Thành ủy TP.HCM vừa tổ chức buổi họp mặt báo chí đầu năm 2019 vào chiều 8/1, với sự tham gia của lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí. Tại buổi họp mặt này, những ưu tư, trăn trở của năm qua được điểm lại, để cùng tìm ra hướng đi cho một năm mới được kỳ vọng gặt hái nhiều thành tựu.

Vấn đề quản lý, sử dụng đất công và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong đó nổi cộm là những vụ việc liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Bên cạnh những tồn tại, hạn chế, kể cả những sai phạm của cán bộ, chính quyền các cấp thuộc Thành phố, qua các vụ việc còn thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền Thành phố trong việc xử lý triệt để vấn đề, giải quyết thỏa đáng quyền lợi hợp pháp của người dân và đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất việc thất thoát tài sản của Thành phố.

Theo đó, lãnh đạo Thành phố đã cầu thị lắng nghe ý kiến người dân, thành tâm nhận lỗi trước nhân dân về những sai sót trong quá trình thực thi các chính sách liên quan đến việc xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) và đề ra lộ trình giải quyết vụ việc.

Chiều 20/6/2018, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng tổ đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận 2, đối thoại về vấn đề dự án KĐTMTT. Hơn 6 tiếng đối thoại lịch sử, có lúc người dân bức xúc, phản ứng dữ dội, có người lớn tiếng, có người toan giành micro nhưng Bí thư vẫn lắng nghe và liên tục trấn an người dân.

Một số kết quả thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: “Bước đầu Nghị quyết 54 có tác động đến Thành phố như thu nhập tăng thêm, một số đề án đang bước đầu hoạt động. Hiện nay, 18 quận huyện triển khai chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, khuyến khích tinh thần lao động, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, công chức Thành phố.

Thành phố trình Chính phủ đề án cơ quan quản lý vốn Nhà nước, ban hành đề án ủy quyền với 85 đầu việc được Chủ tịch Thành phố ủy quyền cho người đứng đầu sở ngành, quận huyện, giảm áp lực công việc cho Thành phố.

Thành phố xác định danh mục 31 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (trên 10ha). HĐND Thành phố cũng thông qua danh mục 3 dự án nhóm A: rạp xiếc đa năng, nhà hát Thủ Thiêm…

Năm 2019, Thành phố xác định là năm đột phá về cải cách hành chính”.

 

 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân

“Năm 2018 là năm vượt khó. Như vụ biểu tình đông người vào tháng 6, sự kiện người dân Thủ Thiêm khiếu nại, cán bộ bị kỷ luật… khiến Thành phố và cấp ủy phải suy nghĩ.

Năm 2018 cũng là năm đoàn kết và sáng tạo. Những khó khăn trên nếu Thành phố không đoàn kết lại thì không thể giải quyết được. Ví dụ như vụ Thủ Thiêm, lãnh đạo Thành phố đã họp tới 10 lần để giải quyết”.

 

Ngày 16/7, một số người dân đã khóc khi thấy Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đến thăm chung cư Bình Khánh và khu tạm cư Thủ Thiêm (quận 2). Bí thư Thành ủy đi lên các hộ dân trên các tầng để thị sát, thăm hỏi.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận 2 sáng 20/10, ông Nguyễn Thiện cho biết từ tháng 5-10, Thường vụ Thành ủy đã họp 6 lần đều giải quyết vấn đề Thủ Thiêm. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết Thành phố cam kết những người vi phạm phải bị kiểm điểm, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Sau khi Thanh tra Chính phủ có thông báo 1483 liên quan các khiếu kiện tại dự án KĐTMTT hồi đầu tháng 9 và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo kết luận này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã 3 lần tiếp người dân Thủ Thiêm.

Lần gặp đầu tiên vào ngày 18/10 với khoảng 30 hộ ở khu phố 1, phường Bình An. Đây là các trường hợp có đất ở khu 4,3 ha, được Thanh tra Chính phủ xác định nằm ngoài ranh quy hoạch. TP.HCM đề xuất giải pháp bồi thường hỗ trợ là hoán đổi đất ngang giá trị, cùng mục đích. Ba khu đất đối diện tiếp giáp cầu Bình Khánh, rộng khoảng 18.000 m2 đã được chọn để thẩm định, làm căn cứ hoán đổi.

 

Lần gặp thứ hai vào ngày 7/11 với khoảng 40 hộ phường Bình An và phường Bình Khánh, được cho là trong ranh quy hoạch.

Lần gặp thứ ba vào ngày 14/11 với 50 hộ dân ở 3 phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông, được cho là trong ranh quy hoạch.

Tại hai lần gặp sau, Thành phố đưa ra 10 nội dung về chính sách bồi thường, hỗ trợ bổ sung để xin ý kiến người dân.

Bí thư thành ủy TP.HCM nói gì về năm “sóng gió” 2018?

Năm 2018 là năm vượt khó. Năm 2018 cũng là năm đoàn kết và sáng tạo. Thành phố tổ chức diễn đàn kinh tế lần 1 với gần 800 người tới dự.

Thành phố quyết định xây dựng trung tâm báo chí vì đây là thành phố lớn, nhiều người tới đưa thông tin.

Năm 2018, chính quyền và người dân Thành phố cùng tham gia trong mọi sự kiện, công việc của Thành phố. Năm vừa qua Thành phố cũng hoàn thành nhiệm vụ kinh tế, giữ vững vị trí kinh tế đứng đầu cả nước, đạt 23,9% GDP cả nước.

Năm 2018 cũng nỗ lực khắc phục yếu kém kéo dài. Hệ thống không tự phát hiện mà chờ cấp trên thanh tra, Thành phố phát hiện qua thông tin phản ánh của người dân. Chúc Thành phố đoàn kết hơn, sáng tạo hơn, kỷ cương hơn, hạnh phúc hơn.

 

Trước ý kiến của các hộ dân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định sự cầu thị lắng nghe, cả ý kiến đồng thuận lẫn chưa đồng thuận. Thay mặt chính quyền các thời kỳ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm vì những sai sót, hạn chế trong quá trình thực hiện quy hoạch KĐTMTT. "Tôi chia sẻ sự hy sinh của những hộ dân vì sự phát triển của Thành phố mà phải rời khỏi nơi ở của mình, nơi gắn bó từ thuở bé. Tôi rất xin lỗi!" - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chân thành.

Chủ tịch UBND TP khẳng định ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Thành phố đã có Kế hoạch 821 triển khai thực hiện ngay. Trong đó có việc lắng nghe ý kiến người dân để hoàn thiện chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư và khẩn trương khắc phục các vi phạm. "Như Thông báo 1483 đã nêu, trong những sai sót có việc 4,3 ha đất nằm ngoài ranh. Để sửa sai, Thành phố đã tiếp xúc các hộ dân và đề ra chính sách" - ông Nguyễn Thành Phong nói.

 

Trưởng Ban tiếp công dân Chính phủ Nguyễn Hồng Điệp bày tỏ Chính phủ, Thanh tra Chính phủ rất quan tâm vấn đề này. Ông Điệp đề nghị chính quyền cố gắng làm sao giải quyết cơ bản quyền lợi cho dân trước Tết âm lịch, nhất là ổn định nơi ở, đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Ông Điệp cho biết sẽ báo cáo lên Chính phủ, Thanh tra Chính phủ các ý kiến của bà con và khẳng định Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành với Thành phố, bà con để cùng nhau giải quyết dứt điểm các khiếu nại ở Thủ Thiêm.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân:

“Năm 2018, Thành phố có nhiều sóng gió, có cán bộ bị xử lý vi phạm. Đó là tổn thất với Thành phố. Thường vụ Thành ủy cũng buồn vì kỷ luật cán bộ.

Mỗi người, mỗi cấp phải rút kinh nghiệm, nếu vi phạm pháp luật sẽ gây hiệu quả kéo dài, mà chắc chắn nếu hôm nay vi phạm thì trong tương lại sẽ bị phát hiện.

Cán bộ phải ghi nhớ những công thức sai phạm để tránh làm trái pháp luật, để xác định được đúng sai. Khi làm việc, người lãnh đạo phải tập trung, dân chủ, việc này giúp làm việc và hành xử an toàn. Tiếp theo, phải nhạy cảm chính trị, làm lãnh đạo càng cao thì phải biết quyết định của mình ảnh hưởng đến càng nhiều người.

Năm vừa rồi, các cấp ủy tiếp nhận 1.455 tin qua báo chí, khiếu nại tố cáo, giám sát, tiếp xúc cử tri. Cấp ủy đã lập tức yêu cầu chính quyền xử lý. Cả năm 2018, có 93 công chức và 59 đảng viên bị kỷ luật. Đây là con số không mong muốn, chủ yếu do người dân phát hiện, chứ không phải do chính quyền thành phố phát hiện”.

 

Vấn đề xử lý cán bộ có sai phạm

Cùng với việc các cơ quan của Trung ương phát hiện, xử lý sai phạm của cán bộ, Thành phố cũng chủ động đề ra các giải pháp để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm của tập thể, cá nhân nhằm thực hiện tốt nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tinh thần thẳng thắn, công tâm, khách quan. Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành và triển khai thực hiện Quy định số 1374-QĐ/TU, ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong 9 tháng đầu năm, Thành phố có 59 đảng viên bị kỷ luật, trong đó 1 đảng viên bị khai trừ, 3 đảng viên bị cách chức, 8 đảng viên bị cảnh cáo và 47 đảng viên bị khiển trách. Về mặt chính quyền, trong số 93 cán bộ công chức bị xử lý kỷ luật, buộc thôi việc 2 người, cách chức 10 người, cảnh cáo 20 người và khiển trách 60 người.

Vấn đề liên quan đến Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

Bao gồm những sai phạm theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về điều chỉnh dự án dẫn đến đội vốn đầu tư và việc cán bộ Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố xin nghỉ việc hoặc đi nước ngoài khi chưa được chấp thuận.

Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên của TP.HCM, chỉ tính riêng việc thay đổi kết cấu dầm làm tăng giá trị công trình 1.420 tỷ đồng; xác định đơn giá và tính toán sai khối lượng tại một gói thầu làm tăng dự toán hơn 1.600 tỷ đồng; tăng quy mô nhà ga làm tăng 3.224 tỷ đồng… Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý gần 2.900 tỷ đồng. Tính từ tháng 7/2016 đến tháng 11/2018 có tới 45 người nghỉ việc. Trong số đó có 5 lãnh đạo phòng ban, 37 chuyên viên và thêm 3 người nghỉ do tinh giản biên chế.

 

Vấn đề an sinh xã hội còn nhiều điều đáng quan tâm

Tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp, tội phạm ngày càng trẻ hóa, manh động, nổi lên là tội phạm về ma túy, cướp giật có vũ khí; tình trạng các băng nhóm xã hội đen hoạt động bảo kê, cho vay tín dụng đen. Tình trạng kẹt xe, ngập nước vẫn diễn ra thường xuyên, chưa xử lý triệt để và có dấu hiệu ngày càng gia tăng về tính chất, mức độ phức tạp. Việc phân loại, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường dù được Thành phố tạo thành phong trào hành động chung và ban hành quy định chế tài nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. Đời sống công nhân các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn, nhu cầu cuộc sống không được đáp ứng phù hợp. Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP.HCM xác nhận trên địa bàn Thành phố có 873 đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật và vi phạm lãi suất. Trong đó hơn 2/3 là người các tỉnh phía bắc, không ít đối tượng đang bị điều tra, truy nã.

“Ngập nước đã đau khổ, bức xúc rồi mà còn có bức xúc nữa là kẹt xe. Kẹt xe, do thành phố vẫn chưa đạt chuẩn đường trên km2. Tốc độ xây đường 150 năm nữa mới đạt chuẩn quốc tế. Diện tích cho giao thông chỉ đạt 9%, trong khi chuẩn là 23%. Đây là những chỉ số dài hạn mà Thành phố chưa giải quyết được.

Năm 1975, Thành phố có hơn 3 triệu dân, nay gần 9 triệu người, trung bình 5 năm tăng 1 triệu. Năm 2018, 100 người dân có 100 chiếc xe… Giải pháp ngắn hạn: điều chỉnh giao thông, điều tiết giao thông thông minh cần tăng cường trong năm 2019. Tăng chỗ đỗ xe, tìm bãi xe thông minh.

Kẹt xe là đau khổ kéo dài. Nhất quyết không cho xây dựng nhà cao tầng khu vực không được quy hoạch. Cần điều chỉnh hành vi người đi đường. Thành phố không bó tay mà làm dài hạn”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân

 

Chuyện kẹt xe ở TP.HCM đã được bàn rất nhiều trong hàng chục năm nay. Nhiều giải pháp đã được đề xuất, nhưng tất cả đều chỉ là những ý tưởng, theo kiểu định tính, thể hiện ý chí mà không chứng minh định lượng, thành ra không có sức thuyết phục. Chính vì vậy, các cơ quan công quyền cũng như người dân chỉ nghe, chỉ bàn, cuối cùng vẫn không ai có thể chấp nhận giải pháp nào. Kết quả “kẹt” vẫn hoàn “kẹt”, “tắc” vẫn hoàn “tắc”, hơn nữa “kẹt” và “tắc” ngày càng trầm trọng.

 

Chị Nguyễn Thị Vân (quê ở Bình Định) vào TP.HCM gần chục năm nay, lo lắng giá cả luôn tăng, trong khi tiền lương không tăng nhiều. “Tôi mong lãnh đạo hãy xuống các khu công nghiệp, các khu chế xuất, các chợ tạm, những khu nhà trọ của công nhân để thấy được cuộc sống của chúng tôi. Từ đó, có tiếng nói thực tế hơn về cuộc sống của công nhân và có chính sách hỗ trợ tốt hơn” - chị Vân nói.

“Cái gì chưa rõ nguyên nhân phải tìm rõ để có giải pháp, hiện chưa giải pháp căn cơ… Chỗ ngập tăng thêm, mưa nhiều, cường độ lớn, triển khai đô thị hóa, mặt đất nhiều nơi đang lún nên nguy cơ ngập tăng lên là tất yếu.

Nhiều nước lớn người ta làm đê ngăn nước từ bờ biển. Đê sông, phải làm cống ngăn triểu. Đây là giải pháp cần thiết và Thành phố đang làm.

Thoát nước cục bộ, thoát nước dưới hệ thống cây xanh, công viên, đang triển khai tại Thủ Đức. Xả rác gây ngập, Thành phố đang vận động người dân không xả rác. Việc này tuy nhỏ nhưng là giải pháp căn cơ. Công trình giảm ngập phải đảm bảo tính khoa học”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân

 

Công tác quy hoạch và quản lý đô thị vẫn còn nhiều bất cập

Thực tiễn phát triển đô thị trong những năm qua cho thấy Thành phố đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức cả cũ và mới của quá trình phát triển đô thị. Bên cạnh những vấn đề mang tính chất thời sự như dân số cơ học tăng nhanh, ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường… Thành phố còn phải đối mặt với những vấn đề mới như sụt lún, nhu cầu năng lượng cho các lĩnh vực sản xuất mới, cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp số. Từ những vấn đề thực tiễn nêu trên, công tác quy hoạch và quản lý đô thị phải được đặc biệt quan tâm.

Tính bình quân 15 năm trở lại đây, cứ 5 năm, dân số Thành phố tăng thêm 1 triệu người. Theo tốc độ này, tới năm 2035, dân số thường xuyên của TP.HCM khoảng 13,5 triệu người, chưa kể dân vãng lai. Với số dân tăng nhanh, hạ tầng không thể đáp ứng được, cần có cơ chế phối hợp vùng để giúp các vùng phát triển nhanh hơn, thu nhập cao hơn, qua đó làm giảm áp lực dân số đối với TP.HCM.

Chống ngập giống như trị bệnh

- Thứ nhất, rà soát lại toàn bộ quy hoạch 1/2.000 để điều chính cốt nền phù hợp thực tế. Hiện nay, cao độ các vùng của Thành phố khác nhau.

- Thứ hai, quản lý san lấp kênh rạch.

- Thứ ba, xử lý hành lang lấn chiếm cửa xả, rác thải, bít miệng thu nước… Tình trạng này diễn ra rất nhiều. Vừa qua Thành phố phát động phong trào không xả rác.

- Thứ tư, duy tu nạo vét cống thoát nước. Thực tế, nhiều địa bàn tốc độ đô thị hóa nhanh nên nhiều con đường không có cống thoát nước như quận 2, 9… xảy ra ngập cục bộ khi mưa lớn.

- Thứ năm, quản lý mốc bờ cao hành lang bảo vệ kênh rạch.

- Thứ sáu, tăng cường không gian trữ nước, hồ điều tiết.

- Thứ bảy, giải quyết vướng mắc trong giải ngân dự án ngập do triều.

- Thứ tám, triển khai đưa vào sử dụng các công trình chống ngập.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong

 

Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính

Thành phố cần cải tạo môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài; cải cách các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư; hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp trong thanh niên. Thành phố đang tiến hành xây dựng đô thị thông minh, Thành phố có chất lượng sống tốt. Xây dựng đô thị thông minh có hai mục tiêu là phải xây dựng thành công chính quyền đô thị và áp dụng giải pháp công nghệ để giải quyết những vấn đề quản lý, quy hoạch, vấn đề cung cấp dịch vụ tiện ích, nâng cao đời sống người dân. Chính vì vậy, cải cách hành chính đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính quyền vì dân phục vụ, để đưa Thành phố phát triển nhanh và bền vững.

“Còn 2 năm nữa hết nhiệm kỳ, năm 2019 cần đột phá về cải cách hành chính. Năm 2019 sẽ có đo lường việc cải cách hành chính ở từng phường xã để nhìn thấy được bằng con số. Bà con mong muốn trả hồ sơ đúng hạn. Quy trình liên sở ngành cần phải có đề án đẩy nhanh tiến độ.

Việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư còn kéo dài. Thành phố cần xây dựng quy trình nhanh hơn, đây là đột phá lớn. Thành phố dân đông nên ủy quyền 85 đầu việc cho giám đốc sở, chủ tịch quận huyện là rất cần thiết.

Cải cách hành chính là nhắc lại việc đang làm nhưng chưa hiệu quả. Năm nay Thường vụ Thành ủy có chương trình giám sát cải cách hành chính”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân

 

TP.HCM là đô thị lớn của cả nước với hơn 10 triệu dân và hơn 300.000 doanh nghiệp trong nước, nước ngoài hoạt động. Nhu cầu về giải quyết thủ tục hành chính hàng ngày đối với các cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố, trung bình mỗi ngày hướng dẫn cho hơn 500 lượt doanh nghiệp đến liên hệ trực tiếp và hơn 1.000 lượt doanh nghiệp liên hệ qua internet, điện thoại; nhận và trả hơn 1.500 hồ sơ liên quan đến đăng ký doanh nghiệp. Chưa kể, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính tại Sở hàng năm khoảng 300.000 hồ sơ. Trước khối lượng công việc nói trên, Sở thực hiện kết hợp 4 thủ tục gồm thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục thông báo mẫu con dấu, thủ tục đăng ký thông tin tài khoản ngân hàng và thủ tục đăng ký mã đơn vị để khai bảo hiểm xã hội trong 1 lần đăng ký và doanh nghiệp đồng thời nhận kết quả 4 loại giấy tờ nói trên cùng một lúc…

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ly, nhân viên Công ty Luật Nguyên Giáp, đi làm hồ sơ cho công ty, nói: “Tôi thấy, việc cải cách hành chính ở Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố đang áp dụng với thủ tục hồ sơ ngày càng đơn giản hóa, thời gian giải quyết hồ sơ nhanh gọn đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ làm việc nhiệt tình, hướng dẫn cặn kẽ”.

 

Sở Xây dựng Thành phố đã mạnh dạn thực hiện cắt giảm 30% thời gian giải quyết đối với 4 thủ tục hành chính gồm: thủ tục thẩm định hồ sơ đề xuất chấp thuận đầu tư các dự án phát triển khu đô thị, phát triển nhà ở thương mại; thủ tục thẩm định hồ sơ chuyển nhượng dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp; thủ tục cấp giấy phép thầu cho nhà thầu nước ngoài; thủ tục có ý kiến về danh sách đăng ký thuê, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn không phải từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, đơn giản hóa thành phần hồ sơ của thủ tục hành chính tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.

Sau 1 năm 7 tháng, “người trở về” nói gì?

“Sau 1 năm 7 tháng giữ cương vị Bí thư Thành ủy, sau khi đã đi khỏi Thành phố 11 năm, khi quay lại tôi vẫn thấy đây là Thành phố truyền thống, năng động, cách mạng, cạnh tranh. Tôi rất mừng. Tuy nhiên, nếu được hỏi có gì chưa hài lòng, thì vẫn còn.

TP.HCM có nguồn lực rất lớn. Thành phố đã có tích lũy về năng lực con người. Có tới 1 triệu người có trình độ đại học, cao đẳng. Năng lực nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tốt, nhiều trường đại học, cao đẳng cũng là tài nguyên tích lũy của Thành phố.

Quan hệ hợp tác quốc tế và thương mại cũng là nguồn lực của Thành phố. Thành phố còn có tích lũy về kinh tế, với lực lượng doanh nghiệp khá khổng lồ, chiếm 54% GDP của cả nước.

Đây là những nguồn lực của Thành phố, nhưng đến nay vẫn chưa phát huy được hết, cũng chính là thứ khiến chưa hài lòng.

Trăn trở nhất của tôi là làm thế nào có thể phát huy thế mạnh nguồn lực Thành phố đang có”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân

 

Xây dựng đội ngũ cán bộ có “tâm” và có “tầm”

Việc thông qua các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, việc triển khai xây dựng đô thị sáng tạo, đô thị thông minh sẽ giúp Thành phố phát triển nhanh, mạnh và sâu hơn. Tuy nhiên, cùng với những điều kiện sẵn có, việc sàng lọc, siết lại chất lượng đội ngũ cán bộ là điều mà Thành phố cần quan tâm hơn cả. Làm sao để có được một đội ngũ cán bộ thực sự giỏi về chuyên môn, có quan điểm chính trị và phẩm chất đạo đức tốt, theo kịp trình độ khu vực thì mới phát huy hết các thế mạnh hiện có trong tay.

Thành ủy TP.HCM xác định hằng năm phải thường xuyên rà soát quy hoạch cán bộ, từ nay đến cuối năm tập trung sắp xếp lại cán bộ chủ chốt ở một số quận, huyện, sở, ngành và tổng công ty theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 7; xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các lĩnh vực, nhất là cán bộ đứng đầu các cấp ủy, các cơ quan lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2020 - 2025 và 2025 - 2030 ngang tầm với vai trò, vị trí của TP.HCM (tăng cường cả về chất lượng lẫn số lượng, có trình độ chuyên môn, kỹ năng công tác, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức công vụ).

Thực hiện: Quỳnh Mai, Minh Thanh
Kỹ thuật: Ngô Tới

 

Chia sẻ bài viết: