuyện như được xua đi, tôi hỏi vì sao anh quan tâm người ta nghĩ gì về xe ôm truyền thống. Anh nói:
- Giờ người ta đi xe công nghệ hết. Khách hiếm, nên tui muốn hiểu khách của mình thôi.
Tôi chợt nhận thấy thật rõ là mình đã về đến Sài Gòn. Dường như, không một câu hỏi nào là vu vơ giữa Sài Gòn. Những chuyện trò dọc đường, những hỏi đáp tưởng chỉ làm quà, nhưng luôn được khởi lên từ một vùng quan tâm rất cụ thể. “Tui muốn hiểu khách của mình thôi”. Suốt những ngày ở tỉnh, tôi cũng đi xe ôm, cũng chuyện trò với tài xế, nhưng không có vị tài xế tỉnh lẻ nào tiếp cận tôi để “hiểu khách”. Quán tính thấu hiểu của người lao động ở một địa phương bất kỳ có lẽ chỉ thể hiện trong một phạm vi thân tình nhất định. Còn ở Sài Gòn, chiếc “radar” thấu hiểu đã tự động bật lên khi người ta xuống đường, vào việc.
Anh xe ôm ở Ngã Tư Ga có lẽ cảm nhận được sự quan tâm của tôi nên hào hứng trở lại. Đoạn đường anh sang quận 1 luồn lách qua nhiều hẻm tắt, anh vừa lái xe vừa tâm sự về khách hàng của ngành “xe ôm truyền thống”. Anh cao hứng liệt kê những bối cảnh đã khiến khách A, khách B nào đó chọn đi xe anh. Có khách nhấc máy gọi xe công nghệ rồi nhưng cuối cùng chọn ngồi lên xe anh vì thấy… “cái nón bảo hiểm tui mời sạch quá”.
Kể đến đó, anh cười phớ lớ. Tôi giật mình như chính mình đang là một khách hàng bị “bắt” trúng suy nghĩ. Quả thực, chiếc nón bảo hiểm sạch tinh đã khiến tôi thấy dễ chịu ngay từ khi leo lên xe anh. Anh tài xế có thể đã hiểu điều này như một “bí quyết cạnh tranh”. Nhưng chắc chắn, anh không nhận ra, nó còn như một cử chỉ ân cần anh đã vô tình góp vào đường phố, để đối đãi với những vị khách đi đường như tôi.
2.
Giọng cười phớ lớ kèm sự ân cần hồn nhiên của anh xe ôm làm tôi nhớ đến một chân dung đường phố Sài Gòn khác: chị Bé bán trái cây trong con hẻm đường Lạc Long Quân, quận 11. Hàng trái cây nhỏ, nhưng đắt như tôm tươi. Ở đó, ngoài cây trái tươi ngon thì người ta thường bị hút lại bởi cái đon đả, rôm rả của bà chủ:
- Tui dòm là biết bà Tư đói xanh mặt rồi!
- Tui liếc cái là biết ông Phục say quắc cần câu!
- Đâu, lại đây coi, cam tươi quá trời không mua thì còn mua cái gì!
Mấy câu nói nghe… “biết tỏng” này đôi khi nhằm vào những vị khách còn loay hoay, lúng túng chưa biết mua gì. Nhưng phổ biến không kém, là cái điệu biết tỏng mà chị hay xuê xoa nói khi người ta chứng kiến chị… làm chuyện bao đồng.
- Trời đất, hỏng chịu nghe tui, lát giãy đành đạch cho coi!
Chị nói vậy, là để “chữa” cho việc chị dúi vào bà Tư ổ bánh mì thịt, hay kiên quyết bắt ông Phục ăn bằng được mấy trái nho “giải rượu”. Hầu như, không có người bán vé số, hay chị bưng thúng bán bưng nào đi ngang mà không được chị dúi vào một chút gì đó dằn bụng. Lúc nào lý do cũng là vì chị “dòm là biết” người ta đang đói, đang khát, đang… buồn miệng.
Nhưng cũng nhờ “dòm là biết”, quầy trái cây của chị đắt như tôm tươi. Khách hàng xớ rớ là chị đọc vanh vách nhu cầu, sở thích. Có những người đi ăn giỗ miền Tây nhưng phải ghé chị để mua trái cây đem đi. Bữa nào đông khách quá, chị làm luôn tay và gặp ai cũng lặp lại điệp khúc: “Làm gì cũng vậy, hiểu được ý khách thì giữ mối ăn quài!”.
Chị Bé rộng rãi, mặt mũi hiền hậu như một điển hình của người đàn bà phước dày. Nhưng, người lớn ở khu vực này đều biết chị từng khổ thấu trời. Cha mẹ mất sớm, chị lớn lên bên người ông bán hàng rong, gọi ông là ông ngoại. Đến lúc chị “ra nghề” bán trái cây vỉa hè thì ông bị tai nạn, từ đó chị là người chăm sóc ông. Lúc chị lấy chồng, cả xóm khấp khởi mừng chị có trụ cột. Nhưng “trụ cột” tệ bạc, chị ly hôn khi con còn đỏ hỏn. Bế tắc, chị tính ôm con cùng ông ngoại quay về quê, tới đâu thì tới, nhưng ông can:
- Con sống ở Sài Gòn lâu ngày, nhiều va đập, cũng cứng cáp và mở mang nhiều rồi. Cứ trụ lại, sẽ khá hơn thôi.
Bỏ ý định hồi hương, chị tiếp tục quay lại với hàng trái cây, nuôi 3 miệng ăn, để bây giờ có thể nói là đã “khá hơn” giữa Sài Gòn. Nhưng chị không nhận ra, cả khả năng đọc vị nhu cầu của khách hàng lẫn cái nhìn tinh nhạy về khó khăn của từng người mà chị giúp đỡ trên đường - đều là cái mà năm xưa ông chị gọi là “sự mở mang”. Đó là trái tim mở mang mà cụ ông dày dạn nhận diện như một “tiêu chí”, một phẩm chất để sống giữa Sài Gòn. Đó là cái mà chị Bé, hay anh xe ôm ở Ngã Tư Ga, gọi là “hiểu”. Chữ “hiểu” vang lên với nghĩa chân phương nhất, thuần khiết nhất. Anh xe ôm trì chí tìm hiểu khách hàng như một “chân ái” giản đơn cho việc giữ kế sinh nhai. Còn ở chị Bé, chữ “hiểu” cũng thô mộc, không chút màu mè: “Hiểu được khách thì giữ mối ăn quài”. Hiểu để tiếp đãi. Hiểu để phục vụ. Hiểu, để ân cần.
3.
Người ta nói Sài Gòn dễ sống. Lại nói Sài Gòn phóng khoáng, dễ thương. Nhưng nào phải phóng khoáng, dễ thương là tự tính của vùng đất? Nó là một dòng chảy được hợp thành bởi từng con người đã “chịu va đập”, đã đủ “cứng cáp và mở mang”, để biết phẩm chất nào, phiên bản nào là gần nhất với sự sống Sài Gòn. Từ tứ xứ, họ đến để sinh tồn, phát tiết tinh anh. Trong tư thế của một người đi tìm cơ hội, họ hòa vào Sài Gòn cùng một trái tim đã mở mang, để tiếp nhận, để thích nghi. Và không ngừng mở, để tiếp tục thấu hiểu, hòa hợp, và cùng tạo tác một “tính cách Sài Gòn”, “thương hiệu Sài Gòn”. Chiếc nón bảo hiểm sạch thơm. Những phần bánh nước, những tư vấn thật tâm, thơm thảo là sản phẩm của lòng thấu hiểu mà chị Bé trái cây hay anh xe ôm ở Ngã Tư Ga hồi đáp lại Sài Gòn. Nhưng đâu chỉ thế. Trong vai một thị dân giữa phố, ta dễ dàng nhìn thấy sự thấu hiểu giăng khắp phố phường. Những bình trà đá miễn phí. Những trạm cơm từ thiện. Những điểm vá xe lưu động. Và cả những con người “biết tuốt”, chỉ cần thấy ai đó dáo dác là lập tức “hiện ra” giúp đỡ. Tất cả đều là hiện thân của sự thấu hiểu, là một “sức mạnh Sài Gòn” trong việc đọc vị nhu cầu, nỗi đau, sự khó khăn, sự bất tiện của người khác. Anh xe ôm có một vùng quan tâm nhỏ bé của anh xe ôm. Chị Bé trái cây có một phạm vi hiểu biết riêng của chị. Hàng triệu người bình dân đang hiện diện ở mọi ngả đường Sài Gòn, mặc kệ gốc gác hay những cảnh đời riêng, góp vào thành phố này vùng hiểu biết của riêng họ, để làm nên một Sài Gòn đầy thấu cảm, đầy nâng đỡ với nỗi đau của mọi con người ghé ngang thành phố.
Lúc thả tôi ở điểm đến, anh xe ôm “bật mí” lý do anh đoán được tôi muốn sang quận 1 từ đầu:
- Nãy tui thấy chị dòm dòm chiếc xe buýt 59. Xe đó về quận 1 chứ gì!
Tôi phì cười. Lại là một sự “biết tỏng” đầy “tinh vi” và đáng yêu. Thương hiệu “thành phố của dịch vụ” mà Sài Gòn được khắp nơi khen tặng hẳn phải tính cả những “dịch vụ đường phố” kiểu như anh. Bởi một Sài Gòn tinh tế, dễ chịu, tiện nghi và ân cần chắc chắn đã khởi sinh từ những con người như thế…