Bám trụ bởi đã “trót” gần dân
Cuối tháng 8/2021, y sĩ Trương Thị Ánh Mai - Trưởng trạm Y tế thị trấn Hóc Môn, H.Hóc Môn - nghĩ đến việc rời bỏ trạm. Hôm đó, khoảng 23g, từ điểm lấy mẫu, chị đội mưa về trạm. Cả ngày chưa có bữa cơm lót dạ nhưng núi công việc vẫn đang chờ xử lý khiến chị tủi thân. Chị nhớ đến các con, trước đó khoe rằng đã ăn cái trứng vịt thứ 105 trong những ngày mẹ miệt mài chống dịch. “Lúc đó, tôi chỉ thèm được ôm con, nấu cho con một bữa cơm ngon” - chị Ánh Mai nhớ lại.
May thay, khi về đến trạm, nhìn những đồng nghiệp cũng mệt nhoài như mình, chị tự nhủ: “Hơn lúc nào hết, bây giờ, mình phải vững vàng. Sao có thể bỏ đi trong lúc bao người đang cần mình”.
Lúc cao điểm dịch bệnh, thị trấn Hóc Môn là một trong hai địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất của huyện. Trạm y tế thị trấn chỉ có sáu thành viên, nhưng hai người nghỉ thai sản. Những người còn lại đều có con nhỏ từ sáu tháng đến năm tuổi. Họ gửi con lại cho gia đình, đi chống dịch từ đầu tháng Sáu đến khi thành phố trở lại “bình thường mới”. Dù được tăng cường hai bác sĩ (BS) tuyến trên, nhưng công việc ở trạm vẫn luôn quá tải: lấy mẫu xét nghiệm, phối hợp phong tỏa, cách ly, tiêm vắc xin, phát thuốc và chăm sóc người mắc COVID-19 (F0), làm báo cáo…
Thời điểm đó, hai cán bộ ở trạm đã viết đơn xin nghỉ việc. Chị Ánh Mai cho hay: “Thu nhập chỉ 3-4 triệu đồng, công việc quá vất vả, lại không về nhà nhiều tháng liền khiến người thân, gia đình các em bức xúc, yêu cầu nghỉ”. Chị ra sức động viên, an ủi mọi người, đồng thời bản thân phải cố gắng gánh vác nhiều hơn để mọi người bớt việc.
Công tác ở Trạm y tế thị trấn Hóc Môn từ năm 2008, chị Ánh Mai thu xếp học thêm lớp cử nhân điều dưỡng. Nhận được nhiều lời mời về làm việc ở các bệnh viện lớn với mức lương cao hơn, đỡ áp lực hơn nhưng càng suy nghĩ, chị càng không muốn rời xa nơi này. Gần 15 năm gắn bó, vừa làm công tác chuyên môn, vừa bảo vệ tài sản ở trạm, chị cảm thấy rất yêu công việc và muốn gắn bó với người dân địa phương.
Chị tâm sự: “Khi thực hiện các chương trình của Bộ Y tế, chúng tôi thường xuyên đến tận nhà thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là người già, người khuyết tật, bệnh nhân tâm thần, trẻ em, bà bầu… Trong quá trình này, chúng tôi có nhiều cuộc trò chuyện thân tình với người dân. Điều này khó có được nếu làm việc ở tuyến trên”.
“Tôi là người giàu có”
BS Phạm Văn Nghĩa - Trưởng trạm Y tế xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn - cũng có chung nhận định: “Làm ở trạm y tế giúp nhân viên không chỉ hiểu người dân cần gì để khỏe mạnh mà còn nắm rõ tiền sử sức khỏe từng gia đình, hoàn cảnh của họ. Đó là điểm mạnh giúp nhân viên y tế chăm sóc tốt hơn sức khỏe ban đầu cho người dân. Ngược lại, người dân cũng cởi mở “khai báo” vì yêu quý cán bộ”.
Do mối quan hệ gần gũi đó mà năm 2019, khi đang làm Trưởng trạm Y tế xã Nhị Bình, được điều về xã Đông Thạnh, BS Nghĩa đã có chút trăn trở. Ông chia sẻ: “Lúc đó, tôi không muốn rời xa nơi mình có hơn 30 năm công tác. Chỉ còn mấy năm nữa là về hưu nên tôi muốn ở lại Nhị Bình cho trọn tình với một vùng đất, trọn nghĩa với tấm lòng của người dân ở đó”.
Năm 1984, cầm tấm bằng trung học y đa khoa cùng với quyết định công tác tại Trạm y tế xã Nhị Bình, người thanh niên đầy nhiệt huyết Phạm Văn Nghĩa chỉ biết xã này là vùng sốt rét đứng đầu TPHCM. Trong khó khăn chung của đất nước, Nhị Bình còn khó khăn hơn. Vùng đất này như một bán đảo biệt lập, đường đất nhỏ hẹp, ngập lụt liên miên, điện chưa có. Trạm y tế là một trường học cũ, cơ sở vật chất sơ sài.
BS Nghĩa nhớ lại: “Khi đó, muốn thanh trùng thiết bị, phải dùng dầu hôi hoặc lá dừa đốt. Hễ đến nhà dân thăm khám thì khi về, phải “mở đường mới” do sình lầy. Tôi cũng rất nản chí”. Trạm có sáu thành viên, được quy định chăm sóc sức khỏe người dân với khoảng mười chứng bệnh thường gặp, nhưng trạm lại trở thành chỗ trông cậy duy nhất của người dân trong mọi diễn biến sức khỏe, nhiều nhất là các bệnh phụ nữ bởi xã chằng chịt kênh rạch, chưa có nước máy, còn đàn ông thì bị rắn cắn, ong chích rất nhiều.
Có lần, một sản phụ đến ngày sinh, người trong xóm làm chiếc võng khiêng chị đến trạm. Mới khiêng được vài chục phút, chị chuyển dạ. Trời tối om, mưa tầm tã, một thanh niên khỏe nhất nhận nhiệm vụ đến trạm chở cán bộ y tế. Y sĩ Nghĩa tức tốc chạy đến đỡ đẻ cho sản phụ này. Người dân đứng thành vòng tròn che chắn để nước mưa và gió mạnh không làm tắt đèn dầu. “Sinh xong, cả đám lại khiêng hai mẹ con về nhà vì đường đến trạm còn rất xa. Tôi cũng đi theo để xử lý các công việc còn lại. Sau đó, mỗi ngày, tôi phải đạp xe 90 phút vào chăm sóc cho hai mẹ con” - BS Nghĩa kể.
Những năm đó, số vụ chết đuối ở xã Nhị Bình rất nhiều. BS Nghĩa đã thành lập đội cấp cứu đường sông gồm 14 thanh niên khỏe mạnh, bơi giỏi, năm nào cũng cứu sống vài người gặp nạn. Quý các cán bộ ở trạm y tế, người dân thường xuyên đến chơi, thấy góc bếp thiếu cái nồi là lập tức đi mua, mùa nóng bức thì góp tiền mua tặng cho trạm một chiếc quạt, nhà nào có đám giỗ đều mời các nhân viên y tế dự. “Nhìn lại quãng đời đó, tôi hạnh phúc và tự thấy mình rất giàu có” - BS Nghĩa nói. Ông không muốn nhắc đến thu nhập, bởi không điều gì so sánh được với tình cảm gắn bó của ông với người dân Nhị Bình.
Năm 1999, khi theo học và tốt nghiệp BS đa khoa, BS Nghĩa nằm trong tốp năm người giỏi nhất trong hơn 100 BS cùng khóa. Như phần lớn nhân viên của các trạm y tế, việc nâng cao chuyên môn, tay nghề giúp họ có rất nhiều cơ hội, lời mời đổi thay môi trường làm việc và BS Nghĩa cũng không ngoại lệ. Ông tâm sự: “Trước những hứa hẹn đãi ngộ của họ, tôi đưa ra quyết định ngay, đó là phải đem những gì được đào tạo về giúp đỡ, cứu chữa cho bà con Nhị Bình. Nếu coi tiền bạc là lẽ sống thì tôi đã bỏ đi ngay trong những năm đầu về trạm rồi”.
Trạm vẫn còn thiếu nhiều thứ
Theo BS Nghĩa, càng về sau, xã Nhị Bình càng đón thêm nhiều cư dân nơi khác đến sinh sống. Họ không mặn mà với y tế cơ sở. Người dân bản địa cũng dần khấm khá hơn, tìm đến các bệnh viện có thương hiệu và dịch vụ nhiều hơn. Do đó, trạm y tế dần bị dạt xa chức năng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Trong những năm qua, ngành y tế đã có sự đầu tư, mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất và chuẩn hóa bằng cấp, tập huấn, đào tạo cho nhân viên tuyến y tế cơ sở nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong khi đó, môi trường làm việc áp lực, nhiều thủ tục nhiêu khê, chế độ đãi ngộ thấp, cơ hội trải nghiệm ít, khó thăng tiến... khiến ít người chịu về trạm. Cuộc chiến chống dịch COVID-19 vừa qua một lần nữa cho thấy rõ những bất cập và tầm quan trọng của y tế cơ sở.
Y sĩ Trương Thị Ánh Mai chia sẻ, sau đợt cao điểm dịch COVID-19, nhiều bệnh nhân đến trạm khám nhưng chị đề nghị họ lên tuyến trên để được kiểm tra kỹ càng: “Cơ sở không có máy chụp phổi, cũng không có BS chuyên môn nên chúng tôi không thể giúp đỡ bệnh nhân. Nếu khám ra bệnh, chúng tôi cũng không có thuốc để cung cấp cho bệnh nhân do danh mục thuốc mà Bộ Y tế cho phép trạm cung cấp quá hạn chế”.
Theo các y, BS công tác ở các trạm y tế, dịch bệnh ít nhiều mở ra cơ hội để người dân và y tế cơ sở gần nhau hơn. Nếu trước đây, người dân không mặn mà, thậm chí không biết trạm y tế ở đâu thì bây giờ, họ lưu số điện thoại của trạm, sức khỏe có vấn đề là nghĩ ngay đến trạm. “Ở góc độ nào đó, đây là thời cơ để hệ thống y tế cơ sở làm đúng chức năng là nơi cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân” - BS Phạm Văn Nghĩa khẳng định.
Theo các quy định hiện hành, trạm y tế phường, xã, thị trấn phải đảm trách 19 chương trình mục tiêu quốc gia về sức khỏe sinh sản, sức khỏe trẻ em, lao, tâm thần, da liễu, HIV, người cao tuổi, khám nghĩa vụ quân sự, vệ sinh môi trường, sốt rét, nha học đường, tiêm chủng mở rộng, truyền thông sức khỏe, bệnh không lây, khám bảo hiểm y tế (BHYT)…Gần đây, trạm y tế còn phải tham gia phòng, chống dịch COVID-19, quản lý, hướng dẫn và điều trị cho người mắc COVID-19 (F0) tại nhà.
Có quá duy ý chí hay không khi các nhiệm vụ hàng đầu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân đang bị “chất đống” lên lưng hệ thống YTCS vốn còn đầy bất cập về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, chính sách phát triển nguồn nhân lực?
Trên thực tế, người dân đến với YTCS để sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu hoặc tham vấn về bệnh tật chiếm tỷ lệ khiêm tốn do chưa có niềm tin vào chất lượng dịch vụ. Ngay tại Trạm y tế P.5, Q.3 - mô hình điểm của TPHCM, nơi có bác sĩ tuyến trên trực tiếp khám bệnh, có sự hợp tác chuyên môn từ các bệnh viện hàng đầu của thành phố - số lượng người đến khám BHYT vẫn thấp, trước dịch COVID-19 chỉ khoảng hơn 100 bệnh nhân/tháng.
Qua công tác giám sát, ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM - ngao ngán về cơ chế: “Người dân đến khám bệnh ở trạm y tế rồi lại phải lên xếp hàng ở các bệnh viện lấy thuốc. Cử tri kiến nghị cơ quan bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế cần nghiên cứu tạo điều kiện cho người cao tuổi, người có bệnh mãn tính được nhận thuốc BHYT định kỳ tại các trạm y tế thay vì phải đến các bệnh viện nhằm giảm áp lực cho tuyến trên và thuận lợi cho người dân hơn”.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng thẳng thắn đánh giá về YTCS: “Khối lượng công việc thuộc chức năng đã nhiều, số lượng nhân viên y tế ở mỗi trạm lại quá ít. Vì vậy, một trong những bài học hết sức quan trọng rút ra từ các đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua là phải củng cố, nâng cao năng lực YTCS. Muốn vậy, ưu tiên số một vẫn là bổ sung nhân lực cho YTCS”. Để hiện thực hóa điều này, trong năm 2022, Sở Y tế TPHCM đã đưa 297 bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp về thí điểm thực hành lâm sàng tại 310 trạm y tế.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Bùi Minh Trạng - Giám đốc Viện Tim TPHCM - cần giải quyết một số vấn đề gốc rễ của YTCS nói chung, nhân lực YTCS nói riêng. Sắp tới, dự thảo Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, bổ sung sẽ được trình Quốc hội; nếu được thông qua tại kỳ họp tới, luật sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2023. Luật mới dự kiến cho phép trạm y tế cấp xã có giường lưu bệnh trong 72 giờ, nghĩa là nhân sự ở trạm phải có chứng chỉ hành nghề để điều trị. Nếu khoảng cách về thu nhập, đãi ngộ còn lớn thì bất cứ nhân viên y tế nào hội đủ điều kiện đều muốn bỏ YTCS để lên tuyến trên hoặc chuyển sang hệ thống y tế tư nhân để có thu nhập và cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn.
“Ở các bệnh viện tuyến trên, cơ hội nâng cao khả năng nghề nghiệp, cơ hội học hành nhiều hơn, họ dễ trở thành chuyên gia có uy tín hơn. Cơ sở ở tuyến dưới ngại cho người ta đi học do lo rằng, khi trình độ cao hơn, nguy cơ nghỉ bỏ nhiệm sở cũng cao hơn. Ngoài nhu cầu được đào tạo, rèn luyện, cần luân chuyển bác sĩ và nhân viên y tế chứ không nên buộc họ ở mãi YTCS được” - bác sĩ Bùi Minh Trạng nói.
Còn nhiều vấn đề về YTCS cần được mổ xẻ. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu một đề xuất nhỏ: để đánh giá chính xác các vấn đề của YTCS, nên có những khảo sát khoa học với chính những người đã từng rời bỏ YTCS. Hiện nay, trong các chương trình nghiên cứu cấp bộ, sở, các bản mẫu khảo sát chỉ chủ yếu dành cho những người còn bám trụ với YTCS. Như vậy, sẽ không thể nắm được chính xác thực trạng, sự bất cập của YTCS và những gì đang khiến nhân sự của YTCS chưa yên tâm làm việc, cống hiến.
Trạm y tế kiểu mẫu
Trước đây, như nhiều người khác, ông K. nghĩ rằng, trạm y tế chỉ là nơi phòng, chống dịch bệnh và chích ngừa chứ không có chức năng chữa bệnh. Thêm nữa, “Trạm Y tế phường 22 trước đây rất lụp xụp, nhìn là không muốn vô” - ông K. chia sẻ. Do đó, khi cần khám, chữa bệnh, ông đến bệnh viện; khi nhức đầu, sổ mũi, ông ra tiệm thuốc tây mua uống mà không ghé đến trạm y tế của phường.
Cuối năm 2019, ông K. đi ngang Trạm Y tế phường 22, ngỡ ngàng khi thấy trạm được xây khang trang, cao mấy tầng. Ông cũng nghe nhiều người truyền tai về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà do trạm này triển khai. Ngày nọ, thấy trong người mệt mỏi, ông đến trạm để được thăm khám. “Lúc vào đây, tôi rất bất ngờ vì thấy chỗ để xe gọn gàng, phòng ốc tinh tươm. Trạm có nhiều phòng chuyên khoa độc lập với trang thiết bị đầy đủ. Tôi đi thử một vòng, thấy trạm như một bệnh viện đa khoa thu nhỏ” - ông K. kể.
Cũng theo ông K., từ đó, mỗi khi gặp vấn đề về sức khỏe, ông đều ra trạm y tế. Đặc biệt, ông rất thích thú khi tham quan phòng đông y - nơi có máy điện xung, máy kéo giãn cột sống, máy hiệu ứng nhiệt, châm cứu: “Tôi chuyển hẳn việc điều trị từ Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM về đây. Mà hình như bác sĩ ở đây mát tay vì tôi thấy bệnh đỡ nhiều”. Y sĩ Nguyễn Thanh Phong - phụ trách phòng đông y của trạm - cho hay, mỗi ngày, phòng tiếp nhận 30 bệnh nhân đến khám và điều trị.
Hôm chúng tôi đến, Trạm Y tế phường 22 khá nhộn nhịp. Chỉ trong một buổi sáng, các phòng chuyên khoa đã khám chữa cho hơn 20 bệnh nhân, ngoài hành lang luôn có khoảng mười người đang chờ. Các bác sĩ, nhân viên y tế niềm nở, vui vẻ trò chuyện với từng bệnh nhân.
Anh N.V.V. tay ôm đầu, máu từ vết thương trên đầu chảy loang xuống cánh tay. Đang thăm hỏi một bà mẹ đưa con đến tiêm chủng, chị Ngô Thị Minh Thu - Trưởng trạm Y tế phường 22 - liền chạy đến sơ cấp cứu cho anh V. Sau khi sát khuẩn, làm sạch vết thương và khâu ba mũi cho bệnh nhân, chị Minh Thu ân cần: “Anh cố gắng đừng để ướt vết thương; nếu phải gội đầu thì sau khi gội xong, nhớ đến đây xử lý liền”. Anh V. kể, anh làm phụ hồ cho một công trình gần đây, bị cây xà gồ rớt trúng đầu. May mà trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi, anh lưu địa chỉ của trạm nên lúc bị tai nạn, liền đến đây, rất tiện.
Không phải ngẫu nhiên mà Trạm Y tế phường 22, quận Bình Thạnh lại thu hút nhiều người dân đến vậy. Theo chị Minh Thu, Trạm Y tế phường 22 là mô hình điểm trạm y tế hoạt động theo hướng y học gia đình. Theo đó, năm 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 21 hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình. Thông tư quy định cơ sở y học gia đình là cơ sở tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, cấp cứu, khám chữa bệnh đa khoa. Mô hình y học gia đình được kỳ vọng giảm tải rất nhiều cho các bệnh viện tuyến trên. Được chọn lựa thí điểm theo mô hình này, thời gian qua, Trạm Y tế phường 22 được đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng bài bản.
Khó giữ chân người giỏi
Trạm Y tế phường 22, quận Bình Thạnh có tổng cộng 9 nhân viên và 2 bác sĩ đa khoa. Theo chị Minh Thu, trong dịch bệnh, có những ngày, phường ghi nhận 300 ca mắc COVID-19 (F0) khiến nhân sự ở trạm liên tục bị quá tải công việc. Sắp tới, khi trạm hoạt động theo mô hình y học gia đình bên cạnh đảm trách 18 chương trình chăm sóc sức khỏe của Bộ Y tế cho gần 70.000 dân của phường, nhân sự của trạm cơ bản đáp ứng được công việc. Điều mà chị Minh Thu lo lắng nhất chính là 2 bác sĩ đang công tác tại trạm dưới dạng hợp đồng, bởi chính sách đãi ngộ vẫn phải trông chờ cấp trên.
Bác sĩ Đinh Quang Nhân (chuyên khoa 1 nội tổng quát) cho hay, ông về công tác tại Trạm Y tế phường 22 từ tháng 9/2021. Trước đó, ông làm việc cho một phòng khám đa khoa lớn ở TPHCM. “Dịch bùng phát, tôi xung phong đi chống dịch, chứng kiến đội ngũ nhân viên y tế cơ sở quá cực nên quyết định làm việc theo diện hợp đồng với trạm để đỡ đần cho đồng nghiệp” - bác sĩ Nhân kể.
Theo ông, điều khiến ông vui và hạnh phúc nhất khi công tác ở trạm là được tiếp xúc với rất nhiều người dân, hiểu và gần gũi họ. Với tính chất công việc, ông có thể đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Ông trải lòng: “Nhiều người có thu nhập thấp, làm nghề bán vé số, đạp xích lô, lượm ve chai đổ bệnh nhưng không có tiền đến bệnh viện nên vào trạm y tế. Thậm chí, họ thích vào trạm hơn bởi không phải chầu chực cả ngày như khi vào bệnh viện. Giúp được họ khiến tôi thấy công việc của mình rất có ý nghĩa”.
Yêu công việc ở trạm, nhưng bác sĩ Đinh Quang Nhân thừa nhận, chỉ có thể gắn bó với y tế cơ sở cho đến khi thấy không thể sống được với mức lương hiện tại: “Tôi không đòi hỏi, nhưng thu nhập phải đủ sống thì mới an tâm cống hiến. Có lẽ ai cũng vậy thôi”. Theo ông, lương thực nhận chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 1/4 so với mức lương của bác sĩ ở phòng khám đa khoa, nhưng công việc lại áp lực, nặng nhọc hơn rất nhiều. Y tế cơ sở là tuyến gần gũi người dân nhất nên ông mong chính quyền TPHCM không chỉ có các chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực mà còn có chính sách đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng hiệu quả hơn.
Chính quyền địa phương “gỡ khó” cho y tế cơ sở
Vừa qua, quận 11 dẫn đầu các quận, huyện của TPHCM về tốc độ tiêm phủ vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân. Theo bác sĩ Vương Anh Tài - Trưởng phòng Y tế quận 11 - ngay khi UBND thành phố triển khai chiến dịch tiêm vắc xin, UBND quận chủ động vận động hệ thống y tế tư nhân và lực lượng y, bác sĩ về hưu trong quận vào cuộc. Sau đó, chính đội ngũ này tiếp tục cùng với các trạm y tế cố định chăm sóc, điều trị cho người mắc F0 tại nhà khi các lực lượng hỗ trợ của Sở Y tế TPHCM, quân y của Bộ Quốc phòng rút về.
Đến nay, ngành y tế quận 11 vẫn duy trì 9 trạm y tế lưu động, trong đó một số trạm phụ trách đến hai phường, đảm bảo đủ 16 đội y tế lưu động/16 phường để hỗ trợ 16/16 trạm y tế cố định. “Việc nới lỏng biện pháp cách ly kéo theo số ca nhiễm COVID-19 tăng cao. Phần lớn bệnh nhân không trở nặng nhưng việc duy trì các trạm y tế lưu động là cần thiết, nhằm có sự tập trung theo dõi, chăm sóc và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, đặc biệt là với F0 có bệnh nền, thuộc nhóm nguy cơ cao” - bác sĩ Vương Anh Tài chia sẻ.
Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM: Không để y tế cơ sở đơn độc
Công tác chống dịch vừa qua tại TPHCM một lần nữa nhấn mạnh vai trò của y tế cơ sở. Bên cạnh đề án nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, trong thời gian qua, Sở Y tế TPHCM còn mạnh dạn đề xuất một số cơ chế mang tính đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND TPHCM để củng cố, nâng cao năng lực cho các trạm y tế. Cụ thể, sở đã soạn thảo nghị quyết để trình UBND TPHCM về việc cho phép các trạm y tế được hợp đồng với bác sĩ nghỉ hưu, bổ sung dược sĩ, hộ lý và các cơ chế hỗ trợ thu nhập để nhân viên các trạm y tế an tâm công tác.
Việc củng cố, nâng cao chất lượng của y tế cơ sở là trách nhiệm, ưu tiên hàng đầu của ngành y tế TPHCM trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong năm này. Tờ trình đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, được lấy ý kiến từ các bộ, sở, ban, ngành liên quan. Tới đây, kỳ họp HĐND TPHCM sẽ xem xét, thảo luận và nếu được thông qua, nghị quyết này sẽ mở ra cánh cửa quan trọng cho sự phát triển của y tế cơ sở.
Nếu củng cố được năng lực của y tế cơ sở, chúng ta sẽ chủ động được trong nhiều hoạt động khác. Trước hết, đó là chăm sóc sức khỏe cho người dân, quản lý sức khỏe những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính không lây, triển khai thực hiện các chương trình sức khỏe khác, đồng thời chủ động được nguồn lực trong trường hợp cấp bách liên quan đến dịch bệnh.
Đối với những cơ chế chính sách không thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố, Sở Y tế TPHCM vẫn tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành liên quan, như kiến nghị Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc của trạm y tế tương đồng với danh mục thuốc của bệnh viện tuyến trên khi chăm sóc bệnh nhân nội trú. Hiện nay, ngành y tế quy định các trạm y tế chỉ có bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, hộ sinh nhưng để trạm y tế phát triển, cần nhiều nhân viên khác, như kỹ thuật viên xét nghiệm, y sĩ đông y… Chúng tôi cũng rất kỳ vọng vào Luật Khám chữa bệnh sửa đổi theo hướng nhân viên y tế công tác ở các trạm y tế càng xa trung tâm thì mức lương phải càng cao.
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Cần có nhiều chính sách thu hút bác sĩ giỏi
Y tế cơ sở ví như hệ thống “gác cửa” sức khỏe cho người dân. Qua đại dịch, chúng ta đã thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Do đó, y tế cơ sở cần phải được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngành y tế TPHCM hiện có nhiều chương trình hành động để nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, trong đó có chương trình đưa bác sĩ trẻ về trạm.
Theo tôi, để tăng cường, phát huy năng lực cho các trạm y tế, trước tiên, phải có nhiều chính sách thu hút bác sĩ giỏi. Để làm được điều này, trước hết, phải có sự phân bổ hợp lý tỷ lệ bác sĩ ra trường về y tế cơ sở so với bác sĩ về các bệnh viện. Các em về cơ sở cũng phải được đào tạo, huấn luyện chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu công việc và nhận được các chính sách đãi ngộ về tiền lương, cơ hội học tiếp chuyên khoa, thậm chí học cao học, tiến sĩ. Hai là, cần có chính sách hỗ trợ hoạt động chuyên môn của y tế cơ sở, bao gồm bảo hiểm y tế, thuốc, trang thiết bị và sự hỗ trợ của hệ thống y tế tuyến trên, sao cho có sự luân chuyển, phối hợp nhịp nhàng giữa tuyến cơ sở và tuyến quận huyện, các bệnh viện.
Ba là, có chính sách liên quan đến người sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, tức người dân. Người dân phải được đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở y tế cơ sở, có nhiều gói dịch vụ và nếu được thì nên miễn phí cho họ. Ví dụ như một năm, người dân được khám sức khỏe miễn phí hai lần nếu đăng ký khám, chữa bệnh ở y tế cơ sở. Sau đó, cần hướng tới việc bác sĩ ở cơ sở lập hồ sơ theo dõi sức khỏe để người dân được chăm sóc kịp thời và liên tục, khi cần thì chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
Trong đợt dịch vừa qua, nếu không có hệ thống y tế cơ sở thì bệnh nhân phải chuyển lên tầng điều trị 2, 3 rất nhiều, có thể dẫn đến một tỷ lệ tử vong khủng khiếp. Do vậy, tăng cường y tế cơ sở không chỉ đáp ứng tình hình mới mà là giải pháp căn cơ nhằm kiện toàn hệ thống y tế, phân bố lại luồng bệnh nhân một cách hợp lý theo hướng bảo vệ và chăm sóc ban đầu tại cơ sở, sau đó mới tới tuyến trên.
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng nhân sự ở y tế cơ sở không có chuyên môn sâu. Thực chất, đây là tư duy tồn tại từ lâu và cần phải có thời gian để xóa bỏ nó, tức là lấy lại lòng tin của người dân. Ngành y tế cần quan tâm triển khai những hoạt động thiết thực và hiệu quả để người dân tin tưởng giao sức khỏe của mình cho trạm y tế chăm sóc. Cái cốt lõi nhất để tăng cường y tế cơ sở và niềm tin trong người dân là triển khai mạng lưới bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế cơ sở, vốn gần người dân nhất. Song song đó, cần tăng cường hơn nữa hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân tại nhà và chỉ có y tế cơ sở mới làm được điều này.
Bài: Quốc Ngọc, Tuyết Dân, Phong Vân
Thiết kế: Hoàng Triết